Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa với các giải pháp hỗ trợ khách hàng tại các huyện nghèo vay vốn giúp xóa đói giảm nghèo

ThS. LÊ MINH TRANG (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa (NHNo&PTNT) hoạt động theo hệ thống từ Trung ương tới địa phương, thống nhất mối quan hệ, chỉ đạo, lãnh đạo, và các quy định của Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động tín dụng. Các hoạt động được triển khai một cách tích cực, kịp thời, chính xác, công nghệ ngân hàng hiện đại, áp dụng đồng bộ, từ đó đã hỗ trợ một cách tích cực các đối tượng khách hàng vay vốn tại các huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, nhằm giúp xóa đói giảm nghèo tại tỉnh.

Từ khóa: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, hỗ trợ khách hàng,vay vốn, xóa đói giảm nghèo.

1. Đôi nét về Agribank tỉnh Thanh Hóa

NHNo&PTNT Việt Nam thành lập ngày 26/3/1988, hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng. Đây là ngân hàng thương mại hàng đầu giữ vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn. NHNo&PTNT Việt Nam là ngân hàng lớn nhất toàn quốc tính theo tổng tài sản, mạng lưới hoạt động và số lượng khách hàng. Tính đến tháng 3/2010, tổng vốn điều lệ NHNo&PTNT đạt 20.810 tỷ đồng.NHNo&PTNT thâm nhập sâu rộng nhất vào phân đoạn thị trường khách hàng cá nhân, doanh nghiệp từ nhỏ tới lớn trên địa bàn nông thôn, trong giai đoạn 1988 - 1996, chủ yếu cung cấp tín dụng cho các DNNN theo yêu cầu. Tới thời kỳ 1996 - 2003, NHNo & PTNT như là một cơ quan hỗ trợ phát triển, hướng trọng tâm tới đối tượng là hộ dân nông thôn trên cả nước. Đến năm 2003, Chính phủ chuyển đổi NHNo&PTNT trở thành một ngân hàng thương mại thực thụ khi tách biệt hoạt động cho vay chính sách của ngân hàng phục vụ người nghèo khỏi hoạt động chung của NHNo&PTNT. Từ năm 2003, NHNo&PTNT chuyển giao việc cho vay hộ nghèo cho ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), nhưng vẫn còn thực hiện một số dự án tín dụng do tổ chức quốc tế tài trợ thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), cùng với những chương trình tín dụng trực tiếp khác từ Chính phủ. Ngân hàng NHNo&PTNT Thanh Hóa có tổng cộng 65 chi nhánh và phòng giao dịch được đặt trên 27 huyện của tỉnh. Các chi nhánh và phòng giao dịch tập trung chủ yếu ở Thành phố Thanh Hóa với 12 địa điểm, huyện Quảng Xương 5 địa điểm, huyện Triệu Sơn 4 địa điểm, huyện Nga Sơn 4 địa điểm, huyện Hoằng Hóa 4 địa điểm,...

2. Thực trạng tình hình hỗ trợ khách hàng tại các huyện nghèo vay vốn giúp xóa đói giảm nghèo tại NHNo&PTNTtỉnh Thanh Hóa

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, cả nước có hơn 2,31 triệu hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 9,79% so với tổng số hộ dân cư trên toàn quốc) và hơn 1,24 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỉ lệ 5,27%) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.

Thanh Hóa là một tỉnh lớn về cả diện tích và dân số, đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số trong số các đơn vị hành chính tỉnh trực thuộc Nhà nước. Tỉnh đã và đang đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế cao, ổn định trong thời gian dài, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội có cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, đời sống người dân vùng nông thôn còn khó khăn; chênh lệch về thu nhập giữa thành thị và nông thôn còn lớn. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, xóa đói giảm nghèo tại Thanh Hóa đã được các cấp, các ngành địa phương quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ thực hiện; qua đó, xuất hiện nhiều mô hình, điển hình xóa đói giảm nghèo có hiệu quả… Mặc dù vậy, trong phát triển kinh tế nói chung và công cuộc xóa đói giảm nghèo nói riêng, thành công trong quá khứ chưa đủ để đảm bảo cho thành công trong tương lai, đặc biệt, cuộc chiến chống đói nghèo trong giai đoạn tới đang có nhiều dấu hiệu sẽ trở nên khó khăn.

Trong giai đoạn mới thành lập, NHNo&PTNT Thanh Hóa lựa chọn tập trung vào phân khúc thị trường phía trên, khách hàng là hộ nông dân vay tại NHNo&PTNT Thanh Hóa thường với giá trị khoản vay tương đối lớn và họ thường có thu nhập trên trung bình so với mức sống chung. Tuy vậy, không phải hộ nông dân nông thôn nào cũng tiếp cận tốt với ngân hàng. Hiện nay, NHNo&PTNT Thanh Hóa đa dạng hóa phương thức cho vay giúp hộ nông dân thuận lợi (, dễ dàng khi tiếp cận vốn, áp dụng phương thức cho vay thuận tiện như hạn mức tín dụng: trong mức vay quy định mỗi lần vay không phải làm thủ tục đơn từ; các vùng trồng lúa với 2 vụ liền kề được duy trì nợ vay, không phải trả gốc từng lần... Vì vậy, tính đến tháng 10/2016 NHNo&PTNT Thanh Hóa đã giải quyết cho 1.314 lượt vay, tăng đáng kể so với các năm trước.Chất lượng tín dụng được bảo đảm, tỷ lệ nợ quá hạn ngày càng thấp, đến tháng 10/2016 là 108 triệu đồng đối với hộ sản xuất kinh doanh, hộ nông dân có ý thức trả nợ tốt, nếu gặp khó khăn được ngân hàng gia hạn, khoanh nợ, sau đó khi khôi phục và phát triển trở lại, người vay luôn cố gắng trả nợ, ví dụ điển hình là các trường hợp hộ vay trồng cà phê, cao su, dập dịch cúm gà trong những năm qua.

