Ngành Công Thương Thái Bình: Bước chuyển mình mạnh mẽ

Trong xu thế đổi mới, Thái Bình đã có những đổi thay ấn tượng, chuyển mình mạnh mẽ để trở thành tỉnh có ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng.

Để có được những thành quả hôm nay, ngay từ những năm 2000, cả Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước đây, cả tỉnh Thái Bình có 82 làng nghề nhỏ, đến nay đã phát triển lên 247 làng nghề như: Nghề may, da giày, thêu ren, mỹ nghệ, dệt, mây tre đan, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Tỉnh đã quy hoạch được 6 khu công nghiệp (KCN) và đang dự kiến quy hoạch thêm 5 khu nữa, cùng nhiều cụm công nghiệp (CCN) ở các huyện. Tỉnh đang tích cực kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, đẩy mạnh chính sách tích tụ ruộng đất.

Tỉnh Thái Bình cũng đã nỗ lực cải cách hành chính, nỗ lực tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư. Tính đến tháng 9/2017, Thái Bình đã thu hút được 972 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 121.400 tỷ đồng. Trong đó có 524 dự án đã đi vào hoạt động như Nhà máy Sợi Dam san II, Nhà máy Sản xuất Amonitrat; Nhà máy Sản xuất dây cáp điện Ô tô Yazaky; Nhà máy Bia Hà Nội, Bia Hương Sen mở rộng, may Maxport có đóng góp tích cực vào tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Có 72 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 525 triệu USD, trong đó có 58 dự án đã đi vào hoạt động. Tạo việc làm cho khoảng 112.000 lao động, giá trị sản xuất trong KCN, CCN chiếm trên 55% giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh. Bên cạnh đó, nghề và làng nghề được duy trì, phát triển, một số làng nghề được phục hồi. Lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và kinh doanh dịch vụ thương mại, hoạt động sản xuất, nhập khẩu tăng trưởng khá cao; Kết cấu hạ tầng thương mại được quan tâm chỉ đạo đầu tư xây dựng và nâng cấp, đã có 104 chợ nông thôn được đầu tư xây mới, cải tạo và nâng cấp, của các xã trong tỉnh.

Từ những thành quả đạt được, trong thời gian tới, ngành Công Thương Thái Bình sẽ tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp gắn liền với xây dựng các công trình xử lý chất thải tập trung tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu từ. Khuyến khích thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất máy công nghiệp; công nghiệp điện - điện tử, cơ khí, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, công nghiệp hóa chất, công nghiệp sạch sử dụng ít năng lượng. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tiếp tục đầu tư chiều sâu, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng cũng như đẩy mạnh quá trình sắp xếp lại sản xuất.

Song song đó, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, đi đôi với đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, gắn với phát triển nhiều loại hình kinh doanh và phương thức kinh doanh hiện đại; Xây dựng mạng lưới kinh doanh đồng bộ, phát triển thương hiệu sản phẩm, củng cố và phát triển thị trường tiêu thụ trong nước, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng là nhiệm vụ được tỉnh chú trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), sản xuất thử nghiệm sản phẩm từ kết quả nghiên cứu, dịch vụ khoa học và công nghệ phục vụ. Đặc biệt là tích cực tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, áp dụng các biện pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh.

 Một số chỉ tiêu đạt được tính đến hết tháng 9/2017

- Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 32.488 tỷ đồng, đạt 67,3% kế hoạch, tăng 13,8% so với cùng kỳ.

- Giá trị sản xuất khu dịch vụ đạt 17.575 tỷ đồng, đạt 68,5% kế hoạch, tăng 8,9% so với cùng kỳ.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 26.938 tỷ đồng, đạt 72,6% kế hoạch, tăng 12,35 so với cùng kỳ.

- Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 961 triệu USD, đạt 68,9% kế hoạch.




Hoàng Dương