Sản xuất công nghiệp
Hoạt động sản xuất tại một nhà máy ở Việt Nam. Việt Nam được Ngân hàng Thế giới nhận định là quốc gia duy nhất trong số các nền kinh tế lớn thuộc khối ASEAN ghi nhận mức sản lượng trong năm nay vượt ngưỡng trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra (Ảnh: AFP)

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ đạt 5,6%, cao hơn 1,5% so với dự báo được đưa ra hồi tháng 1/2021. Đây là tốc độ phục hồi hậu suy thoái mạnh nhất của nền kinh tế thế giới trong vòng 80 năm.

Trong đó, dự báo nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ bùng nổ và dẫn dắt đà phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm nay với mức tăng trưởng 6,8%, tăng 3% so với mức dự báo hồi tháng 1/2021. Đây cũng là mức cao chưa từng thấy trong hàng chục năm trở lại đây đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Trong khi đó, Trung Quốc được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 8,5% trong năm nay.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cảnh báo đà phục hồi kinh tế diễn ra không đồng đều trên toàn cầu và bị kìm hãm bởi việc phân phối không đồng đều và khó khăn trong việc tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 đối với nhiều nền kinh tế. Đà phục hồi kinh tế mạnh sẽ chỉ tập trung tại một số nền kinh tế lớn; trong khi đó, phần lớn các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi (EMDEs) sẽ có mức phục hồi thấp hơn.

Ngân hàng Thế giới dự báo khoảng 90% các nền kinh tế phát triển trên thế giới sẽ ghi nhận mức thu nhập bình quân đầu người đạt mức như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2022 nhưng chỉ có khoảng 30% các nền kinh tế EMDEs đạt được điều tương tự.

Thậm chí, tại các nước nghèo, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đã xoá sạch thành quả giảm đói nghèo và an ninh lương thực của nhiều năm qua và sẽ cần nhiều thời gian để có thể phục hồi trở lại.

Triển vọng tăng trưởng của khoảng 40% số nền kinh tế EMDEs đã được Ngân hàng Thế giới điều chỉnh giảm. Nếu không tính đến sự phục hồi mạnh Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mức tăng trưởng trung bình của nhóm EMDEs sẽ chỉ đạt 4,4%.

Trong số các nền kinh tế lớn của khu vực ASEAN, Việt Nam được nhận định là quốc gia duy nhất sẽ ghi nhận sản lượng vượt mức trước khi đại dịch xảy ra trong năm nay nhờ khống chế thành công sự lây lan của dịch bệnh, các chính sách tài khoá phù hợp giúp hỗ trợ đầu tư công và đón nhận các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo Ngân hàng Thế giới, triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều bất ổn, bao gồm các rủi ro về sự lây lan của đại dịch Covid-19 và rủi ro tài chính khi gánh nặng nợ tăng vọt tại nhiều nền kinh tế. Nhiều nền kinh tế hiện đối mặt với việc cân bằng giữa duy trì đà phục hồi tăng trưởng kinh tế, kiểm soát đà tăng giá cả cũng như giữ các chính sách tài khoá ổn định.  

Đà tăng mạnh của giá nhiều loại hàng hoá trên toàn cầu đang gia tăng áp lực lạm phát tại nhiều nền kinh tế EMDEs và khiến các lựa chọn chính sách tiền tệ của các quốc gia này trở nên khó khăn hơn. Ngân hàng Thế giới khuyến cáo các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế EMDEs cần thực thi các biện pháp nhằm củng cố lòng tin của thị trường, qua đó giúp ngăn chặn kỳ vọng lạm phát tăng lên.  

Chuyên gia kinh tế học cấp cao Ayhan Kose của Ngân hàng Thế giới nhận định phải sau năm 2023, hầu hết các nền kinh tế mới trở lại mức tăng trưởng như trước khi đại dịch bùng phát và điều đặc biệt quan trọng với nền kinh tế toàn cầu hiện nay là tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cần phải thực hiện thật nhanh và mọi nơi.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ còn ở mức cao hơn, đạt tới 5% thay vì 4,3% như dự báo hiện nay nếu như việc phân phối vaccine được thúc đẩy, theo ông Ayhan Kose.