Nghiên cứu những giải pháp phát triển du lịch bền vững tại Bà Rịa - Vũng Tàu

TS. VŨ VĂN ĐÔNG (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu trên nền tảng của dữ liệu thống kê, phương pháp định tính và cơ sở lý thuyết để đề xuất những giải pháp phát triển du lịch bền vững tại Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến khả năng thu hút khách du lịch và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch bền vững. Theo đó, tác giả đề xuất các nhóm giải pháp với mục tiêu đem lại hiệu quả lâu dài cho Bà Rịa - Vũng Tàu, lan tỏa đến các địa phương trong cả nước và quốc tế.

Từ khóa: Nghiên cứu, du lịch, bền vững, phát triển, giải pháp, Bà Rịa - Vũng Tàu.

1. Đặt vấn đề

Trong thời gian qua, ngành kinh tế du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có sự tăng trưởng khá bền vững, duy trì nhịp độ phát triển theo chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ Tỉnh lần thứ VII đề ra, đạt được những thành tựu quan trọng về thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, sản phẩm du lịch mới, các loại hình dịch vụ đạt chất lượng được đầu tư phát triển. Tỉnh đã tập trung ổn định có hiệu quả trật tự, an toàn tại các điểm du lịch. Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, ngành kinh tế du lịch vẫn đang phát triển chưa tương xứng, mà nguyên nhân chủ yếu là do vai trò của kinh tế du lịch chưa được các cấp chính quyền nhận thức đầy đủ, hạ tầng kỹ thuật đầu tư trực tiếp phục vụ cho du lịch chưa đồng bộ, chính sách về đất đai và đầu tư chưa ổn định. Năm 2019, dịch Covid 19 đã gây ảnh hưởng lớn cho các khu du lịch ven biển. Điều này phần nào làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch. Trong bối cảnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VII theo chỉ đạo của Bộ Chính trị đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh; nhằm duy trì và đẩy nhanh đà tăng trưởng của ngành kinh tế du lịch, xác định rõ những cơ sở khoa học để tìm ra những giải pháp phát triển du lịch bền vững cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là ngành kinh tế mũi nhọn.

2. Những cơ sở khoa học

2.1. Từ góc độ bền vững về kinh tế

- Để ngành Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và hướng tới phát triển du lịch bền vững, cùng với việc kiện toàn bộ máy tổ chức, tăng cường năng lực quản lý, công tác quản lý nhà nước về du lịch ở Bà Rịa - Vũng Tàu cần đánh giá lại tốc độ đầu tư các khu du lịch, chất lượng khai thác các nguồn tài nguyên; công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường sinh thái; xác lập và duy trì, nuôi dưỡng tốt mối quan hệ với cộng đồng địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

- Tốc độ đầu tư cho du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá khá cao thông qua sự đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật,... Nhưng khi đầu tư quá nhanh, ồ ạt, sẽ tiềm ẩn nguy cơ suy thoái vì đầu tư càng nhiều, tốc độ khai thác các nguồn tài nguyên sẽ càng lớn, dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên.

 - Công tác xúc tiến quảng bá du lịch ở Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng có nhiều chuyển biến, bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, quy mô hoạt động còn nhỏ, hiệu quả chưa cao, chương trình xúc tiến quảng bá chậm đổi mới chưa đáp ứng nhu cầu du khách, một số doanh nghiệp thiếu trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho du khách gây tác động tiêu cực đến phát triển du lịch bền vững.

 - Thực trạng về chất lượng nguồn nhân lực du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay chưa được nâng lên theo hướng bền vững, cần có chuyển biến đột phá, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đặc biệt trong bộ phận làm công tác chiến lược, quy hoạch ngành. Đồng thời, tỉnh cần nâng cao tay nghề đội ngũ lao động trực tiếp phục vụ khách du lịch cả về ngoại ngữ, tin học và kiến thức văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

2.2. Từ góc độ bền vững về môi trường

- Hoạt động khai thác nguồn tài nguyên du lịch ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang diễn ra ồ ạt trong những năm gần đây. Phát triển cần có sự đầu tư khai thác các nguồn tài nguyên. Hoạt động du lịch có mức độ khai thác nhanh hơn, nhiều hơn, nhưng hiệu quả mang lại không cao. Do vậy, cần phải tránh đi “vết xe đổ” của nhiều nơi khi diễn ra xây dựng bê tông ồ ạt, khai thác du lịch bừa bãi, gây suy thoái môi trường nghiêm trọng.

