TÓM TẮT:

Tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ (HTKSNB) tại các doanh nghiệp là một vấn đề quan trọng trong việc quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại. Kết quả cho thấy mức độ tác động của 5 thành phần đến HTKSNB, gồm: môi trường kiểm soát (MTKS), đánh giá rủi ro (ĐGRR), hoạt động kiểm soát (HĐKS), giám sát (GS) và thông tin truyền thông (TT_TT). Từ đó, tác giả đưa ra hàm ý quan trọng cho từng nhân tố tác động và mối quan hệ cấu trúc tuyến tính giữa các thành phần kiểm soát nội bộ tác động đến tính hữu hiệu HTKSNB và kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Từ khóa: hệ thống kiểm soát nội bộ, doanh nghiệp phi tài chính, TP. Hồ Chí Minh.

1. Giới thiệu

Từ ngày 01/01/2019 đến ngày 31/08/2019, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 3.264 doanh nghiệp giải thể, tăng 35,25% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp ngưng hoạt động là 6.834 doanh nghiệp, tăng 44,8%. Ngoài ra, có 6.109 doanh nghiệp ngưng hoạt động có thời hạn và 443 doanh nghiệp chuyển đi tỉnh, thành khác (theo Thu Dịu, 2019). Số liệu này rất báo động, cần có giải pháp khắc phục những nguyên nhân dẫn đến việc giải thể, phá sản của các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh. Theo giải thích của Cục Đăng ký và Quản lý kinh doanh thì ngoài các yếu tố khách quan của quy luật vận động nền kinh tế thị trường, các nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc số lượng doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh giải thể, phá sản ngày càng tăng là do trình độ quản lý của doanh nghiệp yếu kém, năng lực cạnh tranh thấp như thiếu tầm nhìn chiến lược; nguồn lực tài chính nhỏ không bền vững, thiếu tư duy về thị trường; trình độ ứng dụng khoa học công nghệ thấp; thiếu tính đổi mới sáng tạo trong sản phẩm; chất lượng hàng hóa, quy mô sản xuất và năng suất lao động còn thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài. Những nguyên nhân này đều liên quan đến HTKSNB, cho thấy sự quan tâm đến việc thiết kế và vận hành của HTKSNB trong các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh chưa thật sự nghiêm túc.

Đặc biệt, ngoài những tổ chức kinh tế thế giới mà Việt Nam đã gia nhập trước đây như AFTA, APEC, WTO, CPTPP đã mang lại nhiều cơ hội lớn về thị trường, ưu đãi, cơ cấu xuất khẩu và tiềm năng hội nhập, đồng thời tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giải thể, phá sản của các doanh nghiệp phi tài chính (DNPTC) ở TP. Hồ Chí Minh, do sức ép đối với doanh nghiệp càng lớn, tính cạnh tranh, thanh lọc càng thể hiện rõ rệt. Cho nên, yêu cầu cấp bách đặt ra đối với chính quyền và các nhà quản trị của các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh là phải xây dựng được một HTKSNB hữu hiệu và hiệu quả giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Hơn nữa, tính hữu hiệu của HTKSNB và sự hiện diện của các biện pháp ngăn chặn gian lận thích hợp, sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh [17]. Mặc khác, khi các DNPTC thiết kế được một HTKSNB tốt sẽ gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, hiệu quả sản xuất - kinh doanh tăng và kết quả là hiệu quả hoạt động (HQHĐ) doanh nghiệp tăng trưởng nhanh. Ngược lại, HTKSNB yếu kém sẽ dẫn đến thất bại trong quản trị doanh nghiệp, làm mất niềm tin nhà đầu tư và tác động giá trị tài chính doanh nghiệp bị đánh giá thấp trên thị trường, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, nhóm tác giả chọn đề tài “Các nhân tố tác động đến tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh” làm đề tài nghiên cứu.

2. Mô hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở lý thuyết ủy nhiệm và khuôn mẫu COSO 2016, kế thừa các kết quả NC trước đó cho thấy tất cả KSNB đều có kết luận rằng 5 bộ phận cấu thành nên HTKSNB là MTKS, ĐGRR, HĐKS, TT_TT và GS tổ chức tốt đều có tác động tích cực đến tính hữu hiệu HT [2-8, 10-12, 14-15, 18-20]. Từ đó, giả thuyết H1, H2, H3, H4, H5 được xây dựng là:

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu đề xuất

- H1: MTKS tổ chức tốt sẽ tác động tích cực đến tính hữu hiệu của HTKSNB.

- H2: ĐGRR tổ chức tốt sẽ tác động tích cực đến tính hữu hiệu của HTKSNB.

- H3: HĐKS tổ chức tốt sẽ tác động tích cực đến tính hữu hiệu của HTKSNB.

- H4: TT_TT tổ chức tốt sẽ tác động tích cực đến tính hữu hiệu của HTKSNB.

- H5: GS tổ chức tốt sẽ tác động tích cực đến tính hữu hiệu của HTKSNB.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Quy trình NC được trình bày trên cơ sở xem xét các nội dung sau:

- Bước 1: Phân tích tổng quan NC trước về các nhân tố tác động đến tính hữu hiệu của HTKSNB, làm ảnh hưởng đến HQHĐ tại các DNPTC, tác giả xác định khe trống NC. Trên cơ cở này, tác giả tìm hiểu và trình bày các khái niệm cơ bản về các biến NC, các lý thuyết nền có liên quan đến đề tài.

- Bước 2: Nhận diện các nhân tố dựa trên lý thuyết nền và kết quả NC trước để xây dựng giả thuyết NC và đưa ra mô hình NC dự kiến, kết thừa và điều chỉnh thang đo nháp theo nội dung khuôn mẫu COSO 2016 và lý thuyết nền có liên quan.

- Bước 3: Tiến hành thực hiện NC sơ bộ để kiểm tra độ tin cậy và giá trị của các thang đo, để có những điều chỉnh về thang đo.

- Bước 4: Sau khi điều chỉnh thang đo sẽ có mô hình đo lường chính thức với các thang đo hoàn chỉnh. Trong NC chính thức sẽ kiểm tra mô hình đo lường bao gồm kiểm tra độ tin cậy thang đo và các giá trị thang đo, kiểm tra mô hình cấu trúc để kiểm định mô hình và các giả thuyết NC.

- Bước 5: Kết quả NC và bàn luận kết quả NC.

3. Kết quả

3.1. Thống kê mô tả

NC chính thức được thực hiện từ tháng 11/2020 đến tháng 02/2021. Nhóm nghiên cứu đã gửi 500 bảng khảo sát đến các DNPTC ở TP. Hồ Chí Minh thông qua Google Forms, email, học viên lớp cao học, nhờ bạn bè người thân hỗ trợ và tác giả trực tiếp khảo sát.

Kết quả thu về hơn 302 bảng khảo sát, khi phân loại sơ bộ loại bỏ các bảng không phù hợp. Kết quả còn 281 bảng khảo sát đưa vào xử lý trong NC, trong đó có trường hợp 1 công ty gửi 2 bảng khảo sát có một bảng có đối tượng trả lời là quản lý, còn lại là kế toán.

Bảng 1. Thống kê mô tả các khái niệm NC trong NC chính thức

Thống kê mô tả các khái niệm NC trong NC chính thức

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Bảng 1 cho thấy các đáp viên đánh giá về 5 khái niệm NC gồm: MTKS, ĐGRR, HĐKS, TT_TT, và HH cao hơn mức ở giữa của thang đo Likert 5 điểm, gần giá trị 4 - đồng ý nhiều, cho thấy, các nhân tố này được đánh giá tốt. Tuy nhiên, khái niệm GS được các đối tượng đánh giá mức độ thấp nhất với giá trị trung bình = 2,6032, so với các khái niệm NC khác. Độ lệch chuẩn - thước đo sự khác biệt của giá trị từng quan sát so với giá trị bình quân - cũng nằm trong khoảng từ 0,71352 - 1,00756. Do đó, khoảng biến thiên của các thang đo không lớn hay nói cách khác là giá trị khảo sát có tính ổn định.

3.2. Đánh giá độ tin cậy và giá trị thang đo

Bảng 2. Kết quả hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha và CR

Kết quả hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha và CR

Nguồn: Tính toán của tác giả

Độ tin cậy của các thang đo kết quả được đánh giá bằng hệ số Cronbach’s Alpha, CR (độ tin cậy tổng hợp) và phương sai trích trung bình AVE. Kết quả Bảng 2 cho thấy các khái niệm NC chính thức đều đạt độ tin cậy, các hệ số này đều > 0,70 cụ thể: MTKS = 0,931, ĐGRR = 0,897, HĐKS = 0,898, TT_TT = 0,880, GS = 0,798, và HH = 0,814. CR của các thang đo đều vượt ngưỡng đề xuất 0,70, do đó các thang đo đều đạt độ nhất quán nội tại.

3.3. Kiểm tra giá trị hội tụ của thang đo

Kiểm tra giá trị hội tụ, tác giả tiến hành xem xét hệ số tải (outer loadings) của các biến quan sát và phương sai trích trung bình (AVE) của các biến tiềm ẩn. Kết quả cho thấy, tất cả các biến tiềm ẩn đều có AVE > 0,50. Do đó, tính hợp lệ giá trị hội tụ của tất cả cấu trúc được chấp nhận.

Bảng 3. Kết quả kiểm tra giá trị hội tụ và phương sai trích

 Kết quả kiểm tra giá trị hội tụ và phương sai trích

3.4. Đánh giá hiện tượng đa cộng tuyến

Theo Hair và cộng sự (2017) đề nghị trong trường hợp mô hình NC phức tạp bao gồm biến độc lập, biến trung gian, biến phụ thuộc thì phân nhóm các biến độc lập và biến phụ thuộc thành các nhóm nhỏ; để đánh giá hiện tượng đa cộng tuyến, mỗi nhóm chỉ chứa một biến phụ thuộc và nhiều biến độc lập, sau đó sử dụng chỉ số VIF (hệ số phóng đại phương sai) được tạo ra từ kết quả phân tích PLS_SEM trên SmartPLS 3.2.7 để đánh giá hiện tượng đa cộng tuyến. Hair và cộng sự (2017), VIF < 2 là tốt, tức hoàn toàn không có đa cộng tuyến [16].

Bảng 4. Kết quả kiểm tra chỉ số VIF

 Kết quả kiểm tra chỉ số VIF

3.5. Đánh giá mức hệ số xác định (R2)

Kết quả kiểm định mô hình cấu trúc cho thấy MTKS, ĐGRR, HĐKS, TT_TT và GS có tác động đến tính hữu hiệu của HTKSNB, trong đó yếu tố có tác động mạnh nhất đến tính hữu hiệu của HTKSNB là ĐGRR (0,272), tác động mạnh thứ 2 là MTKS (0,270), tác động mạnh thứ 3 là HĐKS (0,269), mạnh thứ 4 là GS (0,253) và yếu nhất là TT_TT (0,161).

Kết quả NC cho thấy, hệ số xác định của khái niệm MTKS, ĐGRR, HĐKS, TT_TT và GS là R2 hiệu chỉnh là 0,575 (bằng 57,5%) thể hiện khả năng dự báo của mô hình là trung bình. Điều này có nghĩa là các biến độc lập gồm: MTKS, ĐGRR, HĐKS, TT_TT và GS giải thích được 57,5% tính hữu hiệu của HTKSNB. Kết quả cũng cho thấy, hệ số R2 hiệu chỉnh của khái niệm HQHĐ là 0,278 (bằng 27,8%) cao hơn ngưỡng chấp nhận ở mức 0,19, thể hiện khả năng dự báo của mô hình là phù hợp trên cơ sở mẫu so với tổng thể.

Kết quả mô hình cấu trúc cho thấy, giá trị ảnh hưởng ước lượng của các biến trong giả thuyết NC nằm trong khoảng từ 0,161 - 0,530, với p < 0,05. Điều này có nghĩa là các biến trong mô hình NC đều có ý nghĩa thống kê, các giả thuyết từ H1 đến H5 đều được chấp nhận.

4. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5 nhân tố MTKS, ĐGRR, HĐKS, TT_TT, và GS giá trị bình quân nằm trong khoảng từ 0,71352 - 1,00756. Do đó, khoảng biến thiên của các thang đo không lớn, như vậy giá trị khảo sát có tính ổn định. Các phương pháp nghiên cứu như sử dụng phân tích hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha [1] cho thấy độ tin cậy tổng hợp (CR) của các thang đo đều vượt ngưỡng đề xuất 0,70; do đó các thang đo đều đạt độ nhất quán nội tại. Kiểm tra giá trị hội tụ (Convergent validity) và kết quả kiểm tra giá trị hội tụ (CV) và phương sai trích (AVE) giá trị hội tụ của tất cả cấu trúc được chấp nhận. Nghiên cứu sơ bộ sử dụng phần mềm SPSS 20.0 và kỹ thuật PLS_SEM [16] đánh giá hiện tượng đa cộng tuyến Hair và cộng sự (2017) thì VIF < 2 là tốt, tức là hoàn toàn không có đa cộng tuyến. Kết quả kiểm định mô hình cấu trúc và kết quả phân tích định lượng cho thấy MTKS, ĐGRR, HĐKS, TT_TT và GS có tác động đến tính hữu hiệu của HTKSNB tại các DNPTC trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Các DNPTC cần phải nắm rõ được tình hình doanh nghiệp, hiểu được tầm quan trọng của 5 thành phần kiểm soát nội bộ để khắc phục những khó khăn. Ngoài các yếu tố khách quan của quy luật vận động nền kinh tế thị trường, các nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc số lượng doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh giải thể, phá sản ngày càng tăng và Việt Nam gia nhập các tổ chức thương mại thế giới đã mang lại nhiều cơ hội lớn về thị trường, ưu đãi, cơ cấu xuất khẩu và tiềm năng hội nhập. Từ đó, yêu cầu cấp bách đặt ra đối với chính quyền và các nhà quản trị của các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh là phải xây dựng được một HTKSNB hữu hiệu và hiệu quả để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

* Nội dung bài báo công bố dựa trên kết quả nghiên cứu thuộc đề tài “Sinh viên NCKH cấp trường năm 2020-2021” của Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt

  1. Nguyễn Đình Thọ (2013). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh. Hà Nội: NXB Tài chính.
  2. Nguyễn Thị Hoàng Lan (2019). Đánh giá tác động của cấu trúc KSNB đến sự hữu hiệu của KSNB trong các đơn vị sự nghiệp công lập tại VN. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  3. Nguyễn Thị Thúy Hà (2017). Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động KSNB tại các DN thuộc Tổng Công ty Hàng Hải VN. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 12, 62-64.
  4. Nguyễn Thị Thủy và Nguyễn Tuấn (2017). Đo lường mức độ ảnh hưởng các nhân tố đến tính hữu hiệu của HTKSNB tại các DN chế biến thủy sản tỉnh Khánh Hòa. Tạp chí Kế toán và Kiểm toán. Số tháng 4/2017, 44-49.
  5. Trần Mạnh Dũng và các cộng sự (2015). Đánh giá tính hữu hiệu của HTKSNB - Trường hợp của các DN du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Định. Tạp chí Khoa học và Đào tạo ngân hàng, 155, 52-59.
  6. Trần Phước và Đỗ Thị Thu Thủy (2016). Các nhân tố tác động đến việc xây dựng HTKSNB tại các DN khởi nghiệp. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Khởi nghiệp (START-UP 2016) tại Đại học Nguyễn Tất Thành TP. Hồ Chí Minh. ISBN:978-604-67-0811-7 (Trang 49), Hà Nội: NXB Khoa Học và Kỹ Thuật.
  7. Trần Thị Quanh và Lê Mộng Huyền, (2017). Tác động của các thành phần trong HTKSNB đến hiệu quả KSNB tại các DN chế biến gỗ tỉnh Bình Định. Tạp chí Công Thương, 7, 453-458.
  8. Trần Văn Tùng, Trần Phước và Trần Phúc Lợi, (2018). Nâng cao hiệu quả HTKSNB theo hướng ứng phó với thay đổi rủi ro tại các DN viễn thông VN nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập, Hội thảo Khoa học Quốc gia - ESR 2018. ISBN: 978-604-79-1817-1 (Trang 235- 253), Hà Nội: NXB Tài chính.

Tiếng Anh

  1. Berle và các cộng sự, (1967). The Modern Corporation and Private Property. 2nd Edition, New York: Harcourt, Brace and World, ISBN 0-88738-887-6.
  2. Buthayna Mahadeen, Rand Hani Al-Dmour, Bader Yousef Obeidaz và Ali Tarhini, (2016). Examining the Effect of the Organization’s Internal Control System on Organizational Effectiveness: A Jordanian Empirical Study, International Journal of Business Administration, 7(6), 22-41.
  3. Chen Xiaofang, Nie Huili, (2016). Research on the Internal Control of Small and Medium Manufacturing Enterprises under Comprehensive Risk Management, Proceedings of the 8th International Conference on Innovation & Management, November 30-December 2, 2011 (680-684). Wuhan: Wuhan University of Technology Press.
  4. Chunli Liu, Bin Lin và Wei Shu, (2017). Employee quality, monitoring environment and internal control, China Journal of Accounting Research, 10, 51-70.
  5. Coase, (1973). The nature of the firm. Economica, 4, 386-405.
  6. Dana R. Hermanson, Jason L. Smith, and Nathaniel M. Stephens, (2012). How Effective are Organizations’ Internal Controls? Insights into Specific Internal Control Elements, Current Issues in Auditing American Accounting Association, 6(1), A31-A50.
  7. Freeman, (1984). Strategic management: A Stakeholder Approach, Boston: Pitman.
  8. Hair và cộng sự, (2017). Advanced Issues in Partial Least Squares Structural Equation Modeling. Thousand Oaks, CA: SAGE Publications.
  9. Jaya Kumar Shanmugam, Mohd Hassan Che Haat và Azwadi Ali, (2012). An Exploratory Study of Internal Control and Fraud Prevention Measures in SMEs, International Journal of Business Research and Management, 3(2), 90-99.
  10. Jinyu Tian và Sijia He, (2016). Study of Factors for Internal Control Effectiveness of Listed Companies, International Conference on Education, E-learning and Management Technology (EEMT 2016). Pp.82-85. China: Xi'an University of Posts & Telecommunications.
  11. Juan-Pierre Bruwer, Philna Coetzee, Jacolize Meiring, (2017). The Empirical Relationship between the Managerial Conduct and Internal Control Activities in South African Small, Medium and Micro Enterprises. South African Journal of Economic and Management Sciences. 20(1), 1-19.
  12. Michael C.Jensen và William H.Meckling, 1976. Theory of The Firm: Managerial Behavior, Agency Costs, and Ownership Structure. Journal of Financial Economics, 3, 305-360.

A STUDY ON THE FACTORS AFFECTING

THE EFFECTIVENESS OF INTERNAL CONTROL SYSTEM

IN ENTERPRISES IN HO CHI MINH CITY 

• NGUYEN XUAN THUAN

• LUONG THANH NGOC

Department of Information System,

Faculty of Information Technology, Ho Chi Minh City Open University

Ph.D VU QUOC THONG

Senior Lecturer, Faculty of Accounting - Audit,

Ho Chi Minh City Open University  

ABSTRACT:

The effectiveness of an internal control system in enterprise plays a key role in the modern corporate governance. This study’s findings show that there are five factors affecting the effectiveness of an internal control system in enterprise, namely the control environment, the risk assessment, the control activities, the supervision and the communication. Based on these results, some implications are proposed to enhance the effectiveness of internal control system and the business performance of enterprises in Ho Chi Minh City.

Keywords: internal control system, non-financial company, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 2 năm 2021]