Ngành Tài chính - Ngân hàng trước làn sóng Fintech trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

TRẦN HOÀNG TRÚC LINH (Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc trưng ứng dụng thông minh trên cơ sở trao đổi dữ liệu liên tục và tự động hóa linh hoạt, tích hợp nhiều chức năng, công nghệ mới và sự đổi mới sáng tạo trên diện rộng được khuếch tán nhanh hơn so với những cuộc cách mạng trước, đem đến các sản phẩm, dịch vụ, cũng như giá trị hoàn toàn mới, tác động sâu rộng tới mọi ngành nghề, đặc biệt trong ngành Tài chính - Ngân hàng. Trong cuộc cách mạng này, ứng dụng rộng rãi công nghệ mới mang tính đột phá, biểu hiện rõ nét trong ngành Dịch vụ tài chính là làn sóng Fintech đang dần thay đổi hành vi của người tiêu dùng, khuynh hướng quản lý thân thiện và đổi mới, sáng tạo và hướng nhiều hơn đến bảo vệ người tiêu dùng… là xu hướng chủ đạo làm thay đổi diện mạo ngành Tài chính - Ngân hàng trong khu vực và trên thế giới. Bài viết này nhằm phân tích các cơ hội và thách thức của ngành Tài chính - Ngân hàng trong nền công nghiệp 4.0 trước làn sóng Fintech và sau đó là các kiến nghị và giải pháp cho những hạn chế đang còn hiện hữu.

Từ khóa: Tài chính, ngân hàng, Fintech, cách mạng công nghiệp 4.0.

1. Tác động tích cực của làn sóng Fintech đến ngành Tài chính - Ngân hàng

Tác động của cách mạng công nghệ số đến sự phát triển của hệ thống ngân hàng (NH) ngày càng rõ nét với việc xuất hiện của hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đổi mới sáng tạo, cũng như sự ra đời các kênh phân phối dịch vụ ngân hàng mới dựa trên nền tảng công nghệ tài chính (Fintech). Điều này mang lại cho các tổ chức tài chính, ngân hàng những cơ hội để thay đổi.

Được phát triển trên nền tảng công nghệ hiện đại, Fintech có thể giải quyết tính thiếu hiệu quả của các sản phẩm, dịch vụ tài chính truyền thống vốn bị giới hạn về thời gian, không gian, cũng như quy trình, thủ tục giao dịch phức tạp... thay vì phải tới các chi nhánh của ngân hàng để thực hiện hàng loạt các thủ tục rườm rà, công nghệ di động đã làm chuyển dịch nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng sang các kênh giao dịch trực tuyến và điện thoại di động thông minh. Đồng thời, Fintech đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính tới bộ phận người dân vốn trước đây chưa có tài khoản ngân hàng hoặc khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính truyền thống.

Nhận thức được lợi ích tiềm tàng của Fintech đối với thúc đẩy đổi mới, cạnh tranh, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng, tăng cường an toàn bảo mật trong ngành Ngân hàng và thúc đẩy phổ cập tài chính ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN Việt Nam) đã chủ động tiếp cận những vấn đề liên quan đến Fintech hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech vào tháng 3/2017, với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, hài hòa của hệ thống ngân hàng, cũng như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech, phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ Việt Nam.

Theo thống kê của Công ty Tư vấn Solidiance, Việt Nam hiện có khoảng 70 fintech đang hoạt động, với 29 trung gian thanh toán đã được NHNN cấp phép cung ứng ví điện tử.

Hình 1: 67 công ty Fintech hoạt động tại Việt Nam, thống kê bởi EY

67 công ty Fintech hoạt động tại Việt Nam, thống kê bởi EY

Với tỷ trọng doanh thu khoảng 14,59% trong Bảng Xếp hạng VNR500 năm 2019, năm 2018 - 2019 được đánh giá là giai đoạn “tăng trưởng theo cách thức mới” của ngành Ngân hàng Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2018 thấp hơn so với các năm trước (khoảng trên 30% trong những năm 2000), đạt mức 14%. Tín dụng tăng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất huy động, tiền gửi tăng hợp lý và tỷ giá biến động không lớn, thể hiện sự chủ động và linh hoạt trong điều hành và thực thi chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam. Những tín hiệu đáng mừng từ hoạt động của ngành Ngân hàng trong thời gian qua là tiền đề cho tiềm năng phát triển trong giai đoạn 2019 - 2020 và các năm kế tiếp. Cùng với tác động tích cực từ xu thế chuyển đổi số, ngành Ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng theo hướng hiện đại hơn, nhằm mang đến những trải nghiệm mới mẻ và tiện ích hơn cho khách hàng thông qua sự kết hợp với các công ty Fintech.

