Nghề kế toán, kiểm toán trong kỷ nguyên công nghệ số (blockchain)

HOÀNG THỊ PHƯƠNG LAN (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Sự xuất hiện và phát triển của blockchain được dự đoán sẽ có những tác động trực tiếp đến ngành nghề kế toán, kiểm toán. Do đó, các kế toán viên, kiểm toán viên sẽ phải học cách làm việc và tương tác cùng ứng dụng công nghệ blockchain trong tài chính một cách hiệu quả để cung cấp những dịch vụ tốt nhất. Họ không cần phải trở thành một chuyên gia công nghệ thực sự, nhưng cần phải hiểu được công nghệ, khả năng và lợi ích mà công nghệ mang lại.. Bài viết giới thiệu về blockchain, đồng thời nêu ra những thuận lợi, khó khăn, cũng như các giải pháp hiệu quả khi ứng dụng lockchain trong nghề kế toán, kiểm toán tại Việt Nam.

Từ khóa: Blockchain, công nghệ số, kế toán, kiểm toán.

1. Giới thiệu về blockchain

Blockchain (chuỗi khối), tên ban đầu Block Chain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó. Điểm đặc biệt của hệ cơ sở dữ liệu này là nó không được lưu trữ tại bất kỳ trung tâm dữ liệu cụ thể nào mà được quản lý bởi tất cả những người tham gia hệ thống, đồng thời có một cơ chế truyền tải dữ liệu an toàn với một công nghệ mã hóa phức tạp.

Blockchain được tạo ra để chống lại sự cố ý can thiệp thay đổi dữ liệu. Công nghệ blockchain có một tính chất rất đặc thù là truyền tải dữ liệu không đòi hỏi bất kỳ “trung gian tin cậy” cụ thể nào để xác nhận thông tin. Các dữ liệu thông tin sau khi được nhập vào trong chuỗi khối blockchain thì sẽ không thể thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự chấp thuận của tất cả mọi người trong hệ thống. Bởi ngay cả khi một phần của hệ thống blockchain bị tấn công, các phần khác cũng không bị ảnh hưởng và vẫn tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin cũng như tái xây dựng lại các phần bị mất/hỏng.

2. Blockchain trong nghề kế toán và kiểm toán

Trong kế toán, blockchain là công nghệ sổ cái phân tán, các bản ghi được lưu trữ ở một vị trí tập trung, có thể là tập hợp các tệp bảng tính hoặc cơ sở dữ liệu của một ứng dụng phần mềm kế toán. Kế toán nhập từng bản ghi và thực hiện các công việc cần thiết để phục vụ nhu cầu của người sử dụng thông tin. Khi các cơ quan quản lý hoặc khách hàng cần thông tin về hồ sơ, kế toán phải lấy bất kỳ dữ liệu nào cần thiết và cung cấp cho bên yêu cầu. Tuy nhiên, chỉ có người có tài khoản và kiểm toán viên có liên quan mới có quyền truy cập trực tiếp vào sổ cái tập trung.

Mặt khác, trong blockchain, các hồ sơ được nhập và lưu trữ trong một sổ cái phân tán hoặc chia sẻ, thường được truy cập cho tất cả các bên liên quan. Trong trường hợp này, kế toán viên, cơ quan quản lý, kiểm toán viên và khách hàng mỗi người sẽ sở hữu một bản sao của sổ cái giống hệt nhau. Tất nhiên, mỗi khách hàng sẽ chỉ có quyền truy cập vào phần sổ cái có chứa hồ sơ của riêng họ. Khóa công khai và khóa riêng được sử dụng để xác thực người dùng.Hơn nữa, mỗi bản ghi được nhập vào blockchain được mã hóa và mỗi mục nhập sẽ tự động được ghi ngày và dấu thời gian. Một tập hợp các bản ghi như vậy tạo thành một khối (block) và được liên kết chặt chẽ với nhau thành chuỗi (chain). Một chuỗi có một mã băm (Hash) duy nhất đại diện cho nội dung của tất cả các bản ghi được cập nhật. Mã băm tạo thành một chữ ký số duy nhất có thể được sử dụng để xác minh rằng không có bản ghi nào được thay đổi sau khi chúng được nhập.

Đối với nghề kế toán thì blockchain cung cấp hai lợi thế rất quan trọng là minh bạch và bất biến. Đó là một lợi ích cho sự liêm chính của một công ty khi mà hồ sơ về tài chính của họ có thể dễ dàng truy cập đối với những người được ủy quyền. Tất nhiên, phải có các quy tắc chi phối, các đối tượng được ủy quyền có thể truy cập hồ sơ tài chính thì blockchain sử dụng hợp đồng thông minh để phù hợp với các quy tắc đó. Hợp đồng thông minh là các khối mã được viết để tự động hóa các quy trình nhất định và thể hiện một trong những tính năng của blockchain. Các hợp đồng thông minh có thể thực hiện các nhiệm vụ khác nhau khi có nhiều điều kiện nhất định, đáp ứng các điều kiện nhất định, không chỉ là nơi lưu trữ dữ liệu.

Theo ông David Lyford-Smith - chuyên gia công nghệ thông tin của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW):  Blockchain là một hệ thống có thể coi là “sổ cái kế toán” - nơi giao dịch được thực hiện bởi một bên tới mọi người trong cùng một mạng lưới bằng một phương thức cực kỳ chính xác và bảo mật. Nếu một lĩnh vực hoặc một hệ thống ứng dụng công nghệ blockchain, vấn đề bảo mật an toàn sẽ thay đổi. Theo đó, chúng ta cần chú trọng không chỉ là sự đảm bảo về tài sản và sự chấp thuận của người khác (điều này là hiển nhiên trong môi trường blockchain). Thay vào đó, chúng ta cần chú trọng vào sự ràng buộc giữa bản ghi blockchain và thế giới vật chất, và rộng hơn là vào việc phản ánh giá trị kinh tế thực của giao dịch blockchain. Nếu như trong hoạt động kế toán thông thường, một nhân viên kế toán cần phải ghi bút toán kép thì blockchain chỉ cần một bút toán có thể cung cấp thông tin cho tất cả các bên mà không lo về tính xác thực. Hồ sơ kế toán sẽ không thể sửa chữa, thay đổi một khi đã được lưu vào blockchain, ngay cả khi chủ sở hữu hệ thống kế toán yêu cầu. Bởi trên nền tảng blockchain, mọi giao dịch hàng ngày được ghi chép lại và xác thực, do đó tính vẹn toàn của các hồ sơ tài chính được đảm bảo.

Tóm lại,  đối với nghề kế toán, kiểm toán, tiềm năng của blockchain nằm trong khả năng tạo ra một sổ kế toán ghi lại mọi giao dịch, trong đó tất cả những người tham gia có một bản sao giống hệt nhau, có thể truy cập và xem trong thời gian thực. Thay vì các công ty tự lưu trữ và quản lý hồ sơ dữ liệu độc lập, blockchain sẽ tự động ghi lại đồng thời thông tin giao dịch của cả hai bên trong một cuốn sổ cái công khai. Bằng khả năng ghi chép lại các giao dịch theo thời gian thực, blockchain đang sẵn sàng kết thúc các phương pháp kế toán truyền thống bao gồm lập hóa đơn, cung cấp tài liệu, xây dựng hợp đồng, ghi chép thanh toán đối với các doanh nghiệp.

3. Những tác động tích cực của blockchain đến nghề kế toán, kiểm toán

Ưu điểm chính nổi bật nhất của công nghệ blockchain là đảm bảo tính bảo mật cao và tính bất biến của dữ liệu (không thể sửa đổi). Blockchain có nhiều tác động tích cực đến nghề kế toán và kiểm toán, cụ thể:

- Cải thiện hiệu quả: Blockchain được thiết kế tốt là cơ sở dữ liệu đầy dủ và nhanh. Nhận dữ liệu vào và ra khỏi hệ thống có thể được thực hiện hiệu quả hơn so với việc tương tác với các ứng dụng phần mềm kế toán cũ.

- Giảm lỗi: Cơ hội lớn nhất cho lỗi sử dụng blockchain là nhập dữ liệu. Một khi dữ liệu nằm trong chuỗi, hợp đồng thông minh sẽ làm cho nhiều chức năng kế toán tự động, giảm lỗi của con người.

- Giảm chi phí: Việc tăng hiệu quả và giảm lỗi trong bất kỳ hệ thống nào sẽ giúp giảm chi phí. Theo chi phí áp dụng ban đầu, các công ty có thể thấy tiết kiệm chi phí nhanh chóng so với các hệ thống kế toán thông thường.

- Giảm gian lận: Tính bất biến của blockchain khiến cho việc xử lý gian lận bằng cách sử dụng một nền tảng như vậy là vô cùng khó khăn. Để sửa đổi một bản ghi, cùng một thay đổi sẽ phải được thực hiện trên tất cả các bản sao của sổ cái phân tán cùng một lúc, điều này rất không khả thi.

- Cải thiện tuân thủ quy định: Bảo mật được cải thiện do blockchain cung cấp có thể đơn giản hóa rất nhiều gánh nặng của một cơ quan để đáp ứng các yêu cầu quy định. Khi nhiều cơ quan quản lý nắm bắt công nghệ blockchain, việc áp dụng blockchain có thể trở thành bắt buộc trong một số lĩnh vực tài chính quan trọng.

- Giảm công việc của kiểm toán: Một khía cạnh của blockchain đối với kiểm toán viên là khả năng giảm công việc cần làm. Thông qua sức mạnh của hợp đồng thông minh, nhiều chức năng kiểm toán có thể được tự động hóa, giảm thời gian kiểm toán viên cần phải xem xét hồ sơ. Hơn nữa, khả năng truy nguyên nguồn gốc được tích hợp trong blockchain giúp cho việc kiểm toán nhanh chóng và dễ dàng.

