Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên khóa 47 Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh - Phân hiệu Vĩnh Long

THS. NGUYỄN TRUNG TIẾN, THS. NGUYỄN ĐÌNH THI, THS. TRƯƠNG HUỲNH ANH (Khoa Quản trị, Phân hiệu Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tại Vĩnh Long) - THS. NGUYỄN VĂN RỚT (Phòng đào tạo, Phân hiệu Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tại Vĩnh Long)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu tiến hành phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Khóa 47 Đại học chính quy tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - Phân hiệu Vĩnh Long. Dữ liệu được thu thập bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện, khảo sát 200 sinh viên thông qua bảng câu hỏi thiết kế sẵn. Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp được đo lường và xác định thông qua kiểm định độ tin cậy Cronbach’s alpha, phân tích nhân tố khám phá và hồi quy tuyến tính. Kết quả nghiên cứu cho thấy 6 yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên theo mức độ giảm dần là: Đặc điểm cá nhân, Nhận thức kiểm soát hành vi, Giáo dục khởi nghiệp, Môi trường xã hội, Ủng hộ khởi nghiệp và Tiếp cận tài chính.

Từ khóa: khởi nghiệp, ý định, sinh viên, đại học.

1. Đặt vấn đề

Trong giai đoạn hiện nay, tinh thần khởi nghiệp được chú trọng ở nhiều quốc gia và được xem là cách thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm (Lee & cộng sự, 2006). Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành các văn bản liên quan nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, trong đó có đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”. Đối với sinh viên ở các trường đại học, họ có nhiều thuận lợi trong việc khởi nghiệp do được Nhà trường đưa môn học Khởi sự doanh nghiệp vào chương trình giảng dạy, được cơ quan, đoàn thể địa phương tập huấn và tham gia vào các Hội thi khởi nghiệp. Tuy nhiên, do khởi nghiệp là một yếu tố còn mới mẻ, số lượng sinh viên có các dự án khởi nghiệp và được hỗ trợ khởi nghiệp còn ít.

Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - Phân hiệu Vĩnh Long luôn tăng cường giáo dục khởi nghiệp và triển khai một số hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp trong sinh viên. Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, từ đó đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên.

2. Tổng quan nghiên cứu

2.1. Một số khái niệm về ý định khởi nghiệp

Ý định khởi nghiệp là cam kết bắt đầu bằng cách tạo ra một doanh nghiệp mới (Chupta & Bhawe, 2017). Bên cạnh đó, theo Joseph, 2017, ý định khởi nghiệp là tư duy của các cá nhân để đạt được một mục tiêu kinh doanh cụ thể dựa trên kinh nghiệm quá khứ, hành động và sự chú ý.

2.2. Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên

Mai & Nguyen (2016) cho thấy môi trường bên ngoài ảnh hưởng đến nhận thức tích cực về tinh thần kinh doanh và ảnh hưởng gián tiếp tích cực đến ý định khởi nghiệp. Bên cạnh đó, tinh thần kinh doanh xã hội là một trong những yếu tố thúc đẩy tinh thần kinh doanh trong sinh viên (Taha và cộng sự, 2017). Môi trường xã hội ảnh hưởng đến xu hướng khởi nghiệp giữa các sinh viên đại học (Belas, 2017) và môi trường thuận lợi tác động đáng kể đến ý định khởi nghiệp (Akolgo và cộng sự, 2018).

Yếu tố đặc điểm cá nhân cũng ảnh hưởng đáng kể đến ý định khởi nghiệp của sinh viên (Belas và cộng sự, 2017; Bich và cộng sự, 2021). Nghiên cứu của Herdjiono và cộng sự (2017) đã cho thấy quan niệm bản thân có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp. Sự nhận biết cơ hội và đặc điểm cá nhân tác động mạnh đến ý định khởi nghiệp của sinh viên (Akolgo và cộng sự, 2018).

Taha và cộng sự (2017) cũng chỉ ra việc đổi mới, huấn luyện và đào tạo tinh thần kinh doanh là yếu tố quan trọng để phát triển tinh thần kinh doanh. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Bích Liên (2020) đã cho thấy, yếu tố giáo dục khởi nghiệp ảnh hưởng mạnh nhất đến ý định khởi nghiệp. Su và cộng sự (2021) đã chỉ ra sự hỗ trợ của các trường đại học ảnh hưởng đáng kể đến thái độ kinh doanh của sinh viên.

