Nghiên cứu chất liệu vải đũi Nam Cao Thái Bình và ứng dụng thiết kế bộ sưu tập thời trang nữ xuân hè 2021

TS. DƯƠNG THỊ KIM ĐỨC (Viện Dệt May - Da giầy và Thời trang, Đại học Bách khoa Hà Nội) và TRẦN THỊ HỒNG ANH (Trường Đại học Thái Bình)

TÓM TẮT:

Ngày nay, sử dụng chất liệu truyền thống trong thiết kế thời trang đang là một xu hướng được nhiều nhà thiết kế, thương hiệu thời trang lựa chọn. Đũi Nam Cao là một trong những chất liệu truyền thống đã có từ lâu đời của tỉnh Thái Bình. Hiện tại, đũi Nam Cao chủ yếu được sản xuất sản phẩm phụ trang như khăn, túi,… xuất khẩu, được một số nhà thiết kế lựa chọn sử dụng trong bộ sưu tập của mình như là NTK Minh Hạnh, NTK Duy Nguyễn,… Tuy nhiên, do nhiều lý do, chất liệu này vẫn còn khá xa lạ với thị trường thời trang Việt Nam. Bài báo này tổng kết về nghiên cứu và ứng dụng thiết kế bộ sưu tập thời trang nữ xuân hè 2021 từ vải Đũi Nam Cao của nhóm tác giả với mong muốn góp phần đưa ra giải pháp ứng dụng chất liệu truyền thống dân tộc vào thiết kế thời trang Việt Nam, trên con đường hòa nhập với thời trang khu vực và thế giới.

Từ khóa: Vải đũi, Đũi Nam Cao Thái Bình, thời trang vải đũi, thời trang nữ, bộ sưu tập thời trang vải đũi.

1. Tổng quan[1]

Đũi Nam Cao là sản phẩm của làng nghề dệt đũi Cao Bạt, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Vải đũi Nam Cao đã được sử dụng trong các sản phẩm thời trang, phụ trang gần đây.

Vải đũi, trên thế giới có tên Tussah Silk (Tussar silk, Tushar silk, Tassar silk hoặc Tusser silk…). Đã có nhiều nghiên cứu về lụa, lụa Tussah (vải đũi). Nghiên cứu về lụa có các bài báo như “The preparation and processing of Tussah silk” của tác giả Subrata Das[1]; “Textile Properties of Tussah Silk Fabric by Eco-Friendly Crosslinking Agents Modification” của tác giả Zhi Mei Liu, Gang Li, De Hong Cheng, Yan Hua Lu[2]; “A Comparison of Color Fastness Properties of Mulberry Silk and Tussah Silk Fabrics in Blends with Cellulosic Fibers” của tác giả Memik Bunyamin Uzumcu[3],…

Về vải đũi, có các bài báo viết như “Nghiên cứu một số tính chất của vải đũi tơ tằm nhuộm bằng chất màu tự nhiên” của tác giả Nguyễn Trọng Tuấn, Hoàng Thị Lĩnh, Hoàng Thị Thu Lan [4], “Làng nghề dệt gấm lụa Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Quỳnh Mai [5], “Trang trí hoa văn trên sản phẩm tơ tằm làng Vạn Phúc” của tác giả Nguyễn Thị Quỳnh Mai [6], “Vải đũi tơ tằm - Không chỉ thủ công mà còn là kỳ công” của tác giả Phương Thanh [7]...

Về vải đũi Nam Cao, có nhiều bài báo viết về đũi Nam Cao giới thiệu về làng nghề truyền thống, quá trình hình thành và phát triển, công đoạn dệt vải đũi, sản phẩm từ vải đũi Nam Cao, tình hình sản xuất và gia công làng nghề,...

