TÓM TẮT:

Bài viết tìm hiểu mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội (TNXH) của doanh nghiệp (DN) với kết quả tài chính (KQTC) tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy các DN thực hiện tốt TNXH của DN sẽ gia tăng KQTC. Nghiên cứu cung cấp những bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ giữa TNXH của DN với KQTC của DN FDI trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, TP. Hồ Chí Minh.

1. Giới thiệu

Trong xã hội hiện đại, phát triển bền vững là một xu thế phát triển tất yếu. Phát triển bền vững là sự phát triển phải đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không làm phương hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ trong tương lai. Vấn đề phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh đã được quan tâm ở các nước có nền kinh tế phát triển, nhưng ở các nước đang phát triển thì vấn đề này còn nhiều bất cập liên quan đến TNXH của các DN.

TNXH của DN (CSR), theo nghĩa rộng là những hành động của DN phải phù hợp với đạo đức con người; các DN nên thực hiện TNXH đối với người lao động, khách hàng, chính phủ, những nhà cung cấp và những bên liên quan khác cũng như các cổ đông của DN. CSR cũng yêu cầu các DN chú ý đến đạo đức, môi trường, giá trị của người lao động, bảo vệ khách hàng, các hoạt động từ thiện, thông tin tài chính đúng... Hội đồng Kinh tế Thế giới (World Business Council) về sự phát triển bền vững cho rằng "CSR là một khế ước liên tục bằng kinh tế cống hiến cho sự phát triển kinh tế, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống người lao động và gia đình của họ cũng như của cộng đồng và xã hội nói chung" [6]. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU, 2001) công bố bản Công ước Xanh 2001 "Xúc tiến khuôn khổ châu Âu đối với CSR" và định nghĩa CSR như là "một cách thức mà các công ty kết hợp những vấn đề xã hội và môi trường vào hoạt động kinh doanh và trong hành động của họ với các bên liên quan trên nền tảng tự nguyện".

Các bên liên quan đối với DN là những nhóm người quan tâm đến hoạt động của DN, bao gồm: Chủ sở hữu, người lao động, khách hàng, người cấp tín dụng, nhà cung cấp, cộng đồng và chính phủ [7, 9].

Với áp lực toàn cầu hóa, phạm vi của CSR càng mở rộng, ngày càng nhiều quốc gia chấp nhận khuôn mẫu về CSR. Mặt khác, những ảnh hưởng từ chính phủ, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, và các chuyên gia, làm cho việc thực hiện CSR có nguyên tắc, được lượng hóa, chuẩn hóa ở mức độ nhất định.

Vì những lý do trên, nhiều công ty đa quốc gia đã bắt đầu công bố các báo cáo CSR từ những năm 90, đến nay đã tạo ra một hệ thống báo cáo TNXH hoàn chỉnh. Theo Báo cáo khảo sát quốc tế về CSR của KPMG năm 2011, trong giai đoạn 1990 - 2011, thông tin về tỷ lệ CSR được báo cáo trong 250 công ty lớn nhất thế giới và 100 công ty có doanh thu lớn nhất (N100) từ 34 nước liên tục gia tăng, theo thứ tự là 64% (N100) và 95% (G250) trong năm 2010. Tuy nhiên, để đảm bảo sự hấp dẫn với các cổ đông, những nhà quản lý công ty luôn cố gắng làm đẹp báo cáo tài chính, hành vi này trở thành một bí mật mở. Trong khi các công ty vẫn tin rằng, CSR là chi tiền làm từ thiện, điều đó dẫn đến việc họ cố gắng trốn tránh các TNXH khác. Hơn nữa, do thiếu sự hướng dẫn chung, những hành vi đối phó và gian lận khi thực hiện CSR vẫn xảy ra.

Tại Việt Nam, cho đến lúc này, chưa có một báo cáo đầy đủ, đáng tin cậy về vấn đề CSR. Tuy nhiên, qua các phương tiện thông tin đại chúng, ta có thể hình dung được CSR cả mặt tích cực cũng như tiêu cực.