Bên cạnh đó, Mai & Nguyen (2016) cho thấy nhận thức tính khả thi ảnh hưởng đến nhận thức tích cực về tinh thần kinh doanh và ảnh hưởng gián tiếp tích cực đến ý định khởi nghiệp. Masoomi và cộng sự (2016), Taha và cộng sự (2017) đã khẳng định nhận thức kiểm soát hành vi và thái độ đối với tinh thần khởi nghiệp có mối tương quan chặt chẽ với ý định khởi nghiệp của sinh viên.

Yếu tố tiếp cận tài chính cũng đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp trong sinh viên. Nghiên cứu của Bich và cộng sự (2021) cho thấy yếu tố tiếp cận tài chính ảnh hưởng đáng kể đến ý định khởi nghiệp trong sinh viên và tiếp cận các nguồn tài chính ảnh hưởng đến xu hướng khởi nghiệp giữa các sinh viên đại học (Belas và cộng sự, 2017).

Ngoài ra, nghiên cứu của Herdjiono và cộng sự (2017) đã chỉ ra yếu tố môi trường gia đình tác động mạnh nhất đến ý định khởi nghiệp. Sự ảnh hưởng từ gia đình, bạn bè tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên (Nguyễn Phương Mai và cộng sự). Bich và cộng sự (2021) cho thấy yếu tố ủng hộ khởi nghiệp là yếu tố tác động mạnh nhất đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

2.3. Mô hình nghiên cứu

Dựa vào các nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên gồm 6 nhóm nhân tố với 24 biến quan sát, gồm: Môi trường xã hội (MTXH); Đặc điểm cá nhân (DDCN); Giáo dục khởi nghiệp (GDKN); Nhận thức kiểm soát hành vi (KSHV); Tiếp cận tài chính (TCTC); Ủng hộ khởi nghiệp (UHKN). (Hình 1)

Giả thuyết nghiên cứu:

H1: Môi trường xã hội tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

H2: Đặc điểm cá nhân tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

H3: Giáo dục khởi nghiệp tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

H4: Nhận thức kiểm soát hành vi tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

H5: Tiếp cận tài chính tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

H6: Ủng hộ khởi nghiệp tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

3. Phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu được thu thập bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Kích thước mẫu theo công thức: n > = 8m + 50, trong đó m: số nhóm nhân tố (Tabachnick và Fidell, 1996). Mô hình nghiên cứu có 6 biến độc lập đo lường, nhóm nghiên cứu tiến hành phỏng vấn trực tiếp đáp viên là 200 sinh viên Khóa 47 Đại học chính quy. Thời gian tiến hành thu thập dữ liệu từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2021.

Nghiên cứu sử dụng các phương pháp kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA và hồi quy tuyến tính để kiểm định các giả thuyết trên.

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Kiểm định độ tin cậy Cronbach’s alpha

Kết quả kiểm định độ tin cậy Cronbach’s alpha cho thấy biến GDKN4 bị loại do có hệ số tương quan biến tổng < 0,3 (Nunnally và Burstein, 1994). 23 biến quan sát còn lại đều thỏa các điều kiện trong phân tích độ tin cậy (hệ số Cronbach’s alpha của thang đo > 0,6 và hệ số tương quan biến tổng > 0,3). (Bảng 1)

4.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA

Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA đối với các biến độc lập: hệ số KMO = 0,823 (0,5 ≤ KMO ≤ 1); kiểm định Barlett có Sig.= 0,000 ≤ 0,05; tổng phương sai trích là 68,582% (> 50%), giá trị Eigen là 1,049 > 1, cho thấy mô hình EFA là phù hợp. Qua quá trình phân tích nhân tố với phương pháp Principal component analysis và phép xoay Varimax cho kết quả 6 nhóm nhân tố với 23 biến quan sát, bao gồm: Nhận thức kiểm soát hành vi (KSHV), Ủng hộ khởi nghiệp (UHKN), Môi trường xã hội (MTXH), Đặc điểm cá nhân (DDCN), Tiếp cận tài chính (TCTC), Giáo dục khởi nghiệp (GDKN). (Bảng 2)

