Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên Trường Đại học Duy Tân khi học các môn học lý luận chính trị

LÊ ANH TUẤN (Khoa Kế toán, Trường Đại học Duy Tân), NGUYỄN THỊ HUYỀN TRÂM (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Trúc Khuyên (Khoa Kế toán, Trường Đại học Duy Tân

TÓM TẮT:
Mục đích của bài báo nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên Trường Đại học Duy Tân khi học các môn học lý luận chính trị (LLCT). Trên cơ sở khảo sát, phân tích, xử lý, đánh giá các kết quả đã thu được, bài báo đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao sự hứng thú của sinh viên tại Trường Đại học Duy Tân với các môn học LLCT, cũng như giúp giảng viên có sự nhiệt tình, hứng thú khi dạy.
Từ khóa: Sự hài lòng, Trường Đại học Duy Tân, môn học lý luận chính trị, sinh viên, giảng viên.


1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, hệ thống giáo dục đại học nước ta không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng. Nhiều trường đại học đang được hiện đại hóa từ cơ sở vật chất đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, chương trình đào tạo,… Đại học Duy Tân cũng là một trong số đó. Đại học Duy Tân là đại học tư thục đầu tiên và lớn nhất miền Trung, trường đào tạo các hệ: tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và cao đẳng nghề và các hệ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học… Quan hệ quốc tế là điểm sáng trong sự phát triển của trường trong nhiều năm qua. Các chương trình tiên tiến CMU, PSU, CSU được chuyển giao cho Duy Tân từ các đại học hàng đầu thế giới, ngoài ra trường còn triển khai các chương trình du học nước ngoài. Có các chương trình đào tạo tiên tiến như vậy, nhưng không phải sinh viên nào cũng thích ứng và hài lòng với chương trình đào tạo của trường.
Khi nhắc đến các môn học lý luận chính trị, nhiều bạn sinh viên thường nghĩ đó là những môn ít quan trọng và không chú tâm đúng mức. Thậm chí, nhiều bạn còn thấy các môn đó rất “nhàm chán” bởi hầu hết các môn là lý thuyết. Đối với sinh viên nói chung và sinh viên Đại học Duy Tân nói riêng, các môn lý luận chính trị được xem là các môn học đại cương bắt buộc ở tất cả các ngành. Vì là những môn học đại cương nên trong quá trình giảng dạy và học tập gặp rất nhiều khó khăn cho cả giảng viên và sinh viên. Vì vậy, nhóm tác giả đã lựa chọn nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của các bạn sinh viên tại Đại học Duy Tân khi học các môn lý luận chính trị.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Sinh viên thuộc tất cả các ngành tại Trường Đại học Duy Tân đã và đang học các môn LLCT.
Phạm vi nghiên cứu: Các cơ sở thuộc Trường Đại học Duy Tân, cụ thể là 3 cơ sở chính là cơ sở Phan Thanh, cơ sở Quang Trung, cơ sở Hòa Khánh.
Thời gian nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện trong tháng 9 và tháng 10/2017, thuộc học kì I năm học 2017 - 2018.
3. Phương pháp nghiên cứu
Bài báo sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng để phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên Trường Đại học Duy Tân khi học các môn học LLCT.
Nghiên cứu định tính
Thông qua sự tìm hiểu các nghiên cứu trước, các lý thuyết đã được sử dụng kết hợp với ý kiến của các chuyên gia, giảng viên để xây dựng nên mô hình nghiên cứu, sau đó xây dựng bảng câu hỏi nghiên cứu.
Nghiên cứu định lượng
Nhằm tìm hiểu mức độ biểu hiện hài lòng và các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng về việc học các môn LLCT. Phương pháp được thể hiện qua việc xử lý và phân tích dữ liệu thu thập, sử dụng phần mềm SPSS để xử lý số liệu.
4. Mô hình nghiên cứu
