Nghiên cứu ảnh hưởng của TPP đến ngành Nuôi trồng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam

TS. NGUYỄN THỊ THU HIỀN (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được dự báo là sẽ có những ảnh hưởng rất lớn đến các nền kinh tế thành viên. Bài viết này phân tích về những ảnh hưởng của TPP đến ngành Nuôi trồng thủy sản (NTTS) xuất khẩu (XK) của Việt Nam. TPP sẽ có những ảnh hưởng tích cực đối với ngành XK của Việt Nam thông qua các cơ hội về tiếp cận thị trường, tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài, khoa học kỹ thuật tiên tiến, tiếp cận với các tổ chức trọng tài quốc tế trung lập... Bên cạnh đó, TPP cũng sẽ có thể tạo ra những thách thức không nhỏ bởi sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn tại thị trường trong nước, yêu cầu về đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật (TCKT) cao hơn đối với sản phẩm thủy sản XK và các tiêu chuẩn về lao động, môi trường trong NTTS.

Từ khóa: TPP, nuôi trồng thủy sản, xuất khẩu, thuế quan, rào cản kỹ thuật.

1. Những nội dung cơ bản của Hiệp định TPP có liên quan đến ngành NTTS XK

Mục tiêu của TPP là tạo thuận lợi thương mại thông qua xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất xuất nhập khẩu (XNK) giữa các nước thành viên… Dưới đây là một số thỏa thuận cơ bản có liên quan đến ngành NTTS XK.

* Thỏa thuận về tạo thuận lợi thương mại trong lĩnh vực thủy sản

Cắt giảm thuế quan: Các nước thành viên sẽ giảm 90% các loại thuế XNK hàng hóa và cắt giảm bằng 0% theo lộ trình. Hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm. Cụ thể là Mỹ, Singapore, Chile cam kết xóa bỏ thuế XNK đối với cá tra và tôm của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực; Canada, Nhật Bản, Úc cam kết xóa bỏ sau 3 - 5 năm. Đối với Mexico,cá tra, Basa, sẽ được xóa bỏ thuế vào năm thứ 3, Tôm đông lạnh xóa bỏ vào năm thứ 13, Tôm chế biến xóa bỏ vào năm thứ 12. Việt Nam cam kết sẽ thực hiện lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 8 đối với hàng thủy sản nhập khẩu (NK).

Đơn giản hóa các biện pháp kiểm soát tại biên giới: Các quy định liên quan đến biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) chỉ áp dụng ở mức độ cần thiết và không phân biệt đối xử. TPP chấp nhận tương đương, công nhận các vùng không dịch bệnh, minh bạch hóa, cho phép áp dụng các biện pháp khẩn cấp, thuận lợi quy trình kiểm tra, tham vấn kỹ thuật và tăng cường giữa các bên.

Quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa: Các quốc gia thành viên TPP thống nhất về một bộ quy tắc xuất xứ chung để xác định một hàng hóa cụ thể “có xuất xứ” và do vậy được hưởng thuế quan ưu đãi trong TPP. Hiệp định TPP cũng quy định về “cộng gộp” để các nguyên liệu đầu vào từ một bên TPP được đối xử như những nguyên liệu từ một bên khác nếu được sử dụng để SX ra một sản phẩm tại bất kỳ một bên TPP. Tuy nhiên, đối với hàng thủy sản (trừ cá ngừ) quy định cho phép sử dụng con giống và nguyên liệu đầu vào NK bên ngoài TPP.