Nếu cách đây vài năm, việc thanh toán trên Internet banking vẫn còn là một khái niệm xa lạ thì hiện nay đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người, đặc biệt là giới văn phòng đang sinh sống tại các thành phố lớn. Trong một vài năm trở lại đây, khi có sự bùng nổ của Fintech, nhiều giải pháp thanh toán được cho ra đời trên nền tảng công nghệ số.

Trào lưu này giúp xu hướng thanh toán di động ngày càng trở nên tiện lợi và phổ biến hơn tại Việt Nam. Kéo theo đó là một cuộc đua ngầm nhưng không kém phần khốc liệt giữa các ngân hàng bán lẻ trong việc liên kết, ứng dụng công nghệ để cho ra mắt các tính năng mới nhằm gia tăng tiện ích với khách hàng.

Tại Việt Nam, không khó để có thể trải nghiệm các tính năng thanh toán di động trên nền tảng công nghệ số, ví dụ như các khách hàng của các ngân hàng dễ dàng trải nghiệm tính năng thanh toán bằng QR - code hay Samsung Pay, 2 hình thức thanh toán đang được ưa chuộng hiện nay. Theo đó, các khách hàng sử dụng điện thoại Samsung chỉ cần vài cái “chạm” trên máy là có thể hoàn tất thanh toán tại hàng nghìn điểm mua sắm, từ trung tâm mua sắm, cửa hàng bán lẻ đến nhà hàng, khách sạn…

So với những hình thức thanh toán truyền thống, phương thức thanh toán bằng thẻ qua Samsung Pay chạy độc lập, không cần Internet, 3G hay wifi nên rất thuận tiện, có thể thanh toán bất cứ đâu mà không cần mang theo tiền mặt, ví hoặc các loại thẻ bên người. Ngoài việc tiện lợi, giải pháp thanh toán bằng thẻ qua ứng dụng Samsung Pay còn rất an toàn bởi mọi thông tin của thẻ sẽ được mã hóa thành một dãy số riêng (đảm bảo không thể sao chép hay truy ngược lại số thẻ gốc). Song song đó, để hoàn tất thanh toán, các chủ thẻ cần nhập mật mã điện thoại, đăng nhập ứng dụng và xác nhận giao dịch thông qua mật mã (được cá nhân hóa qua mống mắt, vân tay hoặc mã PIN) để xác nhận. Các khách hàng không dùng điện thoại Samsung sẽ được hỗ trợ bởi một “vũ khí” lợi hại khác là tính năng M-QR tích hợp sẵn trong ứng dụng Ngân hàng di động (Mobile Banking).

Fintech đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sự trải nghiệm, bởi sẽ giúp cho ngân hàng rất nhiều trong việc tăng độ nhanh và chính xác khi phục vụ khách hàng.

Việc nỗ lực đưa đến các giải pháp Fintech cũng như bắt tay với các đối tác Fintech, phát triển thêm nhiều tính năng dựa trên nền tảng công nghệ số đang định hướng chiến lược của nhiều ngân hàng nhằm tạo nên lợi thế cạnh tranh, thu hút ngày càng nhiều khách hàng tham gia.

2. Những khó khăn ngân hàng thương mại Việt Nam đang đối mặt hiện nay

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ mới cũng mang đến những rủi ro tiềm ẩn đối với cả ngân hàng và khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ Fintech, đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý, đặc biệt là việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực này để theo kịp những thay đổi mạnh mẽ của công nghệ.

Các chuyên gia tham gia khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đều nhận định, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất sẽ vẫn là những vấn đề tâm điểm các ngân hàng cần quan tâm trong quá trình hoạt động, đặc biệt là vấn đề rủi ro tín dụng.

Hiện nay, tăng trưởng tín dụng cao và chuyển đổi sang đối tượng khách hàng cá nhân thay vì bất động sản nên tăng trưởng được đánh giá là đỡ “nóng” và rủi ro. Tín dụng tiêu dùng tăng cao cũng đồng nghĩa với tình trạng gian lận và giả mạo thông tin để đi vay tiêu dùng trở nên phổ biến, trong khi đó độ phủ thông tin tín dụng tại Việt Nam còn thấp dẫn đến việc ngân hàng và các TCTD gặp rất nhiều khó khăn khi ra quyết định cho vay.

Trong bối cảnh cho vay tín chấp gia tăng mạnh, cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, những ngân hàng đẩy mạnh mảng kinh doanh này có nguy cơ gặp phải những rủi ro tiềm ẩn, chưa kể đến những quan ngại cho rằng tín dụng bất động sản đang ẩn dưới tín dụng tiêu dùng.