4. Một số khó khăn khi ứng dụng blockchain đối với nghề kế toán và kiểm toán

Những lợi thế blockchain cung cấp cho ngành kế toán là không không nhỏ.  Mặc dù vậy cũng có rất nhiều khó khăn trong quá trình ứng dụng, có thể được chia thành hai loại chính: kỹ thuật và phi kỹ thuật.

- Về mặt kỹ thuật, hầu hết các phần mềm kế toán không tương thích với công nghệ blockchain. Vì vậy, ngay cả khi đã sẵn sàng đưa công ty của mình ứng dụng blockchain trong kế toán, phần mềm lưu giữ hồ sơ của công ty có thể không thích ứng. Việc áp dụng sẽ yêu cầu mua các dịch vụ kế toán dựa trên đám mây khi chúng có sẵn và có thể thuê một nhà phát triển blockchain để tạo giao diện người dùng tùy chỉnh cho công ty của bạn. Khi ngày càng có nhiều nền tảng kế toán blockchain xuất hiện, các giải pháp hiệu quả về chi phí sẽ giúp giảm nhu cầu về các blockchain được thiết kế tùy chỉnh.

- Tác động phi kỹ thuật sẽ giảm đối với các công ty ứng dụng công nghệ blockchain muộn. Mặc dù các giải pháp blockchain sẵn sàng cho doanh nghiệp cho ngành kế toán vẫn chưa có sẵn, điều đó sẽ sớm được khắc phục khi các nhà cung cấp và nhà đầu tư chuyển sang đáp ứng thị trường mới nổi này.

- Đối với sự gián đoạn, chắc chắn nó sẽ xảy ra. Khả năng của công nghệ sổ cái phân tán chắc chắn sẽ buộc các kế toán viên thay đổi cách họ làm việc, và theo những cách mà chúng ta chưa thể thấy trước.

5. Giải pháp ứng dụng blockchain cho kế toán, kiểm toán

Để ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán thì mỗi kế toán viên, kiểm toán viên là những người cần am hiểu về ứng dụng này. Để nắm bắt được những cơ hội do sự phát triển của công nghệ này mang lại, các kế toán viên, kiểm toán viên phải cập nhật xu hướng của những thay đổi này đối với ngành, làm quen với các khái niệm mới như dữ liệu lớn (Big Data), mật mã, hệ thống sổ cái (Blockchain), hệ thống thanh toán, thanh toán qua các thiết bị di động và các nền tảng mới kết nối giữa các nhà cung cấp và người sử dụng dịch vụ tài chính...

Như vậy, trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán,người lao động có những kiến thức chuyên môn, cần cập nhật thêm những thông tin về công nghệ, cũng như những ứng dụng mới vào trong môi trường làm việc của ngành trong tương lai. Về phía doanh nghiệp, cần phát triển đội ngũ nhân viên lành nghề, am hiểu sâu về chuyên môn và có khả năng hội nhập; Tăng cường công tác đào tạo phát triển các kỹ năng mềm hiệu quả, hoạt động nhóm tích cực và sử dụng thành thạo công nghệ số theo nhu cầu thị trường…Tóm lại, công nghệ blockchain sẽ sớm hiện diện trong nghề kế toán, kiểm toán, vì vậy cần có sự chuẩn bị ban đầu bằng việc xây dựng nhận thức về blockchain là gì và theo kịp cách thức công nghệ phát triển. Khi phát triển blockchain thâm nhập vào nghề kế toán, kiểm toán, các nhà quản lý, nhà cung cấp công nghệ và các nhà lãnh đạo phải làm việc cùng nhau và tìm cách làm cho việc chuyển đổi có lợi cho tất cả các bên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Trung ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (2018). Tìm hiểu về công nghệ Blockchain và ảnh hưởng của nó đến lĩnh vực kế toán - Tài chính - Ngân hàng Vaa.net.vn (23/11/2018).

[2] “Blockchain-future-record-keeping”- Tạp chí Intheblack.com (22/03/2018)

[3] Trương Thị Hoài, Đào Thị Loan (2019), Ứng dụng Blockchain vào lĩnh vự kế toán, kiểm toán trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 5/2019.

 The accounting and audit professions in the context of

the digital era

Ph.D Hoang Thi Phuong Lan

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The emergence and development of blockchain technology is expected to have direct impacts on the accounting and audit works. Therefore, accountants and auditors will have to learn how to effectively work and interact with the blockchain technology to provide the best services. They do not need to become an expert on this field of technology but they need to understand the technical aspects, capabilities and benefits brought by this technology. This article presents the blockchain technology, advantages, challenges and also solutions for applying the technology technology in the accounting and auditing field in Vietnam.

Keywords: Blockchain, digital technology, accounting, auditing.