Nghiên cứu hoạt động cho vay ưu đãi tại các quỹ bảo vệ môi trường ở Việt Nam

ThS. DƯƠNG THỊ PHƯƠNG ANH (Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam)

TÓM TẮT:

Để thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường của Chính phủ, trong những năm qua, các Quỹ Bảo vệ môi trường ở Việt Nam đã triển khai cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dự án đầu tư bảo vệ môi trường ở một số lĩnh vực ưu tiên. Tính đến ngày 31/12/2021, Việt Nam đã có 49 Quỹ Bảo vệ môi trường, trong đó có 01 Quỹ ở Trung ương, 47 Quỹ địa phương và 01 Quỹ của ngành than (thuộc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam). Hoạt động của các Quỹ Bảo vệ môi trường không vì mục tiêu lợi nhuận, mà thiết lập cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án đầu tư, chương trình, hoạt động bảo vệ môi trường gắn phát triển xã hội với bảo vệ môi trường; khuyến khích đầu tư bảo vệ môi trường. Đến nay, nhiều dự án, chương trình hoạt động bảo vệ môi trường đã triển khai thành công, do có sự hỗ trợ tài chính từ các Quỹ Bảo vệ môi trường và sự trợ giúp tài chính từ các tổ chức quốc tế. Bài viết này đánh giá khái quát hoạt động cho vay ưu đãi các dự án đầu tư bảo vệ môi trường tại các Quỹ Bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Từ khóa: hoạt động cho vay, Quỹ Bảo vệ môi trường, tài chính, dự án, phát triển bền vững.

1. Đặt vấn đề

Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang ngày càng nghiêm trọng, từ ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất trồng, ô nhiễm không khí, môi trường sống, suy giảm về độ che phủ rừng đầu nguồn, hệ sinh thái bị suy giảm, dẫn đến suy thoái, mất cân bằng đa dạng sinh học, cạn kiệt nguồn tài nguyên, thiên nhiên,... Biến đổi khí hậu có nguy cơ gây ra nhiều thảm họa thiên tai cho con người.

Trong bối cảnh đó, các Quỹ Bảo vệ môi trường (BVMT) có vai trò rất quan trọng đối với việc cho vay ưu đãi các dự án đầu tư BVMT. Đặc biệt, hệ thống Quỹ BVMT ở Việt Nam hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng phải bảo đảm duy trì an toàn nguồn vốn và tự bù đắp chi phí quản lý. Như vậy, hiệu quả sử dụng vốn vay ưu đãi đối với các dự án đầu tư BVMT là quá trình tiếp nhận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, phân bổ cơ cấu nguồn vốn cho các lĩnh vực ưu tiên hợp lý, đúng đối tượng, nhằm đảm bảo an toàn nguồn vốn và hiệu quả xã hội cho các bên liên quan.

2. Tình hình thực hiện kế hoạch cho vay ưu đãi giai đoạn 2016 - 2020

Đánh giá một cách khái quát, giai đoạn 2016 - 2020, nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, thêm vào đó là những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nên hoạt động đầu tư của doanh nghiệp giảm đã tác động đến hoạt động cho vay ưu đãi của các Quỹ BVMT. Đứng trước nguy cơ nợ xấu có chiều hướng gia tăng, các Quỹ BVMT đã thực hiện chính sách đẩy mạnh hoạt động thu hồi nợ, xử lý các khoản nợ đọng, nợ xấu bằng nhiều biện pháp tích cực. Vì lẽ đó, xét về mặt khối lượng công việc thực hiện, các Quỹ BVMT đã đạt và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra (giải ngân, thu nợ gốc và lãi vay). Riêng Quỹ BVMT Việt Nam, giá trị hoạt động nghiệp vụ cho vay từ nguồn vốn ngân sách đã gần đảm bảo bù đắp cho phần thiếu hụt sản lượng hoạt động nghiệp vụ cho vay từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới. Tuy vậy từ năm 2019, Dự án cho vay từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới đã kết thúc, Quỹ không ký hợp đồng với các dự án vay mới, chỉ giải ngân số tiền 1.500 triệu đồng cho 1 dự án chuyển tiếp từ năm 2018. Kể từ năm 2020, nhiệm vụ này chỉ còn hoạt động thu hồi nợ gốc và lãi vay.