Về mặt tích cực, nhiều DN đã tích cực đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ và từng bước tiếp cận, hoàn thiện phương pháp quản lý tiên tiến; cải thiện khả năng cạnh tranh trên thương trường. Qua đó, một mặt nâng cao giá trị cổ đông, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, góp phần đáng kể vào thành tựu phát triển kinh tế đất nước; mặt khác từng bước thực hiện TNXH của mình với những mức độ, hình thức khác nhau, như: thực hiện các hoạt động từ thiện; bảo vệ môi trường và chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong DN;… Tuy nhiên, cũng qua phương tiện thông tin đại chúng, ta thấy còn khá nhiều doanh nghiệp vì nhiều lý do khác nhau, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, chưa quan tâm đến TNXH của mình.

Về mặt tiêu cực, không ít DN chưa nhận thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội; thậm chí còn xâm phạm đến lợi ích của các bên liên quan như: chèn ép người lao động; bán hàng giả, kém chất lượng; trốn thuế; trốn nợ ngân hàng; chiếm dụng vốn bất hợp pháp của nhà cung cấp; gây ô nhiễm môi trường;… 

CSR không những liên quan đến các DN nói chung, mà còn bao gồm cả những DN FDI đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Vấn đề thu hút vốn FDI cả trực tiếp và gián tiếp được Chính phủ quan tâm ngay từ những năm đầu chuyển đổi nền kinh tế khi Việt Nam được xếp vào nhóm các nước đang phát triển. Trong đó, thu hút vốn FDI trở thành nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành. Từ chủ trương đúng đắn đó, trải qua 30 năm phát triển, đến nay khu vực FDI đã ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hơn 30 năm qua, khu vực FDI đã có những đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong xuất khẩu chung của cả nước, đạt 72,6% trong năm 2017 và 71,4% trong 9 tháng đầu năm 2018. Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ khu vực FDI tăng đáng kể, từ 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994 - 2000 lên 23,7 tỷ USD trong giai đoạn 2011 - 2015, chiếm gần 14% tổng thu NSNN. Riêng năm 2017, khu vực FDI đã đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng thu NSNN.

Không chỉ góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển, khu vực FDI cũng có nhiều đóng góp trong tạo việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Việc làm trực tiếp trong khu vực FDI đã tăng từ 330.000 người năm 1995 lên khoảng 3,6 triệu người năm 2017, đồng thời tạo việc làm gián tiếp cho khoảng 5 - 6 triệu lao động.

DN FDI cũng là những đơn vị đi tiên phong trong đào tạo, nâng cao trình độ và tác phong công nghiệp của đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý. Nhiều vị trí việc làm trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhận nay đã được thay thế bằng lao động Việt Nam. Đặc biệt, nhiều DN FDI đã quan tâm, thực hiện TNXH đối với cộng đồng, tham gia hoạt động xóa đói, giảm nghèo và các hoạt động thiện nguyện khác. Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục. Các DN FDI về cơ bản đang sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực. Chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn. Liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước cùng với chuyển giao công nghệ chưa đạt như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao. Một số dự án FDI tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; còn có biểu hiện báo lỗ - chuyển giá; đầu tư chui... Tóm lại, TNXH của khu vực FDI đối với các bên liên quan còn nhiều bất cập.

Vấn đề CSR đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu từ những năm đầu thế kỷ 20. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, thực hiện CSR vừa mang lại lợi ích cho DN và xã hội, vừa nâng cao khả năng cạnh tranh của chính DN và quốc gia. Tuy nhiên, cũng có những nghiên cứu cho thấy thực hành CSR chỉ làm tăng chi phí cho DN. Tại Việt Nam đến nay cũng đã có một vài nghiên cứu về CSR. Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thực hiện CSR, cũng như nhận thức của nhà quản trị các cấp về vấn đề này. Vấn đề đặt ra là lãnh đạo các DN Việt Nam nhận thức về trách nhiệm của DN đối với xã hội như thế nào? Thực hành CSR ảnh hưởng như thế nào đối với KQTC của DN? Làm thế nào để tăng cường CSR? Bài viết "Nghiên cứu mối quan hệ giữa CSR với KQTC tại các DN FDI trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh" trong giai đoạn hiện nay sẽ trả lời cho những câu hỏi này.

2. Cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu trước

Các nghiên cứu về CSR thường dựa vào 2 lý thuyết nền chủ yếu: Lý thuyết về CSR và lý thuyết về các bên liên quan.

Khái niệm CSR đã xuất hiện từ những năm 20 của thế kỷ trước. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nội hàm của khái niệm CSR cũng thay đổi. Sự thay đổi nội hàm của khái niệm CSR có liên quan đến áp lực của các nghiệp đoàn, các tổ chức xã hội và hiện nay là các bên liên quan. Một trong những khái niệm đang được sử dụng phổ biến hiện nay về CSR do nhóm phát triển kinh tế tư nhân của Ngân hàng Thế giới đề xuất vào năm 2003, đó là: "CSR là sự cam kết của DN đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên trong gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi nhất cho cả DN cũng như sự phát triển chung của toàn xã hội". Theo định nghĩa này, DN không chỉ quan tâm đến lợi ích của chủ sở hữu, mà còn quan tâm đến các bên liên quan.

Lý thuyết các bên liên quan là một lý thuyết về quản trị tổ chức và đạo đức kinh doanh liên quan đến các nguyên tắc và giá trị trong tổ chức (Freeman and Phillips 2002; 2003). Theo lý thuyết này, các bên liên quan là những nhóm người quan tâm đến hoạt động của công ty [7, 9]. Bảng 1 cho thấy các bên liên quan kỳ vọng gì ở tổ chức.

Bảng 1. Các bên liên quan và những kỳ vọng

Các bên liên quan Kỳ vọng chủ yếu Kỳ vọng thứ yếu
Chủ sở hữu Tài chính Giá trị gia tăng
Người lao động Thu nhập Môi trường làm việc, đào tạo
Khách hàng Cung cấp hàng hóa, DV Chất lượng
Người cấp tín dụng Khả năng thu hồi vốn An toàn
Nhà cung cấp Thanh toán Hợp tác lâu dài
Cộng đồng Tiết kiệm, an toàn Đóng góp cho cộng đồng
Chính phủ Tuân thủ Cải thiện tính cạnh tranh

Nguồn: Phỏng theo Cannon (1994)

Người đầu tiên đưa ra khái niệm các bên liên quan, Freeman (1984), định nghĩa các bên liên quan là bất kỳ nhóm người hoặc cá nhân có thể tác động hoặc bị tác động bởi sự hoàn thành mục tiêu của tổ chức. Gần đây, Freeman et al. (2004) định nghĩa các bên liên quan là những nhóm có vai trò sống còn đối với sự tồn tại và thành công của tập đoàn. WBCSD (1999) định nghĩa các bên liên quan là đại diện của tổ chức lao động, giới học thuật, nhà thờ, người bản xứ, các nhóm nhân quyền, chính phủ và tổ chức phi chính phủ, cổ đông, người lao động, khách hàng, nhà cung cấp, cộng đồng và các nhà lập pháp. Hơn nữa, Friedman (2006) định nghĩa các bên liên quan là khách hàng, người lao động, cộng đồng địa phương, nhà cung cấp và nhà phân phối cũng như các cổ đông. Các nhóm và cá nhân khác cũng được xem là bên liên quan gồm, truyền thông, công chúng, các đối tác kinh doanh, các nhà sáng lập tổ chức quá khứ và tương lai, giới học thuật, các đối thủ cạnh tranh, các tổ chức phi chính phủ hoặc các nhà hoạt động chính trị, xã hội, đại diện bên liên quan như nghiệp đoàn, hiệp hội các nhà cung cấp và phân phối, các nhà tài trợ vốn khác (chủ nợ, trái chủ, người cho vay), đối thủ cạnh tranh và chính phủ, các nhà hoạch định chính sách.

Theo lý thuyết của các bên liên quan, mục tiêu chính của công ty là cân bằng kỳ vọng của tất cả các bên liên quan thông qua các hoạt động điều hành của họ (Ansoff 1965). Cách các doanh nghiệp liên quan đến các cổ đông, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác thường là một đặc điểm chính của khái niệm CSR (Fontaine và cộng sự 2006). Clarkson (1995) nói rằng, khía cạnh cơ bản của lý thuyết các bên liên quan được xác định các bên liên quan của một tổ chức và tiết lộ trách nhiệm của tổ chức đối với họ. Ngoài ra, họ quan trọng đối với tổ chức vì khoản đầu tư của họ chịu rủi ro do các hoạt động của tổ chức.

Ba bên liên quan bị ảnh hưởng bởi các công ty đã được xác định bởi nghiên cứu hiện tại: nhân viên, khách hàng và cộng đồng. Ngoài ra, yếu tố môi trường cũng đã được xác định là một yếu tố thuộc CSR ảnh hưởng đến các bên liên quan.

Từ khi xuất hiện khái niệm CSR đến nay đã có rất nhiều nghiên cứu khác nhau. Trong đó, nghiên cứu về mối quan hệ giữa TNXH và KQTC của DN thu hút nhiều học giả. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu lại rất khác nhau, chia thành 4 nhóm như sau:

(1) Nhóm thứ nhất, bao gồm các nhà nghiên cứu: Carroll (1979); Klasen và cộng sự (1996); A. Waddock và B. Graves (1998); Russo và Fouts (1997); Simpson và Kohers (2002); Lai và cộng sự (2010); Saeidi và cộng sự (2015);… đều tin và cung cấp bằng chứng về mối quan hệ tích cực giữa CSR và KQTC.

(2) Nhóm thứ hai, kết quả nghiên cứu cho thấy thực hành TNXH sẽ làm tăng chi phí và giảm kết quả kinh doanh của DN. Đại biểu cho nhóm này gồm các nhà nghiên cứu: Home Friedman (1970, 2007); Handerson (2001); Reich (2008);...

(3) Nhóm thứ ba, các nhà nghiên cứu thuộc nhóm này cho rằng, có quá nhiều nhân tố gây nhiễu mối quan hệ giữa CSR và KQTC và do đó bằng chứng về mối quan hệ này rất mờ nhạt. Đại diện cho nhóm này có: Ullman (1985); Mc Williams và Siegel (2000); Girerd Potin và cộng sự (2013); Peng và Yang (2014);...

(4) Nhóm thứ tư, các nhà nghiên cứu thuộc nhóm này cho rằng không có môi quan hệ nào giữa CSR và KQTC. Đại diện cho nhóm này có: O’Neill và cộng sự (1989); Kenneth L. Kraft và cộng sự (1990).

Dựa vào lý thuyết CSR, các bên liên quan, kết quả nghiên cứu của các tác giả thuộc nhóm 1 và mô hình các bên liên quan của Cannon (1994), giả thuyết nghiên cứu như sau:

H1 - Trách nhiệm của DN đối với người cấp tín dụng (CSR1) có quan hệ dương với KQTC (FPC).

H2 - Trách nhiệm của DN đối với nhà cung cấp (CSR2) có quan hệ dương với KQTC (FPC).

H3 - Trách nhiệm của DN đối với nhà nước (CSR3) có quan hệ dương với KQTC (FPC).

H4 - Trách nhiệm của DN đối với khách hàng (CSR4) có quan hệ dương với KQTC (FPC).

H5 - Trách nhiệm của DN đối với người lao động (CSR5) có quan hệ dương với KQTC (FPC).

H6 - Trách nhiệm của DN đối với cộng đồng (CSR6) có quan hệ dương với KQTC (FPC).

H7 - Trách nhiệm của DN đối với môi trường (CSR7) có quan hệ dương với KQTC (FPC).

Mô hình nghiên cứu: FPC = β0 + β1*CSR1 + β2*CSR2 + β3*CSR3 + β4*CSR4 + β5*CSR5 + β6*CSR6 + β7*CSR7 + E

Trong đó: FPC là Kết quả tài chính (biến phụ thuộc), CSRi là TNXH của DN (các biến độc lập, i = 1 - 7), β0 là tung độ gốc, βi là các trọng số hồi qui (i = 1 - 7), E là phần dư.

3. Phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ các nhà quản trị tại các DN FDI trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cuối năm 2018 thông qua bảng khảo sát, bao gồm: thành viên ban giám đốc, kế toán trưởng, các trưởng phó phòng,…

Các biến quan sát được đo lường bằng thang đo Likert. Biến CSR đối với người cấp tín dụng (CSR1) có 4 biến quan sát; biến CSR2, CSR3, CSR4 và CSR6 có 4 biến quan sát; biến CSR5 có 7 biến quan sát; biến CSR đối với môi trường (CSR7) có 5 biến quan sát. 

Xử lý dữ liệu bằng phần mềm SPSS.

4. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

4.1. Mô tả dữ liệu

Kết quả Bảng 2 cho thấy phần lớn các đáp viên là những nhà quản trị cấp trung trở lên và có thâm niên công tác tại đơn vị từ 1 năm trở lên. Do vậy, kết quả khảo sát phản ánh đánh giá của các nhà quản trị DN về mối quan hệ giữa CSR và KQTC của đơn vị.

Bảng 2. Mô tả dữ liệu

Tiêu thức Tần số Tỉ lệ

Vị trí    công tác

Thành viên ban giám đốc 54 35,06
Kế toán trưởng/tương đương 35 22,73
Trưởng phòng/tương đương 20 12,99
Phó phòng/tương đương 20 12,99
Quản đốc phân xưởng 15 9,74
Khác 10 6,49
Thâm niên công tác Dưới 1 năm 15 9,74
Từ 1 - 5 năm 109 70,78
Trên 5 năm 30 19,48

Nguồn: Số liệu tổng hợp từ kết quả nghiên cứu

Với dữ liệu 154 quan sát, giá trị trung bình thuộc các nhóm biến độc lập dao động từ 3,24 đến 4,51. Điều này cho thấy, phần lớn các đáp viên đồng ý hoặc không có ý kiến đối với các biến quan sát, điều này cũng chứng tỏ rằng nhận thức về lợi ích của việc thực hiện CSR tại các DN còn hạn chế và khác nhau.       

Bảng 3. Giá trị trung bình của các biến trong mô hình nghiên cứu  

Giá trị trung bình của các biến trong mô hình nghiên cứu Nguồn: Số liệu tổng hợp từ kết quả nghiên cứu

4.2. Kiểm định đô tin cậy của thang đo

Bảng 4. Kết quả kiểm định thang đo

Nhân tố Số biến quan sát Hệ số Cronbach's Alpha Đánh giá thang đo
CSR1 4 .801 Đạt
CSR2 4 .860 Đạt
CSR3 4 .845 Đạt
CSR4 4 .851 Đạt
CSR5 7 .871 Đạt
CSR6 4 .790 Đạt
CSR7 4 .856 Đạt
FPC 4 .877 Đạt

Nguồn: Số liệu tổng hợp từ kết quả nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng hệ số Cronbach’s Alpha để kiểm tra sự chặt chẽ và tương quan giữa các biến quan sát. Theo đó, tất cả các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,3 và hệ số Cronbach’s Alpha đạt từ 0,6 trở lên ngoại trừ biến quan sát CSR72 "Công ty giảm thiểu rác thải trong sản xuất". Vì vậy, biến quan sát CSR72 bị loại, các biến quan sát còn lại được đưa vào nghiên cứu tiếp.

4.3. Phân tích nhân tố khám phá

Sau khi đánh giá độ tin cậy của thang đo, nghiên cứu tiến hành phân tích nhân tố khám phá nhằm đánh giá trị hội tụ và giá trị phân biệt của các nhân tố thành phần. Kết quả phân tích cho thấy có 7 thành phần thuộc nhóm biến độc lập đạt các tiêu chí thống kê.

Bảng 5. Kết quả phân tích EFA biến độc lập

Tham số đánh giá Kết quả So sánh
Hệ số KMO 0.820 0.5 < 0.820 < 1
Giá trị Sig. trong kiểm địnhBartlett 0.000 0.000 < 5%
Phương sai trích 67.757% 67.757% > 50%
Giá trị Eigenvalue 1.377 1.377 > 1

Nguồn: Số liệu tổng hợp từ kết quả nghiên cứu

Bảng 6. Ma trận xoay nhân tố

ma trận xoay nhân tố

Nguồn: Số liệu tổng hợp từ kết quả nghiên cứu

Tương tự như vậy đối với biến phụ thuộc (FPC).

Bảng 7. Kết quả phân tích EFA biến phụ thuộc

Tham số đánh giá Kết quả So sánh
Hệ số KMO 0.792 0.5 < 0.792 < 1
Giá trị Sig. trong kiểm địnhBartlett 0.000 0.000 < 5%
Phương sai trích 73.14% 73.14% > 50%
Giá trị Eigenvalue 2.926 2.926 > 1

Nguồn: Số liệu tổng hợp từ kết quả nghiên cứu

4.4. Phân tích hồi qui

Để xác định mối quan hệ giữa KQTC với các yếu tố cấu thành CSR, nghiên cứu sử dụng phân tích hồi qui bội. Kết quả phân tích cho thấy các yếu tố cấu thành CSR đều có mối quan hệ tích cực và có ý nghĩa đối với KQTC của DN.

Bảng 8. Kết quả phân tích hồi quy

  Hệ số hồi qui chưa chuẩn hóa Hệ số hồi qui chuẩn hóa t Sig. Hệ số đa cộng tuyến
B Sai số chuẩn Beta     Tolerance VIF
Hằng số .022 .171   0.130 .897    
CSR5 .122 .039 .155 3.103 .002 .600 1.668
CSR7 .085 .033 .123 2.589 .011 .665 1.504
CSR4 .186 .035 .248 5.340 .000 .696 1.437
CSR2 .219 .034 .287 6.357 .000 .736 1.359
CSR3 .144 .035 .198 4.078 .000 .633 1.579
CSR6 .091 .032 .134 2.851 .005 .673 1.486
CSR1 .134 .038 .165 3.486 .001 .671 1.491

Nguồn: Số liệu tổng hợp từ kết quả nghiên cứu

Từ Bảng 8 ta có thể mô tả mối quan hệ giữa CSR và FPC theo phương trình hồi qui chuẩn hóa như sau:

FPC = 0,155*CSR5 + 0,123*CSR7 + 0,248*CSR4 + 0,287*CSR2 + 0,198*CSR+ 0,134*CSR6 + 0,165*CSR1

Kết quả kiểm định mô hình: (1) tất cả các chỉ số phóng đại phương sai (VIF) của các biến độc lập đều < 10 nên không có hiện tượng đa cộng tuyến. (2) kiểm định ANOVA với mức ý nghĩa sg. = 0,0000 cho thấy mô hình hồi qui tuyến tính bội được xây dựng phù hợp với tập dữ liệu. (3) Hệ số R2 = 0,781 cho biết các biến độc lập giải thích được 78,1% biến thiên của biến phụ thuộc. 

5. Kết luận và khuyến nghị

Từ kết quả phân tích dữ liệu và kiểm định mô hình cho thấy các trọng số hồi qui đều có giá trị dương, có nghĩa là: Nhận thức của nhà quản trị DN FDI trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh về thực hành CSR sẽ góp phần nâng cao hiệu quả tài chính của DN; kết quả nghiên cứu này phù hợp với các nghiên cứu trước thuộc nhóm thứ nhất đã đề cập ở trên, phù hợp với nghiên cứu của Châu Thị Lệ Duyên và các cộng sự (2014) khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa TNXH, lợi ích kinh doanh và hiệu quả tài chính của DN khu vực TP. Cần Thơ.

Mặc dù đã có nhận thức tích cực về thực hành CSR sẽ mang lại lợi ích cho DN; mức độ đánh giá về mối quan hệ giữa CSR và KQTC còn thấp biểu hiện ở giá trị trung bình các biến quan sát.

Các trọng số hồi qui chuẩn hóa cho thấy mức độ đánh giá về mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành CSR và KQTC khác nhau; theo đó, CSR đối với nhà cung cấp có tác động mạnh nhất đến KQTC, kế đến là CSR đối với các yếu tố khác lần lượt như sau: khách hàng, nhà nước, người cấp tín dụng, người lao động, cộng đồng và môi trường. Như vậy, trong những năm qua, DN FDI chủ yếu quan tâm đến lợi ích trước mắt gắn với nhà cung cấp, khách hàng, chưa có sự quan tâm đúng mức đến người lao động, cộng đồng và môi trường. Kết quả này phù hợp với nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị 30 năm thu hút vốn FDI tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2018.