Thủ tục hải quan. TPP tạo thuận lợi hóa thương mại thông qua đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan, áp dụng cơ chế chung về chứng nhận xuất xứ, tự chứng nhận xuất xứ, minh bạch hóa TCKT và an toàn vệ sinh động thực vật (SPS)…

Trợ cấp XK. Đối với hàng nông nghiệp và thủy sản, ngoài việc cắt giảm thuế quan theo lộ trình, các nước thành viên còn thực hiện nới lỏng các chính sách hạn chế khác, bao gồm: xóa bỏ trợ cấp XK, quy định về tín dụng XK, không cho phép sử dụng biện pháp tự vệ đặc biệt…

* Cam kết về tạo thuận lợi trong lĩnh vực đầu tư và tài chính

Hiệp định TPP đưa ra các cam kết cho phép các nhà đầu tư không bị hạn chế trong việc chuyển vốn, tài sản vào và ra một quốc gia; ngoại trừ những trường hợp làm ảnh hưởng đến cân đối kinh tế vĩ mô hoặc liên quan đến tội phạm, trốn thuế. TPP còn đưa ra các nguyên tắc yêu cầu các chính sách và bảo hộ đầu tư công bằng và không phân biệt đối xử nhằm bảo đảm nguyên tắc cơ bản của luật pháp, trong khi vẫn bảo đảm khả năng của Chính phủ các thành viên để đạt được các mục tiêu chính sách công hợp pháp. TPP quy định sự bảo hộ đầu tư cơ bản như trong các hiệp định thương mại khác.

Hiệp định cũng đưa ra trọng tài quốc tế trung lập và minh bạch đối với các tranh chấp về đầu tư. Cơ chế tự vệ theo quy trình bao gồm: quy trình trọng tài minh bạch, đệ trình của các bên quan tâm, đệ trình của bên thứ ba; việc rà soát được tiến hành đối với các khiếu nại không đáng kể và quyết định về phí luật sư; rà soát tạm thời và cơ chế quyết định; diễn giải chung mang tính ràng buộc của các bên TPP; …

Các nội dung cam kết về dịch vụ tài chính gồm mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa, cho phép áp dụng các ngoại lệ. TPP cung cấp các cơ hội mở cửa thị trường đầu tư và qua biên giới trong khi đảm bảo rằng các thành viên TPP duy trì quyền quản lý đầy đủ đối với các tổ chức và thị trường tài chính, thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp khủng hoảng. Theo đó, cho phép việc bán dịch vụ tài chính cụ thể qua biên giới sang một thành viên TPP từ một nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên TPP khác mà không yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải thành lập cơ sở hoạt động tại một nước khác để bán các dịch vụ của mình.

Hiệp định TPP cũng bao gồm các cam kết cụ thể về quản lý danh mục đầu tư, dịch vụ thanh toán thẻ điện tử và chuyển thông tin để xử lý dữ liệu; Các quy định cụ thể về tranh chấp đầu tư liên quan tới tiêu chuẩn đối xử tối thiểu trên cơ sở tập quán luật thương mại quốc tế, cũng như các quy định liên quan tới các chuyên gia dịch vụ tài chính trong ban trọng tài và cơ chế trình tự đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho việc áp dụng ngoại lệ thận trọng và các ngoại lệ khác.

* Cam kết khác

Cam kết về hài hóa hóa thể chế, chính sách giữa các nước thành viên. TPP dự kiến sẽ bao trùm cả những cam kết về những vấn đề xuyên suốt như sự hài hòa giữa các quy định pháp luật, tính cạnh tranh, vấn đề hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, chuỗi cung ứng, hỗ trợ phát triển…

2. Tổng quan ngành NTTS XK của Việt Nam

Ngành Thủy sản Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đã và đang có sự phát triển mạnhnhững năm qua, tăng trưởng sản lượng của ngành ở mức cao, bình quân đạt 12,77%/năm. Năm 2016, tổng diện tích NTTS là 1.300 nghìn ha đạt tổng sản lượng NTTS là3.650 nghìn tấn, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 4 triệu lao động.

Diện tích NTTS trải dài khắp cả nước, nhưng tập trung nhiều nhất tại một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh có diện tích nuôi nhiều nhất là: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long.