Ngành Tài chính đang đối mặt với những thay đổi lớn do các thành tựu công nghệ mang lại. Trong tương lai gần, các ứng dụng công nghệ sẽ thu hẹp khoảng cách giữa ngân hàng và người dùng, tự động hóa các dịch vụ tín dụng, đặc biệt là các dịch vụ tài chính tiêu dùng cá nhân, tạo nên sự cạnh tranh lớn trong khối ngân hàng.

Nằm trong nhóm các quốc gia đang phát triển, Việt Nam vẫn đang ở những bước đầu phát triển dịch vụ tài chính trên di động và thị trường còn rất nhiều tiềm năng để khai thác đối với các dịch vụ ngân hàng ứng dụng công nghệ cao.

Thời gian qua, nắm bắt được xu thế, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã tập trung đầu tư vào công nghệ nhằm thay đổi hệ thống quản lý, dịch vụ phục vụ khác hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh trong cuộc CMCN 4.0.

Vietnam Report cho biết, 93% ngân hàng phản hồi khảo sát của Vietnam Report cho biết hiện đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số (Internet Banking, Mobile Banking…); 80% cho biết đang số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng và thu hút lao động trong lĩnh vực công nghệ cao và CNTT.

Trên thực tế, các ngân hàng trong Top 10 cũng đang tiếp cận và gia tăng ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh như Vietcombank với không gian ngân hàng số Digital Lab, VP Bank với ứng dụng Timo, Vietinbank đầu tư ứng dụng dữ liệu lớn với Dự án Kho dữ liệu Doanh nghiệp (EDW) hay MB hợp tác với Infosys, Amigo triển khai Data Warehouse…

Bên cạnh đó, Fintech (các tổ chức với lợi thế công nghệ đã phát triển các giải pháp công nghệ mới với kỳ vọng phối hợp với ngân hàng, tổ chức tài chính nhằm cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thuận tiện với nhu cầu khách hàng) cũng là một ví dụ điển hình về tác động của làn sóng ứng dụng công nghệ lên tài chính.

Rủi ro về sự cạnh tranh trực tiếp là rất rõ rệt: 87,5% chuyên gia ngành Tài chính - Ngân hàng đánh giá “Sự trỗi dậy của các công ty Fintech hiện nay đang là thách thức với đối với hệ thống ngân hàng nói riêng và ngành Tài chính nói chung”.

Khó khăn lớn nhất trong sự hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech mà gần 90% chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định là vấn đề bảo mật thông tin. Khi ngân hàng và các công ty Fintech bắt tay hợp tác, khó khăn nằm ở sự đồng thuận để chia sẻ thuật toán giữa hai bên và làm sao để bảo vệ được thông tin dữ liệu ngân hàng đã xây dựng qua nhiều năm. Ngoài ra, để sự phối hợp giữa hai bên được suôn sẻ cũng yêu cầu trình độ và khả năng hấp thụ công nghệ của nền kinh tế, ngành Ngân hàng và cả người dân cũng đang trở thành thách thức lớn.

Về phía khảo sát người tiêu dùng, phần lớn người dùng cũng đánh giá vấn đề bảo mật của ngân hàng cần quan tâm hàng đầu, nhằm cải thiện uy tín của ngân hàng trên truyền thông (78,95%); kế tiếp là gia tăng các tiện ích cung cấp cho khách hàng trên nền tảng công nghệ số (70,18%) và đồng bộ hóa các kênh giao dịch từ Internet Banking, Mobile Banking, ATM đến quầy giao dịch (68,42%).

3. Giải pháp cho các vấn đề đang tồn tại trước làn sóng Fintech

Thứ nhất, tăng cường quản trị, nâng tầm hiệu quả quản lý để tồn tại và phát triển: Tại nhiều quốc gia khác, các cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) đã được đưa ra. Mới đây, NHNN Việt Nam đang tích cực nghiên cứu xây dựng Đề án áp dụng cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng hướng tới đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho sự phát triển của Fintech, dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Trước tình hình thị trường tài chính - ngân hàng trong thời gian qua, các chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng và xử lí nợ xấu đang đi khá đúng hướng, bước đầu gặt hái một số thành quả. Hầu hết các chuyên gia tham gia khảo sát đều khẳng định Chính phủ nên tiếp tục kiên trì với đường lối thận trọng, có kiểm soát như hiện nay; tuy nhiên cần phát triển chính sách trên cơ sở tầm nhìn dài hạn hơn, có tính kỉ luật và triệt để hơn, cần hoàn thiện hơn nữa về cơ chế chính sách, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực Fintech và phổ cập tài chính trong thời gian tới.