 - Công tác quản lý hiện nay còn chồng chéo, chưa thể hiện trách nhiệm rõ ràng, nhận thức về khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên còn hạn chế; cần có sự phối hợp giữa các ngành chức năng, cộng đồng địa phương, các doanh nghiệp và du khách để góp phần bảo vệ hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch, đáp ứng yêu cầu du lịch bền vững.

- Chính quyền địa phương chưa đánh giá được mức độ xuống cấp của các khu du lịch, các khu bảo tồn biển. Công tác bảo tồn hiện đang có nhiều bất cập, cần có điều chỉnh trong công tác quy hoạch để có kế hoạch bảo tồn cụ thể cho từng khu du lịch.

 - Những điểm du lịch chính ở Bà Rịa - Vũng Tàu có cường độ hoạt động khá cao, tập trung chủ yếu vào mùa du lịch. Sự quá tải do lượng du khách chắc chắn sẽ gây tác động đến môi trường sống, nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, sự suy giảm đa dạng sinh học là không tránh khỏi.

2.3. Từ góc độ bền vững về xã hội

- Phát triển du lịch làm thay đổi nhận thức trong việc đóng góp lợi ích kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, giải quyết tình trạng thất nghiệp.

- Mục tiêu của du lịch là vì sự phát triển của cộng đồng, đem lại lợi ích cho cộng đồng và phát triển du lịch bền vững chỉ có thể thực hiện được khi có sự tham gia của cộng đồng. Sự tham gia của người dân sẽ hạn chế các yếu tố xung đột có thể xảy ra trong du lịch.

 - Hoạt động xã hội hóa ngày càng ưu tiên trong lĩnh vực du lịch nhằm khai thác nguồn lực bên ngoài, cùng với nhiều chính sách ưu đãi góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khó khăn hiện nay là việc kiểm soát, quản lý các khách sạn quy mô nhỏ, chưa đạt chuẩn trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.

- Du nhập của văn hóa ngoại lai ngày càng diễn biến phức tạp. Hoạt động du lịch là lĩnh vực dễ dẫn đến biến đổi bản sắc văn hóa nếu chúng ta không có giải pháp lâu dài và cần có sự phối hợp giữa các ban ngành về giữ gìn nét truyền thống văn hóa địa phương.

3. Những giải pháp

3.1. Về phía cơ quan quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch bền vững

3.1.1. Công tác quy hoạch du lịch

Quy hoạch về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2025 và tầm nhìn 2035  đã đánh giá thực trạng, xác định những điểm yếu, thuận lợi của ngành, đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên phục vụ du lịch, định hướng phát triển du lịch và đề ra giải pháp thực hiện quy hoạch. Nhìn chung, xây dựng quy hoạch đã phân tích được về hiệu quả kinh tế, quy mô hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, thu hút dự án đầu tư nhưng chưa đề cập đến đánh giá tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến tài nguyên, môi trường, chưa đề ra giải pháp về bảo tồn khu danh thắng, quy mô đầu tư cho hoạt động bảo tồn. Để đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững, cần bổ sung trong quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2035 như sau:

+ Điều tra, thống kê những chỉ tiêu về kinh tế, môi trường và xã hội đã tác động đến phát triển du lịch thành phố. Qua đó, đánh giá mức độ cảnh báo ở mỗi tiêu chí để có định hướng cụ thể cho triển khai thực hiện quy hoạch hiệu quả hơn; phân bổ các nguồn lực hợp lý, tránh sự đầu tư lãng phí, không đúng đối tượng.

+ Đánh giá thực trạng công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các khu danh thắng thông qua các chỉ tiêu về quy mô đầu tư, số lượng và chất lượng các công trình được quy hoạch tu bổ, xây dựng giải pháp cho công tác tôn tạo các danh thắng, các khu di tích lịch sử nhằm bảo tồn các giá trị của nguồn tài nguyên.

3.1.2. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

+ Bổ sung những ngành nghề đào tạo về du lịch theo các đề án trong và ngoài nước.