Các loại thủy sản nuôi trồng XK chủ yếu gồm có cá Tra, tôm, chiếm xấp xỉ 50% diện tích và sản lượng. Ngoài ra, người nuôi cũng đang hướng tới nuôi các loại thủy sản có tính ổn định hoặc có giá trị kinh tế cao như ba ba, cá hồi, cá bống tượng, cá chép lai, cá rô phi đơn tính, cá nheo, cá chình, cá lăng.

Có 3 hình thức tổ chức NTTS đang được áp dụng hiện nay là mô hình hộ nuôi cá thể, DN tự đầu tư nuôi và liên kết giữa DN và hộ nuôi. Hiện nay, đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ nuôi nhỏ lẻ (mô hình hộ nuôi) sang nuôi tập trung theo chuỗi liên kết, áp dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, Global GAP, ASC nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường XK. Hình thức này mang lại hiệu quả tương đối tốt và duy trì được diện tích nuôi tương đối ổn định do chủ động được trong các khâu nuôi từ con giống, chăn nuôi đến tiêu thụ, tìm kiếm thị trường tiêu thụ...

Thành tựu của ngành Thủy sản thể hiện bằng kết quả XK tăng nhanh về cả giá trị và sản lượng trong giai đoạn 2001 - 2016. Năm 2016, sản phẩm thủy sản được XK sang 160 nước và vùng lãnh thổ. Ba thị trường chính là EU chiếm 17,3%, Mỹ 20,6% và Nhật Bản 15,7% và Trung Quốc (12,2%) và ASEAN (7,5%).

XK thủy sản sang các nước thành viên TPP chiếm 46% trong tổng kim ngạch XK thủy sản của cả nước (đạt 3 tỷ USD); trong đó, Mỹ và Nhật Bản là hai nước NK thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với tổng giá trị hơn 2 tỷ USD. Tôm là mặt hàng XK chiếm tỷ trọng giá trị XK lớn nhất (44% năm 2015), cá tra đứng thứ hai (23,4%).

3. Phân tích ảnh hưởng của TPP đến ngành NTTS XK của Việt Nam

3.1. Những ảnh hưởng tích cực của TPP

* Thị trường tiêu thụ mở rộng

Hiện nay, các nước thành viên tham gia TPP đều là những đối tác chiến lược của thủy sản Việt Nam. Tổng giá trị XK thủy sản sang 11 thị trường này đạt trên 3 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng giá trị XK thủy sản. Về lý thuyết TPP sẽ là cơ hội cho các DN thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường. Các hàng rào thương mại được xóa bỏ hình thành nên một thị trường tiêu thụ thủy sản của khu vực lớn hơn. Ngoài ra, hàng thủy sản của Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn tại thị trường TPP so với các nước ngoài khối vì các nước này không được hưởng ưu đãi thuế quan. Chẳng hạn, TPP sẽ làm cho tôm Việt Nam xuất sang thị trường Nhật Bản có sức cạnh tranh hơn so với các nước Agentina, Ecuado và Ấn Độ khi 3 nước này không có thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Nhật Bản.

Tuy nhiên, trên thực tế, mức thuế của nhiều quốc gia thành viên TPP đối với hàng thủy sản của Việt Nam trước TPP đã khá thấp. Chẳng hạn như đối với Peru, Canada, thuế quan MFN hiện đã xấp xỉ 0%, hoặc Malaysia, Singapore, Australia… thuế quan đã bị loại bỏ theo FTA trong ASEAN và ASEAN+. Điều này cho thấy, hàng thủy sản của Việt Nam cũng không được lợi nhiều từ việc giảm/xóa bỏ thuế quan. Đối với thị trường Nhật Bản, thuế quan đối với thủy sản Việt Nam NK vào nước này trung bình chiếm khoảng 3,5% với thủy sản sống và 7,3% đối với thủy sản chế biến, vì vậy TPP sẽ là cơ hội để thủy sản Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh về giá khi XK sang Nhật Bản.

* Tiếp cận nguồn đầu vào trong NTTS đa dạng hơn

Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực NTTS XK sử dụng nguyên liệu NK, TPP sẽ là cơ hội để DN NK nguyên liệu đầu vào từ các nước trong TPP. Với việc giảm thuế NK xuống 0% sẽ tạo ra cơ hội NK máy móc, thiết bị, công nghệ chế biến thủy sản tiên tiến từ thị trường TPP phục vụ hoạt động SX, kinh doanh của DN ngành Thủy sản. Việc NK nguyên liệu đầu vào từ giống, thức ăn, thuốc phòng dịch, chữa bệnh cho các loại thủy sản nuôi trồng đến công nghệ chế biến, bảo quản… sẽ được hưởng lợi vì được tiếp cận với mức giá NK rẻ hơn, giúp giảm chi phí SX, ổn định nguồn đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm XK.

* Giảm thủ tục và chi phí trong hoạt động XK

Các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) quy định trong TPP giúp giảm chi phí của các DN. Theo đó, hàng hóa từ vùng miễn dịch hoặc gần như miễn dịch đã được công nhận sẽ không cần thêm bất kỳ giấy chứng nhận nào về tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là khi TPP cho phép chứng nhận và tự chứng nhận điện tử. Tuy nhiên, quy định này cũng sẽ đặt ra thách thức cho các DN thủy sản trong việc xây dựng và điều chỉnh mọi ứng xử để nâng cao trách nhiệm và giữ vững niềm tin giữa các DN trong hoạt động kinh doanh.

Hiệp định TPP quy định cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong thủ tục kiểm tra và xác định xuất xứ cho hàng hóa XNK. Cơ chế này cho phép DN tự khai báo xuất xứ cho hàng hóa của mình thay cho cách thức quản lý hiện tại là DN phải nộp cho cơ quan Hải quan Giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền của nước XK cấp. Với quy định mới này cho phép các DN XK giảm thời gian, thủ tục thực hiện trong quá trình chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thủy sản, qua đó giảm chi phí cho DN.

Doanh nghiệp NK nguyên liệu đầu vào như thức ăn, con giống… sẽ không phải làm thủ tục hoàn thuế cũng có thể xem là một lợi ích tuy không lớn. Hàng thủy sản XK còn có thể tăng sức cạnh tranh nhờ sử dụng các dịch vụ hỗ trợ SX giá rẻ như vận tải, lưu kho ở các nước thành viên TPP... Ngoài ra, TPP còn tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực SX nguyên liệu trong nước phát triển nhờ NK thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu vật tư, trang thiết bị máy móc giá rẻ hơn từ các nước thành viên TPP; tăng cơ hội hợp tác liên doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến chuỗi SX các mặt hàng thủy sản.

* Tiếp cận nguồn vốn đầu tư, công nghệ kỹ thuật hiện đại trong NTTS XK

Với các yêu cầu cam kết có độ mở sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nước thành viên TPP được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ, kéo theo dòng vốn đầu tư giữa Việt Nam với các nước trong khối và cả các nước ngoài khối TPP. Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp nhận các dự án đầu tư đến từ các đối tác mới như Mexico, Peru, Chile. Khi đó, các DN ngành Thủy sản có cơ hội được tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài để mở rộng quy mô NK, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản. Bên cạnh đó, thông qua hợp tác đầu tư trong NTTS với các DN nước ngoài sẽ tạo điều kiện tăng cường cơ hội tiếp cận KHCN của các doanh nghiệp NTTS, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.

* Tiếp cận với các tổ chức trọng tài quốc tế trung lập trong giải quyết các vụ kiện liên quan đến thương mại quốc tế trong XK thủy sản.

Hàng thủy sản của Việt Nam vào các thị trường lớn thường hay bị áp đặt các rào cản kỹ thuật từ phía các nước NK. Trong nhiều trường hợp, những áp đặt này không đúng gây bất lợi cho các DN của Việt Nam. Các DN thủy sản của Việt Nam phải chấp nhận tuân thủ theo những áp đặt vô lý đó vì không tiếp cận được với các dịch vụ pháp lý quốc tế để khởi kiện hiệu quả. Khi tham gia TPP, DN có thể tiếp cận thuận lợi hơn với các tổ chức trọng tài quốc tế trung lập và minh bạch đối với các tranh chấp về cơ chế tự vệ cũng như đầu tư và tránh/giảm được những bất lợi do áp đặt từ các nước NK nhằm bảo hộ SX trong nước.

Ngoài ra, việc gia nhập TPP với các cam kết cao đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế sẽ có tác động tích cực đối với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách trong nước. Việt Nam cũng được các nước thành viên công nhận nền kinh tế thị trường, trên cơ sở đó có thể giảm thiểu được những rủi ro do bị điều tra hoặc áp đặt thuế chống phá giá trong ngành Thủy sản.

3.2. Những thách thức đối với ngành NTTS XK

* Cạnh tranh gia tăng ngay tại thị trường nội địa

Hiện nay, thuế NK mặt hàng thủy sản của Việt Nam áp dụng từ 10 - 30% đối với các nước. Mặc dù đã chịu thuế lớn, song một số mặt hàng thủy sản của một số nước khi vào Việt Nam vẫn rẻ hơn hàng trong nước. Vì vậy, ngành Thủy sản sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm thủy sản của các nước thành viên TPP, thị phần hàng hóa sản phẩm thủy sản của Việt Nam có thể bị thu hẹp.

* Các hàng rào bảo hộ kỹ thuật từ các nước TPP gia tăng

Thủy sản là nhóm ngành hàng nhạy cảm và các nước TPP có thể sẽ áp dụng các biện pháp bảo hộ cho nhóm ngành hàng này thông qua các quy định kiểm dịch, kiểm tra dư lượng kháng sinh, các yêu cầu về nhãn mác hàng hóa, truy nguồn gốc, trách nhiệm xã hội... sẽ được kiểm soát chặt chẽ với tần suất nhiều hơn. Những yêu cầu chặt chẽ hơn về TCKT và quy trình công nghệ cũng được coi là một rào cản đối với hoạt động SX hàng thủy sản XK của Việt Nam. Muốn XK sang TPP, các DN Việt Nam phải tuân thủ các điều khoản quy định sẽ khiến cho các DN nhỏ và vừa trong ngành NTTS khó đáp ứng được yêu cầu do năng lực kỹ thuật và tài chính hạn chế. Trong đàm phán TPP hiện nay hầu như không giải quyết được vướng mắc này vì các nội dung đàm phán không đề cập tới vấn đề hạn chế quyền ban hành các điều kiện SPS, TBT mới của các nước thành viên TPP. Vì vậy các nước vẫn có thể đơn phương đưa ra áp dụng các điều kiện SPS và TBT mới hoặc điều chỉnh, từ đó ngăn chặn việc NK thủy sản của các nước thành viên TPP nói chung và Việt Nam nói riêng.

* Vấn đề sử dụng lao động và môi trường quy định trong TPP

Thủy sản là ngành cần lực lượng lao động lớn gồm cả lao động giản đơn và có chuyên môn. Các ràng buộc và quy định chặt chẽ về lao động từ TPP (an toàn lao động, chế độ tiền lương, giờ làm việc, vệ sinh lao động, cấm lao động cưỡng bức, cấm lao động trẻ em... ) sẽ tăng thêm thách thức cho các DN thủy sản. Các quy định về nước thải từ các ao nuôi cũng là một yếu tố gây khó khăn cho người nuôi dẫn đến chi phí SX của DN NTTS cao hơn.

4. Một số kết luận và đề xuất

TPP hình thành nên một thị trường chung có quy mô lớn, chi phí kinh doanh giảm, môi trường chính sách và kinh doanh thuận lợi, từ đó thúc đẩy XK và hoạt động đầu tư trong ngành NTTS XK của Việt Nam. Tuy nhiên, nhóm những rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ được cho rằng sẽ gia tăng, vì vậy có thể gây ra tác động và vô hiệu hóa lợi ích từ việc giảm thuế quan đối với hàng thủy sản, làm gia tăng các chi phí đối với các doanh nghiệp NTTS XK. Các tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường, được coi là thách thức lớn đặt ra đối với việc cải thiện mô hình và chu trình SX trong ngành Thủy sản… Những rào cản này thậm chí còn rủi ro hơn nhiều so với thuế quan. Để phát triển ngành NTTS xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập TPP, Chính phủ cần thực hiện một số các giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện tổ chức NK theo chuỗi giá trị từ NK nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ nhằm tạo sự gắn kết, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro giữa người NK nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến thủy sản. Xây dựng các vùng nuôi công nghiệp NK hàng hóa lớn. Cải thiện môi trường, khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp, hỗ trợ thúc đẩy các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ và người nuôi.

Thứ hai, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thủy sản phù hợp với nhu cầu phát triển NK, đặc biệt là lao động có chuyên môn kỹ thuật cao, lao động quản lý. Ban hành chính sách khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, đào tạo gắn kết với các doanh nghiệp, trang trại và cơ sở NK để đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào NK. Thúc đẩy hợp tác với các nước trong TPP về khoa học công nghệ, kỹ thuật trong nuôi trồng và chế biến thủy sản XK. Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường để giảm thiểu và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình NTTS.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và tổ chức quản lý, giám sát cộng đồng để quản lý môi trường và áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm đối với các cơ sở NK không tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ môi trường để giảm thiểu tình trạng xả thải tùy tiện của các cơ sở NK gây ô nhiễm môi trường.Đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ NK, đặc biệt là xử lý chất thải và nước thải trong quá trình NK để bảo đảm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường...

Thứ tư, có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển mô hình vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, chính sách về tăng cường quản lý chất lượng và bình ổn giá một số mặt hàng thủy sản NK khẩu chủ lực, chính sách khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật và các tiêu chuẩn nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản...

Thứ năm, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, điều kiện trong các lĩnh vực SX, kinh doanh thủy sản làm cơ sở quản lý và xã hội hóa một số khâu trong công tác quản lý nhà nước về thủy sản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Tài chính (2015), “Tóm tắt cam kết thuế quan trong TPP”, Thông cáo báo chí, 11/2015.

2. Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (2016), Tổng quan ngành Thủy sản Việt Nam.

3. Jay L. Eizenstat, Esq (2011), Đàm phán Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương - TPP: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, Bài đăng kỷ yếu Hội thảo Khoa học. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Miller & Chevalier Chartered tổ chức. Hà Nội.

4. Peter A.Petri và cộng sự (2013), Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương và tác động của Hiệp định tới nền kinh tế Việt Nam.

5. Viện NCQLKT Trung ương (2014), Tác động của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP): Lợi ích chính trị và khuyến nghị chính sách, Trung tâm Thông tin tư liệu.

STUDY ON THE IMPACT OF TPP ON VIETNAM'S AQUACULTURE EXPORTS

PhD. NGUYEN THI THU HIEN

ThuongMai University

 ABSTRACT:

The Trans-Pacific Partnership (TPP) is a new  free-trade agreement which is expected to have a huge impact on member of economies. This article analyzes the effects of TPP on Vietnamese aquaculture exports. TPP will have a positive impact on Vietnam's export sector through opportunities for market access, foreign investment, advanced science and technology, and access to national referees. In addition, the TPP will also create significant challenges because of stronger competition in the domestic market, higher requirements for  meeting technical standards for exporting seafood products, labor and environmental standards.

Keywords: TPP, aquaculture, exports, tariffs, technical barriers.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây