Nghiên cứu đánh giá thực trạng lao động việc làm của người dân tộc thiểu số

ThS. NGUYỄN PHÙNG QUÂN (Văn phòng Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, Ủy Ban Dân tộc)

TÓM TẮT:

Lao động phổ thông người dân tộc thiểu số chiếm đa phần trong cơ cấu lao động của người dân tộc thiểu số. Nghiên cứu đánh giá thực trạng lao động việc làm lao động phổ thông người dân tộc thiểu số nói riêng và lao động dân tộc thiểu số nói chung. Kết quả nghiên cứu cho thấy: (1) Lao động dân tộc thiểu số đa phần là lao động phổ thông, có trình độ học vấn thấp; (2) Phân bố lao động người dân tộc thiểu số chủ yếu tập trung ở vùng rừng núi phía Bắc và Tây Nguyên nên tỷ lệ nắm giữ đất nông, lâm nghiệp của người dân tộc thiểu số cao nhưng hiệu quả kinh tế lại thấp không đảm bảo đời sống của đồng bào dẫn tới các hệ lụy xấu; (3) Các nhân tố ảnh hưởng tới việc làm người dân tộc thiểu số, giải pháp trong tương lai.

Từ khóa: Lao động phổ thông người dân tộc thiểu số, việc làm, người dân tộc thiểu số phía Bắc và Tây Nguyên, trình độ học vấn.

1. Giới thiệu chung

Vùng dân tộc và miền núi nước ta chiếm 3/4 diện tích đất liền, trải dài từ Bắc vào Nam. Trong 64 tỉnh, thành phố cả nước hiện nay có tới 54 tỉnh thuộc địa bàn vùng dân tộc và miền núi, bao gồm: 12 tỉnh vùng cao, 9 tỉnh miền núi, 23 tỉnh có huyện, xã miền núi và 10 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Bao gồm 235 huyện, với hơn 4.360 xã miền núi vùng cao. Dân số toàn vùng là 23 triệu người, với hơn 12 triệu đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn thu nhập và mức sống thấp, thêm vào đó trình độ dân trí vùng dân tộc thiểu số không cao, đa số đồng bào dân tộc thiểu số chỉ học hết cấp 1, 2 hoặc không đi học (lao động phổ thông).

Chính vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng việc làm đối với lao động người dân tộc thiểu số là đưa nhận thức đúng đắn và hướng đi hiệu quả giải quyết việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số nói chung và lao động phổ thông người dân tộc thiểu số nói riêng.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp thu thập số liệu

Số liệu được thu thập qua mạng internet, tạp chí khoa học, niêm giám thống kê 2012 - 2016 của Tổng cục Thống kê, tham khảo ý kiến các chuyên gia,...

2.2. Phương pháp phân tích số liệu

Sử dụng kỹ thuật phân tích số liệu tương đối và tuyệt đối, bình quân, so sánh và xác định các nhân tố ảnh hưởng tới thu nhập và việc làm, phân tích tổng hợp các vấn đề xã hội - kinh tế vùng dân tộc thiểu số có liên quan, đáp ứng mục đích nghiên cứu đề ra.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Lao động người dân tộc thiếu số

Lao động là hoạt động có ý thức của con người, đó là quá trình con người sử dụng các công cụ lao động tác động lên đối tượng lao động cải biến nó tạo thành sản phẩm, của cải vật chất để thỏa mãn nhu cầu của mình và xã hội.

Lao động dân tộc thiểu số là toàn bộ các hoạt động tạo ra sản phẩm, của cải vật chất của người dân tộc thiểu số. Do địa bàn cư trú và trình độ học vấn nên chủ yếu nguồn lao động dân tộc thiểu số là lao động phổ thông tham gia trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và mang một số đặc điểm riêng: (1) Chịu tác động nhiều từ thiên nhiên, có tính thời vụ và không ổn định; (2) Nguồn lao động dồi dào, độ tuổi lao động kéo dài (từ 5 tuổi tới 55,60 tuổi), tuy nhiên trình độ lao động thấp, chỉ đáp ứng các công việc đơn giản; (3) Thiếu định hướng mang tính ổn định, mang tính dài hơi.

3.2. Việc làm vùng dân tộc thiểu số

Theo tài liệu của Ngân hàng thế giới (2013) cho thấy, điều kiện cần để phát triển sinh kế là tiếp cận các nguồn vốn sinh kế (gồm vốn con người, vốn vật chất, vốn tài chính, vốn xã hội và vốn tài nguyên) [4]. Tại khu vực Tây Nguyên, người dân tộc thiểu số có những lợi thế so sánh về nguồn lực đất đai, nguồn lực về vốn tài nguyên. Thêm vào đó, do đặc điểm văn hóa, phụ nữ ở khu vực này có tính cần cù, chịu khó học hỏi và tham gia vào các dự án, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế trên địa bàn. Chính vì thế việc triển khai các dự án hỗ trợ đào tạo phát triển trồng trọt, chăn nuôi, phát triển các ngành nghề truyền thống... gắn với điều kiện kinh tế xã hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số đã góp phần giúp cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số mà nữ giới làm chủ hộ ở các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Nam trên địa bàn Tây Nguyên có những chuyển biến tích cực về kinh tế.

Triệu Văn Hùng (2013) trong nghiên cứu của mình cũng nhấn mạnh kết quả thực hiện chính sách tự tạo việc làm thông qua các hỗ trợ về nguồn lực xã hội, nguồn lực tài chính… để cải thiện sinh kế đối với đồng bào vùng cao và dân tộc ít người tất yếu phải dựa trên nguyên tắc phát huy tiềm năng tại chỗ về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội gắn với đặc điểm người lao động trong vùng [6].

Thu nhập được hình thành từ hai nguồn: (i) nội sinh và (ii) ngoại sinh, trong đó nguồn nội sinh - nguồn do người lao động tạo ra từ sự tham gia vào thị trường lao động là nhân tố quyết định tới tình trạng nghèo và đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân (Mai Ngọc Anh, 2013) [2]. Để giúp người dân thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, việc Chính phủ hỗ trợ người lao động nói chung, lao động vùng dân tộc thiểu số nói riêng chủ động tiếp cận tới thị trường lao động để có được việc làm thu nhập là điều hết sức quan trọng. Thời gian vừa qua, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nói chung đối với những huyện khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, dự án, chính sách để giúp người nghèo, người dân vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo thông qua hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ đào tạo tay nghề… nhằm giải quyết việc làm cho nhóm đối tượng này.

ActionAid và Oxfam (2014) khẳng định đến nay, đồng bào dân tộc thiểu số đã ở một trình độ phát triển cao hơn so với trước, do đó nhu cầu của họ đã mở rộng hơn và hướng đến chất lượng cuộc sống tốt hơn [1]. Nghèo đối với người dân vùng dân tộc thiểu số không chỉ liên quan đến thu nhập mà còn liên quan đến việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Hiện nay, khi Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 thì việc rà soát, đánh giá lại các kết quả thực thi chính sách giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và các nhân tố ảnh hưởng đến tình trạng việc làm của nhóm đối tượng lao động vùng dân tộc thiểu số để đưa ra những khuyến nghị phù hợp trong tình hình mới là hợp lý và cần thiết.

Mai Ngọc Cường (2011) khi nghiên cứu về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011-2015 tầm nhìn 2020 đã phân tích tình hình thực hiện các chức năng tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động vùng dân tộc đã chỉ ra những bất cập của hoạt động này, trên cơ sở đó đã đề xuất, trong những năm tới, ngoài việc tiến hành bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ nhân viên của các trung tâm hướng nghiệp, các cơ sở này nên đầu tư nâng cấp trang thiết bị. Việc nâng cao kiến thức cũng như điều kiện làm việc ở các cơ sở giới thiệu việc làm sẽ giúp cho đội ngũ nhân sự của các cơ sở này phân tích được xu thế phát triển của thị trường lao động, từ đó sẽ đưa ra được những dự báo, khuyến nghị và tư vấn hợp lý với đối tượng tìm việc làm của người lao động vùng dân tộc thiểu số [3].

Phan Văn Hùng (2015) đã hệ thống hóa các nghiên cứu về chính sách dân tộc với việc liệt kê và phân tích 60 công trình nghiên cứu của nhiều tác giả [5].

Tóm lại, qua những nghiên cứu đi trước ta có thể thấy việc làm người lao động dân tộc thiểu số nói chung và việc làm lao động phổ thông người dân tộc thiểu số nói riêng ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau như vị trí địa lý, trình độ học vấn, tiếp cận thông tin tới thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc làm…

3.3. Thực trạng việc làm lao động phổ thông người dân tộc thiểu số

3.3.1. Trình độ học vấn của người dân tộc thiểu số

Những năm trước đây ngoài việc giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách xóa mù chữ cho người dân tộc thiếu, vì chỉ có một số rất ít người đồng bào dân tộc phổ cập văn hóa cấp 1, 2, 3.