Hiện nay, trên thị trường thời trang đã xuất hiện nhiều sản phẩm trang phục và phụ trang từ chất liệu vải đũi. Tuy nhiên, chưa có đề tài nghiên cứu nào đi chuyên sâu về tổng kết, ứng dụng chất liệu đũi trong thiết kế thời trang. Góp phần vào phát huy những giá trị của chất liệu truyền thống trong thời trang hiện đại, có thể đề ra phương hướng giúp đỡ cho các làng nghề truyền thống phục hưng, phát triển là mục tiêu mà nhóm nghiên cứu hướng đến.

2. Thực nghiệm

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Tổng quan chung về vải đũi và đũi Nam Cao: khái niệm, phân loại, tính chất,… Tổng quan tình hình nghiên cứu, ứng dụng thiết kế thời trang trên nền vải đũi, các phương pháp trang trí trên vải đũi. Nghiên cứu xu hướng thời trang dân tộc. Khái quát về hình tượng phố cổ. Thương hiệu Tiny Ink, sản phẩm, khách hàng, thị trường, đối thủ cạnh tranh (Thủy Design, Chu La). Thiết kế bộ sưu tập thời trang dạo phố vải đũi dành cho nữ độ tuổi từ 25 - 35 tuổi, thương hiệu thời trang Tinny Ink.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Sử dụng phương pháp liên ngành: Phương pháp nghiên cứu lịch sử vải đũi và vải đũi Nam Cao, phương án thiết kế và bộ sưu tập đã có quá trình hình thành và phát triển thương hiệu Tiny Ink, hình tượng phố cổ để cho thấy được sự phát triển của chất liệu và hệ thống sản phẩm của thời trang vải đũi. Từ đó, tổng kết đánh giá, đề xuất phương án thiết kế bộ sưu tập.

Phương pháp thu thập, hệ thống, tổng kết, phân tích, đánh giá tư liệu, đưa ra hướng phát triển nghiên cứu.

Phương pháp thực địa, tác giả đi đến làng nghề thủ công dệt đũi Nam Cao mục đích tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình phát triển, công đoạn dệt đũi, nhuộm vải, thị trường sản phẩm, tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ và sản phẩm cạnh tranh.

Phương pháp thực nghiệm may mẫu cơ bản, rút ra phương án lựa chọn loại trang phục đầm là phương án chủ đạo cho thiết kế sản phẩm; Phương pháp cách điệu trong trang trí trang phục. Thực nghiệm các phương pháp trang trí trên vải đũi Nam Cao. Sáng tác bộ sưu tập, đánh giá, sàng lọc, hiệu chỉnh và hoàn thiện bộ sưu tập.

Phương pháp may mẫu thực: tham gia quá trình dệt vải, quá trình nhuộm vải tại làng nghề phục vụ cho quá trình thiết kế kỹ thuật bộ sưu tập, và trực tiếp may mẫu bộ sưu tập.

3. Kết quả và bàn luận

3.1. Tổng quan tơ tằm, tằm Tussah, đũi

Lụa đũi từ tơ tằm

Tơ là một loại sợi protein tự nhiên, có thành phần chủ yếu là fibroin và được tạo ra bởi một số ấu trùng côn trùng để tạo thành kén. Con tằm là ấu trùng của dâu tằm Bombyx mori (Latin: "sâu tằm của cây dâu tằm"), nuôi trong điều kiện nuôi nhốt. Nó là loài côn trùng sinh tơ có giá trị kinh tế quan trọng[8]. Lụa được dệt từ tơ tằm. Vải đũi Việt Nam thường được dệt bởi sợi tơ bị đứt, kén phế,... của tằm ăn lá dâu.

Lụa đũi từ tơ Tussah

Lụa hoang dã là sản phẩm được dệt từ tơ Tussah được tạo ra bởi ấu trùng của một số loài tằm thuộc giống bướm đêm như Antheraea Mylitta, Antheraca Proylei, Antherea Pernyi và Antheraca Yamamai. Các loài côn trùng này chủ yếu sống hoang dã trong rừng, các cây địa phương như Sal, Arjun và Saja. Kén của chúng có vỏ đơn và hình bầu dục. Sợi của nó thô hơn, phẳng hơn, vàng hơn so với Bombyx mori. Tơ Tussah được đánh giá cao và được sản xuất ở nhiều quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Sri Lanka. [9]. Trên thế giới, lụa Tussah (lụa đũi) được tạo ra bởi tằm tussah và thường có màu vàng tự nhiên đẹp mắt. Sâu bướm tơ Tussah ăn lá sồi hoặc các loại lá cây khác giàu tanin và chính chất tanin đã tạo nên màu sắc cho loại tơ này. 

Hình 1: Kén của các loài bướm tơ Tussah hoang dã

ken_cua_cac_loai_buom_to_tussah_hoang_da

Sợi đũi

Sợi đũi là phế liệu trong quá trình ươm tơ tằm để dệt lụa tơ tằm (Bombyx mori). Sợi đũi là các sợi tơ bị đứt, kén phế, kén thủng sau khi tách tơ từ kén được cắt ngắn ra tương đương chiều dài xơ bông, sau đó được kéo sợi nhờ quá trình kéo sợi bình thường. Vải đũi dày dặn không quá bóng bẩy, được dệt từ tơ thô không đều nhau nên mặt vải đũi sần sùi, có những gút bông nổi lên do cách se sợi và se không đều tay.

Đũi được dệt từ sợi tơ tằm, do vậy đũi cũng là loại vải có tính tiện nghi cao, được sử dụng trong cả mùa đông lẫn mùa hè. Vải đũi với kết cấu đan sợi gồm nhiều khoảng hở giúp cho người mặc luôn cảm thấy thoáng mát, hạn chế tình trạng bí nóng hay bó sát vào người. Vải thấm mồ hôi tốt, hút ẩm cao, không bám dính lên cơ thể, không tĩnh điện. Nhờ tính cách nhiệt nên giúp giữ ấm vào mùa đông. Mềm mại nhưng bền, dễ tẩy trắng, giặt sạch và mau khô. An toàn với sức khỏe, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, vải không có độ co giãn, dễ bị gấp nếp, bị nhàu. Đũi dệt từ sợi tơ tằm nên khi đốt lên, lửa cháy nhanh, tro vón cục, bóp nhẹ thì tro tan mịn ra và có mùi giống như mùi tóc cháy.[10]

 Ở Việt Nam, vải đũi hiện nay được sản xuất tại các làng nghề và công ty sản xuất, kinh doanh tơ tằm. Các làng nghề như La Khê, Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), Nha Xá (Duy Tiên, Hà Nam), Cổ Chất (Nam Định), Mẹo (Hưng Hà, Thái Bình), Nam Cao (Kiến Xương, Thái Bình), Mã Châu (Duy Xuyên, Quảng Nam), Bảo Lộc (Lâm Đồng). Các công ty sản xuất và kinh doanh tơ tằm như Công ty Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh, một số cơ sở kinh doanh xuất phát từ làng nghề như Bá Minh Silk, Silk Phương Mai, Hạnh Silk,…

3.2. Tổng quan về vải đũi Nam Cao, Thái Bình

- Làng nghề Đũi Nam Cao, Thái Bình

Nghề dệt đũi vốn là nghề truyền thống của làng Cao Bạt - một trong hai làng của Nam Cao, ước tính có từ khoảng 400 năm trước và đặc biệt phát triển vào những năm đầu thế kỉ XX. Theo các cụ già thì đã rất lâu rồi những tấm đũi truyền thống được nhuộm màu xanh màu đỏ là một vật dụng trang trí thắt lưng rất quen thuộc cho các bà, các chị ở thị thành. Sau này người ta đã cải tiến khung gỗ để mở rộng khổ đũi dùng may quần áo tiêu thụ tại các chợ trong vùng. Đến thời kỳ Pháp thuộc, vải đũi đã được xuất khẩu sang Pháp với số lượng lớn. Đến những năm 80 của thế kỷ XX, đũi Nam Cao đã trở nên nổi tiếng. Những năm 90, sau khi không xuất được sang thị trường Đông Âu nữa, đũi Nam Cao đã được chuyển hướng xuất sang thị trường Lào, Campuchia và các nước Tây Á. Nghề dệt đũi ở Nam Cao lại tiếp tục phát triển và mở rộng ra các xã lân cận như Lê Lợi, Đình Phùng, Quốc Tuấn. [11]

