Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao theo hướng bền vững tại Bà Rịa - Vũng Tàu

TS. VŨ VĂN ĐÔNG (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu)

TÓM TẮT:

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao theo hướng bền vững ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Số liệu sử dụng trong nghiên cứu được thu thập từ kết quả khảo sát 450 du khách, sau đó được xử lý bằng phần mềm thống kê SPSS, kiểm định thang đo bằng hệ số Cronbach’s  Alpha, mô hình phân tích nhân tố khám phá (EFA). Kết quả cho thấy có 6 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao bao gồm: Môi trường du lịch, Di sản thiên nhiên, Văn hóa địa phương, Dịch vụ du lịch, Đặc sản du lịch, và Phòng chống dịch bệnh và thiên tai.

Từ khóa: Nghiên cứu, nhân tố, phát triển, sản phẩm, dịch vụ, du lịch, bền vững.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ với tiềm năng du lịch khá phong phú, có những nét đặc sắc riêng… Chính vì vậy, đây là nơi có thể tạo nên sức thu hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, hiện trạng của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập cần phải giải quyết, bởi những hoạt động chưa mang lại những giá trị thiết thực đối với lợi ích của cộng đồng cũng như giúp tăng doanh thu cho ngân sách địa phương. Điều này đã chứng tỏ rằng “tiềm năng du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn là tiềm năng”.

Mặc dù bài viết chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp, nhưng tác giả hy vọng rằng sẽ góp phần quan trọng về phương pháp nghiên cứu cho phát triển bền vững ngành Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng như từ đó đề xuất các giải pháp dựa trên những cơ sở đánh giá khoa học để có thể góp phần nhỏ bé vào phát triển du lịch tỉnh, vốn là tiềm năng sẵn có của địa phương.

Mục tiêu của bài viết là nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sản phẩm - dịch vụ du lịch theo hướng bền vững của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Phương pháp sử dụng các công cụ đo định tính và định lượng để phân tích tổng hợp, thống kê mô tả và lịch sử lô gích.

2. NỘI DUNG

2.1. Nghiên cứu định tính

Nghiên cứu định tính nhằm xác định các yếu tố cấu thành nên sản phẩm du lịch của một địa phương, làm cơ sở xây dựng thang đo cho bước nghiên cứu định lượng.

2.1.1. Mẫu nghiên cứu định tính

Số lượng người được chọn để nghiên cứu định tính là 6 người. Đối tượng được phỏng vấn bao gồm: 2 người làm công tác nghiên cứu du lịch cấp Trung ương (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch), 2 người làm việc trong cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương (lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và 2 người quản lý điều hành trong các doanh nghiệp lữ hành. Đây là những đối tượng có những nghiên cứu và hiểu biết sâu về lĩnh vực du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu.

2.1.2. Các bước nghiên cứu định tính

Để xác định các yếu tố cấu thành, tác giả sử dụng mô hình các thành phần của một sản phẩm du lịch địa phương theo sắp xếp của Jeffries và Krippendorf. Sau đó, bằng tham khảo ý kiến các chuyên gia để xác định các tiêu chí liên quan của những yếu tố trên bằng cách phỏng vấn trực tiếp để xác định thông tin. Qua đó, các đối tượng phỏng vấn sẽ gợi ý trọng tâm để xác định và bổ sung các nhân tố chính và yếu tố bên trong (nhân tố con) của sản phẩm du lịch ở một địa phương, cụ thể ở đây là tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

2.1.3. Kết quả nghiên cứu định tính

Theo Jeffries và Krippendorf (Trần Ngọc Nam & ctg (2005), Marketing Du lịch, NXB Thành phố Hồ Chí Minh), các nhân tố cấu thành nên một sản phẩm du lịch bao gồm 32 tiêu chí thuộc 8 nhóm, sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia, kết quả thống nhất như sau:

- Nhân tố di sản, tài nguyên thiên nhiên:

+ Phong cảnh thiên nhiên.

+ Khí hậu.

+ Môi trường thiên nhiên.

+ Vị trí địa lý.

- Nhân tố di sản nhân tạo:

+ Công trình kiến trúc.

+ Di tích lịch sử.

+ Công trình văn hóa.

- Nhân tố thuộc về con người:

+ Phong tục tập quán.

+ Tôn giáo.

+ Dân tộc.

+ Lễ hội.

+ Thân thiện của người dân.

- Nhân tố cơ sở hạ tầng của địa phương:

+ Phương tiện giao thông.

+ Hệ thống giao thông công cộng.

+ Hệ thống thông tin liên lạc.

- Nhân tố thuộc về cơ sở vật chất của ngành du lịch:

+ Địa điểm du lịch.

+ Địa điểm lưu trú.

+ Địa điểm ẩm thực.

+ Các dịch vụ vui chơi, giải trí.

+ Quà lưu niệm của địa phương.

- Nhân tố về kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương:

+ Thái độ phục vụ của nhân viên.

+ Trình độ ngoại ngữ của nhân viên.

+ Đặc sản địa phương. 

+ Giá cả sinh hoạt.

+ Mức độ an toàn tại địa điểm.

- Nhân tố về công nghệ

           + Hạ tầng công nghệ phục vụ du lịch

          + Kết nối công nghệ

          + Sản phẩm công nghệ AI

- Nhân tố về dịch bệch và thiên tai

          + Khả năng chủ động phòng tránh

          + Công tác truyền thông kịp thời

          + Công tác quản lý dịch bệnh

          + Ý thức thực hiện phòng ngừa

2.2. Nghiên cứu định lượng 

Bước nghiên cứu định lượng nhằm đạt đến mục tiêu xác định được tầm quan trọng của các nhóm nhân tố theo quan điểm của khách du lịch đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó, nghiên cứu định lượng cũng xác định được khả năng đáp ứng của du lịch tỉnh với nhu cầu du khách, đồng thời xác định những yếu tố du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cần cải thiện để đề xuất những giải pháp phù hợp. 

2.2.1. Công cụ thu thập dữ liệu

Từ kết quả nghiên cứu định tính và nhu cầu thông tin cho các mục tiêu nghiên cứu, tiến hành thiết kế các bảng câu hỏi như sau:

Bảng câu hỏi dành cho du khách trong và ngoài nước đến Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá về sản phẩm du lịch tỉnh được thiết kế sau khi tham khảo đánh giá của các chuyên gia qua phương pháp định tính.

Trong bảng câu hỏi có 32 tiêu chí (biến) để đo lường đánh giá về chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, thang đo Likert điểm 5 được sử dụng với các cấp độ rất tốt, tốt, bình thường, kém và rất kém.

Mục đích cuối cùng của bảng câu hỏi này nhằm đo lường nhận thức của du khách về tầm quan trọng của các tiêu chí cấu thành nên một sản phẩm du lịch địa phương, cụ thể là hiện trạng của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bảng câu hỏi được hiệu chỉnh qua khảo sát thử. Số khách du lịch được khảo sát là 500, được lấy mẫu ngẫu nhiên thuận tiện. Bảng câu hỏi cuối cùng được hiệu chỉnh và lấy làm bảng câu hỏi chính thức để tiến hành nghiên cứu định lượng.

2.2.2. Cách thức thu thập dữ liệu

Để có được những thông tin cần thiết cho nghiên cứu, tác giả thu nhận 15 người để lập thành 3 nhóm, tập huấn cho mỗi nhóm cách thu thập dữ liệu, sau đó các nhóm tiến hành phỏng vấn trực tiếp đối với du khách trong và ngoài nước đến tham quan các khu du lịch tại Bà Rịa - Vũng Tàu ở 3 địa điểm: Khu du lịch Suối nước nóng Bình Châu (300 mẫu), Khu du lịch Long Hải (200 mẫu) và Phật Thích Ca (200 mẫu) từ tháng 9 năm 2019 đến tháng 6 năm 2020 và vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.

Do được giới thiệu kỹ về mục đích, yêu cầu của cuộc khảo sát, các nhóm làm việc có hiệu quả, hầu hết các đáp viên được hỏi rất sẵn lòng và nhiệt tình tham gia. Tác giả đã gặp nhiều thuận lợi về mặt thời gian, cũng như độ tin cậy của kết quả thu được.

2.2.3. Mẫu nghiên cứu định lượng

Tổng số mẫu hỏi phát ra là 700 người, bao gồm khách trong và ngoài nước đến tham quan các khu du lịch trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu như đã nêu trên, số người đồng ý trả lời là 600. Tổng số phiếu hợp lệ (đầy đủ thông tin cần thu thập) là 450 - chiếm tỷ lệ 75%. 

Phân chia mẫu theo quốc tịch thì hầu hết là khách Việt Nam (khách du lịch nội địa) chiếm 98,6%, khách nước ngoài chiếm 1,4% trong mẫu.