Theo tỷ lệ tốt nghiệp các cấp học của các dân tộc ta có thể thấy, tỷ lệ chưa tốt nghiệp bậc tiểu học (cấp 1) của các dân tộc khác nói chung bao gồm dân tộc thiểu số nói riêng là rất cao. Tỷ lệ này cũng giảm dần ở các bậc hoc cao như cấp 2, cấp 3, trên cấp 3. Điều này cho thấy trình độ học vấn tại vùng dân tộc thiểu số đều rất thấp, dẫn tới nguồn lao động có trình độ của người dân tộc thiểu số cũng rất thấp, chủ yếu nguồn lao động của người dân tộc thiểu số là lao động phổ thông chưa tốt nghiệp hoặc học hết cấp 3.

Một mặt khác, khi đánh giá tỷ lệ tốt nghiệp các trình độ chuyên môn kỹ thuật theo nhóm dân tộc, ta cũng có thể thấy ở các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học của các dân tộc, tỷ lệ người dân tộc có trình độ cũng rất thấp. Hầu hết lực lượng lao động có chuyên môn này đều thuộc đối tượng cử tuyển người dân tộc thiểu số (được chọn vào học tại các trường cao đẳng, đại học… sau đó quay lại địa phương nắm giữ các vị trí đang thiếu). Đây là lực lượng lao động có trí thức, nhưng đã được sắp xếp công việc trước khi đi học.

Tuy nhiên, những năm gần đây, do thị trường lao động ngày càng yêu cầu khắt khe, đòi hỏi lực lượng lao động có tay nghề cao, thêm vào đó là các chính sách khuyến khích việc làm, dạy nghề tạo việc làm của Đảng và Nhà nước cho người dân tộc thiểu số nên chuyển dịch lao động từ lao động không đòi hỏi kỹ năng sang lao động đòi hỏi kỹ năng có sự chuyển biến rõ rệt. Quá trình này nhìn ở mặt nổi có thể giảm được số lượng lao động phổ thông người dân tộc thiểu số sang lao động có trình độ cao hơn, nhưng thực chất thì chỉ làm tăng một ít chất lượng của lao động phổ thông người dân tộc thiểu số mà thôi (người lao động được đào tạo về kỹ năng, thao tác công việc nhưng trình độ học vấn không được bổ sung, có phổ cập văn hóa nhưng không đi quá trình độ PTTH - cấp 3).

Tóm lại, lao động phổ thông người dân tộc thiểu số chính là lực lượng chính của lao động người dân tộc thiểu số, giải quyết vấn đề việc làm cho lao động phổ thông người dân tộc thiểu số cũng chính là giải quyết vấn đề việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.

3.3.2. Khu vực phân bố và lĩnh vực lao động phân bố chủ yếu

Đồng bào dân tộc thiểu số tập trung chủ yếu khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… nơi có tỷ lệ nghèo theo vùng luôn thuộc mức cao nhất nước từ 50-100%. Nguyên nhân của vấn đề này chính là không thể xóa được đói, giảm được nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực, giải quyết việc làm, tạo ra sản phẩm của người dân đồng bào trong khu vực.

Vì khu vực phân bố chủ yếu của đồng bao dân tộc thiểu số chủ yếu là vùng rừng núi, cao nguyên nên việc giải quyết việc làm cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả nhất chính là dựa vào phát triển, bảo vệ rừng và các cây nông sản vùng cao khác.

Trong tổng số diện tích đất đai tại các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ sở hữu đất nông, lâm nghiệp là khá cao nhưng giá trị bình quân trên đâu người của đồng bào dân tộc lại thấp. Mọi sản phẩm của đồng bào dân tộc chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng, một khi tài nguyên rừng bị khai phá hết thì nguồn thu cũng giảm dần.

Chính vì trình độ dân trí thấp cộng với mô hình việc làm chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng và nông nghiệp vùng núi nên lao động người dân tộc thiểu số nói chung và lao động phổ thông dân tộc thiểu số nói riêng có thu nhập rất thấp và không ổn định. Khi vùng tài nguyên rừng tại khu vực này bị khai thác hết, đồng bào di chuyển sang vùng khác tiếp tục khai thác, không có qui hoạnh trồng mới bổ sung tài nguyên rừng đã khai thác. Thêm vào đó là các hệ lụy về phá rừng, tài nguyên rừng, săn bắt thu quí hiếm để lại hậu quả về sinh thái nặng nề. Mặt khác, một số đồng bào sống dựa vào sản xuất nông sản, nhưng các cây ngắn ngày trên địa bàn đem lại hiệu quả không cao, do khí hậu môi trường khắc nhiệt và mang tính không ổn định, sản lượng nông sản thu hoạch được ít, giá trị kinh tế bấp bênh.

