Nghiên cứu Các nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng kế toán quản trị môi trường tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định - đề xuất mô hình nghiên cứu

ThS. PHẠM THỊ LAI - TS. LÊ TRẦN HẠNH PHƯƠNG - TS. ĐÀO NHẬT MINH - ThS. TRẦN XUÂN QUÂN (Giảng viên Khoa Kinh tế và Kế toán, Trường Đại học Quy Nhơn)

TÓM TẮT:

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, các doanh nghiệp (DN) cần thiết lập chiến lược gắn liền với trách nhiệm đối với môi trường, phát triển kinh tế gắn liền với tính bền vững của xã hội. Do đó, kế toán quản trị môi trường (KTQTMT) và vận dụng KTQTMT ngày càng được sự quan tâm của các DN Việt Nam nói chung và DN trên địa bàn tỉnh Bình Định nói riêng. Mục tiêu bài viết nhằm đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng KTQTMT tại các DN trên địa bàn tỉnh Bình Định, đó là: Nhận thức sự biến động của môi trường kinh doanh, Chiến lược môi trường, Sự phức tạp của nhiệm vụ, Áp lực cưỡng chế, Nhận thức nhà quản trị và Đặc điểm doanh nghiệp khi áp dụng KTQTMT.

Từ khóa: doanh nghiệp, nhân tố, vận dụng kế toán quản trị môi trường, tỉnh Bình Định.

1. Đặt vấn đề

Môi trường là vấn đề mang tính thời sự nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. DN đối mặt với việc cân bằng hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Để phục vụ cho việc ra quyết định, nhà quản trị không chỉ sử dụng doanh thu, chi phí, lợi nhuận, mà còn phải thu thập thêm thông tin môi trường. KTQTMT giúp cải thiện hiệu quả kinh tế và môi trường, kiểm soát chi phí để đạt được lợi ích kinh tế môi trường tốt nhất, là khoản đầu tư tương lai giúp gia tăng giá trị, hình ảnh, thương hiệu DN. Tuy nhiên, việc tìm hiểu và từng bước áp dụng KTQTMT trong các DN Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế. Căn cứ Đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1672/2018 cho thấy định hướng phát triển công nghiệp, logistic; phát triển du lịch, phát triển chuyên sâu lĩnh vực đào tạo giáo dục, y tế; phát triển nông nghiệp công nghệ cao. DN Bình Định muốn phát triển lâu dài và bền vững trong tương lai thì vấn đề môi trường là yếu tố quan trọng, cần được đặt lên hàng đầu. Đây là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý cấp tỉnh nói chung và DN trên địa bàn tỉnh Bình Định nói riêng trong việc cân bằng giữa hiệu quả hoạt động với môi trường. Trong khi đó, hiểu biết và vận dụng KTQTMT trong các DN tại Bình Định còn khá mới mẻ. Do đó, vận dụng KTQTMT trong DN Bình Định chính là vấn đề mang tính thời sự và cấp bách. Như vậy, việc thực hiện nghiên cứu này là thực sự cần thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn tại Bình Định, đồng thời việc đề xuất được mô hình nghiên cứu cũng chính là bước ngoặt đầu tiên để tiến hành nghiên cứu này.

2. Tổng quan nghiên cứu

2.1. Tổng quan nghiên cứu nước ngoài

Các nghiên cứu trên thế giới về nhân tố ảnh hưởng đến thực hiện KTQTMT hầu hết thực hiện theo phương pháp tiếp cận lý thuyết hoặc nghiên cứu tình huống (Ferreira và cộng sự, 2010). Đặc biệt ở các nước đang phát triển, dòng nghiên cứu này vẫn còn rất hạn chế và đang ở trong giai đoạn khởi đầu.

Parker (1997) mở đầu cho dòng nghiên cứu định tính cho thấy, KTQTMT phụ thuộc vào chiến lược môi trường của DN. Bouma và Van der Veen (2002) chứng minh vận dụng KTQTMT chịu ảnh hưởng của bối cảnh thể chế và xã hội liên quan đến sự gia tăng các quy định môi trường, nhận thức môi trường ảnh hưởng đến nhận thức nhà quản trị.

Qian và Burritt (2008) nhận diện 4 nhân tố ảnh hưởng đến phát triển KTQTMT là: Tính kết nối liên ngành giữa các bộ phận trong DN là quan trọng nhất, tiếp đó là kiến thức và kỹ năng thông tin môi trường của kế toán, áp lực bắt chước và áp lực quy định pháp lý.

Ferreira và cộng sự (2010) cho thấy động lực chính để vận dụng KTQTMT trong 292 DN lớn ở Úc là ngành Công nghiệp. Mối quan hệ giữa chiến lược môi trường và vận dụng KTQTMT không có ý nghĩa thống kê.

Chang và Deegan (2010) tại Đại học RMIT khám phá 5 nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện KTQTMT, đó là: chiến lược môi trường, áp lực cưỡng ép, nhiệm vụ phức tạp, nhận thức nhà quản trị và hỗ trợ của nhà quản trị.

Christ và Burritt (2013) cho thấy, chiến lược môi trường, lĩnh vực kinh doanh và quy mô DN có một mối quan hệ quan trọng tới vận dụng KTQTMT trong hiện tại và tương lai ở Úc. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, cơ cấu tổ chức không ảnh hưởng đến vận dụng KTQTMT.

Mokhtar và cộng sự (2016) phân tích ảnh hưởng của đặc điểm DN đến việc thực hiện KTQTMT đã cho thấy hình thức sở hữu có tác động quan trọng đến việc vận dụng KTQTMT. 

Tóm lại, nghiên cứu trên thế giới về các nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng KTQTMT của DN bao gồm: chiến lược môi trường, áp lực cưỡng ép, nhiệm vụ phức tạp, nhận thức nhà quản trị, hỗ trợ của nhà quản trị, sự biến động của môi trường kinh doanh, áp lực quy chuẩn, áp lực mô phỏng, cơ cấu tổ chức, văn hóa tổ chức, cân nhắc tính hợp pháp, áp lực các bên liên quan, lĩnh vực kinh doanh, quy mô DN và hình thức sở hữu.

2.2. Tổng quan nghiên cứu trong nước

Tại Việt Nam, kế toán môi trường nói chung và KTQTMT nói riêng chưa phổ biến, nên công trình nghiên cứu về nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng KTQTMT còn hạn chế.

Phạm Thị Bích Chi và cộng sự (2016) xem xét sự tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện kế toán quản trị chi phí môi trường DN sản xuất gạch, bao gồm: áp lực cưỡng ép, áp lực quy chuẩn, áp lực mô phỏng, nhận thức nhà quản trị, chiến lược môi trường, văn hóa tổ chức, nguồn lực.

Nguyễn Thị Nga (2016) chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán quản trị CPMT trong các DN sản xuất Thép tại Việt Nam là: Nhận thức nhà quản lý về kế toán quản trị CPMT, áp lực cưỡng ép, truyền thông nội bộ và vai trò của bộ phận kế toán quản trị.

Hoàng Thị Bích Ngọc (2017) thông qua phân tích thống kê mô tả và kiểm định One sample t-Test trong SPSS đã nhận diện các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán quản trị CPMT tại các DN chế biến dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, cụ thể: Áp lực bên liên quan, nhận thức nhà quản trị và sự cân nhắc lợi ích - chi phí đều có ảnh hưởng thuận chiều, nhưng trình độ nhân viên kế toán lại có ảnh hưởng ngược chiều.