Trong nghiên cứu này, khách đến tham quan Bà Rịa - Vũng Tàu được chia theo 4 nhóm tuổi khác nhau: Người có tuổi dưới 25, từ 25 đến 34 tuổi, từ 35 đến 44 tuổi và người từ 45 tuổi trở lên. Kết quả trong 450 người được hỏi có: 200 người dưới 25 tuổi - chiếm 44,44%, tuổi từ 25 đến 34 có 150 người - chiếm 33,33%, tuổi từ 35 đến 44 có 50 người - chiếm 11,11% và người từ 45 tuổi trở lên là 11,11 người - chiếm 11,11%.

Nghiên cứu chia học vấn khảo sát theo 4 nhóm. Kết quả thu được gồm: 94 người có trình độ phổ thông trở xuống - chiếm 26,9%, trình độ trung cấp có 88 người tương đương 25,1%, trình độ cao đẳng có 58 người - chiếm 16,6% và người có trình độ đại học trở lên có 110 người - chiếm 31,4%.

Trong 450 người được hỏi có: 85 người trả lời đến Bà Rịa - Vũng Tàu lần đầu - chiếm 24,3%, 57 người trả lời đã đến Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ 2 - chiếm 16,3%, 36 người đã đến Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ 3 - chiếm 10,3% và có 172 người đã đến Bà Rịa - Vũng Tàu trên 3 lần - chiếm 49,1%.

2.2.4. Các bước nghiên cứu định lượng

Thông tin sau khi được thu thập qua các bảng câu hỏi được xử lý bằng phần mềm SPSS phiên bản 19. theo trình tự như sau:

2.2.4.1. Mã hóa dữ liệu

- Dữ liệu thang đo được mã hóa bằng số thứ tự được trình bày trong bảng câu hỏi.

- Thông tin cá nhân của du khách được mã hóa bằng việc đánh số thứ tự dựa theo mô tả.

- Làm sạch dữ liệu bằng công cụ đồ thị Scatter để phát hiện loại bỏ dữ liệu dị biệt.

2.2.4.2. Phân tích thống kê 

Đầu tiên, trong phân tích thống kê, tác giả đánh giá độ tin cậy của thang đo qua hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha cho tất cả biến trong từng nhân tố (25 biến).

Qua kiểm định độ tin cậy thang đo, hệ số Cronbach’s Alpha là 0,880 > 0,5 cho thấy thang đo sản phẩm du lịch có độ tin cậy cao, phù hợp cho nghiên cứu. Trong đó, có 1 yếu tố là Khí hậu có hệ số tương quan giữa biến và tổng (Corrected Item-Total Correlation) là 0,166 < 0,3 cần phải loại ra khi tiến hành các phân tích tiếp theo (theo Jabnoun & Al-Tamimi (2003), như vậy các biến quan sát còn lại là 26 biến.

Để hiểu rõ nhận thức của du khách cũng như đánh giá của họ về hiện trạng du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, đề tài tiến hành phân tích thống kê mô tả (Descriptive).

Kết quả cho thấy, đánh giá của khách du lịch về các yếu tố hình thành nên sản phẩm du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ ở trên dưới mức trung bình thang đo (trung bình = 3,5) cho thấy du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có gì đặc sắc nhưng cũng không quá kém. Trung bình cao nhất là Phong cảnh thiên nhiên (3,84), kế đến là Di tích lịch sử (3,78), Tôn giáo (3,68) cho chúng ta thấy những đánh giá của du khách phù hợp với tiềm năng và đặc trưng của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu. Quan trọng hơn, qua phân tích thống kê mô tả, những yếu tố còn yếu kém của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu thể hiện dưới mức trung bình, đó là: Địa điểm lưu trú (3.25); Địa điểm ẩm thực (3,15); Địa điểm vui chơi - giải trí (3,10); Quà lưu niệm của địa phương (3,37); Thái độ phục vụ của nhân viên (3,39); Trình độ ngoại ngữ của nhân viên (3,13); Giá cả sinh hoạt (3,12). Đây là các điểm cần lưu ý, tuy nhiên mức độ tương quan, ý nghĩa tác động của từng yếu tố đòi hỏi phải có các phần phân tích định lượng tiếp theo.

