Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quy trình chọn mẫu trong kiểm toán báo cáo tài chính tại các công ty kiểm toán độc lập

ThS. Nguyễn Thanh Bình, ThS. Nguyễn Quốc Nhất, ThS. Nguyễn Thị Đức Hạnh, ThS. Quách Minh Ngọc  (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) và ThS. Nguyễn Anh Kiệt (Kế toán trưởng tại Công ty TNHH TM DV Tư vấn Tú Phát)

TÓM TẮT:

Quy trình trọn mẫu trong kiểm toán báo cáo tài chính là cơ sở đảm bảo rằng các thông tin tài chính có độ tin cậy cao cho người sử dụng thông tin tài chính. Nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp với nghiên cứu định lượng để xây dựng mô hình đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến quy trình chọn mẫu trong kiểm toán báo cáo tài chính tại các công ty kiểm toán độc lập và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của quy trình chọn mẫu trong kiểm toán báo cáo tài chính. Kết quả nghiên cứu phân tích từ 303 mẫu từ các công ty kiểm toán độc lập trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Biên Hòa. Kết quả dữ liệu thông qua phần mềm SPSS 24.0 chỉ ra rằng, mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến quy trình chọn mẫu trong kiểm toán báo cáo tài chính bị phụ thuộc vào 7 nhân tố.

Từ khóa. Hiệu quả quy trình chọn mẫu, kiểm toán báo cáo tài chính, các công ty kiểm toán độc lập, cách mạng công nghiệp 4.0.

I. GIỚI THIỆU

Hệ thống Luật Kiểm toán Việt Nam nhìn nhận kiểm toán không chỉ là dịch vụ quan trọng đối với sự phát triển cũng như tạo dựng uy tín cho các tổ chức, doanh nghiệp trên thị trường mà còn là công cụ quản lý, hỗ trợ phát triển kinh tế. Hiện nay, theo quy định hiện hành tại Luật Kiểm toán Việt Nam, đối tượng kiểm toán là thực trạng hoạt động tài chính - kế toán bao gồm những nghiệp vụ cụ thể, tài sản cụ thể, chứng từ cụ thể và thường được biểu hiện bằng số tiền xác định.

Trong khi đó, số lượng các nghiệp vụ, tài sản hay chứng từ đó lại có số lượng rất lớn. Đối với những đối tượng có phạm vi địa lý và quy mô hoạt động rộng như hoạt động của một tổng công ty có nhiều thành viên, mỗi công ty thành viên lại có nhiều phân xưởng, xí nghiệp thì không thể kiểm toán tất cả mọi nội dung và đơn vị có liên quan. Vì vậy, trong nhiều trường hợp nhất là trong kiểm toán báo cáo tài chính hay kiểm toán định kỳ không thể kiểm soát tất cả các đối tượng, các tài sản; cũng không thể soát xét và đối chiếu tất cả các chứng từ kế toán, các số dư của các tài khoản được. Trong khi đó, chuẩn mực thận trọng lại không cho phép công tác kiểm toán bỏ qua những sai phạm trọng yếu để loại trừ những rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát, giảm tối đa rủi ro phát hiện. Trên góc độ nhìn nhận của các nhà đầu tư, họ quan tâm đến tình hình tài chính của đơn vị được kiểm toán cũng như đòi hỏi kiểm toán viên phải đưa ra được những đánh giá chính xác nhất trong những điều kiện cho phép về chất lượng của bảng báo cáo tài chính.

Bắt nguồn từ những lý do trên, nhóm tác giả đã nghiên cứu đề tài: “Các nhân tố ảnh hưởng đến quy trình chọn mẫu trong kiểm toán báo cáo tài chính tại các công ty kiểm toán độc lập thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”. Đây là một nghiên cần thiết nhằm tìm ra mối quan hệ tác động của những nhân tố trong quy trình chọn mẫu, giúp cho các các công ty kiểm toán độc lập có một tầm nhìn tổng quát về các nhân tố ảnh hưởng đến quy trình chọn mẫu và từ đây cũng đưa ra những hàm ý thích hợp giúp nâng cao hiệu quả của quy trình chọn mẫu kiểm toán báo cáo tài chính.

II. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Cơ sở lý thuyết

Husam Al-Khaddash (2013), nghiên cứu: “Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng mẫu kiểm toán: Trường hợp của các ngân hàng thương mại Jordan”. Nghiên cứu này tập trung vào việc xác định các yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán tại Ngân hàng thương mại Jordan. Nhìn chung, tác giả bài nghiên cứu nhận thấy rằng, những người được hỏi tin rằng chất lượng kiểm toán trong lĩnh vực ngân hàng Jordan nằm trong khoảng từ thỏa đáng đến rất tốt. Kết quả cho thấy, mối tương quan tích cực và có ý nghĩa giữa chất lượng kiểm toán và hiệu quả kiểm toán, uy tín của văn phòng kiểm toán, phí kiểm toán, quy mô của công ty kiểm toán và trình độ của kiểm toán viên. Kết quả của nghiên cứu này đóng góp cho tài liệu hiện có trong lĩnh vực các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán ở các nước đang phát triển phía Đông như Jordan. Ngoài ra, nghiên cứu này còn bổ sung thêm bằng chứng về giá trị của nghiên cứu hiệu quả kiểm toán, uy tín của công ty kiểm toán, phí kiểm toán, quy mô của văn phòng kiểm toán và trình độ kiểm toán viên về chất lượng kiểm toán.

Tatiana Danescu và Anca Chira (2014), nghiên cứu: “Đánh giá chuyên nghiệp và sự thận trọng để áp dụng các kỹ thuật lấy mẫu” đề cập đến đánh giá chuyên môn là việc áp dụng kiến thức liên quan và kinh nghiệm, trong bối cảnh được cung cấp bởi các tiêu chuẩn kiểm toán, kế toán và quy tắc chuyên nghiệp tiến hành, trong việc đưa ra các quyết định thì phải đưa ra lựa chọn giữa các chuỗi hành động thay thế. Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ ra các “nhân tố” ảnh hưởng đến “đánh giá chuyên nghiệp của KTV” bao gồm: Kiến thức chuyên môn, Kinh nghiệm và Kỹ năng công nghệ, Độ chính xác và sự tự tin của kiểm toán viên, Đạo đức nghề nghiệp, Độc lập, Tính khách quan. Trong đó có 3 nhân tố chính ảnh hưởng đến đánh giá chuyên môn là “Kiến thức chuyên môn”; “Kinh nghiệm” và “Kỹ năng công nghệ”.

Đỗ Hữu Hải (2015), nghiên cứu: “Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp Việt Nam”. Tác giả đã cho thấy sự quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng báo cáo tài chính thông qua sự minh bạch và tính trung thực của thông tin tài chính với chất lượng cao. Thông tin trong báo cáo tài chính sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến quyền và quyết định của nhà đầu tư. Kiểm toán viên độc lập đóng một vai trò của đánh giá tính trung thực và thông tin tài chính hợp lý trong các doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn có những rủi ro xảy ra trong quy trình chọn mẫu và kiểm tra mẫu. Điều này nghiên cứu tập trung vào phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính trong doanh nghiệp. Các phương pháp phân tích được sử dụng trong nghiên cứu này là: phương pháp phân tích nhân tố để khám phá và kiểm tra Cronbach’s Alpha hệ số cho việc xây dựng và thử nghiệm các thang đo. Hơn nữa, phương pháp mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM mô hình hóa phương trình cấu trúc) được sử dụng để kiểm tra độ tin cậy và giá trị của phân biệt đối xử, hội tụ, thống nhất về khái niệm và quy mô nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trình độ chuyên môn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán trong việc lập báo cáo tài chính và pháp lý kinh doanh, yếu tố môi trường, yếu tố thuộc về doanh nghiệp, yếu tố độc lập, yếu tố hệ thống kiểm soát chất lượng của công ty kiểm toán.

2. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài tập trung nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quy tình chọn mẫu kiểm toán trong kiểm toán báo cáo tài chính tại các công ty kiểm toán độc lập tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Thủ Dầu Một, TP. Biên Hòa. Các số liệu trong đề tài được các tác giả thực hiện khảo sát trong khoảng thời gian từ tháng 11/2018 đến tháng 9/2019.

Dựa vào các cơ sở ở trên, nhóm tác giả chọn cỡ mẫu là 300 mẫu để thu thập dữ liệu. Sau khi khảo sát, tổng số phiếu phát ra là 320 phiếu khảo sát, số phiếu thu lại gồm 303 phiếu, trong quá trình nhập liệu và làm sạch số liệu có 303 phiếu trả lời hợp lệ. Do đó, mẫu khảo sát chính thức còn 303, cơ cấu của mẫu được trình bày trong bảng thống kê mô tả mẫu nghiên cứu. Mỗi câu hỏi được đo lường dựa trên thang đo Likert gồm 5 điểm. Mẫu nghiên cứu được thu thập bằng phương pháp ngẫu nhiên theo sự thuận tiện, lấy theo đơn vị phòng ban đã được mời cộng tác trong giai đoạn thu thập dữ liệu. Bảng câu hỏi sẽ được phát ra và phỏng vấn trực tiếp, thời gian phỏng vấn sau 60 phút sẽ thu lại.

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

1. Kết quả nghiên cứu

Hệ số Cronback’s Alpha của tất cả các thang đo đều > 0,6. Hệ số tương quan với biến tổng của tất cả các nhân tố trong thang đo đều > 0,3. Điều này chứng tỏ thang đo được sử dụng trong mô hình nghiên cứu là phù hợp và thích hợp đưa vào phân tích những bước tiếp theo.

Phân tích nhân tố khám phá EFA lần 2 (lần cuối). Ta thấy kết quả kiểm định Barlett cho thấy giữa các biến trong tổng thể có mối tương quan với nhau (sig = 0,000 < 0,05 bác bỏ H0, nhận H1). Đồng thời, hệ số KMO = 0,677> 0,5, chứng tỏ phân tích yếu tố để nhóm các biến lại với nhau là thích hợp và dữ liệu phù hợp cho việc phân tích yếu tố.

Phương sai trích đạt 63,989% (>50%). Hệ số tải yếu tố (factor loading) của các biến đều đạt yêu cầu (>0,5). Đây cũng là lần phân tích yếu tố cuối cùng và 26 biến này được xem xét kết quả rút trích yếu tố ở các bước tiếp theo. Kết quả cho thấy, theo tiêu chuẩn Eigenvalue >1 thì có 7 yếu tố được rút ra và 7 yếu tố này sẽ giải thích được 63,989% biến thiên của dữ liệu. Phương pháp trích yếu tố chính, phép xoay varimax để xoay yếu tố: xoay nguyên góc yếu tố để tối thiểu hóa số lượng biến có hệ số lớn tại cùng một yếu tố, vì vậy, sẽ tăng cường khả năng giải thích yếu tố. (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc 2008). (Bảng 1)

Bảng 1. Ma trận xoay nhân tố EFA sau 2 lần chạy

ma-tran-xoay-nhan-to-efa-sau-2-lan-chay

Như vậy, qua phân tích yếu tố, thang đo yếu tố ảnh hưởng đến qui trình chọn mẫu trong kiểm toán báo cáo tài chính tại các công ty kiểm toán độc lập còn 26 biến và hội tụ thành 7 yếu tố.

2. Phân tích mô hình hồi quy tuyến tính

Mô hình phân tích hồi quy mô tả hình thức của mối quan hệ giữa biến phụ thuộc với các biến độc lập, qua đó giúp dự đoán mức độ của biến phụ thuộc khi biết trước giá trị của biến độc lập. Căn cứ mô hình điều chỉnh đã được hiệu chỉnh sau khi phân tích nhân tố khám phá, mô hình hồi quy tuyến tính bội được thể hiện như sau:

Y= β1* TNKS + β2* CNTT + β3* KNKTV + β4* DGKTV + β5* PPCM + β6* KTCT + β7*  DLCM.

