Nghiên cứu ảnh hưởng quy mô doanh nghiệp đến kế toán trách nhiệm: Trường hợp điển hình ở Gia Lai

ThS. NGUYỄN KIM THOA - LÊ THỊ HỒNG PHƯỢNG - VŨ THỊ ÁNH NGỌC - LÊ THỊ MỸ HẰNG (Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai)

TÓM TẮT:

Kế toán trách nhiệm (KTTN) là nội dung quan trọng của kế toán quản trị. Đây là hệ thống kế toán cung cấp thông tin linh hoạt, kịp thời và chính xác để đánh giá thành quả của các bộ phận, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Nghiên cứu xác định ảnh hưởng của quy mô tổ chức với mức độ áp dụng KTTN tại các doanh nghiệp - trường hợp điển hình ở tỉnh Gia Lai. Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ giữa số lượng lao động, doanh thu bình quân và tổng tài sản bình quân trong doanh nghiệp với KTTN.

Từ khóa: kế toán trách nhiệm, quy mô doanh nghiệp, kế toán quản trị, tỉnh Gia Lai.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh gay gắt hiện nay, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao nội lực và khả năng cạnh tranh, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Khi quy mô sản xuất - kinh doanh tăng lên, doanh nghiệp phải thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý và người quản lý phải chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ phận được giao, xây dựng các phương thức quản lý sao cho các bộ phận, thành viên hoạt động nhịp nhàng và cùng hướng đến mục tiêu chung. Đồng thời, nhà quản lý có được những thông tin hữu ích, kịp thời để đánh giá hiệu quả hoạt động và ra quyết định một cách nhanh chóng. KTTN là một công cụ hữu ích giúp các doanh nghiệp đạt được điều này. Tuy nhiên, KTTN nói chung và các yếu tố ảnh hưởng đến KTTN là một khái niệm khá mới mẻ với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng. Do vậy, nghiên cứu sẽ xem xét ảnh hưởng của quy mô tổ chức đối với KTTN trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

2. Mô hình nghiên cứu

Dựa vào kết quả của các nghiên cứu trước đó, bài nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng để xác định ảnh hưởng của quy mô của tổ chức, trình độ của nhà quản trị và hiểu biết của nhà quản trị đến KTTN ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai, với mô hình nghiên cứu đề xuất và 3 giả thuyết được đưa ra như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Nguồn: Tác giả đề xuất

Các giả thuyết:

H1: Số lượng công nhân bình quân có ảnh hưởng đến KTTN ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

H2: Doanh thu bình quân có ảnh hưởng đến KTTN ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

H3: Tổng tài sản bình quân có ảnh hưởng đến KTTN ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

3. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng. Dựa trên các nghiên cứu trước đây về KTTN, bảng câu hỏi được thiết kế để thu thập số liệu bằng cách khảo sát các nhà quản lý trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Dữ liệu thu thập được tổng hợp và phân tích số liệu bằng phần mềm SPSS 20 nhằm đánh giá ảnh hưởng của trình độ học vấn, hiểu biết của nhà quản trị và quy mô của doanh nghiệp đến việc thực hiện KTTN tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

4. Kết quả và diễn giải

Nghiên cứu thực hiện khảo sát nhà quản trị các cấp tại 213 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng bảng câu hỏi và thu về được 210 mẫu hợp lệ. Dữ liệu thu thập được xử lý bằng SPSS 20 để phân tích Cronbachs Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và ANOVA.

4.1. Kết quả phân tích Cronbach’s Alpha

Bảng 1. Kết quả phân tích Cronbach’s Alpha

Kết quả phân tích Cronbach’s Alpha

Nguồn: Phân tích dữ liệu bằng SPSS

Kết quả cho thấy, Cronbach’s Alpha của các thang đo đều lớn hơn 0,7. Vì vậy, tất cả các biến quan sát của thang đo đều đạt tiêu chuẩn và đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA.

4.2. Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA

Bảng 2. Kết quả kiểm định KMO and Bartlett's

Kết quả kiểm định KMO and Bartlett's

Nguồn: Tác giả

Kiếm định giá trị thang đo cho thấy thang đo các yếu tố của KTTN có kết quả phân tích với chỉ số KMO = 0,936 (0 < KMO < 1) đạt yêu cầu và kiểm định Bartlett's có Sig = 0,000 < 0.001, chứng tỏ các biến quan sát có tương quan với nhau. Tuy nhiên, hệ số tải nhân tố của biến KT2 trong lần xoay thứ nhất và biến CC6 trong lần xoay thứ 2 không đạt yêu cầu nên bị loại khỏi mô hình. Trong lần xoay thứ 3, tất cả 40 biến quan sát đều được chấp nhận với hệ số tải nhân tố lớn hơn 0,5 và được gom thành 7 nhóm, với tổng phương sai trích là 73,869% > 50%.

4.3. Ảnh hưởng của số lượng lao động bình quân trong doanh nghiệp đến KTTN

Để phân tích mức độ áp dụng KTTN tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai với số lượng lao động khác nhau, nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích phương sai một yếu tố (ANOVA) với giả thuyết Ho: Việc ứng dụng KTTN tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai có số lượng lao động khác nhau là như nhau.

Kết quả kiểm định phương sai bằng nhau cho thấy, các khía cạnh phân chia cơ cấu tổ chức thành các TTTN, lập dự toán, sử dụng dự toán để kiểm soát và đánh giá thành quả có giá trị sig > 0,05, thỏa mãn điều kiện phương sai bằng nhau. Vì vậy, ở các khía cạnh này ta dùng kết quả kiểm định ANOVA. Khía cạnh phân quyền, phân bổ chi phí và thu nhập, lập báo cáo và khen thưởng có giá trị sig  < 0,05, không thỏa mãn điều kiện phương sai bằng nhau. Do đó, với các khía cạnh này, ta dùng kiểm định Welch.

Kết quả kiểm định ANOVA và Robus Tests cho thấy, các giá trị Sig đều = 0,00 nhỏ hơn rất nhiều so với mức ý nghĩa 0,05, nên giả thuyết Ho bị bác bỏ. Có nghĩa là, mức độ vận dụng KTTN ở các doanh nghiệp có số lượng lao động khác nhau là khác nhau một cách có ý nghĩa thống kê.

Kết quả kiểm định sâu ANOVA post- hoc cho thấy số lượng công nhân càng cao thì mức độ áp dụng KTTN ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai càng cao.

4.4. Ảnh hưởng của doanh thu bình quân trong doanh nghiệp đến KTTN

Để phân tích mức độ áp dụng KTTN tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai với doanh thu khác nhau, nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích phương sai một yếu tố (ANOVA) với giả thuyết Ho: Việc ứng dụng KTTN tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai có doanh thu khác nhau là như nhau. Kết quả phân tích cụ thể như sau:

Kết quả kiểm định phương sai bằng nhau cho thấy tất cả các yếu tố, ngoại trừ khía cạnh phân bổ chi phí và thu nhập đều có giá trị sig > 0,05, thỏa mãn điều kiện phương sai bằng nhau. Vì vậy, ta dùng kết quả kiểm định ANOVA. Khía cạnh phân bổ chi phí và thu nhập có giá trị sig = 0,005 < 0,05, không thỏa mãn điều kiện phương sai bằng nhau. Do đó, với khía cạnh này, ta dùng kiểm định Welch.          

Kết quả kiểm định ANOVA cho thấy các khía cạnh có giá trị sig lần lượt như sau: Phân chia cơ cấu tổ chức thành các trung tâm trách nhiệm: 0,000; Phân quyền: 0.000; Lập dự toán: 0,002; Sử dụng dự toán để kiểm soát và đánh giá thành quả: 0.009; Lập báo cáo để phân tích chênh lệch: 0.000; Khen thưởng liên quan đến thành quả: 0,000. kiểm định Robus Tests ở khía cạnh Phân bổ chi phí và thu nhập có giá trị sig là 0,000, tất cả các giá trị đều có P-value < 0,05. Do đó, giả thuyết Ho bị bác bỏ, nghĩa là mức độ áp dụng KTTN tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai có doanh thu bình quân khác nhau thì khác nhau một cách có ý nghĩa thống kê.

Kết quả kiểm định sâu ANOVA post-hoc cho thấy rằng, khi doanh thu bình quân càng cao, thì khả năng áp dụng KTTN trong doanh nghiệp càng cao.

4.5. Ảnh hưởng của tổng tài sản bình quân trong doanh nghiệp đến KTTN

Để phân tích mức độ áp dụng KTTN tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai với tổng tài sản bình quân khác nhau, nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích phương sai một yếu tố (ANOVA) với giả thuyết Ho: Mức độ áp dụng KTTN tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai có tổng tài sản bình quân khác nhau là như nhau. Kết quả phân tích như sau:

Kết quả kiểm định phương sai bằng nhau cho thấy tất cả các yếu tố, ngoại trừ khía cạnh phân bổ chi phí và thu nhập đều có giá trị sig > 0,05, thỏa mãn điều kiện phương sai bằng nhau. Vì vậy, ở các khía cạnh này ta dùng kết quả kiểm định ANOVA. Khía cạnh phân bổ chi phí và thu nhập có giá trị sig = 0,02 < 0,05, không thỏa mãn điều kiện phương sai bằng nhau. Do đó, với khía cạnh này, ta dùng kiểm định Welch.

Kết quả kiểm định ANOVA cho thấy, các khía cạnh Phân chia cơ cấu tổ chức thành các trung tâm trách nhiệm; Phân quyền; Lập dự toán; Lập báo cáo để phân tích chênh lệch; Khen thưởng liên quan đến thành quả có giá trị sig là 0,000 và khía cạnh sử dụng dự toán để kiểm soát và đánh giá thành quả là 0.001. kiểm định Robus Tests ở khía cạnh Phân bổ chi phí và thu nhập có giá trị sig là 0,000, tất cả các giá trị đều có P-value<0,05 nên giả thuyết Ho bị bác bỏ, có nghĩa là mức độ ứng dụng KTTN tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai có tổng tài sản bình quân khác nhau là khác nhau một cách có ý nghĩa thống kê.

Kết quả kiểm định sâu ANOVA post hoc cho thấy rằng khi tổng tài sản bình quân càng cao thì khả năng áp dụng KTTN trong doanh nghiệp càng cao.

5. Kết luận

Kết quả của nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp có số lượng lao động bình quân, doanh thu bình quân và tổng tài sản bình quân càng cao, thì mức độ áp dụng KTTN càng cao. Nghĩa là, các doanh trên địa bàn tỉnh Gia Lai có quy mô càng lớn thì việc áp dụng các khía cạnh của KTTN trở nên rõ ràng hơn và ngược lại. Kết quả này cho thấy, khi phát triển hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phân cấp, phân quyền trong cơ cấu tổ chức. Lúc này, nhà quản trị các cấp cần thông tin do KTTN cung cấp để hoàn thành những nhiệm vụ được giao nhằm đạt được các mục tiêu chung của doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai muốn tồn tại và phát triển cần chú ý đến công tác kế toán quản trị nói chung và KTTN nói riêng. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp cần quan tâm đến việc áp dụng đầy đủ các công cụ của KTTN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. A. Amiri, H. Salari, & Maryam Omidvar Jacob Thomas. (2013). Effectiveness of responsibility accounting system of the organizational structure and managers authority. International Journal of Research in Computer Application& Management, 3(8), 44-47.
  2. Eman Al Hanini. (2013). The Extent of Implementing Responsibility Accounting Features in the Jordanian Banks. European Journal of Business and Management, 5(1), 217-229.
  3. Fatena Al-Gharaybah, Mamoun Al-Dbie, & Mohammad Abu Nassar. (2011). The Extent of Implementing Responsibility Accounting Features in Jordanian Industrial Corporations and Its Effect on Profitability and Operational Efficiency. Derasat, Administrative Sciences, 38(1), 219-234.
  4. Fowzia, R. (2011). Use of Responsibility Accounting and Measure the Satisfaction Levels of Service Organizations in Bangladesh. International Review of Business Research Papers, 7(5), 53-67.
  5. Imad Zeyad Ramadan. (2016). Implementing Responsibility Accounting in Jordanian Industrial Companies. International Business Management, 23(10), 5501-5506.
  6. Lưu Phước Hương, Lưu Tiến Luật, & Huỳnh Ngọc Lan Anh. (2018). Ảnh hưởng của kế toán trách nhiệm đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Can Tho University, Journal of Science, 54(4), 168-177.
  7. Ngoc Tien Nguyen. (2020). Factors Affecting Responsibility Accounting at Public Universities: Evidence from Vietnam. The Journal of Asian Finance, Economics and Business, 7(4), 275-286.
  8. Ngoc Tien Nguyen, Thi Le Hang Nguyen, & Duc Cuong Pham. (2019). Factors affecting the responsibility accounting in Vietnamese firms: A case study for livestock food processing enterprises. Management Science Letters, 9(9), 1349-1360.
  9. Nguyen Thi Dien & Le Doan Minh Duc. (2020). Factors Affecting Responsibility Accounting at Joint Stock Commercial Banks in Vietnam. Journal of Southwest Jiaotong University, 55(4), 1-11.
  10. Safa Mojgan. (2012). Examining The Role of Responsibility Accounting in Organizational Structure. American Academic & Scholarly Research Journal, 3(4), 1-3.
  11. Tran Trung Tuan. (2017). Application Responsibility Accounting to Sustainable Development in Vietnam Manufacturers: An Empirical Study. Economics World, 5(6), 573-583.

A STUDY ON THE IMPACT OF BUSINESS SIZE

ON RESPONSIBILITY ACCOUNTING:

CASE STUDY OF ENTERPRISES IN GIA LAI PROVINCE

• Master. NGUYEN KIM THOA1

• LE THI HONG PHUONG1

• VU THI ANH NGOC1

• LE THI MY HANG1

1Nong Lam Universiy - Gia Lai Campus

ABSTRACT:

Responsibility accounting is an important part of the management accounting. The responsibility accounting provides flexible, timely and accurate information to evaluate the performance of companys units and improve the operational efficiency of company. This study determines the impacts of business size on the implementation of responsibility accounting in enterprises located in Gia Lai Province. The study’s resuls show that there is a relationship between the number of employees, the average revenue and the average total assets of an enterprise with its implementation of responsibility accounting.

Keywords: responsibility accounting, business size, management accounting, Gia Lai Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 10 năm 2021]