2.2.4.3. Phân tích nhân tố khám phá (Exploratory Factor Analysis - EFA)

Tiến hành phân tích nhân tố khám phá để tìm các nhóm yếu tố có mối quan hệ với nhau tạo thành nhân tố mới, giúp cho việc xác định mối quan tâm của du khách với du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung ở các nhân tố nào, từ đó tìm các giải pháp chính sách phù hợp. Qua kết quả EFA cho thấy:

- Hệ số KMO (Kaiser-Meyer-Olkin) là 0,872 (>0,5).

- Các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể vì kiểm định Bartlett có ý nghĩa thống kê (Sig = 0.000 <0.005)

- Hệ số tải nhân tố (Factor loading) là chỉ tiêu để đảm bảo ý nghĩa thiết thực của phân tích nhân tố. Với cỡ mẫu là 350, hệ số này > 0,4 được xem là quan trọng (theo Hair & ctg (1998)). Theo kết quả phân tích gồm các yếu tố: Di tích lịch sử; Công trình kiến trúc; Trình độ ngoại ngữ của nhân viên; Quà lưu niệm của địa phương.

- Các nhân tố phân tích còn lại đều có hệ số tải nhân tố lớn hơn hoặc bằng 0,5 được xem là có ý nghĩa thực tiễn.

- Tổng phương sai trích là 54,729% cho thấy 6 nhân tố khám phá chứa đựng 54,729% biến ban đầu (>50%) thích hợp cho nghiên cứu EFA. 

* Các giả thuyết nghiên cứu sau khi phân tích EFA:

(1) Giả thuyết H1: Nhân tố F1 “Văn hóa địa phương” có tác động đến phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao của địa phương.

(2) Giả thuyết H2: Nhân tố F2 “Dịch vụ du lịch” có tác động đến phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao của địa phương.

(3) Giả thuyết H3: Nhân tố F3 “Đặc sản địa phương” có tác động đến phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao của địa phương.

(4) Giả thuyết H4:  Nhân tố F4 “Môi trường du lịch” có tác động đến phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao của địa phương.

(5) Giả thuyết H5: Nhân tố F5 “Di sản thiên nhiên” có tác động đến phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao của địa phương.

(6) Giả thuyết H6: Nhân tố F6 “Nhân tố về kinh tế - văn hóa - xã hộicó tác động đến phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao của địa phương.

(7) Giả thuyết H7: Nhân tố F7 “Nhân tố về công nghệ” có tác động đến phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao của địa phương.

(7) Giả thuyết H7: Nhân tố F7 “Nhân tố về công nghệ” có tác động đến phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao của địa phương.

(7) Giả thuyết H8: Nhân tố F8 “Nhân tố về dịch bệch và thiên tai” có tác động đến phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao của địa phương.

2.2.4.4. Hồi quy

Vì điều kiện có hạn về vốn, nhân lực, công nghệ…, Tỉnh không thể cùng lúc đầu tư vào nhiều yếu tố có liên quan đến sản phẩm du lịch của địa phương. Vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu là nên tập trung vào phát triển các yếu tố nào trước để tạo tiền đề căn cơ cho ngành du lịch phát triển. Tác giả tiến hành hồi quy bội với biến phụ thuộc là Sự hài lòng của du khách đối với du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu (biến SAT đã được tính giá trị trung bình) và các biến độc lập là 5 nhân tố vừa khám phá ở phần trên (các biến đưa vào phân tích hồi quy được tính nhân số của nhân tố bằng cách tính trung bình cộng (Mean) của các biến quan sát thuộc nhân tố đó), dấu kỳ vọng của tất cả các biến này là dương. Mục đích của phân tích này là đánh giá tác động của những nhân tố đã khám phá với sự hài lòng với du lịch địa phương của du khách, xem những nhân tố nào có tác động mang ý nghĩa hơn đối với du khách trong giai đoạn hiện nay, làm cơ sở đề xuất chính sách tập trung phát triển du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian tới.

Mô hình hồi quy tổng quát được hiệu chỉnh sau khi phân tích EFA:

Mức độ hài lòng về du lịch địa phương = function (F1, F2, F3, F4, F5…).

Phương trình hồi quy tuyến tính bội như sau:

SAT = β­0 + β­1F1 + β­2F2 + β­3F3 + β­4F4 + β­5F5 + β­6F6 + β­7F7 + β­8F8 + ei

Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy:

- Mô hình hồi quy được đánh giá mức độ phù hợp thông qua: (1) Hệ số xác định R2 điều chỉnh; và (2) Kiểm định F để xác định mức độ phù hợp của mô hình hồi quy trong tổng thể.