Bảng 1. Tình hình thực hiện kế hoạch cho vay ưu đãi
tại các Quỹ Bảo vệ môi trường ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020

Đơn vị: Tỷ đồng

Tình hình thực hiện kế hoạch cho vay ưu đãi tại các Quỹ Bảo vệ môi trường ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020

Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo tổng kết các Quỹ BVMT ở Việt Nam giai đoạn 2016 -2020

Số liệu Bảng 1 cho thấy, giá trị hợp đồng tín dụng trong năm 2017 và 2020 của các Quỹ BVMT thực hiện trên thực tế đã đạt và vượt kế hoạch, chỉ tiêu đề ra, nhưng trong các năm (2016, 2018, 2019) đã không đạt kế hoạch đề ra. Giá trị hợp đồng tín dụng tương đối lớn, nhưng giá trị giải ngân hàng năm lại thấp hơn, nhiều nhất là năm 2017 (giá trị hợp đồng ký với khách hàng đạt 667,663 tỷ đồng, nhưng giá trị giải ngân chỉ đạt 372,903 tỷ đồng, bằng 55,85% so với giá trị hợp đồng tín dụng ký được cùng kỳ). Tương tự, năm 2019 và năm 2020, giá trị giải ngân chỉ đạt 72,39% và 60,4% so với giá trị hợp đồng tín dụng ký với khách hàng.

Điều này phản ánh thực trạng các Quỹ BVMT đang khó khăn về nguồn vốn, hoặc nguyên nhân xuất phát từ chủ đầu tư các dự án được vay vốn ưu đãi BVMT. Trong giai đoạn 2016-2020, ngoại trừ năm 2016, việc thu hồi vốn vay của các Quỹ BVMT vượt 17,1% kế hoạch, trong khi các năm còn lại, việc thu hồi vốn đều không đạt kế hoạch đề ra. Thực trạng này đã ảnh hưởng lớn đến việc quay vòng vốn cho vay ưu đãi của các Quỹ BVMT.

3. Về lĩnh vực và cơ cấu cho vay ưu đãi tại các Quỹ Bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020

Hoạt động cho vay lãi suất ưu đãi đối với các dự án BVMT đóng vai trò quan trọng và là hoạt động chủ yếu, xuyên suốt trong hoạt động nghiệp vụ của các Quỹ BVMT tại Việt Nam. Qua nghiên cứu các báo cáo tổng kết của Quỹ BVMT Việt Nam và các Quỹ BVMT địa phương cho thấy, nguồn vốn từ các Quỹ BVMT hiện đang tập trung cho vay ở các lĩnh vực, như: xử lý nước thải, xử lý chất thải, chất thải nguy hại và triển khai ứng dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu với trên 80% trong tổng cho vay lãi suất ưu đãi.  

Tổng số các dự án được phê duyệt vay vốn ưu đãi các lĩnh vực nêu trên trong giai đoạn 2016-2020 là không giống nhau do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do chủ đầu tư chưa đáp ứng được các điều kiện và quy định của các Quỹ BVMT; hoặc chưa tiếp cận được thông tin đầy đủ kịp thời liên quan đến các chính sách cho vay ưu đãi của Quỹ BVMT; hoặc có thể do nguồn vốn cho vay ưu đãi chưa được cấp bổ sung kịp thời, dự án cho vay từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới đã kết thúc,…

Đối với lĩnh vực cho vay ưu đãi, tỷ trọng phân bổ nguồn vốn có sự khác nhau là do phụ thuộc vào chính sách ưu tiên lĩnh vực hỗ trợ vốn vay ưu đãi của các Quỹ BVMT hằng năm, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và các ban ngành địa phương. Theo đó, tỷ trọng trong cơ cấu các lĩnh vực cho vay ưu đãi của các Quỹ BVMT có sự thay đổi như Biểu đồ 1.

Biểu đồ 1: Cơ cấu các lĩnh vực cho vay ưu đãi các dự án đầu tư
của các Quỹ BVMT ở Việt Nam

Cơ cấu các lĩnh vực cho vay ưu đãi các dự án đầu tư của các Quỹ BVMT ở Việt Nam

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Như vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, các Quỹ BVMT đã dành khoản kinh phí cho vay ưu đãi nhiều nhất đối với các dự án thuộc lĩnh vực xử lý chất thải, chất thải nguy hại và xử lý nước thải; triển khai ứng dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu, sau đó đến cho vay ưu đãi trong lĩnh vực đầu tư mua sắm trang thiết bị thu gom chất thải.

Trong 2 năm (2017 và 2018), Quỹ đã triển khai cho vay ưu đãi một số dự án thuộc đối tượng tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT. Không giống như cơ cấu cho vay ưu đãi của Quỹ BVMT Việt Nam, các đối tượng quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP chỉ phát sinh cho vay trong năm 2017 và năm 2018 chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu cho vay ưu đãi của các quỹ BVMT địa phương và tập trung tại một số tỉnh, như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế,… Xét một cách tổng thể, hoạt động cho vay vốn với lãi suất ưu đãi tại các Quỹ BVMT địa phương so với Quỹ BVMT Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.

Trên thực tế, nguồn vốn khả dụng của các Quỹ BVMT địa phương thường không lớn, trong khi các dự án liên quan đến môi trường lại cần vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, có thể lên đến hàng chục năm, dẫn đến các Quỹ BVMT địa phương không đủ khả năng cho vay và khó xoay vòng vốn.

Một yếu tố khác, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thường chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất, ít chú trọng đầu tư vào công tác BVMT; ngoại trừ ưu đãi về lãi suất thì các chính sách tín dụng đối với dự án đầu tư BVMT không khác biệt nhiều các loại hình dự án kinh doanh, dịch vụ khác (phải có tài sản đảm bảo, tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng, đấu thầu,…) gây khó khăn cho các chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Quỹ trong lĩnh vực đầu tư BVMT.

Bên cạnh đó, phần lớn nguồn nhân lực làm việc tại các Quỹ BVMT chủ yếu được đào tạo chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng, kiến thức về môi trường còn hạn chế, dẫn tới chưa thể đánh giá tính hiệu quả của việc thực hiện nhiệm vụ BVMT hoặc giải quyết các vấn đề về môi trường trong tỉnh, bởi hồ sơ xin hỗ trợ tài chính từ Quỹ đều cần phải có sự tư vấn của hội đồng tư vấn chuyên ngành.

4. Kết quả tăng trưởng tín dụng tại các Quỹ BVMT

Tuy không có quy định nào về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của các Quỹ BVMT, nhưng so với nhiều tổ chức tín dụng, tỷ lệ này của các Quỹ BVMT còn đang ở mức thấp. Điều này cho thấy, các Quỹ BVMT gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng và thực hiện kế hoạch tín dụng chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do khách hàng chưa có thông tin về các khoản vay ưu đãi trong đầu tư BVMT hoặc do khách hàng có nhiều nhu cầu vay vốn ưu đãi, nhưng không thuộc lĩnh vực cho vay ưu đãi, hoặc không có/không đủ tài sản đảm bảo,…

Dư nợ, nguồn vốn hoạt động, tổng tài sản có của các Quỹ BVMT đều tăng trong kỳ nghiên cứu. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng lại giảm xuống trong giai đoạn 2018-2020, trong đó giảm nhiều nhất vào năm 2020.