Thứ hai, vấn đề tăng cường quản trị, quản lý tại các ngân hàng cần được ưu tiên hàng đầu: Các NHTM Việt Nam cần đặt ra các giai đoạn quản trị cho quá trình phát triển của mình, đồng thời gắn chiến lược phát triển này với định hướng phát triển chung của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, NHNN hay Chính phủ mới kiểm soát được tình trạng chung ở cả hệ thống và đưa ra mục tiêu phù hợp.

Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ và các sản phẩm công nghệ không ngừng được đổi mới và du nhập vào thị trường, chú trọng thúc đẩy hợp tác giữa thị trường tài chính và các công ty Fintech cần đảm bảo tính minh bạch, hoàn thiện khuông khổ pháp lí hiện hành, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng nguồn lao động tại các tổ chức tài chính trung gian, đặc biệt là các NHTM để theo kịp những thay đổi và phát triển của công nghệ.

Ngành Ngân hàng chỉ đạt được bước tiến mạnh mẽ khi chính mỗi cá thể trong ngành cải cách và vươn lên theo kịp những bước tiến nhanh chóng của công nghệ. Không ngừng hoàn thiện, đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu và giữ vững đạo đức nghề nghiệp chính là những nền tảng cơ bản, hòa cùng với các chính sách, chủ trương đúng đắn để tạo dựng một hệ thống ngân hàng Việt Nam uy tín hơn và vươn xa hơn.

  1. Kết luận

Trong nền kinh tế toàn cầu, tầm quan trọng của việc đổi mới cũng như sử dụng rộng rãi công nghệ đã làm thay đổi hoạt động kinh doanh ngân hàng trên toàn thế giới. Công nghệ tài chính (Fintech) trở thành một phần không thể thiếu của ngân hàng. Ngày nay, các ngân hàng đã bắt đầu cạnh tranh vượt ra ngoài các dịch vụ tài chính cùng với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các tổ chức phi tài chính cung cấp; ví dụ như dịch vụ thanh toán (Romanova, I. and Kudinska, M., 2016). Các nhà cung cấp dịch vụ khởi nghiệp, công cụ tìm kiếm và mạng xã hội đã mở rộng dịch vụ của họ, can thiệp vào các lĩnh vực truyền thống được bao phủ bởi các ngân hàng. Sự gia tăng nhanh chóng của Fintech đã thay đổi cục diện kinh doanh trong ngân hàng yêu cầu các giải pháp sáng tạo hơn. Các NHTM Việt Nam cần đặt ra các giai đoạn quản trị cho quá trình phát triển của mình, đồng thời gắn chiến lược phát triển này với định hướng phát triển chung của nền kinh tế.

Chính phủ nên tiếp tục kiên trì với đường lối thận trọng, có kiểm soát như hiện nay. Tuy nhiên cần phát triển chính sách trên cơ sở tầm nhìn dài hạn hơn, có tính kỷ luật và triệt để hơn. Về phía các ngân hàng, vấn đề tăng cường quản trị, quản lý cần được ưu tiên hàng đầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Mai Lan (2018), “Làn sóng Fintech và cách mạng công nghiệp 4.0 liệu có làm khó ngành ngân hàng?”, Báo Diễn đàn doanh nghiệp.
  2. Românova, I. and Kudinska, M. (2016), "Banking and Fintech: A Challenge or Opportunity?", Contemporary Issues in Finance: Current Challenges from Across Europe (Contemporary Studies in Economic and Financial Analysis, Vol. 98), Emerald Group Publishing Limited, pp. 21-35.
  3. Sbv.gov.vn (2018), “Toạ đàm về công nghệ tài chính và cách mạng công nghiệp 4.0”, Công thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
  4. Vietnam Report (2019), “Xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019”, Vietnam Report.

IMPACTS OF THE FINTECH WAVE

ON THE FINANCIAL AND BANKING SECTOR

•TRAN HOANG TRUC LINH

Facultty of Finance and Banking,

Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

Industry 4.0 with smart application features based on the continuous exchange of data and the integration of various functions and new technologies has brought completely new products, services and values, profoundly impacting on all industries, especially in the financial - banking sector. In this industrial revolution, the Fintech wave has significant impacts with groundbreaking technologies on the financial services sector. The Fintech wave has gradually changed consumer behavior and has become a major trend that dramatically changes the financial services and banking sector in the world. This study is to analyze the opportunities and the challenges which are brought by the Fintech wave of the Industry 4.0 to the banking and finance sector. The study also proposes some solutions for existing constraints of the banking and finance sector.

Keywords: Finance, banking, Fintech, Industry 4.0.