Trong đó:

- Biến phụ thuộc Y: Hiệu quả của qui trình chọn mẫu trong kiểm toán BCTC tại các công ty kiểm toán độc lập.

- Biến độc lập: Gồm 7 biến là: Thử nghiệm kiểm soát (TNKS), Công nghệ thông tin (CNTT), Kinh nghiệm của kiểm toán viên (KNKTV), Đánh giá của kiểm toán viên về rủi ro có SSTY (DGKTV), Phương pháp chọn mẫu (PPCM), Kiểm tra chi tiết (thử nghiệm cơ bản) (KTCT), Độ lớn của cỡ mẫu (DLCM).

Bảng 2. Thông số thống kê trong mô hình hồi quy

thong-so-thong-ke-trong-mo-hinh-hoi-quy

Trong Bảng 2, khi xét tstat và tα/2 của các biến để đo độ tin cậy thì các biến độc lập thử nghiệm kiểm soát (TNKS), kiểm tra chi tiết (thử nghiệm cơ bản) (KTCT), độ lớn của cỡ mẫu (DLCM), phương pháp chọn mẫu (PPCM), đánh giá của kiểm toán viên về rủi ro có SSTY (DGKTV), kinh nghiệm của kiểm toán viên (KNKTV), công nghệ thông tin (CNTT) đều đạt yêu cầu do tstat > tα/2(7, 303) = 1,969 (nhỏ nhất là 4,186) và các giá trị Sig. thể hiện độ tin cậy khá cao, đều < 0,05 (lớn nhất là 0,000). Ngoài ra, hệ số VIF của các hệ số Beta đều nhỏ hơn 10 (lớn nhất là 1,151) và hệ số Tolerance  đều  > 0,5 (nhỏ nhất là 0,869) cho thấy không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra (Hoàng Trọng  - Mộng Ngọc, 2008). Mặt khác, mức ý nghĩa kiểm định 2 phía giữa các biến độc lập với biến phụ thuộc đều thỏa điều kiện (Sig. 2-tailed = 0,000 < 0,05). Phương trình hồi quy bội được thể hiện dưới dạng sau:

Y= 0,145*TNKS + 0,265*CNTT + 0,395*KNKTV + 0,373*DGKTV + 0.238*PPCM + 0,194*KTCT + 0.223*DLCM

Bảng 3. Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính đa biến

danh-gia-muc-do-phu-hop-cua-mo-hinh-hoi-quy-tuyen-tinh-da-bien

Bảng 3 đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính đa biến cho thấy, giá trị hệ số tương quan là 0,820 > 0,5. Do vậy, đây là mô hình thích hợp để sử dụng đánh giá mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập.

Hệ số xác định của mô hình hồi quy R2 điều chỉnh là 0,672. Điều này cho biết khoảng 67,2% sự biến thiên về hiệu quả qui trình chọn mẫu kiểm toán trong kiểm toán báo cáo tài chính tại các công ty kiểm toán độc lập, có thể giải thích được từ mối quan hệ tuyến tính giữa biến Y với các biến độc lập.

3. Kết luận

Theo kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm của kiểm toán viên đứng vị trí quan trọng thứ nhất, đánh giá của kiểm toán viên về rủi ro có SSTY đứng vị trí quan trọng thứ hai, mức độ quan trọng của công nghệ thông tin đứng vị trí quan trọng thứ ba, phương pháp chọn mẫu đứng vị trí quan trọng thứ tư, độ lớn của cỡ mẫu đứng vị trí quan trọng thứ năm, kiểm tra chi tiết (thử nghiệm cơ bản) đứng vị trí thứ sáu và cuối cùng là nhân tố thử nghiệm kiểm soát.