Thực hiện CSR tại DN nói chung và các DN FDI nói riêng không chỉ là tuân thủ các qui định hiện hành của pháp luật nhà nước mà còn thể hiện ý thức trách nhiệm và đạo dức nghề nghiệp của lãnh đạo các DN. Vì vậy, để tăng cường CSR của các DN FDI trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với các bên liên quan, thiết nghĩ cơ quan nhà nước các cấp cần phải thực hiện những vấn đề sau: (1) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phù hợp các DN FDI trong việc thực hiện các qui định của pháp luật về lao động, môi trường, thuế; cần có biện pháp chế tài đối với những trường hợp cố tình vi phạm các qui định của pháp luật hiện hành. (2) Các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các DN đóng trên địa bàn thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng.   

Kết quả nghiên cứu thu được phụ thuộc vào đánh giá của chính các nhà quản trị về mối quan hệ giữa CSR và KQTC. Đây có thể là những hạn chế của nghiên cứu này. Hơn nữa, nghiên cứu mới tập trung trả lời cho câu hỏi có hay không mối quan hệ giữa CSR và KQTC của DN, mà chưa nghiên cứu nhân tố nào tác động đến CSR.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tài liệu tiếng Việt:

1. Châu Thị Lệ Duyên và công sự (2014), Nghiên cứu mối quan hệ giữa TNXH, lợi ích kinh doanh và hiệu quả tài chính của DN khu vực TP. Cần Thơ, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ.

2. Hoàng Thị Phương Thảo và cộng sự (2015), TNXH của DN, niềm tin và sự gắn kết với tổ chức của nhân viên ngân hàng, Tạp chí Phát triển kinh tế 26(8), 37 - 53.

3. Thanh Giang (2018), 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Điểm sáng thu hút vốn, Nguồn: http://daidoanket.vn/thi-truong/30-nam-dau-tu-nuoc-ngoai-tai-viet-nam-diem-sang-thu-hut-von-tintuc419369

4. Khắc Nam (2018), 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Tầm nhìn và cơ hội trong kỷ nguyên mới, Nguồn: https://baomoi.com/30-nam-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-tai-viet-nam-tam-nhin-va-co-hoi-trong-ky-nguyen-moi/c/28014989.epi

Tài liệu tiếng Anh:

5. Cannon, T. (1994). Vulnerability Analysis and the Explanation of “Natural” Disasters. In A. Varley (Ed.), Disasters, Development and Environment (1st ed., pp. 14 - 30). John Wiley & Sons Ltd.

6. Guler Aras, David Crowther (2009), Corporate Sustainability Reporting: A Study in Disingenuity, Journal of Business Ethics 87 (1):279 - 288. https://philpapers.org/rec/ARACSR

7. Freeman, R. (1984), Strategic Management: A Stakeholder Approach, Cambridge University Press, New York.

8. Friedman, A. (2006), Free Markets and the End of History, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/ 10.1111/j.1540-5842.2006.00787.x

9. Friedman, A. (2007), The social responsibility of business is to increase its profits, Corporate Ethics and Corporate Governance, pp. 173-8.

10. KPMG (2011), International Servey of Corperate Responsibility Reporting, https://www.kpmg.de/docs/survey-corporate-responsibility-reporting-2011.pdf

STUDYING THE RELATIONSHIP BETWEEN

THE CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITY AND THE

FINANCIAL PERFORMANCE OF FOREIGN-INVESTED

ENTERPRISES IN HO CHI MINH CITY

Assoc.Prof.Ph.D TRAN DINH PHUNG

TRAN THAI HOANG

NGUYEN THI TUYET TRINH

Saigon University

ABSTRACT:

This article studies the relationship between the corporate social responsibility and the financial performance of foreign-invested enterprises in Ho Chi Minh City. This study shows that a good implementation of corporate social responsibility could help foreign-invested enterprises increase their financial performance. This study provides empirical evidence on the relationship between the corporate social responsibility and the business results of foreign-invested enterprises located in Ho Chi Minh City.

Keywords: Social responsibility, foreign-invested enterprises, Ho Chi Minh City.