Các yếu tố được phân tích trong các nghiên cứu về chất lượng đào tạo và sự hài lòng được tổng hợp trong sơ đồ sau: (Xem Sơ đồ 1) Chương trình đào tạo: Gồm các yếu tố liên quan đến nội dung chương trình, cấu trúc chương trình mà sinh viên sẽ học. Đây chính là yếu tố đầu tiên khi một sinh viên lựa chọn ngành học tại một cơ sở giáo dục. Một trường có cơ sở đào tạo tốt sẽ thu hút sinh viên học tập nhiều hơn. Vì vậy nếu yếu tố này được thỏa mãn thì sự hài lòng của sinh viên đối với nhà trường và đối với nhóm môn học này sẽ cao hơn.
Đội ngũ giảng viên: Trong thời gian sinh viên học tập, tiếp thu các kiến thức từ giảng viên, nếu sự tiếp thu này tốt thì sự hài lòng lúc ban đầu của sinh viên sẽ được duy trì và nâng cao, ngược lại nó sẽ dần bị suy giảm. Trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy, kỹ năng truyền đạt, cách thức kiểm tra đánh giá, thái độ, sự tận tâm, nhiệt huyết của giảng viên… sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự hài lòng của sinh viên. Do vậy, yếu tố này cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Hữu hình: Các yếu tố như cơ sở vật chất, trang thiết bị, các yếu tố liên quan để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, các dịch vụ hỗ trợ như giáo trình, tài liệu tham khảo, sơ đồ học tập… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự hài lòng của sinh viên.
Hữu ích: Là kết quả mà sinh viên đạt được sau khi học tất cả các môn học nói chung và các môn học lý luận chính trị tại trường nói riêng. Đây chính là mục đích cuối cùng sinh viên khi tham gia học tập: rèn luyện đạo đức trong một môi trường tốt, nâng cao các kỹ năng cần thiết cho bản thân… thỏa mãn kì vọng của sinh viên thì sự hài lòng của sinh viên đối với môn học càng cao.
5. Kết quả nghiên cứu
Số phiếu phát ra để nghiên cứu vấn đề là 350 phiếu (bao gồm 100 phiếu khảo sát sơ bộ), thu về 317 phiếu (tỷ lệ đạt 90,57%), loại bỏ 33 phiếu không hợp lệ. Vì vậy, kích thước mẫu cuối cùng là 317, trong đó có 152 nam và 165 nữ. Qua kết quả phân tích hệ số Cronbachs Alpha tại Bảng 1 ta thấy 4 thành phần thang đo về đánh giá sự hài lòng của sinh viên và yếu tố phụ thuộc đều có độ tin cậy lớn hơn 0,6 nên đảm bảo sự tin cậy để sử dụng các biến này. Bên cạnh đó, loại bỏ biến CT1 do độ tin cậy nhỏ hơn 0,6 nhưng vẫn đề xuất giữa lại biến CT2 vì có độ tin cậy xấp xỉ 0,6. Điều đó cho thấy thang đo được xây dựng có ý nghĩa trong thống kê và đạt hệ số tin cậy cần thiết, nên mô hình được tiếp tục đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA.
Phân tích nhân tố khám phá EFA
Sau khi kiểm tra độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbachs Alpha và loại bỏ các biến không đảm bảo độ tin cậy thì sẽ tiếp tục phân tích nhân tố khám phá EFA. Đây là kỹ thuật được sử dụng để rút trích các biến quan sát thành một hay một số nhân tố. Phương pháp phân tích nhân tố khám phá EFA được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu để đánh giá sơ bộ các thang đo lường.
Phân tích nhân tố khám phá EFA các nhân tố thuộc biến độc lập Trước tiên để kiểm tra xem các nhân tố độc lập có phù hợp để đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA hay không, ta tiến hành kiểm định Bartletts và hệ số KMO:
Dựa vào Bảng 2, có giá trị KMO là 0.886 > 0.5 và giá trị Sig của kiểm định Bartletts bằng 0.000 < 0.05 cho thấy các biến có tương quan với nhau nên mô hình là phù hợp để đưa vào phân tích nhân tố khám phá.
Phương pháp trích trong phân tích nhân tố yêu cầu các giá trị trích Eigenvalue phải lớn hơn 1 mới được giữ lại trong mô hình phân tích. 4 nhân tố được trích ra đều có giá trị Eigenvalue > 1 và điểm dừng khi trích các yếu tố tại nhân tố thứ 4 có Eigenvalue là 1.010 > 1. Tổng phương sai trích của 4 nhân tố bằng 70.789% > 50%, điều này cho thấy khả năng sử dụng 4 nhân tố thành phần này giải thích được 70.789% biến thiên của các biến quan sát.
Phân tích nhân tố khám phá EFA nhân tố sự hài lòng  Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA với KMO bằng 0.800 > 0.5 và kiểm định Bartletts có sig. bằng 0.000 < 0.05 nên có thể khẳng định dữ liệu phù hợp để phân tích nhân tố.
Phân tích đã rút trích từ 4 biến đánh giá sự thích ứng thành một nhân tố chính có Eigenvalue = 2.753 và tổng phương sai trích là 68.836% > 50%.  Phân tích mô hình hồi quy
Sau khi rút trích được các nhân tố từ phân tích nhân tố khám phá, ta tiến hành phân tích hồi qui để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên đối với các môn học lý luận chính trị. Phân tích hồi qui sẽ được thực hiện với 4 nhân tố độc lập là: Chương trình đào tạo, giảng viên, sự hữu hình và sự hữu ích.
Giá trị của mỗi nhân tố được dùng để chạy hồi qui là giá trị trung bình của các biến quan sát thuộc nhân tố đó.
Với kết quả này, chúng ta tính ngược lại bj = cj với j > 0 và b0 = c0/(1- r), vậy, mô hình ước lượng sẽ là:
Hồi qui chưa chuẩn hóa sẽ là:
SHL = 0.5983+ 0.068CT + 0.215GV + 0.179HH + 0.142HI + e
Hồi qui đã chuẩn hóa sẽ là:
SHL* = 0.132CT* + 0.187GV* + 0.242HH* + 0.168HI*
Kiểm định các giả thuyết của mô hình
Sau khi kiểm định sự tồn tại của mô hình, tiếp tục kiểm định các giả thuyết của mô hình. Chính là kiểm định sự tác động và mức độ ảnh hưởng như thế nào của các nhân tố độc lập đến nhân tố phụ thuộc bằng hệ thống giả thuyết tương ứng của từng nhân tố.
6. Kiến nghị
Mục đích nghiên cứu của mô hình là xác định yếu tố tác động đến sự hài lòng của sinh viên Trường Đại học Duy Tân khi học các môn LLCT. Để khẳng định sự tác động của các yếu tố một mô hình lý thuyết được xây dựng và kiểm định, mô hình dựa trên cơ sở lý thuyết về sự hài lòng về chất lượng dịch vụ và mối liên hệ giữa chất lượng và dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng. Kết quả thu được sau quá trình khảo sát và phân tích kết quả khảo sát cho thấy, các thang đo lường các yếu tố tác động đến sự hài lòng của sinh viên đều đạt được độ tin cậy và giá trị cho phép. Cụ thể, các nhóm giải pháp tác động vào các biến độc lập như sau:
Thứ nhất, nhóm giải pháp về chương trình đào tạo, gồm có 4 yếu tố chính: Một là, thời lượng của môn học có quá dài: Kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết sinh viên cho rằng thời lượng của môn học kéo dài, không phù hợp. Thông thường 1 buổi học kéo dài 3 tiếng mà những môn LLCT như Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ ngồi nghe không sẽ khiến sinh viên mệt mỏi dẫn đến chán nản, không chuyên tâm vào học. Nên rút ngắn lại thời gian học trong 1 buổi nhưng tăng số buổi học trong 1 tuần để vừa phù hợp với chương trình học nhưng cũng không tạo áp lực cho sinh viên, giúp sinh viên học ít giờ nhưng lại tiếp thu kiến thức tốt hơn. Hai là, có quá nhiều môn học LLCT: Theo nghiên cứu thì sinh viên cho rằng có quá nhiều học phần liên quan đến học phần LLCT nhưng đa phần là bắt buộc, không cho phép sinh viên lựa chọn. Có thể nghiên cứu trong khung chương trình giảm các môn này hoặc có thể sử dụng phương án lựa chọn để giảm tải cho sinh viên. Ba là, số lượng sinh viên trong mỗi lớp quá đông: Hầu hết sinh viên đều đồng ý rằng số lượng sinh viên trong mỗi lớp quá đông, đặc biệt có lớp lên tới 200 sinh viên phải học ở một hội trường to rộng. Sinh viên đông khiến giảng viên không thể truyền tải hết được kiến thức cho tất cả các sinh viên, chưa kể có những sinh viên phải ngồi xa không có sự giám sát của giảng viên sẽ dùng điện thoại hoặc nói chuyện dẫn đến ồn ào, ảnh hưởng các sinh viên khác. Vì vậy, để giúp giảng viên có thể chuyên tâm giảng dạy và giúp sinh viên tiếp thu tốt kiến thức của môn học thì cần giảm số lượng sinh viên trong mỗi lớp của mỗi môn học. Bốn là, có đủ thời gian để ôn tập cho kỳ thi môn học: Khoảng 75% sinh viên được khảo sát cho rằng không có kịp thời gian từ lúc kết thúc môn học cho đến lúc thi kết thúc môn học đó. Điều này dễ hiểu vì nội dung các môn học quá dài, hình thức thi chủ yếu là tự luận làm cho sinh viên khó có thể học hết nội dung trong thời gian ngắn (từ lúc kết thúc cho đến lúc thi chỉ có khoảng 2 tuần). Vì vậy, nhà trường và khoa LLCT nên có nghiên cứu để có thể thay đổi hình thức thi bằng các câu hỏi ngắn, câu hỏi trắc nghiệm hoặc kéo dài thời gian từ lúc kết thúc môn học đến lúc thi.
Thứ hai, nhóm giải pháp về giảng viên, gồm có 6 yếu tố chính: Một là, giảng viên có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực: Hầu hết các giảng viên đều có kiến thức sâu rộng về chuyên ngành giảng dạy cũng như các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, cập nhật những kiến thức mới. Thường xuyên thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giảng dạy có trình độ cao và thành tích tốt. Khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo viên đi du học tại các nước phát triển. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong giảng dạy, lồng ghép kết quả nghiên cứu khoa học vào giảng dạy. Hai là, giảng viên có sự thu hút sinh viên: Giảng viên có trình độ chuyên môn và năng lực truyền đạt tốt. Nhưng chỉ nói khô khan nên hầu hết sinh viên đều cảm thấy chán và không chuyên tâm học tập. Theo khảo sát cho thấy một phần ít sinh viên cảm thấy giảng viên các môn LLCT có sự thu hút nhưng hơn một nửa phiếu khảo sát không như vậy. Vì vậy, giảng viên nên xen kẽ những kiến thức lý thuyết với kiến thức xã hội để cho sinh viên có hứng thú với môn học. Ba là, giảng viên có tâm huyết giảng dạy: Hầu hết giảng viên đều có sự yêu thích nghề nghiệp đối với công việc mình đang làm nên họ dạy hết sức nhiệt tình. Sinh viên cũng cảm nhận điều đó cho nên phiếu khảo sát cho thấy sinh viên đồng ý với yếu tố trên. Bốn là, giảng viên có liên hệ thực tiễn nhiều: Giảng viên có sự am hiểu về nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, bởi thế có sự liên kết nhiều hơn trong thực tế. Giảng dạy cách áp dụng nội dung bài học vào những tình huống thực tế của xã hội tại cho học viên. Năm là, giảng viên sử dụng nhiều hình thức hỗ trợ giảng dạy (slide, video, tranh, ảnh... ): Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy sẽ góp phần nâng cao chất lượng học tập cho sinh viên tạp ra môi trường giáo dục mang tính tương tác cao chứ không chỉ đơn thuần là thầy giảng, trò nghe, thầy đọc, trò chép như hiện nay, sinh viên được khuyến khích và tạo điều kiện để chủ động tìm kiếm tri thức, sắp xếp hợp lý quá trình tự học. Sáu là, giảng viên đánh giá kết quả khách quan: Giảng viên đánh giá năng lực sinh viên khách quan và hợp lý. Giảng viên nên kết hợp nhiều yếu tố để đánh giá năng lực sinh viên, cụ thể nên chia nhỏ điểm thành phần từ các yếu tố khác nhau: kĩ năng làm việc nhóm, cá nhân, kĩ năng trình bày,… Sử dụng các dạng bài thi khác nhau kết hợp nhiều dạng câu hỏi trong bài thi thường kì, giữa kì (hỏi vấn đáp, thuyết trình,…) thay vì chỉ đánh giá bằng bài kiểm tra dạng tự luận.
Thứ ba, nhóm giải pháp về sự hữu hình, gồm có 4 yếu tố chính: Một là, giảng viên cung cấp giáo trình giảng dạy: Cung cấp đầy đủ phù hợp với mục đích từng môn học. Hai là, tài liệu học tập và tham khảo tại thư viện đảm bảo về số lượng: Có nhiều nguồn tài liệu khác nhau giúp sinh viên thoải mái lựa chọn và đảm bảo số lượng sách cho mỗi lần mượn về nhà của sinh viên. Ba là, sách, giáo trình có cập nhật tình hình mới, văn bản mới: Luôn cập nhật các văn bản mới theo sự đổi mới chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bốn là, phòng học, trang thiết bị đảm bảo: Đối với cơ sở vật chất của trường thì không sinh viên nào phản ánh vì cơ sở vật chất của trường khá tốt và đảm bảo đạt tiêu chuẩn.
Thứ tư, nhóm giải pháp về sự hữu ích, gồm có 4 yếu tố chính: Một là, được rèn luyện đạo đức trong môn học: Vì những môn lý luận chính trị chủ yếu nói về những vấn đề thực tế trong đời sống xã hội, bởi vậy sẽ giúp sinh viên thay đổi, rèn luyện nhiều hơn về bản chất cũng như tâm sinh lý. Bên cạnh đó, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tạo cho sinh viên có lối sống lành mạnh, tốt đẹp hơn. Hai là, nâng cao kiến thức về lý luận chính trị: Sinh viên được hiểu rõ hơn về những tư tưởng của các nhà triết học như: C.Mác, V.Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh... Tạo tiền đề cho sinh viên có cái nhìn khách quan hơn về sự tồn tại của thế giới quan nói chung cũng như thế giới duy vật và duy tâm nói riêng. Ba là, có thể vận dụng trong thực tế: Sinh viên nhận thức nhận thức rõ các cặp phạm trù trong triết học đối với thực tế như: Cặp phạm trù “Nguyên nhân - Kết quả” (gieo nhân nào gặt quả ấy…); Cặp phạm trù “Chất - Lượng” ( chất có trước hay lượng có trước phụ thuộc vào cách nhìn khách quan của chủ thể…); cặp phạm trù “Nội dung - Hình thức”. Bốn là, nâng cao khả năng trình bày vấn đề: Sinh viên được dễ dàng bày tỏ ý kiến với giảng viên trong mỗi môn học. Tuy nhiên, cũng có một số sinh viên còn ngại bày tỏ quan điểm của mình với giảng viên. Theo khảo sát cho thấy một số sinh viên không đồng ý với yếu tố trên. Vì vậy, mỗi giảng viên giảng dạy môn học nào đó nên tương tác nhiều với sinh viên.
8. Kết luận
Trên cơ sở mô hình đã được kiểm định, nhóm nghiên cứu đã mạnh dạn đề xuất một số kiến nghị giúp sinh viên cũng như giảng viên có các phương pháp học tập và giảng dạy môn học lý luận chính trị tại Trường Đại học Duy Tân đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó là một số đề xuất về cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy cho Hội đồng quản trị, Ban giám hiệu Trường Đại học Duy Tân. Nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ ra một số điểm hạn chế của nghiên cứu và định hướng nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tài liệu tiếng Việt
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007), Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008), Hướng dẫn sử dụng tiêu chí đánh giá chất lượng trường đại học.
3. Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2005), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, Nxb Thống kê.
4. Lê Văn Huy (2007), Sử dụng chỉ số hài lòng của khách hàng trong hoạch định chiến lược kinh doanh ngân hàng: Cách tiếp cận mô hình lý thuyết, Số 2 (19) - 2007, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng.
5. Nguyễn Kim Dung (2010), “Khảo sát mức độ hài lòng của sinh viên về chất lượng giảng dạy và quản lý của một số trường đại học Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo khoa học Đánh giá Xếp hạng các trường đại học và cao đẳng Việt Nam.
6. Nguyễn Thành Long (2006), Sử dụng thang đo SERVPERF để đánh giá chất lượng đào tạo đại học tại Trường Đại học An Giang, Báo cáo nghiên cứu khoa học, Trường Đại học An Giang.
7. Nguyễn Xuân Thao (2009), “Một quan điểm của Hoa Kỳ về vấn đề giáo dục đại học như một dịch vụ trong giáo dục xuyên biên giới” - Phạm Thị Ly dịch, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế Giáo dục so sánh lần 3: Hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo đại học ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức.

Tài liệu tiếng Anh
8. Ali Kara, Pennsylvania State University-York Campus& Oscar W. DeShields, Jr., California State University, Northridge (2004), Business Student Satisfaction, Intentions and Retention in Higher Education: An Empirical Investigation.
9. Armand V. Feigenbaum (1991), Total quality control, fourth audition.
10. Edvardsson, B, ?vretveit, J and Thomasson, B. (1994), Quality of service: Marketing it really work.
11. G.V. Diamantis và V.K. Benos, University of Piraeus, Greece (2007), Measuring student satisfaction with their studies in an International and European Studies Departerment, Operational Research. An International Journal. Vol.7. No 1, pp 47 - 59. 90.
12. Lewis & Mitchell (1990), Marketing Intelligence & Planning: Defining and Measuring the Quality of Customer Service.
13. Oliver, R. L. & W. O. Bearden. (1985). Disconfirmation Processes and Consumer Evaluations in Product Usage. Journal of Business Research. 13:235 - 246.

STUDY THE FACTORS AFFECTING THE SATISFACTION OF DUY TAN UNIVERSITY STUDENTS STUDYING THE SUBJECTS OF POLITICAL THEORY

LE ANH TUAN

Faculty of Accounting, Duy Tan University

NGUYEN THI HUYEN TRAM

Faculty of Economics - Ho Chi Minh City University of Technology and Education

NGUYEN THI TRUC KHUYEN

Faculty of Accounting, Duy Tan University

ABSTRACT:

The paper aims to determine the factors affecting the satisfaction of Duy Tan University students studying political theory. Based on the survey, analysis, and evaluation of the obtained results, the paper proposes some solutions to enhance the interest of students at Duy Tan University with the subject, as well as helping the lecturer have enthusiasm, excitement when teaching.

Keywords: Satisfaction, Duy Tan University, political theory, students, lecturers.