Bảng 2. Kết quả phân tích nhân tố khám phá đối với các biến độc lập

Biến quan sát

Nhân tố

1

2

3

4

5

6

KSHV2

0,889

 

 

 

 

 

KSHV3

0,829

 

 

 

 

 

KSHV1

0,666

 

 

 

 

 

KSHV4

0,550

 

 

 

 

 

UHKN1

 

0,883

 

 

 

 

UHKN4

 

0,869

 

 

 

 

UHKN2

 

0,816

 

 

 

 

UHKN3

 

0,758

 

 

 

 

MTXH4

 

 

0,884

 

 

 

MTXH2

 

 

0,868

 

 

 

MTXH3

 

 

0,671

 

 

 

MTXH1

 

 

0,525

 

 

 

DDCN2

 

 

 

0,751

 

 

DDCN3

 

 

 

0,751

 

 

DDCN4

 

 

 

0,715

 

 

DDCN1

 

 

 

0,637

 

 

TCTC4

 

 

 

 

0,836

 

TCTC3

 

 

 

 

0,807

 

TCTC2

 

 

 

 

0,798

 

TCTC1

 

 

 

 

0,690

 

GDKN1

 

 

 

 

 

0,848

GDKN3

 

 

 

 

 

0,682

GDKN2

 

 

 

 

 

0,562

KMO

0,823

Sig Bartlett’s Test

0,000

Giá trị Eigen

6,208

2,888

2,500

1,834

1,295

1,049

Phương sai trích

26,991

39,549

50,420

58,393

64,023

68,582

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu, 2021

Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA đối với biến phụ thuộc: hệ số KMO = 0,851 (0,5 ≤ KMO ≤ 1); kiểm định Barlett có Sig.= 0,000 ≤ 0,05; tổng phương sai trích là 68,203% (> 50%), giá trị Eigen là 2,728 > 1, cho thấy mô hình EFA là phù hợp. Kết quả phân tích EFA cho thấy nhân tố Ý định khởi nghiệp (YDKN) gồm 4 biến quan sát (YDKN4, YDKN2, YDKN1, YDKN3).

4.3. Phân tích hồi quy tuyến tính

Kết quả phân tích cho thấy mô hình có hệ số R2 hiệu chỉnh là 73,9%, tức là sự biến thiên ý định khởi nghiệp của sinh viên được giải thích bởi các nhân tố là 73,9%; mức ý nghĩa 1% (sig = 0,000) cho thấy mô hình hồi quy tuyến tính phù hợp với tập dữ liệu, mô hình có thể sử dụng được. Hệ số Durbin-Watson = 1,958 nằm trong khoảng từ 1,5 đến 2,5, cho thấy mô hình không có hiện tượng tự tương quan và hệ số VIF < 2, chứng tỏ mô hình hồi quy không có hiện tượng đa cộng tuyến. (Bảng 3)

Phương trình hồi quy chuẩn hóa:

Y = 0,294*KSHV + 0,163*UHKN + 0,227*MTXH + 0,547*DDCN + 0,135*TCTC + 0,286*GDKN

Qua Bảng 3, kết quả phân tích cho thấy, các nhân tố Nhận thức kiểm soát hành vi (KSHV), Ủng hộ khởi nghiệp (UHKN), Môi trường xã hội (MTXH), Đặc điểm cá nhân (DDCN), Giáo dục khởi nghiệp (GDKN) có ý nghĩa thống kê ở mức 1%; nhân tố Tiếp cận tài chính (TCTC) có ý nghĩa thống kê ở mức 5%.

Nhân tố Đặc điểm cá nhân tác động mạnh nhất đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, với hệ số hồi quy β = 0,547. Kết quả này tương ứng với các nghiên cứu của Herdjiono và cộng sự (2017), Belas và cộng sự (2017), Akolgo và cộng sự (2018), Bich và cộng sự (2021). Nếu nhân tố Đặc điểm cá nhân tăng 1 đơn vị thì ý định khởi nghiệp của sinh viên sẽ tăng 0,547 đơn vị.