Nguyễn Thị Hằng Nga (2018) đã chỉ ra 6 nhân tố tác động, bao gồm: áp lực cưỡng ép, áp lực quy chuẩn, áp lực mô phỏng, nhận thức về sự biến động của môi trường kinh doanh, chiến lược môi trường và sự phức tạp của nhiệm vụ. Ngoại trừ nhân tố “sự phức tạp của nhiệm vụ” có tác động ngược chiều, thì 5 nhân tố còn lại đều có tác động cùng chiều đến thực hiện KTQTMT. Như vậy, muốn đẩy mạnh thực hiện KTQTMT, cần làm giảm bớt sự khó khăn, phức tạp trong quá trình thực hiện KTQTMT.

Nguyễn Thị Kim Tuyến (2020) đã chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến thực hiện kế toán môi trường tại các DN khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định như sau: Áp lực các bên liên quan, nhận thức nhà quản trị cấp cao, trình độ nhân viên kế toán về thông tin môi trường, đặc điểm DN và áp lực cưỡng chế từ cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, áp lực cưỡng chế từ cơ quan quản lý nhà nước có ảnh hưởng mạnh nhất, tiếp đến là nhận thức của nhà quản trị cấp cao, tiếp theo là đặc điểm DN, sau đó là trình độ nhân viên kế toán về thông tin môi trường và tác động thấp nhất là áp lực các bên liên quan.

Tóm lại, nghiên cứu tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các yếu tố ảnh hưởng đến vận dụng KTQTMT của các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cụ thể. Kết quả của những nghiên cứu này đã đóng góp đáng kể trong việc giải thích mô hình lý thuyết về KTQTMT tại DN ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, cũng như nhận diện yếu tố ảnh hưởng đến vận dụng KTQTMT của DN.

3. Giả thuyết nghiên cứu và mô hình đề xuất

3.1. Nhận thức sự biến động của môi trường kinh doanh

Parker (1997) cũng đồng ý rằng, cần phải thiết kế lại hệ thống kế toán quản trị truyền thống để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thông tin về môi trường. Nếu một tổ chức trải qua mức độ biến động của MTKD cao, thì tổ chức đó có thể phải đổi mới hệ thống kế toán để đáp ứng nhu cầu cung cấp thêm thông tin, nhằm đối phó với thay đổi không lường trước được. Các hệ thống đổi mới này (nếu có) nhằm cung cấp thông tin môi trường để quản trị chi phí và giảm thiểu tác động môi trường (Chang và Deegan (2010); Nguyễn Thị Hằng Nga (2018),…) đã chỉ ra nhận thức về sự biến động của môi trường kinh doanh có ảnh hưởng đến thực hiện KTQTMT.

Như vậy, nếu nhận thức về sự biến động của MTKD của các DN trên địa bàn tỉnh Bình Định gia tăng, thì các DN sẽ có xu hướng thực hiện KTQTMT ngày càng nhiều để đối phó với sự biến động này. Do đó, giả thuyết thứ nhất được đề xuất như sau:

Giả thuyết H1: Nhận thức về sự biến động của môi trường kinh doanh có mối quan hệ thuận chiều đến việc vận dụng KTQTMT tại DN trên địa bàn tỉnh Bình Định.

3.2. Chiến lược môi trường

Chiến lược môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc áp dụng và thực hiện KTQTMT trong các tổ chức, vì chiến lược là một nhân tố quyết định quan trọng trong việc hình thành hệ thống kiểm soát quản lý (Simons, 1987; Otley, 1999) và KTQTMT là một bộ phận của hệ thống kiểm soát quản lý (Nguyễn Thị Hằng Nga, 2018). Do vậy, nếu các DN trên địa bàn tỉnh Bình Định lựa chọn chiến lược kinh doanh hướng về môi trường thì sẽ có nhiều khả năng thực hiện KTQTMT.

Giả thuyết H2: Chiến lược môi trường có mối quan hệ thuận chiều đến việc vận dụng KTQTMT tại DN trên địa bàn tỉnh Bình Định.

3.3. Sự phức tạp của nhiệm vụ

Nhiệm vụ của tổ chức liên quan đến loại công việc được thực hiện bởi một tổ chức (Daft và Macintosh, 1978). Lý thuyết bất định đề xuất rằng sự phức tạp hay khó khăn của nhiệm vụ có ảnh hưởng đáng kể đối với thiết kế hệ thống KTQTMT của một tổ chức.

Hirst (1981) nhận thấy rằng, khi nhiệm vụ càng phức tạp, thì thực hiện KTQTMT càng khó khăn. Chang và Deegan (2010); Nguyễn Thị Hằng Nga (2018) cũng đã tìm thấy ảnh hưởng ngược chiều của nhân tố sự phức tạp của nhiệm vụ đến thực hiện KTQTMT. Ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, những khó khăn của việc thực hiện KTQTMT như thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện KTQTMT, tốn thời gian và công sức, tiền bạc sẽ cản trở các DN thực hiện KTQTMT. Do đó, giả thuyết thứ ba được đề cập như sau:

Giả thuyết H3: Sự phức tạp của nhiệm vụ có mối quan hệ ngược chiều đến việc vận dụng KTQTMT tại DN trên địa bàn tỉnh Bình Định.

3.4. Áp lực cưỡng chế

Nhiều nghiên cứu KTQTMT vận dụng lý thuyết thể chế cho thấy áp lực cưỡng chế có ảnh hưởng đến vận dụng KTQTMT như Chang và Deegan (2010); Jalaludin và cộng sự (2011); Alkisher (2013), Phạm Thị Bích Chi và cộng sự (2016), Nguyễn Thị Nga (2016), Nguyễn Thị Hằng Nga (2018), Nguyễn Thị Kim Tuyến (2020). Áp lực cưỡng chế là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến DN trong thực hiện KTQTMT. Do đó, ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, nếu Chính phủ và các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ các quy định về môi trường, hoặc có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN thực hiện tốt các cam kết về môi trường, thì có nhiều khả năng sẽ thúc đẩy các DN thực hiện KTQTMT.

Trên cơ sở kế thừa lý thuyết thể chế và tổng quan nghiên cứu trước, nhóm tác giả xây dựng giả thuyết như sau:

Giả thuyết H4: Áp lực cưỡng chế có mối quan hệ thuận chiều đến việc vận dụng KTQTMT tại DN trên địa bàn tỉnh Bình Định.

3.5. Nhận thức nhà quản trị

Theo Nguyễn Thị Kim Tuyến (2020), nhận thức nhà quản trị sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn chính sách, chiến lược môi trường trong các hoạt động kinh doanh. Khi nhà quản trị nhận thức rõ ràng về lợi ích KTQTMT, họ sẽ thực hiện chiến lược môi trường chủ động để cung cấp thông tin môi trường nhiều hơn, giảm thiểu chi phí hoạt động, giảm thiểu lãng phí tốn kém, khai thác thị trường mới và thu hút người tiêu dùng thông qua sản phẩm xanh.

Các nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam như Nguyễn Thị Nga (2016), Hoàng Thị Bích Ngọc (2017), Nguyễn Thị Kim Tuyến (2020) cũng cho ra kết quả tương tự nhận thức của nhà quản trị có mối quan hệ cùng chiều với thực hiện KTQTMT. Sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà quản lý có vai trò quan trọng trong thực hiện KTQTMT. Nhận thức và thái độ của nhà quản trị sẽ quyết định chính sách và hành động của họ để ứng xử trong các hoạt động của DN. Khi nhà quản trị có nhận thức rõ ràng, có sự đồng thuận cao, thể hiện bằng các cam kết chiến lược và hành động cụ thể, nhằm cải thiện hoạt động và hiệu quả môi trường của DN, sẽ tạo động lực để DN áp dụng KTQTMT. Trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu trên, nhóm tác giả kỳ vọng mối quan hệ thuận chiều giữa nhận thức nhà quản trị và việc vận dụng KTQTMT tại DN. Do đó, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết tiếp theo như sau:

Giả thuyết H5: Nhận thức nhà quản trị có mối quan hệ thuận chiều đến việc vận dụng KTQTMT tại DN trên địa bàn tỉnh Bình Định.

3.6. Đặc điểm doanh nghiệp

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh ngành Công nghiệp là yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện KTQTMT. Theo Deegan và Gordon (2001), Christ và Burritt (2013) công bố thông tin môi trường xuất hiện nhiều hơn ở các ngành công nghiệp nhạy cảm môi trường như khai thác uranium, hóa chất, than,… nhằm hợp pháp hóa hoạt động với sự quan tâm của các nhóm môi trường.

Quy mô DN là yếu tố có ảnh hưởng đáng kể đến báo cáo môi trường (Deegan và Gordon, 1996) đến thực hiện KTQTMT (Christ và Burritt, 2013). DN quy mô lớn thường chịu áp lực công chúng và giám sát chính trị nhiều hơn. Vì vậy, DN quy mô lớn cần thực hiện KTQTMT để tạo dựng hình ảnh xã hội tốt đẹp, đáp ứng áp lực cộng đồng, nhà đầu tư, chính phủ. Hơn nữa, DN quy mô lớn có nguồn lực cao hơn và có thể áp dụng các kỹ thuật kế toán quản lý tinh vi hơn so với các DN nhỏ (Chenhall, 2003).

Đặc biệt, sự kết nối giữa bộ phận kế toán và các bộ phận liên quan có ảnh hưởng đến thực hiện KTQTMT tại các DN vì hệ thống quản lý môi trường toàn diện cần có sự tham gia của các bộ phận có liên quan, bao gồm những người có kỹ năng kế toán và quản lý môi trường. Mạng lưới chuyên môn được mở rộng, thì KTQTMT càng có nhiều khả năng được áp dụng (Qian và Burritt, 2008).

Với những phân tích trên cho thấy, đặc điểm DN có ảnh hưởng đến thực hiện KTQTMT tại các DN trên địa bàn tỉnh Bình Định. Giả thuyết cuối cùng được thiết lập:

Giả thuyết H6: Đặc điểm DN có mối quan hệ thuận chiều đến việc vận dụng KTQTMT tại DN trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Dựa trên lý thuyết nền và nghiên cứu trước đây về các nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng KTQTMT tại các DN, thông qua phân tích thực tiễn tại địa bàn tỉnh Bình Định, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu dự kiến như sau:

Sơ đồ 1: Mô hình nghiên cứu đề nghị

Mô hình nghiên cứu đề nghị

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp

KTQTMT = β0 + β1*MTKD + β2*CLMT + β3*NVTC + β4*ALCC + β5*NTQT + β6*DDDN + ε

Trong đó:

Biến phụ thuộc: KTQTMT: Vận dụng KTQTMT tại DN

Biến độc lập: MTKD là nhận thức sự biến động của môi trường kinh doanh; CLMT là chiến lược môi trường; NVTC là sự phức tạp của nhiệm vụ; ALCC là áp lực cưỡng chế; NTQT là nhận thức nhà quản trị; DDDN là đặc điểm doanh nghiệp; Tham số gồm β0, β1, β2,…, βn; ε là sai số.

4. Kết luận

Dựa vào tổng quan các nghiên cứu liên quan, nhóm tác giả đã đưa ra các giả thuyết nghiên cứu và mạnh dạn đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng KTQTMT tại các DN trên địa bạn tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, để có thể đưa ra kết luận chính xác, một nghiên cứu định lượng cần được thực hiện để kiểm tra mô hình đề xuất này. Đây sẽ là hướng cho nghiên cứu tiếp theo của nhóm tác giả trong tương lai.

Lời cảm ơn:

Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở của Trường Đại học Quy Nhơn với mã số T2021.743.46.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt:

  1. Chính phủ (2018). Quyết định số 1672/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30 tháng 11 năm 2018 về Phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035.
  2. Phạm Thị Bích Chi, Lê Thị Tâm và Trần Anh Ngọc (2016). ECMA tại Việt Nam - Nghiên cứu trường hợp doanh nghiệp sản xuất gạch. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 230, 72-79.
  3. Nguyễn Thị Hằng Nga (2018). Các nhân tố ảnh hưởng đến thực hiện kế toán quản trị môi trường tại các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam - Nghiên cứu cho các tỉnh thành khu vực phía Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  4. Nguyễn Thị Nga (2016). Xây dựng mô hình nghiên cứu các nhân tổ ảnh hưởng đến khả năng áp dụng kế toán quản trị chi phí môi trường trong các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, 8(155), 34-37.
  5. Hoàng Thị Bích Ngọc (2017). Kế toán quản trị chi phí môi trường trong doanh nghiệp chế biến dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Thương mại.
  6. Nguyễn Thị Kim Tuyến (2020). Kế toán môi trường tại các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định. Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính.

Tiếng Anh:

  1. Alkisher, A. T. O. (2013). Factors influencing environmental management accounting adoption in oil and manufacturing firms in Libya. Doctoral dissertation, Universiti Utara Malaysia.
  2. Bouma, J. J., & Van der Veen, M. (2002). Wanted: A theory for environmental management accounting. In Environmental management accounting: Informational and institutional developments, 279-290. Dordrecht: Springer.
  3. Chang, H. & Deegan, C. (2010). Exploring factors influencing environmental Management Accounting adoption at RMIT University. Sixth Asia Pacific Interdisciplinary Research in Accounting (APIRA) conference, 11-13 July, 11-13. Sydney, Australia.
  4. Christ, K. L. & Burritt, R. L. (2013). Environmental management accounting: The significance of contingent variables for adoption. Journal of Cleaner Production, 41(0), 163-173.
  5. Ferreira, A., Moulang, C. & Hendro, B. (2010). Environmental management accounting and innovation: an exploratory analysis. Accounting, Auditing & Accountability Journal, 23(7), 920-948.
  6. Jalaludin, D., Sulaiman, M. & Ahmad, N. N. N. (2011). Understanding environmental management accounting (EMA) adoption: A new institutional sociology perspective. Social Responsibility Journal, 7(4), 540-557.
  7. Jamil, C. Z. M., Mohamed, R., Muhammad, F., & Ali, A. (2015). Environmental management accounting practices in small medium manufacturing firms. Procedia-Social and Behavioral Sciences, 172, 619-626.
  8. Mokhtar, N., Jusoh, R., & Zulkifli, N. (2016). Corporate characteristics and environmental management accounting (EMA) implementation: Evidence from Malaysian public listed companies (PLCs). Journal of cleaner production, 136, 111-122.
  9. Parker, L.D. (1997). Accounting for environmental strategy: Cost management, control and performance evaluation. Asia-Pacific Journal of Accounting, 4(2), 145-173.
  10. Qian, W., & Burritt, R. (2008). The development of environmental management accounting: An institutional view. In Environmental management accounting for cleaner production, 233-248. Dordrecht: Springer.

FACTORS AFFECTING THE APPLICATION

OF ENVIRONMENTAL MANAGEMENT ACCOUNTING

IN ENTERPRISES IN BINH DINH PROVINCE

MA. PHAM THI LAI1

Ph.D LE TRAN HANH PHUONG1

Ph.D DAO NHAT MINH1

MA. TRAN XUAN QUAN1

1Lecturer, Faculty of Economics and Accounting

Quy Nhon University

ABSTRACT:

In the current globalization trend, it is essential for enterprises need to develop strategies which are associated with their environmental responsibilities. It means that the development of enterprises should relate to the societal sustainability. As a result, there are more and more enterprises in Vietnam, especially those operating in Binh Dinh Province, implementing the environmental management accounting. This study proposes a research model which analyzes the factors affecting the application of environmental management accounting in enterprises in Binh Dinh Province. These factors are the perception of changes in the business environment, the environmental strategy, the complexity, the coercive pressure, the perception of enterprise managers and the characteristics of each enterprise when applying the environmental management accounting.

Keywords: enterprise, factor, implementing environmental management accounting, Binh Dinh Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]