Bảng 2. Chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng tín dụng
của các Quỹ BVMT ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020

                                                   Đơn vị: Tỷ đồng

Chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng tín dụng của các Quỹ BVMT ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020

Nguồn: Số liệu từ báo cáo tổng kết của các Quỹ BVMT giai đoạn 2016 - 2020 và tác giả tính toán

Bảng 2 cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng tăng dần đều từ năm 2016 đến năm 2019, đặc biệt năm 2018 tăng 16,739%. Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tình hình phát triển kinh tế đất nước gặp rất nhiều khó khăn, khiến các hoạt động đầu tư nói chung bị ngưng trệ. Thực tế này đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động cho vay các dự án BVMT của các Quỹ BVMT. Điều này dẫn tới tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong hệ thống các Quỹ BVMT ở Việt Nam trong năm 2020 chỉ đạt 7,124%.

Hiệu suất sử dụng vốn H1, H2 luôn nhỏ hơn 100% trong giai đoạn 2016-2020 cho thấy, nhu cầu vay vốn ưu đãi của các chủ đầu tư từ nguồn vốn của các Quỹ BVMT ở Việt Nam ở mức thấp.

Đáng chú ý, có những thời điểm, các Quỹ có vốn nhưng không có dự án vay, nên phải cho vay lại nguồn vốn với lãi suất thấp, dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động của các Quỹ. Mặt khác, H2 nhỏ hơn 50% chứng tỏ các Quỹ đang lãng phí nguồn vốn, tức nguồn vốn chưa được sử dụng tối ưu hiệu quả.

Tuy nhiên, H1, H2 có xu hướng tăng dần trong giai đoạn nghiên cứu cũng cho thấy Quỹ đã có cải tiến trong hoạt động cho vay ưu đãi. Điều này có thể do các chủ đầu tư các dự án BVMT chưa có thông tin đầy đủ về các chính sách được vay ưu đãi vốn; cũng có thể do các chủ đầu tư muốn vay, nhưng không đủ điều kiện vay vốn ưu đãi; cũng có thể do lãi suất và các chính sách cho vay ưu đãi của các Quỹ BVMT chưa thực sự mang tính cạnh tranh so với các nguồn vốn ưu đãi khác trên thị trường,… Mặc dù Quỹ BVMT hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng vẫn cần có sự đánh giá về Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ròng (ROA) và Khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) do 2 chỉ tiêu này đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức và có mối liên quan mật thiết đến hiệu quả cho vay ưu đãi của các Quỹ BVMT.

Các chỉ số trên thể hiện khả năng, thời hạn thu hồi vốn đầu tư của chủ sở hữu. Hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của Quỹ càng cao là cơ sở để Quỹ tăng quy mô vốn, cũng như năng lực tài chính của mình.

Theo Bảng 2, ROA và ROE của Quỹ đều thấp, cho thấy các Quỹ BVMT chưa sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu hợp lý, chính sách kinh doanh và đầu tư tài sản chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn.

5. Tình hình nợ xấu của các Quỹ Bảo vệ môi trường ở Việt Nam

Việc xác định tỷ lệ nợ quá hạn là yếu tố rất quan trọng trong việc đánh giá chất lượng tín dụng, nhằm phản ánh những khoản cho vay có khả năng hoàn trả kém. Nếu tỷ lệ này thấp, chứng tỏ hoạt động cho vay ưu đãi của các Quỹ là tốt, đáp ứng yêu cầu bảo toàn vốn, thu lãi theo quy định để duy trì hoạt động và có khả năng thu hồi. Ngược lại, nếu tỷ lệ này cao, các Quỹ cần có những biện pháp kiểm soát nợ quá hạn, hạn chế những rủi ro có thể mất vốn do những khoản nợ quá hạn gây ra. Kết quả thống kê cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trong hoạt động cho vay ưu đãi các dự án đầu tư BVMT của các Quỹ BVMT Việt Nam luôn dưới 3%, đảm bảo trong ngưỡng cho phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra cho các Quỹ. Bên cạnh đó, khả năng thu hồi các khoản nợ xấu cho thấy tương đối khả quan.