Nhân tố Nhận thức kiểm soát hành vi tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên (Mai & Nguyen, 2016; Masoomi và cộng sự, 2016; Taha và cộng sự, 2017). Nếu nhân tố Nhận thức kiểm soát hành vi tăng 1 đơn vị thì ý định khởi nghiệp sẽ tăng 0,294 đơn vị.

Nhân tố Giáo dục khởi nghiệp (β = 0,286), Môi trường xã hội (β = 0,227), Ủng hộ khởi nghiệp (β = 0,163), Tiếp cận tài chính (β = 0,135) tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

5. Kết luận và hàm ý chính sách

Kết quả nghiên cứu cho thấy có 6 yếu tố tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, trong đó yếu tố “Đặc điểm cá nhân” tác động mạnh nhất. Để thúc đẩy sinh viên khởi nghiệp sáng tạo, cần tạo nền tảng tư duy về khởi nghiệp, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước từ hoạt động khởi nghiệp của sinh viên và có chính sách hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp sáng tạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Akolgo, I. G., Li, C., Dodor, A., Udimal, T. B. & Adomako, K. W. (2018). An empirical study on the influencing entrepreneurial intention factors of international students based on the theory of planned behavior. International Journal of Small Business and Entrepreneurship Research, 6, 15-31.
  2. Belas, J., Gavurova, B., Schonfeld, J., Zvarikova, K., Kacerauskas & T. (2017). Social and economic factors affecting the entrepreneurial intention of university students. Transformations in Business & Economics, 16(3), 220-239.
  3. Bich, V. T., Cuong, V. D. & Tam, P. T. (2021). Determinants affecting students' intention to start-up business: A case study of universities in Dong Nai Province. Multicultural Education, 7(8), 642-652.
  4. Herdjiono, I., Pusps, Y. H., & Maulany, G. (2017). The factors affecting entrepreneurship intention. International Journal of Entrepreneurial Knowledge, 5(2), 5-15.
  5. Mai, N. K. & Nguyen, H. A. (2016). The Factors Affecting Entrepreneurial Intention of the Students of Vietnam National University - A Mediation Analysis of Perception toward Entrepreneurship. Journal of Economics, Business and Management, 4(2), 104-111.
  6. Masoomi, E., Zamani, N., Bazrafkan, K. & Akbari, M. (2016). An Investigation ofthe Factors Influencing Entrepreneurial Intention of Senior Agricultural Students at Shiraz University, Iran. International Journal of Agricultural Management and Development, 6(4), 431-437.
  7. Nguyễn Phương Mai, Lưu Thị Minh Ngọc, Trần Hoàng Dũng. (2018). Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của nữ sinh viên ngành Quản trị kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 49, 120-128.
  8. Taha, K. A. S., Ramlan, S. N. & Noor, I. M. (2017). The Factors Affecting Entrepreneurial Intentions of University Students in Malaysia. International Journal of Business and Technopreneurship, 7(2), 189-202.

 A study on factors affecting the entrepreneurial intention of K47 students of the University of Economics Ho Chi Minh City - Vinh Long Campus

 Master. Nguyen Trung Tien 1

Master. Nguyen Dinh Thi 1

Master. Truong Huynh Anh 1

Master. Nguyen Van Rot 2

1 Faculty of Management, University of Economics Ho Chi Minh City - Vinh Long Campus

2 Department of Training, University of Economics Ho Chi Minh City - Vinh Long Campus

ABSTRACT:

This study analyses the factors affecting the entrepreneurial intention of students of the University of Economics Ho Chi Minh City - Vinh Long Campus by surveying 200 students with the use of convenience sampling method and questionaires. Factors affecting the entrepreneurial intention were measured and tested by using Cronbach's alpha, exploratory factor analysis and linear regression analysis methods. The study finds out that there are six factors affecting the entrepreneurial intention of students. Theses factors which are listed in the descending order of the impact level are Personal characteristics, Perceived behavioral control, Entrepreneurship education, Social environment, Support for entrepreneurship and Financial access.

Keywords: entrepreneurship, intention, student, university.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2021]