IV. MỘT SỐ HÀM Ý QUẢN TRỊ TRONG VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA CHỌN MẪU KIỂM TOÁN TRONG KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH TẠI CÁC CÔNG TY KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP

1. Đối với Nhân tố Kinh nghiệm của kiểm toán viên tới việc chọn mẫu kiểm toán

Kiểm toán viên thường xuyên trao đổi và tham khảo ý kiến của kiểm toán viên cấp cao khi lựa chọn phương pháp chọn mẫu áp dụng với các doanh nghiệp. Kiểm toán viên phải cẩn thận khi áp dụng kinh nghiệm kiểm toán trong việc lựa chọn mẫu đối với các doanh nghiệp lớn và có vốn đầu tư nước ngoài. Kiểm toán viên phải hiểu rõ bản chất các phương pháp chọn mẫu trong kiểm toán, phải chú ý đưa ra phương pháp chọn mẫu hợp lí khi xem xét và đưa ra đánh giá các công ty có những điều kiện đặc biệt. Kiểm toán viên phải thường xuyên được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nhận thức của mình trong quá trình thực hiện kiểm toán nhằm giúp cho công việc kiểm toán mang lại hiệu quả khi thực hiện kiểm toán một cách chuyên nghiệp.

2. Đối với Nhân tố Đánh giá của kiểm toán viên về rủi ro có sai sót trọng yếu

Các sai sót trong báo cáo tài chính có thể phát sinh từ gian lận hoặc nhầm lẫn, kiểm toán viên chỉ phải quan tâm đến những gian lận dẫn đến sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính. Kiểm toán viên cần xác định mức trọng yếu tổng thể của báo cáo tài chính dựa trên tình hình tài chính, từng loại hình doanh nghiệp khác nhau, đăc điểm riêng của từng doanh nghiệp. Kiểm toán viên cần lựa chọn quy mô cỡ mẫu dựa vào mức trọng yếu của từng khoản mục kiểm toán. Nếu cần thiết, kiểm toán viên nên mở rộng quy mô cỡ mẫu khi sai sót tổng hợp ước tính gần bằng hoặc cao hơn mức trọng yếu ban đầu. Đối với các mức trọng yếu khác nhau kiểm toán viên cần áp dụng các phương pháp chọn mẫu khác nhau. Để từ đó, kiểm toán viên sẽ nhận thức được khả năng có thể tồn tại sai sót trọng yếu, đánh giá được rủi ro có sai sót trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính.

3. Nhân tố công nghệ thông tin

Trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ như hiện nay, công nghệ thông tin đã được sử dụng phổ biến trong các quy trình kiểm toán ở nhiều doanh nghiệp với lợi thế về tốc độ xử lý, khả năng lưu giữ và tra cứu thông tin,... Kiểm toán viên phải luôn nâng cao trình độ sử dụng công nghệ và kỹ năng tin học, cần phải áp dụng công nghệ thông tin vào thực tế của các cuộc kiểm toán, đặc biệt nên sử dụng những phần mềm hỗ trợ chọn mẫu.

Việc áp dụng các phương pháp và công nghệ xử lý thông tin hiện đại giúp đạt được các tiêu chuẩn chuyên môn và chuyên nghiệp hóa nhằm hướng dẫn và giám sát quá trình thực hiện kiểm toán theo đúng quy trình, nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm toán, đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng.

Vì vậy, việc áp dụng các phương pháp và công nghệ xử lý thông tin hiện đại, đặc biệt là sử dụng các phần mềm kiểm toán công nghệ cao, phần mềm hỗ trợ chọn mẫu, sẽ giúp cho các công ty kiểm toán độc lập nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác kiểm toán, đáp ứng yêu cầu và tăng độ tin cậy của khách hàng. Qua đó, điều này góp phần hoàn thiện quy trình chọn mẫu trong kiểm toán. Đặc biệt, kiểm toán viên cần áp dụng công nghệ thông tin vào xây dựng quy trình đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, xử lý thông tin trực tiếp trên máy tính của công ty khách hàng bằng phương pháp phỏng vấn và nghiên cứu lưu đồ dòng dữ liệu nhằm đánh giá quy trình xử lý dữ liệu chứng từ điện tử trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Ngoài ra, việc đánh giá rủi ro kiểm soát trong môi trường thông tin thông qua việc phân chia nhiệm vụ, chức năng; kiểm soát vật chất; kiểm soát truy cập chương trình; kiểm soát đầu vào/ đầu ra của chứng từ.

4. Đối với Nhân tố Phương pháp chọn mẫu

Việc áp dụng kỹ thuật phân nhóm phải được ứng dụng trong việc chọn mẫu của kiểm toán viên, phương pháp chọn mẫu kiểm toán cần được các công ty vận dụng linh hoạt cho từng đối tượng cụ thể, từng cuộc kiểm toán cụ thể. Các kiểm toán viên nên áp dụng cả hai phương pháp chọn mẫu phi thống kê và chọn mẫu thống kê nhằm phục vụ công việc thực tế của kiểm toán viên. Điều này làm cho mẫu được chọn phù hợp hơn với mục đích kiểm toán, đồng thời việc điều chỉnh mẫu chọn trở nên linh hoạt hơn.

Việc không quá áp đặt một khung cứng về phương pháp chọn mẫu giúp các công ty kiểm toán giải quyết được một số tình huống phát sinh bất ngờ khi chọn mẫu trong cuộc kiểm toán cụ thể. Trong trường hợp đó, khả năng phán đoán và kinh nghiệm của kiểm toán viên có thể kết hợp với phương pháp chọn mẫu trước đó để mang lại hiệu quả kiểm tra cao nhất, hạn chế rủi ro chọn mẫu. Trong khi thực hiện các phương pháp chọn mẫu cũng cần linh hoạt và đề xuất những phương án phù hợp để cho ra mẫu chọn tốt nhất, hạn chế tối thiểu rủi ro do chọn mẫu. Kiểm toán viên cần tham khảo ý kiến của các kiểm toán viên cấp cao khi muốn chọn một phương pháp nào đó để xem liệu phương án đó có đem lại hiệu quả tốt nhất hay không.

5. Đối với Nhân tố Độ lớn của cỡ mẫu

Cỡ mẫu là số lượng các phần tử trong tổng thể được lựa chọn theo tiêu thức nhất định vào mẫu để kiểm tra. Mức độ rủi ro lấy mẫu mà kiểm toán viên có thể chấp nhận ảnh hưởng tới cỡ mẫu yêu cầu. Mức độ rủi ro mà kiểm toán viên có thể chấp nhận càng thấp thì cỡ mẫu cần thiết sẽ càng lớn. Kiểm toán viên phải xác định cỡ mẫu đủ lớn để giảm rủi ro lấy mẫu xuống một mức thấp có thể chấp nhận được hoặc hạn chế tối đa rủi ro sai sót trọng yếu. Đối với cỡ mẫu không giới hạn hoặc quá lớn, kiểm toán viên cần phải phân nhóm tổng thể. Hiệu quả của cuộc kiểm toán có thể tăng lên nếu kiểm toán viên phân nhóm một tổng thể bằng cách chia tổng thể thành các nhóm riêng biệt có cùng tính chất. Mục tiêu của việc phân nhóm là làm giảm tính biến động của các phần tử trong mỗi nhóm và do đó cho phép giảm cỡ mẫu mà không làm tăng rủi ro lấy mẫu. Trong quá trình chọn kích cỡ mẫu kiểm toán, kiểm toán viên phải xem xét mục đích của thủ tục kiểm toán và các tính chất của tổng thể được lấy mẫu

6. Đối với Nhân tố Kiểm tra chi tiết

Trong quá trình kiểm tra chi tiết kiểm toán viên thiết kế và xây dựng các thủ tục, phương pháp và quy trình chọn mẫu hợp lý sao cho việc thu thập các bằng chứng có liên quan đến các dữ liệu của hệ thống kế toán và xử lý dữ liệu để phát hiện các sai sót trọng yếu, đặt biệt là bằng chứng kiểm toán đầy đủ và tin cậy. Thủ tục kiểm toán được áp dụng thích hợp cho từng khoản mục kiểm toán viên cần xác định đúng mục tiêu kiểm toán, nắm rõ phương pháp phân tích đối với từng khoản mục trong kiểm toán. Hoạt động kiểm soát cần được đánh giá hữu hiệu thông qua việc triển khai sử dụng bảng thống kê và phương pháp tính toán vào phân tích kiểm tra chi tiết.

7. Đối với Nhân tố thử nghiệm kiểm soát

Kết quả của Thử nghiệm cơ bản cho biết, hệ thống kiểm soát nội bộ có hữu hiệu hay không và mức rủi ro kiểm soát đối với từng cơ sở dẫn liệu là bao nhiêu, mức độ đảm bảo mà kiểm toán viên mong muốn về việc tỷ lệ sai lệch thực như thế nào. Từ đây kiểm toán viên sẽ đưa ra các nhận định xem xét đối với các kiểm soát liên quan, có cái nhìn tổng quan hơn về tổng thể và xác định được vùng có mẫu mang tính đại diện nhằm đưa ra đánh giá hợp lý về tỷ lệ sai lệch có thể bỏ qua. Kiểm toán viên cần biết thiết kế bảng câu hỏi có thể đánh giá rủi ro kiểm soát đối với từng cơ sở dẫn liệu và kết hợp định lượng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:          

  1. Dương Thị Vân Thanh. Hoàn thiện kỹ thuật chọn mẫu trong kiểm toán BCTC tại Công ty TNHH Kiểm toán AAC.
  2. TS. Phạm Sỹ Danh. Ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ trọng tâm của Kiểm toán Nhà nước.
  3. Lê Thị Thu Hà. Ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán báo cáo tài chính.
  4. Mark Jerome, 2016. Trong buổi tọa đàm "Ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán" ngày 4/4/2016 tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước.
  5. Richardson và Louwers, 2010. Opprtunity and Necessity in audit sampling, trang 553.
  6. John Wendell và Josef Schmee, 1996. Opprtunity and Necessity in audit sampling, trang 825.
  7. Phan Văn Dũng, 2015. Số lượng mẫu và cơ cấu đối tượng khảo sát.
  8. Cao Thị Thanh, 2014. Nghiên cứu nhóm hàng điện tử dùng cho cá nhân.
  9. Đỗ Hữu Hải (2015), nghiên cứu: “Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp Việt Nam”.
  10. Tatiana Danescu và Anca Chira (2014), nghiên cứu: “Đánh giá chuyên nghiệp và sự thận trọng để áp dụng các kỹ thuật lấy mẫu”.

 

STUDYING FACTORS AFFECTING THE SAMPLING PROCESS

IN AUDITING FINANCIAL STATEMENTS

AT INDEPENDENT AUDITING FIRMS

Master. NGUYEN THANH BINH

Master. NGUYEN QUOC CHAT

Master. NGUYEN THI DUC HANH

Master. QUACH MINH NGOC

Master. NGUYEN ANH KIET

Faculty of Accounting and Auditing - Industrial University of Ho Chi Minh City

 

ABSTRACT:The process of auditing financial statements is the basis to ensure that financial information is highly reliable for users of financial information. The authors uses qualitative research method in combination with quantitative research to build a model to assess the influence of factors on the sampling process in auditing financial statements at independent audit companies. It then proposes solutions to improve the efficiency of the sampling process in the audit of financial statements. Research results analyzes from 303 samples from independent auditing firms in Ho Chi Minh City, Thu Dau Mot City and Bien Hoa City. The data results from SPSS 24.0 software show that the model of factors affecting the sampling process in financial statement audits is dependent on 7 factors.

Keyword: Efficiency of sampling process, financial statement auditing, independent auditing companies, industrial revolution 4.0.