Ngày Xuân nghĩ về một ngành kinh tế tràn đầy sức xuân

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán này, theo thông lệ hàng năm, những người làm báo kinh tế chúng tôi lại quây quần bên bàn trà Xuân, cùng nhau chia sẻ ý nghĩ về một ngành kinh tế đầy triển vọng, mang sức Xuân nhất trong năm Kỷ Hợi 2019.

Ấy là chúng tôi muốn nói đến bán lẻ, một ngành kinh tế mới được Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thông qua cuộc khảo sát lấy ý kiến các doanh nghiệp công bố nằm trong Top 5 ngành triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong 3 năm tới. Nhiều hãng nghiên cứu thị trường như A.T. Kearney; Kantar WorldPanel; AC. Nielsen; Savills… đều cho rằng Việt Nam nằm trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là năm 2018 và những năm tiếp theo. Năm 2018 nhờ vào sự tăng trưởng niềm tin về triển vọng việc làm và tình trạng tài chính cá nhân, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã đạt mức cao nhất trong thập kỷ qua - giúp Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 trong thước đo niềm tin người tiêu dùng trên thế giới, theo số liệu mới nhất được thực hiện bởi The Conference Board® và Nielsen, một công ty đo lường hiệu quả kinh doanh toàn cầu.

Quả thực, 2018 là thời khắc đáng chú ý nhất khi thị trường nước ta hội tụ đầy đủ các điều kiện “cần” và “đủ” cho ngành hàng bán lẻ bùng nổ. Điều kiện “cần” bao gồm tốc độ kinh tế tăng trưởng ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng, dân số tăng trưởng đều, trong đó dân số trẻ trí thức và xu hướng sống tự lập chiếm tỷ trọng lớn. Điều kiện “đủ” có 2 nhân tố chính . Một là sự hiện diện dày đặc của hàng loạt các nhà phân phối. VinMart+ với 1.000 cửa hàng tiện lợi được bố trí xen kẽ trong các khu dân cư, mới đây vừa thâu tóm siêu thị Fivimart đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng tiện ích VinMart +. Hãng bán lẻ Nhật Bản 7-Eleven cũng lên kế hoạch phát triển 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong 1 thập kỷ tới; Saigon Co.op năm 2018 đã mở thêm 19 Co.opmart, 2 Co.opXtra, 170 Co.op Food, 150 cửa hàng Co.opSmile, đang hướng đến con số 1.000 cửa hàng Co.op Food trong thời gian sớm nhất; riêng năm 2019 sẽ mở thêm 100 cửa hàng…

Nhân tố thứ hai, có thể coi 2018 là năm có sự chuyển động ngược chiều chưa từng có trong bán lẻ nước ta. Người mua hàng Việt Nam chuyển hướng mạnh mẽ từ chợ truyền thống sang các kênh bán lẻ hiện đại. Ta hãy xem sự khác biệt giữa 2010 và 2018 trong giữa 2 kênh phân phối.

ban le

Lợi ích của chuyển động ngược chiều này là gì? Nếu chợ truyền thống chủ yếu do nguồn lực nhà nước đầu tư, thì kênh bán lẻ hiện đại do tư nhân nắm giữ. Chuyển hướng mạnh sang kênh bán lẻ hiện đại sẽ giúp huy động nguồn lực toàn xã hội hơn. Trên thực tế, ở các đô thị lớn xuất hiện ngày càng nhiều các dự án bất động sản phức hợp, không chỉ là các chung cư để ở, mà được tích hợp đầy đủ tiện ích từ căn hộ đến cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại…

Nhưng đó không phải là những lý do khiến chúng tôi chọn bán lẻ là ngành kinh tế “mang sức Xuân” nhất trong năm Kỷ Hợi này. Nguồn lực của dân tộc, cội nguồn sức mạnh của ngành bán lẻ nước ta nằm ở năng lượng kép. Bởi vì nói về hệ thống bán lẻ trong nước, là nói nhiều đến tiêu dùng nội địa. Ở các kênh phân phối truyền thống, hàng Việt được tiêu thụ chiếm từ 60% trở lên; tại các siêu thị tỷ lệ hàng Việt được duy trì ở mức cao, trên 80%. Đặc biệt, ngay tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm, tỷ lệ hàng Việt vẫn chiếm tỷ lệ rất cao, từ 65% đến 95%.

Tiêu dùng nội địa là một trong 3 đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế: GDP tính theo phương pháp sử dụng cuối cùng được tính bằng (i) tiêu dùng cuối cùng, cộng với (ii) tích lũy và (iii) chênh lệch xuất nhập khẩu. Tiêu dùng nội địa có chức năng kép về mặt kinh tế. Khi ta tiêu thụ hàng Việt, không chỉ đơn thuần tạo ra doanh thu, sự đóng góp vào ngân sách nhà nước của công ty sản xuất, bán ra mặt hàng đó; mà còn tạo ra công ăn việc làm cho công nhân của công ty nói trên.

Nhưng vi diệu hơn, thông qua đó, còn tạo cơ hội duy trì việc làm và thu nhập cho chính người mua. Điều đó đúng trong mọi hoàn cảnh. Là người mua, cứ cho bạn hoạt động ở khu vực phi sản xuất đi chăng nữa, như ở một công ty du lịch chẳng hạn, khi bạn mua một đôi giày nhãn hàng Việt, hiển nhiên bạn góp phần vào doanh thu, nộp thuế của nhãn hàng đó, góp phần vào tăng trưởng GDP; nhưng bằng hành động mua nhãn hàng Việt, bạn còn tạo ra cơ hội thu nhập việc làm cho các công nhân công ty giày. Và khi có thu nhập việc làm, họ có khả năng chi trả cho việc sử dụng sản phẩm và dịch vụ có nhu cầu, trong đó có sản phẩm du lịch của công ty bạn; điều mà bạn không có cơ hội khi mua hàng nhập khẩu.
Với việc duy trì tỷ lệ hàng Việt ở mức cao ở kênh phân phối truyền thống và hiện đại; với sự dịch chuyển mạnh mẽ sang kênh bán lẻ hiện đại, giúp cho việc huy động nguồn lực toàn xã hội hơn; ngành hàng bán lẻ nước ta ngày càng có những đóng góp quan trọng trong thực hiện năng lượng kép: nâng cao thu nhập, việc làm cho cả người mua và người bán; xứng đáng là một trong những ngành kinh tế đầy triển vọng, mang sức Xuân nhất trong năm Kỷ Hợi 2019.

 

Hương giang