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề dệt đũi ở Nam Cao có lúc phát triển, có lúc lại suy giảm do nhiều nguyên nhân từ nguyên liệu đầu vào đến nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Những năm gần đây, làng nghề Đũi Nam Cao đã có nhiều bước chuyển biến mới và đem lại nhiều lợi nhuận cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội. Người có công mang nghề và nâng cấp nghề từ khung cửi cầm tay thủ công sang máy bán cơ khí là ông Nguyễn Đình Bân. Bên cạnh đó, còn có những con người có tâm huyết với lụa đũi, nghiên cứu phát triển mẫu mã, tìm kiếm thị trường... như ông Nguyễn Đình Đại, chị Lương Thanh Hạnh,... (Hình 2)

Hình 2: Nhóm nghiên cứu gặp ông Nguyễn Đình Đại

(chủ doanh nghiệp dệt Đại Hòa)

dn_dai_hoa

- Công đoạn dệt vải đũi Nam Cao

Đũi Nam Cao là những sản phẩm không sản xuất theo dây chuyền hàng loạt mà được làm thủ công từ rất nhiều công đoạn. Từ khâu chọn nguyên liệu tới khi thành thành phẩm đòi hỏi sự công phu, cần mẫn, tỉ mỉ, trau chuốt từng chút một của người nghệ nhân. Sợi tơ, đũi được hình thành từ nhộng tằm. Sợi đũi sau khi được kéo và cuốn lại thành từng “vun”, đũi được xử lý nấu thật kỹ cho sợi mềm, tơi. Sau khi nấu sợi đũi được đánh thành từng ống sợi to sau đó lại đánh thành từng suốt nhỏ để cho vào con thoi dệt. Vải đũi và khăn đũi dệt thành từng tấm dài, những tấm vải này sẽ được nấu và nhuộm màu hoặc để thô tùy loại sản phẩm. Nếu là khăn tơ, khăn đũi sẽ thêm công đoạn cắt ra thành từng khăn, xe tua. [12]

- Phân loại vải đũi Nam Cao

Đũi Nam Cao có 2 loại: đũi tơ tằm 100% và đũi pha như đũi pha lanh, đũi pha cotton, đũi pha lanh và cotton, đũi pha sợi hóa học (sợi satanh).

Dựa vào lựa chọn loại tơ và mức độ xử lý sợi đũi cho ra bề mặt vải đũi khác nhau. Những sản phẩm đũi thô dệt từ sợi đũi có kích thước lớn được kéo từ kén không nấu kĩ. Từ đó, cho ra thành phẩm vải đũi có bề mặt rất thô nhám, mộc mạc, mang màu tự nhiên của sợi tơ tằm. Chất liệu đũi tơ tằm 100% được xử lý với bề mặt hơi thô, có độ nhám vừa phải nhưng vẫn rất mềm khi tiếp xúc. (Hình 3)

Hình 3: Bề mặt các loại đũi Nam Cao [13]

be_mat_cac_loai_dui_nam_caoSản phẩm thời trang, phụ trang làm từ chất liệu đũi Nam Cao

Sản phẩm từ chất liệu đũi Nam Cao hiện nay tương đối đa dạng, ứng dụng trong sản phẩm thời trang, phụ trang như khăn quàng cổ, vòng lụa, cà vạt, giày đũi hay khăn mặt tơ tằm, bông tẩy trang,... xuất đi châu Âu như Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan,... Ngoài ra, còn xuất hiện trên sàn diễn trong và ngoài nước trong các bộ sưu tập thời trang cao cấp từ vải đũi Nam Cao của các nhà thiết kế thời trang như Minh Hạnh, Duy Nguyễn,… 