Ngoài ra, có một số ít người dân tộc thiểu số đã thoát ly đi làm việc tại các khu công nghiệp, thành thị, tuy nhiên lực lượng lao động này cũng là lao động phổ thông nên cuộc sống cũng không ổn định. Theo nghiên cứu gần đây của Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc, toàn quốc có 171,817 địa bàn (địa bàn vùng DTTS được định nghĩa là địa bàn có số lượng người DTTS đang sinh sống chiếm từ 30% trở lên so với tổng dân số của địa bàn đó); trong đó địa bàn vùng dân tộc là 30,945 với 3,389 địa bàn thuộc đô thị và 27,556 địa bàn nông thôn. Số người DTTS ở 63 tỉnh ước tính khoảng 13,386,330 người, số người DTTS đã gia tăng đáng kể giai đoạn 2009 - 2015 với mức gia tăng bình quân 1.55%/năm. Số người DTTS hiện sống trong 3,040 hộ, số hộ gia đình cũng tăng khoảng 1,6%/năm, với quy mô dân số như vậy, hiện số người DTTS sống ở các khu vực đô thị chiếm khoảng 10,4%.

3.3.3. Các yếu tố ảnh hưởng, giải pháp cho tương lai

Qua đánh giá thực trạng về vấn đề việc làm đối với lao động phổ thông người dân tộc thiểu số ta có thể thấy rõ các nhân tố ảnh hưởng trực tiếp và phương pháp giải quyết như sau:

- Trình độ học vấn lao động chưa cao, đa phần chưa học hết tiểu học, tỷ lệ mù chữ vẫn còn nhiều; thêm vào đó trình độ kỹ năng còn thấp. Khó có thể ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại vùng dân tộc thiểu số, người lao động cũng không thể cập nhật ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công việc. Để giải quyết vấn đề, ngoài biện pháp về giáo dục xóa mù chữ, cần tổ chức các lớp hướng dẫn bổ sung trình độ kỹ năng, ứng dụng khoa học công nghệ tới đồng bào dân tộc. Mặc dù trình độ học vấn không cao, nhưng lực lượng lao động phổ thông người dân tộc thiếu số lại có tuổi lao động nhiều, hầu hết tuổi bắt đầu tham gia lao động từ 5 - 6 tuổi. Chính vì vậy, việc phổ cập hướng dẫn về kỹ năng trong các công việc sẽ có ứng dụng tức thời hơn là việc phổ cập trình độ văn hóa.

- Gắn kết lao động người dân tộc thiểu số với bảo vệ và phát triển rừng. Tính đến cuối năm 2015, cả nước ta có 14,062 triệu ha rừng; bao gồm 10,176 triệu ha rừng tự nhiên, 3,886 triệu ha rừng trồng. Độ che phủ rừng tăng nhanh, từ 39,7% (2011) lên 40,84 % (2015), 41,19% (2016). Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng nhanh, đạt 6,57%/năm giai đoạn 2013-2016 so với 5,03%/năm giai đoạn 2010-2012. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng từ bình quân 2,8 tỷ USD/năm (2006-2010) lên 6,52 tỷ USD/năm (2011-2015); kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, đạt 7,3 tỷ USD, xuất siêu 5,4 tỷ USD. Bình quân hàng năm, cả nước thu được trên 1,2 nghìn tỉ đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng cho trên 5 triệu ha rừng. Ước tính đến năm 2020: “Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,5-6,0%/năm; độ che phủ rừng đạt 42%; năng suất rừng trồng 20 m3/ha/năm; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản 8-8,5 tỷ USD; duy trì ổn định 25 triệu việc làm, tăng thu nhập”. Đã có rất nhiều mô hình phát triển rừng, tỷ phú từ rừng của người dân tộc thiểu số đã thành công đem lại hiệu quả không chỉ về kinh tế mà giúp xóa bỏ các hệ lụy xấu tới sinh thái góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) và đảm bảo an ninh quốc phòng (ANQP).

- Địa bàn cư trú của dân tộc thiểu số chủ yếu là vùng núi, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ…, nơi có đặc thù về thời tiết khác biệt, có ảnh hưởng không tốt cho việc nuôi trồng nông sản. Tuy nhiên, mỗi vùng lại có những loại nông sản đặc biệt mang tính đặc sắc vùng và dân tộc. Việc chọn ra một số loại nông sản đặc trưng của người dân tộc thiểu số tại vùng đó đáp ứng được thời tiết vùng để phát triển, vừa đem lại lợi ích kinh tế cao, vừa quảng bá hình ảnh dân tộc, gắn kết lao động với địa bàn sản xuất (trồng ngô trên cao nguyên đá để sản xuất rượu; trồng hồ tiêu, cà phê, điều tại Tây Nguyên xuất khẩu…).

- Cần thêm các chính sách khuyến khích đầu tư và vùng dân tộc thiểu số vì đa phần tại nơi đây cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm đều ít không đáp ứng đủ nhu cầu của đồng bào dân tộc, khó có thể thúc đẩy kinh tế vùng dân tộc thiểu số. Mặt khác, cũng cần có các chính sách việc làm hợp lý của Đảng và Nhà nước, giúp cho đồng bào người dân tộc thiểu số gắn với địa bàn mình cư trú hoặc có thể hòa nhập với cộng đồng dân tộc thiểu số tại khu công nghiệp và đô thị.

4. Kết luận

Vấn đề lao động và việc làm luôn là vấn nóng của xã hội. Nó là quá trình tạo ra của cải vật chất cũng như tinh thần không thể thiểu, để xã hội phát triển tránh những hệ lụy không đáng có. Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, các dân tộc thiểu số tuy có số lượng ít nhưng lại phân bố trên phạm vi rộng bao gồm vùng núi và biên giới. Giải quyết vấn đề việc làm của người dân tộc thiếu số ngoài đảm bảo vấn đề kinh tế xã hội, còn là an ninh quốc phòng của dân tộc, đất nước.

Vì tính đặc biệt của đồng bào dân tộc thiểu số với tập tục tập quán riêng, nên Đảng và Nhà nước cần có những chính sách đặc biệt riêng biệt nhằm thúc đẩy giải quyết vấn đề này như: Nâng cao dân trí, tay nghề, kỹ năng, chính sách dạy nghề cho người dân tộc thiểu số; Gắn bảo vệ phát triển rừng với đồng bào dân tộc thiểu số; Phát triển các ngành thuộc lĩnh vực nông - lâm sản tại địa bàn cư trú của người dân tộc thiểu số gắn kết người dân tộc thiểu số; Ban hành các chính sách thu hút đầu tư phát triển vào cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. ActionAid và Oxfam (2014), Mô hình giảm nghèo tại một số cộng đồng dân tộc thiểu số điển hình ở Việt Nam nghiên cứu trường hợp tại Hà Giang, Nghệ An và Đắk Lắk, nằm trong khuôn khổ của dự án “Theo dõi nghèo theo phương pháp cùng tham gia”, Hà Nội.

2. Mai Ngọc Anh (2013), Tách biệt xã hội về kinh tế đối với nông dân Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Mai Ngọc Cường (2011), Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011-2015 Tầm nhìn 2020, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Ngân hàng thế giới (2013), Báo cáo đánh giá tác động xã hội: Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, truy cập ngày 11/12/2016, tại http://documents.worldbank.org/curated/en/62873 1468128397221/pdf/IPP6490VIETNAM0e0PUBLIC00Box379811B.pdf

5. Phan Văn Hùng (2015), Những vấn đề mới trong quan hệ dân tộc và định hướng hoàn thiện chính sách dân tộc ở nước ta, Đề tài cấp Nhà nước KX04/15, Hà Nội.

6. Triệu Văn Hùng (2013), Sinh kế vùng cao - Một số nghiên cứu điểm về phương pháp tiếp cận mới, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.

STUDYING THE CURRENT EMPLOYMENT SITUATION OF ETHNIC MINORITY WORKERS

MA. NGUYEN PHUNG QUAN

Nguyen Phung Quan

Office of National Program for Science and Technology for the 2016 - 2020 period,

Committee for Ethnic Minority Affairs

ABSTRACT:

Unskilled laborers account for a large proportion of ethnic minority workers in Vietnam. This research is to study the current employment situation of ethnic minority workers in general and unskilled ethnic minority workers in particular. The results of this research show that (1) Ethnic minority workers are mostly unskilled workers with low levels of education; (2) Although ethnic minority workers who are mainly living in the North and the Central Highlands of Vietnam have large agricultural and forestry land, the economic efficiency of agricultural and forestry production is low that can not ensure the living standards of the ethnic minority workers; and (3) Factors affecting the employment prospects for the ethnic minority workers and feasible solutions.

Keywords: Unskilled ethnic minority workers, employment, ethnic minority groups living in the North and the Central Highlands of Vietnam, levels of education.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây.