Ngân hàng Trung ương Châu Âu có thể tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde vừa cho biết cơ quan này vẫn chưa hết dư địa để hỗ trợ nền kinh tế Châu Âu và có thể tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế nếu cần thiết.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde
Chủ tịch ECB Christine Lagarde khẳng định cơ quan này vẫn còn dư địa để tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ nền kinh tế Châu Âu (Ảnh: Bloomberg)

Tại buổi họp chung giữa Quốc hội Vương quốc Anh và Quốc hội Pháp, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết mặc dù nền kinh tế Châu Âu đã có dấu hiệu phục hồi trong quý 2 vừa qua nhưng quá trình phục hồi này không đồng đều và chưa hoàn chỉnh. Bà Christine Lagarde cho biết ECB đang tập trung theo dõi sự gia tăng của đồng EUR và tác động của việc này đối với lạm phát trong khu vực.

Chủ tịch ECB khẳng định cơ quan này vẫn còn nhiều nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế và có những phương án phù hợp cho các tình huống cần thiết. Bà Christine Lagarde nhấn mạnh “Chúng tôi (ECB) sẽ tiếp tục dùng chính sách tiền tệ, bằng cách điều chỉnh những chính sách hiện tại hoặc đưa ra những cơ chế mới”.

Bà Christine Lagarde phát biểu trong bối cảnh các nhà kinh tế học kỳ vọng ECB sẽ tăng quy mô chương trình mua trái phiếu trị giá 1.350 tỷ EUR (tương đương 1.580 tỷ USD) nhằm thúc đẩy đà phục hồi kinh tế và kéo lạm phát tại Châu Âu tăng lên. Trong ngày 21/9, Ngân hàng Trung ương Đức đã dự báo tốc độ phục hồi kinh tế của Đức – nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) sẽ giảm xuống trong năm nay. Trong thời gian gần đây, ECB đã nhấn mạnh việc sẵn sàng hỗ trợ khu vực Eurozone.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát biểu: "Liệu ECB đã dùng đến phương án cuối cùng chưa? Chưa. Chúng tôi vẫn có thể tìm cách giúp đỡ các nền kinh tế". Theo bà Christine Lagarde, gói kích thích của ECB đã giúp ổn định thị trường, bảo vệ nguồn cung tín dụng và hỗ trợ kinh tế phục hồi, qua đó giúp lạm phát quay về mục tiêu là gần 2%. Tuy nhiên, việc nâng lạm phát lên mức mục tiêu hiện là một chặng đường dài. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Châu Âu trong tháng 8/2020 đã giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. ECB cho rằng lạm phát bình quân sẽ ở mức 1% trong năm tới, và 1,3% năm 2022.

Việc đồng EUR tăng mạnh lên mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây đã gây sức ép lên lạm phát và khiến các nhà điều hành kinh tế Châu Âu rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Bà Christine Lagarde cho biết việc đồng EUR tăng giá đang ảnh hưởng đến các chính sách của ECB.

"Chúng tôi đang theo sát sự mạnh lên của đồng euro. Để quyết định chính sách tiền tệ, chúng tôi cân nhắc cả đồng euro, giá cả và lạm phát", bà Christine Lagarde phát biểu.

Quang Đặng (Theo Bloomberg)