Ngành da giày nâng cao tỷ lệ nội địa hóa

Để tận dụng triệt để cơ hội từ bối cảnh mới và việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cụ thể là các FTA mà Việt Nam đã ký kết và thực thi như EVFTA hay CPTPP, trong khoảng 10 năm gần đây, công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất da giày đã phát triển mạnh mẽ hơn với đà tăng trưởng tích cực.

Năm 2020, ngành da giày đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhất là khi các nước là thị trường xuất khẩu lớn của ngành da giày như Mỹ và EU (thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 36% và 27% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam) tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. 

Bước sang năm 2021, ngành da giày có tín hiệu phục hồi vào những tháng đầu năm thì đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng, tạm ngừng sản xuất trong khi chi phí tăng cao, nguồn lao động không đảm bảo. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ cuối tháng 9 đến hết tháng 11/2021, việc phục hồi sản xuất trong điều kiện “bình thường mới” đã góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 17,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, với các lợi thế truyền thống về nhân công, môi trường chính trị, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương thì việc kiểm soát tốt dịch bệnh được dự báo sẽ mang lại ưu thế lớn giúp doanh nghiệp Việt Nam đón nhận được nhiều đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia khác, góp phần đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu da giày năm 2021 đạt 20 tỷ USD.

Đặc biệt, với Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được thông qua mới đây, các chuyên gia cho rằng ngành da giày Việt Nam có cơ hội phục hồi và bứt phá trong năm 2022 khi các doanh nghiệp dần mở cửa và tăng sản lượng sản xuất trở lại, xét đến mức tăng trưởng xuất khẩu tích cực sang những thị trường khó tính nhất của năm 2021.

Để tận dụng triệt để cơ hội từ bối cảnh mới và việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cụ thể là các FTA mà Việt Nam đã ký kết và thực thi như EVFTA hay CPTPP, trong khoảng 10 năm gần đây, công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất da giày đã phát triển mạnh mẽ hơn với đà tăng trưởng tích cực. Tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày ở mức khoảng 40% vào vài năm trước nay đã nâng lên mức 55%. Đặc biệt, đối với những mặt hàng giày xuất khẩu chủ lực tỷ lệ nội địa hóa đã tăng mạnh, như giày vải Việt Nam đã chủ động đến gần 90% nguyên phụ liệu, trong khi mặt hàng giày xuất khẩu sang EU nhiều nhất là giày thể thao tỷ lệ nội địa hóa cũng ở mức 70-80%. Nhờ vậy, ngành da giày có lợi thế lớn trong vượt qua hàng rào quy tắc xuất xứ, tận dụng ưu đãi thuế quan trong các FTA.

Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.

Riêng với lĩnh vực da giày, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp nguyên vật liệu và phụ liệu trong nước của ngành da giày đạt 75 - 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu. Con số này đặt ra thách thức không nhỏ với ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng vẫn khả thi nếu như doanh nghiệp nắm bắt tốt hơn xu hướng tiêu dùng và xu thế thời trang toàn cầu, có kế hoạch mở rộng đầu tư và phát triển những loại nguyên phụ liệu, vật liệu mới phục vụ các ngành hàng xuất khẩu. Đặc biệt, xu hướng phát triển bền vững đang chi phối ngành thời trang thế giới ngày càng tác động đến chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu dệt may, da giày, khi các nhãn hàng yêu cầu cao hơn về thực hiện mục tiêu bền vững trong quá trình sản xuất của các nhà cung cấp. 

Là quốc gia sản xuất và xuất khẩu da giày lớn thứ 2 thế giới, rõ ràng dư địa cho Việt Nam tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu sau đại dịch là còn rất lớn, nhưng để gia tăng cả lượng và trị giá của sản phẩm cần kịp thời có các chính sách phù hợp, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, tăng cường thu hút đầu tư đối với các dự án phát triển vật liệu xanh, các dự án nguyên phụ liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ hiện đại trong thời gian tới.

Thy Thảo