Biểu đồ 2: Tỷ lệ nợ xấu của các Quỹ BVMT ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020

(Đơn vị: %)

Tỷ lệ nợ xấu của các Quỹ BVMT ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020

Nguồn: Báo cáo tổng kết các Quỹ BVMT ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020

Khảo sát tại các Quỹ BVMT cho thấy, cán bộ lãnh đạo quản lý của các Quỹ này thường xuyên tiến hành đánh giá nguyên nhân, tình trạng và tính khả thi của phương án xử lý nợ đối với các khách hàng nằm trong nhóm nợ xấu, làm cơ sở đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp đối với từng đối tượng khách hàng.

Năm 2016, tỷ lệ nợ xấu của các Quỹ BVMT khá cao, nhưng các năm tiếp sau đó đã được cải thiện hơn, do các đơn vị chú trọng và lên kế hoạch kịch bản cụ thể đối với từng đối tượng khách hàng để có biện pháp xử lý nợ xấu hiệu quả. Theo đó, cán bộ của các Quỹ BVMT thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và đánh giá tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh với khách hàng vay vốn, nhằm kịp thời triển khai công tác xử lý nợ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, từ đó trình cấp trên cơ cấu lại nợ kịp thời cho khách hàng.

Đối với các dự án vay mới và những khách hàng thuộc diện nợ đủ tiêu chuẩn, cán bộ Quỹ thường xuyên kiểm soát chặt chẽ quy trình thẩm định hồ sơ, nâng cao trình độ và kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ tín dụng; quan hệ chặt chẽ và thường xuyên với các đối tác có liên quan (ngân hàng thương mại, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương) để quản lý tốt công nợ, thu hồi vốn, lãi và xử lý rủi ro.

6. Kết luận

Qua nghiên cứu thực trạng hoạt động cho vay ưu đãi tại các Quỹ BVMT ở Việt Nam cho thấy, hiện nay, các Quỹ BVMT chưa có sự đồng nhất về cơ cấu, tổ chức, chính sách cấp vốn từ ngân sách nhà nước cho hoạt động BVMT.

Đối với các Quỹ BVMT cấp tỉnh, thành phố đã được thành lập, đã đi vào hoạt động nhưng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về mô hình tổ chức, cơ cấu tổ chức chưa hoàn thiện, số lượng, chất lượng nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công việc để triển khai hiệu quả nguồn vốn cho vay ưu đãi; cơ chế, nguồn vốn hoạt động,… dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao.

Nguyên nhân chủ yếu do chưa có hành lang pháp lý hướng dẫn, thống nhất chung về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, nguồn vốn hoạt động cho các Quỹ BVMT địa phương, ngoại trừ Quỹ BVMT Việt Nam; thiếu đồng bộ trong các văn bản hiện hành quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động; cơ cấu phân bổ nguồn vốn của Quỹ BVMT cấp tỉnh,… dẫn đến tình trạng mỗi địa phương có cách hiểu và vận dụng khác nhau.

Một số Quỹ BVMT đã thành lập từ hơn 10 năm nhưng vốn điều lệ hiện vẫn chưa được cấp đủ trong một thời gian dài, nên ảnh hưởng đến hoạt động cho vay vốn ưu đãi các chủ đầu tư dự án BVMT. Một số địa phương chưa điều tiết các nguồn vốn được quy định trong Điều 149 Luật Bảo vệ môi trường, dẫn đến hiện trạng kế hoạch hoạt động chưa xây dựng cụ thể, khi thực hiện Quỹ BVMT địa phương khó đưa ra được các chương trình chỉ tiêu có định hướng rõ ràng, dẫn đến hệ lụy: nguồn vốn của Quỹ chịu nhiều sức ép và phân bổ cho nhiều chương trình, dự án, nên nguồn vốn càng trở nên eo hẹp và khó đáp ứng nhu cầu vay vốn ưu đãi của các chủ dự án đầu tư BVMT.

Chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng tín dụng của Quỹ BVMT giai đoạn 2016-2020 đang ở mức thấp, Quỹ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng và thực hiện kế hoạch tín dụng chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, dư nợ, nguồn vốn hoạt động, tổng tài sản có của Quỹ BVMT đều tăng trong kỳ nghiên cứu, tuy nhiên lợi nhuận ròng lại giảm xuống. Các chỉ tiêu xét duyệt dự án vay vốn ưu đãi đầu tư BVMT chưa có sự thống nhất giữa các Quỹ. Phần lớn các Quỹ khi xét duyệt các dự án đề xuất vay vốn ưu đãi quá chú trọng đến các chỉ tiêu tài chính, các yếu tố kinh tế của dự án, dẫn tới khó hoàn thành mục tiêu, sứ mệnh chính trị của Quỹ trong BVMT,…

Nghiên cứu thực trạng trên của các Quỹ BVMT chính là cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng để tác giả đề xuất những giải pháp, kiến nghị phù hợp, nhằm giúp các Quỹ BVMT ở Việt Nam không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động trong sử dụng vốn cho vay ưu đãi đối với các dự án BVMT, qua đó góp phần đáp ứng mục tiêu, chiến lược quốc gia về BVMT trong tình hình mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2014). Luật số 55/2014/QH13: Luật Bảo vệ môi trường, ban hành ngày 23 tháng 6 năm 2014.
  2. Quốc hội (2020). Luật số 72/2020/QH14: Luật Bảo vệ môi trường, ban hành ngày 17 tháng 11 năm 2020.
  3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2017). Thông tư số 03/2017/TT-BTNMT ngày 21/3/2017 hướng dẫn việc cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  4. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (2020), Báo cáo tổng kết và phương hướng hoạt động năm 2016, 2017, 2018, 2019 và 2020.
  5. Quỹ Bảo vệ môi trường các tỉnh (2020), Báo cáo tổng kết và phương hướng hoạt động năm 2016, 2017, 2018, 2019 và 2020.
  6. Tạ Đình Hòa (2020). Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động của các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam. Luận văn Thạc sỹ, Học viện Tài chính, Hà Nội.
  7. Nguyễn Văn Tuấn (2019). Tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.
  8. Phạm Thu Thủy và các cộng sự. (2020). Báo cáo chuyên đề 191: Cơ hội và thách thức trong huy động tài chính thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR).
  9. Bùi Đình Viên (2016). Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ưu đãi khi Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Luận án Tiến sĩ kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

A STUDY ON PREFERENTIAL LOANS

FOR ENVIRONMENTAL PROTECTION PROJECTS

AT ENVIRONMENTAL PROTECTION FUNDS IN VIETNAM

• Master. DUONG THI PHUONG ANH

Vietnam Environmental Protection Fund

ABSTRACT:

In order to implement the Government of Vietnam's strategy for environmental protection, Environmental Protection Funds in Vietnaam have provided loans with preferential interest rates for environmental protection projects in some priority areas. As of December 31, 2021, Vietnam has 49 Environmental Protection Funds, including 01 Central Fund, 47 Local Funds and 01 Coal Industry Fund which is under Vietnam National Coal and Mineral Industries Group - Vinacomin. These not-for-profit Environmental Protection Funds aim to establish a financial support mechanism for environmental protection projects, programs and activities. Thanks to the financial support from these funds and also international organizations, many environmental protection projects and programs have been successfully conducted in Vietnam. This paper provides an overview of the preferential loans for environmental protection projects at Environmental Protection Funds in Vietnam.

Keywords: lending activities, Environmental Protection Fund, finance, project, sustainable development.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 2 năm 2022]