Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nấm rơm tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp

ThS. NGUYỄN THỊ BÍCH THUẬN1 - ThS. PHẠM ÁNH TUYẾT2 - DƯƠNG MINH THÔNG3 (1Tác giả chính, tác giả liên hệ của bài báo - Khoa Kinh tế - Trường Đại học Đồng Tháp - 2Khoa Kinh tế - Trường Đại học Đồng Tháp - 3Sinh viên TCNH14 - Khoa Kinh tế - Trường Đại học Đồng Tháp)

TÓM TẮT:

Bài viết sử dụng dạng hàm Cobb - Douglas cùng với kiểm định F, Durbin - Watson, Ramsay reset và Breusch and Pagan Lagrangian multiplier để lựa chọn mô hình giải thích tốt nhất các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nấm rơm. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra hiệu quả sản xuất nấm rơm chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố: lượng meo, lượng rơm, lượng xăng, kinh nghiệm, thời tiết, trình độ chuyên môn. Đồng thời còn gợi ý các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nấm rơm cho các nông hộ, góp phần phát triển kinh tế cho các nông hộ ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Từ khóa: năng suất, nấm rơm, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm trở lại đây, nấm rơm ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn trong chế biến món ăn, nhờ có giá trị dinh dưỡng cao. Nấm rơm có vị ngọt, tính mát, đặc biệt rất bổ dưỡng đối với những người có bệnh cao huyết áp, rối loạn lipid trong máu hay bệnh xơ vữa động mạch, tiểu đường, ung thư và các bệnh có liên quan đến bệnh lý mạch vành tim. Có thể chế biến nấm rơm để ăn hoặc kết hợp với các nguyên liệu khác để làm các bài thuốc nhân gian chữa bệnh. Với những lợi ích mà nấm rơm mang lại, việc nghiên cứu và sản xuất nấm trên thế giới ngày nay đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một ngành công nghiệp đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho các hộ nông dân.

Huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương tiên phong trong sản xuất nấm rơm và cũng là nơi có truyền thống trồng nấm rơm lâu đời. Thời gian qua, nghề trồng nấm rơm đã góp phần khai thác nguồn phụ phẩm rơm rạ trong sản xuất lúa cũng như góp phần cải thiện đời sống của người nông dân tại huyện Lai Vung. Tuy nhiên, do người nông dân vẫn mang tập quán sản xuất truyền thống và chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ đúng mức nên việc phát triển nghề trồng nấm rơm tại Lai Vung còn chưa tương xứng với tiềm năng của một vùng sản xuất nông nghiệp lớn. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa nông hộ sản xuất và các nơi tiêu thụ chưa thật sự ổn định và bền vững, khiến vấn đề đầu ra của sản phẩm còn nhiều khó khăn. Mặt khác, mới chỉ có một phần nhỏ rơm tại huyện được người dân tận dụng để trồng nấm, còn lại phần lớn bị đốt bỏ sau khi thu hoạch lúa. Kỹ thuật sản xuất của người nông dân trên địa bàn dù có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn một số hạn chế. Việc học tập, trao đổi kinh nghiệm vẫn chưa được thực hiện thường xuyên và cũng chưa được người dân quan tâm nhiều.

Đây chính là những nguyên nhân khiến nghề trồng nấm rơm trong vài năm trở lại đây có xu hướng phát triển chậm lại, nhiều nông hộ đã bỏ nghề để chuyển sang các công việc khác có thu nhập cao hơn. Để giúp cho nghề trồng nấm rơm có thể tồn tại và phát triển, cũng như giúp cho nông hộ có thể an tâm hơn trong việc sản xuất nấm rơm thì việc nghiên cứu hiệu quả sản xuất nấm rơm là thực sự cần thiết.

2. Tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm trước đây

Nghiên cứu của Phan Văn Hòa, Nguyễn Văn Thiên (2011)," Hiệu quả kinh tế sản xuất nấm rơm ở Phú Lương, Phú Vang, Thừa Thiên Huế” được khảo sát ngẫu nhiên 60 hộ trong tổng số 510 hộ trồng nấm của xã, nhóm tác giả tiến hành sử dụng phương pháp kinh tế phân tích hàm sản xuất Cobb-Douglass. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu hộ đầu tư tăng thêm lượng rơm, meo, công lao động, đầu tư nhà vòm mới đều giúp tăng năng suất nấm rơm do sản phẩm cận biên tăng. Đối với ngày công lao động, nếu hộ tăng thuê thêm 1 ngày công lao động để trồng nấm, sau khi trừ đi chi phí 1 ngày công thuê 80 ngàn, hộ đã lỗ mất 39,59 - 44,15 ngàn đồng tuỳ theo mùa vụ. Trong điều kiện sản xuất và tiêu thụ nấm hiện nay, nếu hộ trồng nấm vào mùa hạ, mùa thu, tăng thêm lượng rơm, meo giống, đầu tư mới nhà vòm trồng nấm và tận dụng lao động nhàn rỗi của gia đình để trồng nấm sẽ cho kết quả và hiệu quả kinh tế cao.

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Lệ (2013), “Phân tích hiệu quả kỹ thuật của mô hình trồng nấm rơm ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp” sử dụng hàm Cobb-Douglas trên cơ sở dữ liệu thu thập từ 60 nông hộ ở Huyện Lai Vung - Tỉnh Đồng Tháp. Kết quả của nghiên cứucho thấy, hiệu quả kỹ thuật trung bình của nông hộ sản xuất nấm rơm là 84,81%. Như vậy, người dân vẫn có thể cải thiện thêm hiệu quả sản xuất để nâng cao năng suất. Cùng lượng yếu tố đầu vào như hiện tại, nông hộ vẫn có thể cải thiện thêm khoảng 15,19%. Tuy nhiên, năng suất thực tế năm 2013 chỉ đạt mức trung bình là 704,41 kg/ngàn mét giồng. Do kỹ thuật trồng nấm rơm chưa được cải thiện đã khiến năng suất của các nông hộ bị giảm đáng kể. Nếu như hiệu quả kỹ thuật của các nông hộ đạt 100% thì bình quân năng suất có thể đạt được là 828,55 kg/ngàn mét giồng. Việc hiệu quả kỹ thuật chưa được nâng cao nên đã làm cho năng suất trung bình giảm 124,13 kg/ngàn mét giồng.

Ngô Thị Thanh Trúc, Nguyễn Thị Quyến Hương (2017), đã nghiên cứu “Hiệu quả kinh tế sản xuất nấm rơm (Volvariella Volvacea) ngoài trời ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang”. Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng phương pháp phân tích chi phí doanh thu lợi nhuận (cost return analysis) để đo lường hiệu quả kinh tế của sản xuất nấm rơm và phương pháp so sánh (T-Test) để so sánh sự biến động của năng suất và lợi nhuận từ hoạt động sản xuất nấm rơm ngoài trời của các nông hộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, năng suất nấm rơm đạt 35 ± 10 kg/tấn rơm khô (3,5 ± 1,0% nguyên liệu). Chi phí sản xuất nấm rơm là 1.101 ± 682 nghìn đồng/tấn rơm. Doanh thu là 1.057 ± 350 nghìn đồng/tấn rơm/vụ, thu nhập ròng là 596 ± 335 nghìn đồng/tấn rơm/vụ và lợi nhuận là -44 ± 704 nghìn đồng/tấn rơm/vụ. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng cho thấy, các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế sản xuất nấm rơm, như: Thời tiết, nguồn meo giống, nguồn nguyên liệu rơm, giá bán và giá nguồn nguyên liệu rơm và meo giống.

3. Dữ liệu, phương pháp và mô hình nghiên cứu

3.1. Dữ liệu nghiên cứu

- Dữ liệu thứ cấp: Được thu thập từ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Lai Vung, các số liệu về kinh tế - xã hội của huyện Lai Vung, niên giám thống kê… và các tài liệu có liên quan đến bài viết.

- Dữ liệu sơ cấp: Được thu thập bằng cách phỏng vấn 100 nông hộ đã và đang trồng nấm rơm trên địa bàn huyện Lai Vung.

3.2. Phương pháp nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng nghiên cứu định lượng với phần mềm Stata 12.0 với dạng hàm Cobb - Douglas để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nấm rơm. Đồng thời, chúng tôi còn sử dụng các dạng kiểm định Durbin - Watson, kiểm định B-G và kiểm định Ramsey Reset để kiểm tra hiện tượng tự tương quan, phương sai thay đổi và hiện tượng thiếu biến của mô hình. Với cách xác định mô hình như vậy, các hệ số hồi quy ước lượng trong mô hình có tính vững và hiệu quả có thể giải thích tốt ảnh hưởng của các yếu tố đến hiệu quả sản xuất nấm rơm.

3.3. Mô hình nghiên cứu (Bảng 1)

Mô hình nghiên cứu đề xuất có dạng như sau:

Lnns = β0 + β1 Lnlm + β2 LnLr + β3 LnLx + β4 Lnlv + β5 Lnlđ + β6 Lnyear +

β7 Weather+ β8 tdcm + β9 gender + β10 kt  

Trong đó:

Ns (Biến phụ thuộc): Năng suất nấm rơm được tính bằng đơn vị là kg/vụ/1000m2

β0 : Hệ số góc của hàm sản xuất Cobb - Douglas.

βk:  Các hệ số cần được ước lượng trong mô hình (k= 1,2,…10).

Ln: Tức là lấy logarit tự nhiên của các biến nghiên cứu.

Bảng 1: Các biến trong mô hình nghiên cứu đề xuất

Biến

Cách đo lường

Dấu kỳ vọng

 ns

Năng suất nấm rơm trên 1 vụ (kg/vụ/1000m2)

 

lm

Lượng meo sử dụng cho một vụ (Bao/vụ/1000m2)

+

Lr

Lượng rơm sử dụng cho một vụ (ghe/vụ/1000m2)

+

Lx

Lượng xăng dầu sử dụng cho một vụ (lít/vụ/1000m2)

+

Lv

Lượng vôi sử dụng cho một vụ (bao/vụ/1000m2)

-

Số lượng lao động tham gia vào hoạt động sản xuất (người/vụ/1000m2)

+

Year

Số năm trồng nấm

+

weather

Biến giả (nhận giá trị 1: nếu thời tiết tốt; 0: nếu thời tiết xấu)

+

Tdcm

Biến giả (nhận giá trị 1: nếu gia đình có người chuyên ngành nông nghiệp; 0: khác)

+

gender

Giới tính (nhận giá trị 1: Nếu là Nam ;  0:  Nếu là Nữ)

+

Kt

Biến giả (nhận giá trị 1: nếu nông hộ có tham gia tập huấn; 0: ngược lại)

+

4. Kết quả nghiên cứu (Bảng 2)

Bảng 2: Thống kê mô tả các biến trong mô hình nghiên cứu

Chỉ tiêu/ biến

Mean

Median

Std. Deviation

Minimum

Maximum

Ns

152,2

120

100,881

50

700

Lv

1,76

2

0,878

1

6

Lm

11,74

10

7,992

5

70

Ld

10,49

10

4,883

2

33

Lr

1,76

2

1,036

1

7

Lx

15,22

15

7,309

5

50

year

8,83

8

4,311

1

30

weather

0,83

1

0,378

0

1

Kt

0,94

1

0,239

0

1

Gender

0,29

0

0,456

0

1

Trdcm

0,16

0

0,368

0

1

Bảng 2 cho thấy, năng suất trung bình của một hộ đạt 152kg/vụ/1000m2 với độ lệch chuẩn gần 100kg. Kết quả này chứng tỏ năng suất nấm biến động và phụ thuộc khá lớn vào đặc điểm ở từng nông hộ.

Số lao động làm việc trong sản xuất nấm trung bình ở các hộ trên 10 người/vụ. Điều này chứng tỏ lượng lao động làm việc trong sản xuất nấm cũng tương đối và việc phát triển nghề nấm là một trong những chính sách để giải quyết việc làm và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Lượng rơm sử dụng trung bình ở các hộ trên mỗi vụ trung bình trên 1 ghe rơm. Như vậy, việc nâng cao hiệu quả sản xuất nấm rơm sẽ góp phần tận dụng các nguyên liệu phế phẩm từ sản xuất lúa và tạo thêm thu nhập cho người trồng lúa. Lượng meo giống sử dụng trong một vụ ở mỗi hộ trung bình trên 12 bao, với độ dao động gần 8 bao.

Kết quả hồi quy ban đầu cho thấy: Các biến lượng vôi, số lượng lao động, kỹ thuật, giới tính đều có hệ số Sig > 0,10. Điều này chứng tỏ các biến trên không có ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nấm rơm. Để ước lượng chính xác mức độ ảnh hưởng của các biến độc lập đến hiệu quả sản xuất nấm rơm, chúng tôi tiến hành loại từng biến này. Sau khi loại hết tất cả các biến trên cho ra bảng kết quả hồi quy chính thức sau (Bảng 3) :

Bảng 3: Kết quả hồi quy mô hình nghiên cứu sau khi loại biến

Model

Unstandardized Coefficients

Standardized Coefficients

t

Sig.

Collinearity Statistics

B

Std. Error

Beta

Tolerance

VIF

 

1

(Constant)

2,883

,182

 

15,804

,000

 

 

 

Lnlm

,407

,080

,400

5,056

,000

,295

3,389

 

Lnlr

,419

,070

,419

5,984

,000

,375

2,664

 

Lnlx

,113

,063

,101

1,807

,074

,589

1,699

 

Lnyear

,218

,040

,247

5,508

,000

,918

1,089

 

Weather

,130

,057

,105

2,297

,024

,885

1,130

 

Trdcm

,140

,056

,110

2,510

,014

,955

1,047

 

Các kiểm định

Durbin - Watson

1,67

Sig (F) R2

0,000

P-value

(chi-square)

0,827

P-value

(ramsay-reset)

0,136

 

                     

Kết quả ở Bảng 3 cho thấy, mô hình sau khi loại dần các biến không ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nấm rơm không có hiện tượng tự tương quan, phương sai thay đổi và thiếu biến. Đồng thời, thông qua bảng số liệu trên cho thấy R2 là 82,87%. Điều này có nghĩa là các biến trong mô hình hồi quy giải thích được 82,87% cho sự biến đổi của hiệu quả sản xuất nấm rơm.

Từ những kết quả của các kiểm định trên, ta có thể nhận định mô hình hồi quy được xây dựng là phù hợp.

Về lượng meo: Kết quả cho thấy, lượng meo tăng 1% thì năng suất sẽ tăng 40,7% (với các yếu tố khác không đổi và mức ý nghĩa 1%). Kết quả này trùng khớp với các nghiên cứu trước đây và phù hợp với lý thuyết.

Về lượng rơm: Lượng rơm có tương quan dương và có ý nghĩa thống kê với hiệu quả sản xuất. Khi gia tăng lượng rơm điều này chứng tỏ năng suất sẽ tăng lên. Kết quả nghiên cứu không đồng nhất với nghiên cứu của Nguyễn Thị Lệ. Tuy nhiên vẫn phù hợp với thực tế khi gia tăng một tỷ lệ rơm hợp lý, chứng tỏ nông hộ đang mở rộng quy mô hoặc làm các mô rơm hiệu quả hơn, do đó hiệu quả sản xuất nấm rơm sẽ tăng lên.

Về kinh nghiệm sản xuất: Hệ số hồi quy ứng với số năm trồng nấm có tương quan tích cực và có ý nghĩa thống kê. Chứng tỏ nông hộ có kinh nghiệm càng lâu năm thì năng suất sẽ cao hơn các nông hộ còn lại. Điều này phù hợp với các nghiên cứu trước đây và thực trạng sản xuất.

Về thời tiết: Thời tiết tốt sẽ cho năng suất cao hơn thời tiết xấu. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với lý thuyết và nghiên cứu trước đây.

Về trình độ chuyên môn: Hệ số hồi quy ứng với trình độ chuyên môn có tương quan tích cực và có ý nghĩa thống kê. Chứng tỏ những người trong gia đình của nông hộ nếu có chuyên môn sâu về nông nghiệp sẽ có năng suất cao hơn các nông hộ còn lại. Điều này phù hợp với các nghiên cứu trước đây và thực tế sản xuất.

5. Kết luận và giải pháp đề xuất

5.1. Kết luận

Nấm rơm được xem là một trong những loại cây trồng chính và sản xuất nấm rơm được xem là một nghề truyền thống tại địa phương. Việc sản xuất nấm có thể tận dụng tốt các nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp đến giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Để mô hình trồng nấm ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, cần có sự hướng dẫn nhiệt tình từ cán bộ khuyến nông ở địa phương, sự phối hợp, chỉ đạo, quan tâm xác đáng, cùng với những chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, từ kết quả chạy mô hình hiệu quả sản xuất cho thấy, hiệu quả sản xuất nấm rơm của các nông hộ tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi 6 yếu tố, gồm: lượng meo, lượng rơm, lượng xăng dầu, số năm kinh nghiệm, thời tiết và trình độ chuyên môn.

5.2. Đề xuất giải pháp

5.2.1. Đối với nông hộ

Nên chọn những loại meo giống tốt có chất lượng cao để nâng cao năng suất nấm rơm cho các nông hộ.

Thường xuyên học hỏi kinh nghiệm của nông hộ khác, tham gia các lớp tập huấn trồng nấm rơm trên địa bàn huyện. Tăng cường học tập kinh nghiệm kỹ thuật trồng nấm như tham gia các lớp đào tạo nghề do xã, huyện tổ chức. Tổ chức các câu lạc bộ sản xuất nấm để học hỏi trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, đây là mô hình rất thành công ở các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác.

Nên chọn đúng thời điểm sản xuất, chọn những lúc sau 3 mùa thu hoạch lúa trong năm để trồng là tốt nhất, sản xuất với quy mô nhỏ khi vào trái mùa để hạn chế chi phí đầu vào và giảm thiểu nguy cơ rủi ro.

Thường xuyên theo dõi diễn biến của giá cả thị trường. Không nên sản xuất theo kiểu chạy theo giá cả nhất thời, vì như thế thường làm cho lượng cung vượt quá lượng cầu, theo đó giá sẽ không ổn định.

Do các nông hộ còn chưa liên kết với nhau trong khâu tiêu thụ sản phẩm nên thường xuyên bị thương lái ép giá. Từ đó, các nông hộ nên liên kết với những nông hộ cận kề nhau, tìm kiếm thị trường mới, chủ động hơn khi bán sản phẩm. Giữa các nông hộ nên liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, có thể thành lập các tổ hợp sản xuất để trao đổi thông tin, kinh nghiệm sản xuất với nhau.

5.2.2. Đối với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương

Mở thêm một số lớp về tập huấn kỹ thuật cho nông dân để nhằm sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap góp phần xây dựng thương hiệu nấm rơm Lai Vung. Hỗ trợ cho người trồng nấm trong việc sử dụng một cách hiệu quả các yếu tố về mặt kỹ thuật và biết sử dụng các yếu tố đầu vào một cách hiệu quả trong sản xuất.

Chính quyền địa phương cần nâng cấp hệ thống lưới điện trong sản xuất để tăng khả năng cung cấp điện cho các hộ sản xuất. Mở rộng các tuyến giao thông đường thủy và cải thiện hệ thống thủy lợi để việc vận chuyển rơm từ các ghe và chăm sóc dễ dàng hơn, thông thoáng hơn.

Cơ quan quản lý tại địa phương nên hỗ trợ về vốn để gia tăng sản xuất cho nông dân. Với điều kiện thuận lợi, lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, nhanh, gọn thì nông hộ sẽ có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất hay tái sản xuất sau những vụ mất mùa.

5.2.3. Đối với doanh nghiệp

Các doanh nghiệp nên bao tiêu sản phẩm cho các nông hộ trồng nấm nhằm đảm bảo đầu ra cho nông hộ, giúp nông hộ an tâm khi sản xuất mà không lo giá cả thay đổi thất thường. Cung cấp những thông tin chính xác về thị trường cho nông hộ, không lợi dụng sự thiếu thông tin của nông hộ để ép giá.

Còn về các cơ sở chế biến meo nấm ở địa phương, cần nhập các loại meo giống từ các nguồn có uy tín và chất lượng, nâng cao kỹ thuật làm meo giống. Tăng cường sử dụng các máy móc thiết bị hiện đại trong quá trình chế biến meo giống, tìm các biện pháp giảm giá thành meo giống để giảm chi phí đầu vào cho các nông hộ trong quá trình sản xuất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Hữu Hỷ, Nguyễn Duy Trình, Ngô Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thị Mỵ (2015), Thực trạng và giải pháp phát triển ngành nấm tại các tỉnh phía Nam. Viện Khoa học kỹ thuật Miền Nam.
  2. Nguyễn Thị Lệ (2013), Phân tích hiệu quả kỹ thuật của mô hình trồng nấm rơm ở Huyện Lai Vung - Tỉnh Đồng Tháp, Luận văn tốt nghiệp Đại học Cần Thơ.
  3. Ngô Thị Thanh Trúc, Nguyễn Thị Quyến Hương (2017), Hiệu quả kinh tế sản xuất nấm rơm (Volvariella Volvacea) ngoài trời ở huyện Long Mỹ, Hậu Giang. Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, tập 15, số 1 (2017),118-127.
  4. Nguyễn Minh Trung (2013), Phân tích hiệu quả sản xuất mô hình trồng nấm rơm tại huyện Thốt Nốt - Thành phố Cần Thơ, Luận văn tốt nghiệp Đại học Cần Thơ.
  5. Nguyễn Trọng Dũng, Nguyễn Thị Minh Hòa (2012), Chuỗi giá trị nấm rơm tại xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tạp chí Khoa học Đại học Huế. Vol 72 3, DOI 10.26459/hujos-ssh.v72i3.3580
  6. Đoàn Hoài Nhân (2010), Đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất nấm rơm tại tỉnh An Giang, Đề tài nghiên cứu Khoa học cấp cơ sở Đại học An Giang.

 A study on the factors affecting the straw mushroom yield for farmers in Lai Vung district, Dong Thap province

Master. Nguyen Thi Bich Thuan1

Master. Pham Anh Tuyet1

Duong Minh Thong2

1Faculty of Economics, Dong Thap University

2Student, Faculty of Economics, Dong Thap University

Abstract:

In this study, the Cobb - Douglas function, F test, Durbin - Watson, Ramsey reset test, and Breusch and Pagan Lagrangian multiplier test are used to select a research model that best explains the factors affecting the straw mushroom yield. This study’s results show that the straw mushroom yield is affected by these following factors: the quantity of spore prints, the amount of straw, the amount of gasoline, the experience, the weather, and the professional qualifications. This study proposes some policies to improve the straw mushroom yield for farmers, contributing to the economic development of Lai Vung district.

Keywords: yield, mushroom, Lai Vung district, Dong Thap province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2022]