Kết quả cho thấy, R2 điều chỉnh là 0,528 (trong bảng Model sumanyb) và sig. là 0,000 (< 0,05), như vậy mô hình là phù hợp. Ý nghĩa này cho biết 52,8% sự thay đổi của biến phụ thuộc được giải thích bởi các biến độc lập trong mô hình hồi quy.

- Kiểm định độ phù hợp của mô hình: Giả thuyết H0: β1 =  β2 = β3 = β4 = β5 = β6 + β7 = β8 = 0 (với βi lần lượt là hệ số hồi quy của các biến độc lập F1, F2, F3, F4,F5,F6,F7 và F8 trong phương trình hồi quy).

Xem bảng phân tích ANOVA tại kết quả hồi quy cho thấy: Trị thống kê F của mô hình có giá trị Sig. = 0,000 <0,01 cho thấy giả thuyết H­0 hoàn toàn bị bác bỏ với độ tin cậy 99%. Có thể kết luận rằng, trong tổng thể mô hình với các biến F1, F2, F3, F4,F5,F6,F7 và F8 có liên hệ với biến SAT, và giải thích được sự thay đổi của biến SAT.

+ Kiểm định giả thiết không có mối tương quan giữa các biến độc lập (hiện tượng đa cộng tuyến):

Xem Ma trận hệ số tương quan (Correlations) tại kết quả hồi quy ta thấy mối tương quan giữa các biến độc lập đều < 0,6 và Hệ số phóng đại phương sai VIF (xem tại bảng Coefficients) tất cả đều < 10, do đó có thể kết luận rằng không có hiện tượng đa cộng tuyến.

+ Kiểm định giả thiết phương sai của sai số không đổi:

Tiến hành kiểm định Spearman, ta thấy các hệ số Sig. (2-tailed) giữa trị tuyệt đối của phần dư ABSRES với F1, F2, F3 đều trên 0,05. Do đó, có thể kết luận, phương sai của sai số không thay đổi trong mô hình hồi quy.

Từ các kết quả kiểm định nêu trên cho thấy mô hình hồi quy này là phù hợp để giải thích mô hình tổng quát.

Kết quả hồi quy tại bảng Coefficientsở trên có hệ số Sig của các biến F1, F2, F3 mang giá trị đều bằng 0,000 (<0,01), do đó các hệ số hồi quy của các biến này có ý nghĩa thống kê ở mức 99%. Còn hệ số hồi quy của F4, F5 không có ý nghĩa thống kê. 

Như vậy, kết quả chấp nhận giả thiết H1, H2, H3 và đồng thời bác bỏ giả thiết H4, H5.

+ Kết quả thực tiễn:

Qua kết quả phân tích thì trong giai đoạn hiện nay, khách du lịch đến Bà Rịa - Vũng Tàu chưa chú ý đến các vấn đề về “môi trường du lịch” (F4) có thể là vì vị trí địa lý của Tỉnh cũng không xa, giá cả cũng chưa quan trọng,… Nhân tố “di sản thiên nhiên” (F5) cũng chưa được du khách quan tâm có thể là do các phong cảnh thiên nhiên quá quen thuộc ở Bà Rịa - Vũng Tàu, hoặc do mục đích của du khách là du lịch vì tâm linh, tín ngưỡng,… Tuy nhiên, những vấn đề về “Văn hóa địa phương” (F1), “dịch vụ du lịch” (F2) và “đặc sản địa phương” (F3), “phòng chống dịch bệnh và thiên tai” cần phải được các nhà quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch chú ý để đầu tư, cải thiện mới đáp ứng được yêu cầu của du khách.

3. GIẢI PHÁP VÀ KẾT LUẬN

3.1. Các giải pháp

Trên nền tảng phân tích cơ sở lý luận về du lịch bền vững, đánh giá hiện trạng tài nguyên và các định hướng phát triển du lịch của địa phương, cùng với cơ sở thu thập dữ liệu thực tế đối với du khách, qua phân tích bằng phương pháp nghiên cứu khoa học, đề tài đưa ra một số giải pháp phát triển sản phẩm du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu như sau:

3.1.1. Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Con người là gốc, là nguyên nhân của mọi vấn đề, giải pháp đầu tiên là tác động vào “gốc”. Các yếu tố trong nhân tố “dịch vụ du lịch” tác động đến “sự hài lòng” của du khách là cơ sở đề xuất giải pháp này. Do đó cần thường xuyên mở các lớp đào tạo ngắn hạn, đào tạo lại cho cán bộ, công nhân viên các khách sạn, nhà hàng, các cán bộ quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tạo cơ hội cho các cán bộ quản lý, người lao động học tập kinh nghiệm quản lý và kinh doanh du lịch ở một số nước phát triển mạnh về du lịch thông qua các quan hệ tại một số nước có trình độ. Xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút nhân tài, có chế đãi ngộ thỏa đáng để thu hút nguồn nhân lực tài năng trong khu vực du lịch về Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý. Từng bước xây dựng đội ngũ các nhà quản lý, các nhà doanh nghiệp năng động, sáng tạo và đủ năng lực điều hành các hoạt động kinh doanh du lịch hiệu quả. Tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế, các vùng lãnh thổ trong hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu thật sự trở nên cấp thiết, đây vừa là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của cơ sở đào tạo, vừa là trách nhiệm của cơ sở sử dụng người đào tạo. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, nêu rõ chính sách thỏa đáng trong việc sử dụng và đãi ngộ cán bộ, nhân viên sao cho phù hợp. Để thực hiện cùng cả nước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và chuẩn bị tất cả các điều kiện cần và đủ trong nền kinh tế hội nhập với khu vực và thế giới, Bà Rịa - Vũng Tàu cần phải quan tâm hàng đầu vào việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng có nghĩa là nâng cao chất lượng phục vụ các dịch vụ. Nguồn nhân lực với chất lượng cao là cơ sở để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù riêng của Bà Rịa - Vũng Tàu trên nền tảng các tài nguyên du lịch để thu hút du khách. Ngoài ra, đây còn là một trong những yếu tố đảm bảo cho sự phát triển du lịch một cách bền vững.

3.1.2. Giải pháp phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc

Các yếu tố trong nhân tố “đặc sản du lịch” là cơ sở đề xuất giải pháp này. Nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc ở Bà Rịa - Vũng Tàu là vấn đề cần thiết và có tầm quan trọng đặc biệt, nhằm thỏa mãn nhu cầu chi tiêu cho du khách, qua đó nâng cao doanh thu cho du lịch. Ngành Du lịch tỉnh cần tận dụng các tiềm năng sẵn có xây dựng các sản phẩm du lịch cụ thể, trong đó chú trọng các điểm nhấn, như: suối nước nóng Bình Châu, Hồ Cốc, Hồ Tràm, Tắm biển, Phật thích ca, Tượng chúa KITO, Dinh cố, Nhà lớn Long Sơn, Bạch dinh, Căn cứ Minh đạm, Côn Đảo, Dầu khí,…

3.1.3. Giải pháp tôn tạo, giữ gìn phát triển tài nguyên du lịch nhân văn

Các yếu tố trong nhân tố “văn hóa địa phương” tác động đến “sự hài lòng” của du khách là cơ sở đề xuất giải pháp này. Giữ gìn phát triển tài nguyên du lịch nhân văn là yêu cầu đặt ra trong toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển ngành Du lịch nói chung và của từng cơ sở kinh doanh du lịch nói riêng, nhằm đảm bảo các hoạt động du lịch phát triển bền vững và hiệu quả. Xây dựng, bảo tồn các lễ hội gắn với tôn giáo, dân tộc, lễ hội truyền thống của dân tộc, đồng thời nâng cao tính cộng đồng, lòng mến khách, mức độ thân thiện của người dân, tuyên truyền cho mỗi người dân như là một nhà tiếp thị của địa phương thông qua sinh hoạt hàng ngày của mình. Bảo tồn di tích, danh lam thắng cảnh và môi trường là công việc thường xuyên và quan trọng của mỗi quốc gia, mỗi địa phương và càng trở nên cấp bách đối với địa phương có nhiều di tích, nhưng chưa có điều kiện phục chế nâng cấp và bảo dưỡng như ở Bà Rịa - Vũng tàu. Cần thành lập trung tâm bảo tồn và tôn tạo các điểm di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh, đây là vấn đề cấp thiết hiện nay. Quy định nghiêm ngặt việc kiểm tra nhằm đảm bảo sự vẹn toàn, tính thẩm mỹ với đầy đủ ý nghĩa của mỗi di tích, mỗi danh thắng, chống xâm thực, chống xuống cấp, chống sự hủy hoại, phá sản vô ý thức của con người. Cần có kế hoạch đầu tư và khai thác các di tích, danh thắng một cách hợp lý và lâu dài, tránh nguy cơ phá hủy cảnh quan do nóng vội chạy theo lợi nhuận trước mắt. Bên cạnh việc bảo tồn giá trị nhân văn phải có các biện pháp bảo vệ môi trường. Bảo vệ và chống ô nhiễm môi trường được thực hiện trên cơ sở xác định các tiêu chuẩn yêu cầu về công tác vệ sinh môi trường cho hoạt động các ngành. Đặt ra yêu cầu cho tất cả các dự án đầu tư xây dựng của các ngành, phải có biện pháp, giải pháp xử lý và tiêu hủy chất thải; trước hết là các dự án chế biến nông sản, xí nghiệp và các trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ,… Việc xử lý nước thải bằng hệ thống cống rãnh thoát nước và ở các cụm, điểm du lịch phải được ưu tiên. Thành lập hệ thống xử lý rác thải và chất thải ở khu đô thị cũng như các trung tâm dịch vụ; cần xúc tiến theo một quy trình công nghệ hợp lý. Thành lập hệ thống kiểm soát và giữ gìn đặc điểm sinh học, hóa chất trong nước, hạn chế chất thải ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của dân cư và hoạt động du lịch.

3.1.4. Giải pháp phát triển thị trường và liên kết vùng

Mở rộng thị trường du lịch quốc tế, khuyến khích các sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp thị hiếu du lịch quốc tế, đối với thị trường nội địa tập trung vào các thị trường có khả năng chi trả cao từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, kết hợp với việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước để tạo lập, mở rộng tour, nối tuyến, thu hút khách và mở rộng, phát triển thị trường. Tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch ở các thị trường quốc tế mục tiêu để phát triển, mở rộng thị trường. Xây dựng chương trình Marketing điểm đến cho Bà Rịa - Vũng Tàu, chương trình này cần được thực hiện một cách chuyên nghiệp để có thể vừa khai thác các thị trường du lịch quốc tế và thị trường du lịch cao cấp trong nước vừa đảm bảo tính thống nhất trong hình ảnh của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu trên thị trường. Trong xu thế toàn cầu hóa và hợp tác cùng có lợi, vấn đề liên kết, hợp tác các đơn vị kinh doanh du lịch giữa các địa phương, các ngành có ý nghĩa hợp tác để cùng tồn tại và phát triển.

3.1.5. Giải pháp đầu tư

Định hướng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng và khi những nỗ lực để phát triển du lịch đạt được những kết quả bước đầu thì chắc chắn, các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cũng như là cơ sở hạ tầng bây giờ là vừa thiếu và vừa lạc hậu. Ngoài ra nhu cầu của con người nói chung và nhu cầu của du khách nói riêng lại “đồng biến” với sự phát triển của đời sống xã hội, ngày càng đòi hỏi chất lượng cao ở các sản phẩm, các dịch vụ. Như vậy, đầu tư là sự tất yếu, đầu tư để phát triển, muốn phát triển thì phải đầu tư. Nghị quyết lần thứ VI Đảng bộ tỉnh đã xác định phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông là khâu đột phá trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020. Trong bối cảnh nền kinh tế còn yếu, ngân sách của tỉnh không nhiều lại phải chia sẻ cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nguồn vốn trong nhân dân của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không đủ đáp ứng cho việc đầu tư, tỉnh cần phải có những chính sách ưu đãi hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài. Bên cạnh đó, cần có quy hoạch và dự án đầu tư cụ thể, đầu tư phải có trọng điểm, trong đó nguồn vốn trong nước là quyết định và nguồn vốn nước ngoài là quan trọng. Đồng thời, tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, có trọng điểm, là cơ sở kích thích phát triển du lịch; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các khu vực trọng điểm phát triển du lịch, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư, đầu tư phát triển các dự án. Thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch với các hình thức khác nhau. Tạo môi trường thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư để thu hút các nhà đầu tư. Tạo sự bình đẳng giữa sự đầu tư trong nước và ngoài nước, giữa tư nhân và Nhà nước, mở rộng các hình thức thu hút đầu tư cả trong nước và ngoài nước như BOT (Build Operrat Transfer), BTO (Build Transfer Operrat), BT (Business Transfer), PPP,…Vận dụng đúng, linh hoạt các chính sách miễn giảm thuế, cho chậm tiền thuế, giảm tiền thuê đất, cho vay lãi suất ưu đãi đối với các dự án ưu tiên đầu tư, các dự án đầu tư vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn; các dự án dựa trên các sản phẩm mới và các dự án đảm bảo mang lại hiệu quả cao về bảo vệ tài nguyên môi trường,… Có chính sách và giải pháp tạo vốn phát triển du lịch. Tận dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và tỉnh để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư. Tranh thủ các nguồn vốn quỹ tín dụng của Nhà nước trong điều kiện và quy định của các quỹ tín dụng cho phép. Tận dụng vốn từ nguồn vốn “hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch” từ Tổng cục Du lịch. Áp dụng cơ chế đổi đất lấy cơ sở hạ tầng và đấu giá quỹ đất để tăng nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, như: ODA (Overseas development adminisstration), WB (Word Bank), ADB (Asia development Bank),… Huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (Foreign direct invertment).

5. Kết luận

Bắt đầu từ những kết quả nghiên cứu định tính cho phép xác định những tiêu chí quan trọng cấu thành nên một sản phẩm du lịch của địa phương. Các tiêu chí được sắp xếp theo nhóm các nhân tố hợp lý có mối tương quan chặt chẽ với nhau, phân tích những quan điểm của du khách trong việc đánh giá tầm quan trọng các tiêu chí cấu thành nên sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao tại địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu bằng phân tích định lượng thống kê mô tả, phân tích nhân tố khám phá. Sau đó, hồi quy để tìm mối liên quan giữa các nhân tố tìm được với mức độ hài lòng về du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ sở cho những đề xuất xây dựng sản phẩm hướng về khách hàng.

Nghiên cứu cho thấy, những giải pháp nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực thuộc về “môi trường du lịch” cũng như “di sản thiên nhiên” hiện nay chưa thực sự cần thiết đối với du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung đầu tư phát triển về “văn hóa địa phương”, “dịch vụ du lịch”, “đặc sản du lịch”, “Phòng chống dịch bệnh và thiên tai” để làm nền tảng khai thác các đặc trưng thiên nhiên, nhân văn đặc sắc, nhằm khơi dậy tiềm năng, phát triển bền vững của ngành Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.       

Trần Ngọc Nam & ctg (2005), Marketing Du lịch, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.

2.       

Hoàng Văn Hoan (2006), Hoàn thiện Quản lý nhà nước về lao động trong kinh doanh du lịch ở Việt Nam, NXB Thống kê Hà Nội.

3.       

Hoàng Trọng, Chu Thị Mộng Ngọc (2005), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, NXB Thống kê Hà Nội.

4.       

Nguyễn Khánh Duy (2008), Phân tích nhân tố khám phá bằng SPSS. Bài giảng, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

5.       

Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa (2004), Giáo trình kinh tế du lịch, NXB Lao động - Xã hội.

6.       

Trần Đức Thanh (1999), Nhập môn khoa học du lịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

7.       

Trần Văn Thông (2005), Quy hoạch Du lịch, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

8.       

Trần Văn Thông (2006), Tổng quan Du lịch, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

9.       

Nguyễn Minh Tuệ chủ biên (1999), Địa lý du lịch, NXB TP. Hồ Chí Minh

10.   

Địa chí Bà Rịa - Vũng tàu  (2001), Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

11.   

Cục Thống kê tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Niên giám thống kê 2018, 2019.

12.   

Nguyễn Hồng Giáp (2002), Kinh tế du lịch, NXB Trẻ.

 

ANALYZING THE FACTORS AFFECTING THE SUSTAINABLE

DEVELOPMENT OF HIGH-QUALITY TOURISM PRODUCTS

AND SERVICES IN BA RIA - VUNG TAU PROVINCE

Ph.D VU VAN DONG

Vice Rector, Ba Ria - Vung Tau University

ABSTRACT:

       This study is to analyze the factors affecting the sustainable development of high-quality tourism products and services in Ba Ria - Vung Tau Province. This study’s data sets were collected from 450 visitors, then were analyzed by using the SPSS Statistics, tested by using the Cronbach's alpha and Exploratory Factor Analysis (EFA). This study’s results show that there are 6 groups of factors affecting the development of high-quality tourism products including "tourism environment", "natural heritage", "local culture", "tourism services", " tourism specialties ", and "prevention of diseases and natural disasters ".

Keywords: Research, factors, development, products, services, tourism, sustainability.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 23, tháng 9 năm 2020]