Đồng thời, NHNo&PTNT Thanh Hóa còn đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn, như: cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất; kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, cho vay đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP…

Bên cạnh cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng (cho vay, tiết kiệm), NHNo&PTNT Thanh Hóa còn cung cấp dịch vụ bảo hiểm đối với các khoản vay (bảo an tín dụng) giúp người vay tránh, giảm rủi ro về kinh tế… Hơn nữa, cán bộ tín dụng của Ngân hàng luôn gần gũi với người dân, có những sự giúp đỡ kịp thời để người dân luôn phát huy được hết khả năng sản xuất - kinh doanh nhằm cải thiện thu nhập và cuộc sống của chính họ.

Chính vì vậy, mô hình tổ vay vốn của Ngân hàng luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ đưa được đồng vốn đến tay bà con nông dân thuận lợi và nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, tránh được “tín dụng đen” hay “cò” tín dụng ở nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, NHNo&PTNT Thanh Hóa còn gặp phải một số tồn tại, như:

- Trình độ nhân sự còn một số bất cập so với yêu cầu đổi mới, tuổi đời bình quân là khá cao;

- Trong tỷ trọng nguồn vốn huy động chủ yếu vẫn là nguồn huy động từ dân cư, nguồn vốn này có đặc điểm là thường biến động khá mạnh vào dịp cuối năm, nguồn thu từ dịch vụ còn thấp, chưa tương xứng với quy mô phát triển của ngân hàng;

- Ngân hàng đầu tư mạnh mẽ về nhân lực, vật lực để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhưng công tác tuyên truyền quảng bá thương hiệu chưa tương xứng với một ngân hàng hàng đầu trên địa bàn hoạt động.

3. Giải pháp

Để làm tốt mục tiêu đã đề ra, NHNo&PTNT tỉnh Thanh Hóa cần tập trung vào một số biện pháp chính sau:

- Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, nâng cao công tác tuyên truyền, mỗi cán bộ Ngân hàng là một tuyên truyền viên để truyền tải các chính sách về tín dụng, ngân hàng tới mọi thành phần kinh tế, để mọi người dân hiểu và sử dụng.

- Tổ chức tốt các điểm giao dịch tại các cụm xã để bà con nông dân thuận lợi trong việc giao dịch với Ngân hàng. Dùy trì thường xuyên lịch sinh hoạt tổ vay vốn, giao ban tổ vay vốn để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, nâng cao chất lượng tín dụng.

- Phối hợp vốiHội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữđể quản lý tốt các tổ vay vốn và phát triển thêm nhiều hội viên tham gia vào tổ vay vốn.

- Trên cơ sở các mô hình sản xuất giỏi, các trang trại trong năm 2015, 2016, Agribank Thanh Hóa cần tiếp tục tìm kiếm các mô hình tốt, các trang trại, Hợp tác xãđể tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ về vốn để phát triển thành các mô hình liên kết trong nông nghiệp từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

- Triển khai thật tốt, thật hiểu quả NĐ 55/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách Tín dụng phát triển Nông nghiệp Nông thôn và các chính sách của Agribank, đặc biệt là mở rộng cho vay theo Hạn mức tín dụng đối với Hộ gia đình theo QĐ 889/QĐ- HĐV của Hội đồng thành viên Agribank. Đây là sở để nâng mức đầu tư và luôn chuyển vốn hợp lý cho bà con nông dân.

- Làm tốt công tác phục vụ khách hàng tại quầy giao dịch để cùng với huyện thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư vào huyện có môi trường thanh toán, môi trường Ngân hàng tốt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Lê Kiên Cường (2013), Tài chính vi mô hỗ trợ xóa đói giảm nghèo tại tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, Luận án tiến sĩ kinh tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế Quản lý Trung ương, Hà Nội.

2. Lê Việt Phương (2012), Tác động của tài chính vi mô đến khả năng thoát nghèo của hộ gia đình nghèo tại huyện Bình Chánh, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh.

3. Nguyễn Thị Hoa, 2009, “Hoàn thiện chính sách xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam đến năm 2015”, Luận án tiến sĩ.

4. Nguyễn Trọng Hoài và cộng tác viên, 2005. Nghiên cứu ứng dụng các mô hình kinh tế lượng phân tích các nhân tố tác động đến nghèo đói và đề xuất xóa đói giảm nghèo ở các tỉnh Đông Nam bộ, đề tài cấp Bộ, Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, mã số B2004-22-60TĐ.

5. Nichols S., 2004. A Case Study Analysis of the Impacts of Microfinance upon the Lives of the Poor in Rural China, School of Social Science and Planning RMT University.

6. Trần Lan Phương, 2016, Hoàn thiện công tác quản lý tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Ngân hàng, Hà Nội.

7. Ukeje, E. U. (2005), “Poverty Reduction Through Micro Financing: The Case of Uganda”. CBN Bullion, Số. 30, Tập. 3, tr. 52-63.

AGRIBANK OF THANH HOA PROVINCE

HELP ELIVIATING POVERTY

MA. LE MINH TRANG

Faculty of Banking and Finance - University of Industrial

Economics and Technology

ABSTRACT:

Agribank Thanh Hoa operates from the central to local level, under the regulations of the State Bank of Vietnam. The activities have been deployed accurately and timely by applying modern banking technology synchronously, hence actively supporting borrowers in the poor districts of Thanh Hoa to reduce poverty in the province.

Keywords: Agribank, customer support, loans, poverty reduction.