Hình 4: Sản phẩm từ vải đũi, lụa Nam Cao [13]

san_pham_tu_vai_dui_lua_nam_cao

3.3. Thực nghiệm thiết kế kỹ thuật trang phục cơ bản bằng chất liệu vải Đũi Nam Cao

Để chọn hình dáng trang phục phù hợp phát triển sản phẩm cho bộ sưu tập thời trang, nhóm tác giả đã tiến hành thử nghiệm may trang phục có hình dáng cơ bản bằng vải đũi Nam Cao là áo sơ mi nữ, áo vest nữ một lớp, đầm sát nách cổ tròn.

Sử dụng phương pháp may đo trực tiếp thiết kế 3 dáng trang phục cơ bản. Lựa chọn và lấy số đo người mẫu. Thiết kế, cắt may lên sản phẩm và hiệu chỉnh. Lấy đánh giá của người mặc và chuyên gia, lựa chọn ra dáng trang phục cơ bản phù hợp với chất liệu để phát triển. 

Hình 5: Thực nghiệm thiết kế kỹ thuật trang phục cơ bản bằng chất liệu vải Đũi Nam Cao

thuc_nghiem_thiet_ke_ky_thuat_trang_phuc_co_ban_bang_chat_lieu_vai_dui_nam_cao

Tổng kết ý kiến nhận xét của người mặc và chuyên gia như sau: Vải đũi Nam Cao có ưu điểm thoáng mát, nhẹ, dễ tạo phom, tuy nhiên vải dễ bị bai, nhăn và để lại vết gấp sâu. Vải không co giãn nên cử động vẫn bị hạn chế, không được thoải mái.

Thông qua thực nghiệm mẫu may, cảm nhận của người mặc, đánh giá chuyên gia, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn sản phẩm phát triển là váy cơ bản để thiết kế phát triển bộ sưu tập thời trang vải đũi.

3.4. Cách điệu hình tượng “Phố cổ” trong trang trí trang phục

Chất liệu vải đũi tương đối phù hợp với hình tượng trang trí trong hội họa. Mặt khác để phát triển phong cách hội họa của thương hiệu thời trang TINY INK, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn hình tượng phố cổ Hà Nội. Hình tượng phố cổ thường được vẽ, hoặc đưa thẳng từ tranh của các họa sỹ vào hoặc thông qua in 3D, in chuyển nhiệt,... Tuy nhiên, hình thức này có những giới hạn về bản quyền, sự kết nối, hài hòa của nó với chất liệu. Cho nên, nhóm tác giả đã tiến hành cách điệu từ hình chụp từ phố cổ thành mô típ trang trí dùng trong bộ sưu tập của mình. Từ đó, đưa vào thử nghiệm các phương pháp trang trí trên vải đũi Nam Cao.

Khái quát hình tượng “Phố cổ” và hình tượng phố cổ trong nghệ thuật

Khu phố cổ Hà Nội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm tổng diện tích khoảng 100 ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường. Khu phố cổ không chỉ mang giá trị lịch sử nghệ thuật kiến trúc, ở đó còn lưu giữ nhiều ký ức về cuộc sống của kinh thành Thăng Long xưa. Trong đó nổi bật là không gian văn hóa với những hình thức sinh hoạt, cách ứng xử vẫn mang dấu vết của những làng nghề, phường nghề thủ công truyền thống. Điều đó tạo nên giá trị, nét văn hóa đặc trưng riêng cho khu phố cổ Hà Nội.

Phố cổ Hà Nội là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận trong điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thi ca trong suốt nhiều thế kỷ.

Cách điệu hình tượng phố cổ Hà Nội 

Bảng 1. Cách điệu hình tượng phố cổ Hà Nội

cach_dieu_hinh_tuong_pho_co_ha_noi

 3.5. Thực nghiệm các phương pháp trang trí trên vải đũi Nam Cao

Ngày nay có nhiều hình thức trang trí trên vải đũi như vẽ lên vải, thêu, nhuộm vải sử dụng các màu từ thiên nhiên: cây, lá, bùn, bồ hóng, đất,… Tuy nhiên, sản xuất cho sản phẩm với số lượng lớn thì việc lựa chọn phương pháp trang trí sao cho dễ triển khai và tiết kiệm trở thành tiêu chí hàng đầu. Phương pháp vẽ thủ công sẽ kéo dài thời gian và kinh phí cao. Vì vậy, nhóm tác giả đã lựa chọn thực hiện thử nghiệm phương pháp in và phương pháp thêu. 

Hình 6: Thực nghiệm các phương pháp trang trí trên vải đũi Nam Cao

thuc_nghiem_cac_phuong_phap_trang_tri_tren_vai_dui_nam_cao

Qua quá trình thực nghiệm so sánh giữa 2 phương pháp cho thấy tạo hình đều phù hợp, tuy nhiên, thời gian thêu thì lâu hơn, giá thành đắt hơn, bề mặt sản phẩm thêu thì bị cứng hơn. Phương pháp in có nhiều ưu điểm về sự thuận tiện trong cách thức thực hiện, giá thành, sản phẩm mềm mại. Bởi vậy, nhóm tác giả đi đã lựa chọn phương pháp in cho trang trí sản phẩm.   

3.6. Ứng dụng thiết kế bộ sưu tập thời trang vải đũi cho thương hiệu TINY INK

Tổng quan thương hiệu TINY INK

Hình 7: Logo thương hiệu TINY INK

logo_thuong_hieu_tiny_ink

TINY INK là một trong những thương hiệu tiên phong cho xu hướng thời trang vẽ tay tại Việt Nam, được thành lập năm 2012 bởi nhà thiết kế Hoàng Quyên. TINY INK đại diện cho sự kết hợp giữa nghệ thuật và thời trang, tập trung vào các kỹ thuật cắt may cao cấp kết hợp với vẻ đẹp và giá trị của hội họa để tạo ra một thiết kế độc đáo mang tính cá nhân hóa sâu sắc cho phụ nữ đương đại. Với triết lý thiết kế tiếp cận sáng tạo về hình dạng và kết cấu. Các chi tiết vẽ tay được tạo ra một cách điêu luyện với những nguyên liệu tốt và những ứng dụng tiên phong trong việc sử dụng các kỹ thuật sơn dầu, tranh lụa và sơn mài khác nhau. Chủng loại sản phẩm của thương hiệu bao gồm Áo dài, váy đầm, chân váy, áo, áo khoác, phụ kiện như khăn, túi. [14]

TINY INK by Hoàng Quyên đã gây ấn tượng với giới mộ điệu trong nước qua các bộ sưu tập được trình làng tại Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam như “Spring 2018”, “Highland Harmony - Bản tình ca cao nguyên”, “Duyên”,... Năm 2019, Hoàng Quyên là nhà thiết kế đại diện cho Việt Nam trình diễn tại ASEAN RoK Fashion Week.

Phong cách thiết kế thương hiệu TINY INK

Nguồn cảm hứng chủ yếu từ hội họa, đó là các bức họa nổi tiếng giàu ý nghĩa. Cảm hứng văn hóa dân tộc, nét đẹp trong cuộc sống thường ngày và vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam. Cảm hứng từ thiên nhiên, mặt trời, hoa lá cành, động vật… Hình dáng chủ yếu dùng hình chữ nhật hình thang. Phom dáng rộng rãi, xuông tạo nên sự đơn gian hiện đại, thoải mái, mãnh mẽ. Thiết kế phong cách tối giản, rành mạch, phát triển sản phẩm đồng nhất theo dáng Body, Mini, Midi. Đường nét sử dụng đường vô hướng tạo nên bởi nét vẽ tay, đường kẻ,... Các nét vẽ hoa lá, con người, phong cảnh. Màu sắc đa dạng, mang hơi hướng hội họa. Đa số là những gam màu rực rỡ, tươi sáng Chất liệu tự nhiên như lụa, taffta, gấm, oganza, cotton kết hợp voan, ren, lông,... Cách thức trang trí thủ công chất liệu sơn dầu kết hợp thêu đính, trang trí dát bạc, vàng mỹ nghệ.

Thiết kế bộ sưu tập thời trang dạo phố “Phố cổ” trên chất liệu vải đũi Nam Cao dành cho nữ độ tuổi 25 -35

Trên cơ sở nghiên cứu tổng quan vải đũi, vải đũi Nam Cao, ứng dụng vải đũi trong thời trang, nghiên cứu xu hướng thời trang dân tộc. Tổng quan về thương hiệu TINY INK và hình tượng phố cổ Hà Nội. Đề xuất phương pháp thiết kế bộ sưu tập.

Thông qua thực nghiệm thiết kế kỹ thuật trang phục cơ bản, phương pháp cách điệu trang trí trong trang phục, thực nghiệm phương pháp trang trí trên chất liệu vải Đũi Nam Cao. Nhóm tác giả lựa chọn trên phom dáng đầm cơ bản, kết hợp với chất liệu in, từ đó ứng dụng thiết kế bộ sưu tập thời trang thiết thực phục vụ, đẩy mạnh việc ứng dụng trang phục truyền thống vào đời sống thời trang Việt Nam hiện đại.

Bộ sưu tập lấy nguồn cảm hứng từ hình tượng phố cổ Hà Nội. Hình tượng Phố cổ Hà Nội được cách điệu làm mô típ từ ảnh thực. Đối tượng sử dụng bộ sưu tập là nữ độ tuổi 25 - 35, tại khu vực các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh,… Đây là những khu vực có nền kinh tế năng động nhất cả nước với mật độ dân số dày đặc. Đặc điểm chung mang khí hậu nhiệt đới gió mùa và mang nền văn hóa đô thị với nhịp sống cao. 

Hình 8: Moodboard bộ sưu tập thời trang “Phố cổ”

moodboard_bo_suu_tap_thoi_trang_pho_co

Bộ sưu tập thời trang dạo phố “Phố cổ” trên chất liệu vải đũi Nam Cao dành cho nữ độ tuổi 25 - 35

Hình 9: Bộ sưu tập thời trang “Phố cổ”

bo_suu_tap_thoi_trang

poster_bo_suu_tap_thoi_trang

Hình 11: Poster bộ sưu tập thời trang “Phố cổ”

4. Kết luận

Vải đũi là một chất liệu truyền thống của dân tộc, thời trang vải đũi mang nhiều nét đặc sắc. nhóm  tác giả đã đi từ tổng quan về vải đũi, vải đũi Nam Cao Thái Bình; Tổng kết phong cách thiết kế thời trang trên nền vải đũi; Thử nghiệm thiết kế mẫu trang phục cơ bản trên nền vải đũi Nam Cao; Nghiên cứu xu hướng thời trang;Tổng kết đề xuất phương án thiết kế; Trên cơ sở đó, thiết kế bộ sưu tập thời trang dạo phố “Phố cổ” dành cho nữ lứa tuổi 25 -35 cho thương hiệu Tiny Ink. Góp phần đưa ra phương pháp nghiên cứu và thiết kế bộ sưu tập thời trang từ chất liệu truyền thống, góp phần phát huy những giá trị truyền thống trong thời trang hiện đại.

Lời cảm ơn: Nhóm tác giả xin cảm ơn các thầy, cô Bộ môn CN May và Thời trang, Viện Dệt may - Da giầy và Thời trang, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đóng góp ý kiến để nhóm hoàn thành kết quả nghiên cứu này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Subrata Das. (2002). The preparation and processing of Tussah silk. Coloration Technology, 108(11): 481 - 486. DOI: 10.1111/j.1478-4408.1992.tb01393.
  2. Helen Zhang, M. Han and X.J. Zhao. (2014). Textile Properties of Tussah Silk Fabric by Eco-Friendly Crosslinking Agents Modification. Applied Mechanics and Materials. Applied Mechanics and Materials, 685, 68-71.
  3. Memik Bunyamin Uzumcu. (2019). A Comparison of Color Fastness Properties of Mulberry Silk and Tussah Silk Fabrics in Blends with Cellulosic Fibers. Journal Of Natural Fibers. DOI:10.1080/15440478.2019.1701607
  4. Nguyễn Trọng Tuấn, Hoàng Thị Lĩnh, Hoàng Thị Thu Lan (2016). Nghiên cứu một số tính chất của vải đũi tơ tằm nhuộm bằng chất màu tự nhiên. Tạp chí Cơ khí Việt Nam.
  5. Nguyễn Thị Quỳnh Mai (2016). Làng nghề dệt gấm lụa Việt Nam. Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Số 256.
  6. Nguyễn Thị Quỳnh Mai (2017). Trang trí hoa văn trên sản phẩm tơ tằm làng Vạn Phúc. Tạp chí Văn Hóa học.
  7. Phương Thanh (2019). Vải đũi tơ tằm - Không chỉ thủ công mà còn là kỳ công. Nguồn: https://nhasilk.com/vai-dui-to-tam-khong-chi-thu-cong-ma-con-la-ky-cong/.
  8. Barber, E. J. W. (1992). Prehdistoric textiles: the development of cloth in the Neolithic và Bronze Ages with special referente to the Aegean. Princeton University Press.
  9. Huỳnh Văn Trí (2016). Vật liệu may. NXB Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh.
  10. Lê Quang Viện (2010). Đâu rồi dáng lụa. Báo Thái Bình. https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/1392/dau-roi-dang-lua-1392 , xem 28/09/2020.
  11. Thùy Dương (2017). Làng nghề dệt đũi Nam Cao đã trải qua vài trăm năm hình thành và phát triển. Trung tâm Xúc tiến du lịch Thái Bình. http://thaibinhtourism.com.vn/Tin-Tuc/LN/1104_Lang-nghe-det-dui-Nam-Cao-da-trai-qua-vai-tram-nam-hinh-thanh-va-phat-trien , xem 28/09/2020
  12. Thương hiệu Hạnh Silk. Nguồn https://hanhsilk.com/shop/index.htm
  13. Thương hiệu TINY INK. Nguồn https://tinyink.com.vn/
  14. Trần Thủy Bình, Lê Thị Mai Hoa (2005). Giáo trình vật liệu may. NXB Giáo dục.

 

RESEARCHING THE MATERIAL OF DUI NAM CAO FABRIC 

IN THAI BINH PROVINCE AND APPLYING THE DESIGN

OF WOMEN'S SPRING-SUMMER 2021 FASHION COLLECTION

Ph.D. DUONG THI KIM DUC

School of Textile – Leather and Fashion, Hanoi University of Science and Technology

TRAN THI HONG ANH

Thai Binh University

ABSTRACT: 

Nowadays, using traditional materials in fashion design is a trend chosen by many fashion designers and brands. Dui Nam Cao fabric is one of the longstanding traditional fashion materials producing in Thai Binh Province, Vietnam. Dui Nam Cao is mainly used to make exported towels, bags, etc., and it is used by some fashion designers like Minh Hanh and Duy Nguyen. However, Dui Nam Cao is not a popular fashion materials in Vietnam’s fashion market due to many reasons. This paper is about the research and the design application of spring-summer 2021 women's fashion  collection made from Dui Nam Cao fabric. The use of Dui Nam Cao is expected to offer a solution for using ethnic traditional materials in fashion design in Vietnam in the context of the country’s international integration. 

Keywords: Tussah silk, Dui Nam Cao fabric in Thai Binh province, Tussah silk fashion, women's fashion, Tussah silk fashion collection.