+ Đẩy mạnh hợp tác phát triển nguồn nhân lực với các tập đoàn lớn, đa quốc gia về lĩnh vực du lịch, tiếp thu những kinh nghiệm trong quản lý, điều hành cũng như tính chuyên nghiệp trong phục vụ du khách. Khai thác thế mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn thành phố.

+ Khảo sát, thống kê chính xác chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, quản lý dự án và một số ngành nghề khác trong ngành du lịch, trên cơ sở đó xây dựng phương án đào tạo lại và bồi dưỡng.

+ Tiếp tục bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức về văn hoá, xã hội, lịch sử của Bà Rịa - Vũng Tàu cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, đào tạo và phát triển kỹ năng thành thạo nhiều ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh để phục vụ khách quốc tế.
            + Phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn văn hóa giao tiếp cho những đối tượng thường xuyên tiếp xúc khách du lịch đặc biệt khách quốc tế như nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn, đội xích lô, taxi…

3.1.3. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch và hướng tới sản phẩm có giá trị cao

Phát triển sản phẩm giá trị cao, độc đáo và sáng tạo, phát huy lợi thế so sánh vùng là giải pháp bền vững. Theo đó, cần có một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có và phát triển đa dạng hóa sản phẩm mới, có giá trị kinh tế cao như sau:

  • Đối với sản phẩm hiện có:

            - Đánh giá lại hiệu quả của toàn bộ sản phẩm du lịch hiện đang được cung cấp phục vụ du khách thông qua đánh giá sự hài lòng của họ về sản phẩm, hiệu quả kinh tế cho đầu tư phát triển loại sản phẩm đó thông qua một số tiêu chí như: Chất lượng, giá cả, mẫu mã, hình dáng sản phẩm, thái độ phục vụ, mức độ quan tâm của du khách đến với sản phẩm, mức chi tiêu đối với sản phẩm,…

- Phân loại sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố, định vị sản phẩm chủ lực, sản phẩm bổ sung, sản phẩm thay thế để làm căn cứ phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý, hỗ trợ công tác quy hoạch, định hướng thu hút đầu tư nhằm khai thác tối đa hiệu quả các nguồn lực.
            - Tổ chức đan xen các hoạt động du lịch với nhau phù hợp theo mùa, theo sự kiện nhằm khai thác hợp lý nguồn lực, hạn chế sự quá tải dẫn đến suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

- Cuộc thi quốc tế của Bà Rịa - Vũng Tàu là một loại hình sản phẩm du lịch đặc thù, mang tính độc đáo, có giá trị văn hóa cao. Lượng du khách về Bà Rịa - Vũng Tàu trong những ngày hội này rất đông. Để duy trì và nâng cao chất lượng chương trình, một sản phẩm đặc thù, tỉnh cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa về đội tuyển tham gia, người dẫn chương trình, các hoạt động hỗ trợ, công tác thu gom, rác thải, an ninh trật tự,…

            - Củng cố và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch biển đảm bảo lợi thế cạnh tranh, coi đây là sản phẩm chủ lực của thành phố. Tổ chức lại khu phố mua sắm, phố ẩm thực đêm để đáp ứng nhu cầu du khách lưu trú. Loại hình này đã tổ chức nhưng không duy trì, hiệu quả không cao do sản phẩm quá nghèo nàn, trùng lặp, chất lượng thấp và giá cả quá cao. Nâng cao chất lượng bãi tắm, tiếp tục xây dựng các bãi tắm du lịch kiểu mẫu. Tổ chức các sự kiện du lịch, thể thao biển, các hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng và các hoạt động khác tại bãi tắm. Tiếp tục tổ chức các dịch vụ du lịch trên biển ngày càng có chất lượng cao. Chú trọng hơn nữa công tác vệ sinh môi trường tại các bãi biển. Đầu tư về số lượng và chất lượng các khu nhà vệ sinh công cộng, đáp ứng lượng du khách tại các khu bãi tắm, tránh tình trạng đầu tư “cho có” mà không đưa vào sử dụng như thông tin đã phản ảnh trên phương tiện thông tin đại chúng.

  • Phát triển sản phẩm mới:

- Tổ chức cuộc thi ý tưởng phát triển sản phẩm du lịch để lựa chọn danh mục sản phẩm du lịch tiềm năng. Bà Rịa - Vũng Tàu đã từng tổ chức cuộc thi ý tưởng về sản phẩm du lịch nhưng chất lượng chưa cao, chưa độc đáo, sáng tạo.

- Hình thành các khu bán hàng lưu niệm, giải trí và các dịch vụ phục vụ du khách khu vực ven biển.

- Thu hút đầu tư phát triển khu vui chơi giải trí cao cấp nhiều thể loại phục vụ đối tượng du khách quốc tế và du khách trong nước có mức chi trả cao. Các loại hình vui chơi giải trí cũng phải được nghiên cứu cho phù hợp với điều kiện của địa phương để khai thác có hiệu quả.

3.1.4. Hoàn thiện cơ chế chính sách, quản lý điều hành

- Bà Rịa - Vũng Tàu cần quan tâm về tính minh bạch và trách nhiệm của bộ máy hành chính, thiết chế pháp lý. Cần cải thiện chất lượng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, giảm thiểu những chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp, thực hiện mô hình hành chính công hiện đại.

             - Cần thống nhất trong quản lý điều hành hoạt động du lịch thông qua sự phối hợp, liên kết chặt chẽ trong nội bộ ngành du lịch cũng như với các ban, ngành khác về các hoạt động như: Lữ hành, lưu trú, xây dựng các tour du lịch, quảng cáo, tiếp thị nhằm thu hút khách nội địa và quốc tế, khai thác tiềm năng phát triển du lịch theo hướng bền vững.

            - Sửa đổi, bổ sung và ban hành thống nhất quy chế quản lý các khu du lịch đã được quy hoạch để giúp cho việc triển khai được đồng bộ, phát huy năng lực quản lý điều hành, khai thác hiệu quả khu du lịch.

            - Phối hợp với các nhà cung cấp tài chính để xây dựng những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn kịp thời, thủ tục hồ sơ giải ngân vốn đảm bảo để đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.

            - Ban hành các quy định, cơ chế chính sách khuyến khích sự tham gia đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vào hoạt động phát triển du lịch, trong đó ưu tiên đối với những dự án đầu tư du lịch có giải pháp khả thi nhằm giảm thiểu các tác động của du lịch đến môi trường.

3.1.5. Tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền

Đối với hoạt động tuyên truyền về du lịch, cần có trách nhiệm cung cấp đầy đủ cho du khách những thông tin để nâng cao sự tôn trọng của du khách đến môi trường tự nhiên, xã hội và văn hóa khu du lịch. Quảng cáo đúng sự thật và không hứa hẹn những điều không có trong chương trình kinh doanh du lịch. Marketing trong du lịch giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.

            + Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các chương trình để quảng bá du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu như: Vũng Tàu - Biển hát, Cuộc thi thả diều quốc tế, ẩm thực thế giới, hoa hậu quý bà… đồng thời tuyên truyền, quảng bá hoạt động du lịch qua các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và Trung ương. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch thông qua hội chợ, triển lãm,…

3.1.6. Phát triển hạ tầng đô thị, cơ sở vật chất phục vụ du lịch

- Triển khai nhanh các dự án du lịch trên địa bàn thành phố nhằm đồng bộ các khu du lịch, cung cấp cơ sở lưu trú chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

- Rà soát và thẩm định lại cơ sở lưu trú theo đúng quy định về tiêu chuẩn lưu trú góp phần duy trì, nâng cao chất lượng dịch vụ trong các cơ sở lưu trú du lịch.

- Nâng cao chất lượng phục vụ, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, nhân viên tại các cơ sở lưu trú.

- Phân hạng và công bố các khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, khu mua sắm đạt tiêu chuẩn trên các kênh quảng cáo, thông tin, tuyên truyền. Nâng cấp chất lượng các khách sạn, nhà nghỉ bình dân hiện đang hoạt động và ngưng cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở lưu trú theo hình thức này để đồng bộ hệ thống cơ sở lưu trú phù hợp với thành phố du lịch hiện đại, ngăn chặn các tệ nạn xã hội do hoạt động du lịch tạo ra.

- Hoàn chỉnh hệ thống thông tin liên lạc, xây dựng và cải tạo mạng lưới cấp điện cho các khu đô thị và du lịch. Cung cấp đầy đủ nước sạch đáp ứng yêu cầu của du lịch. Mở rộng, cải tạo hệ thống thoát nước.

3.1.7. Tăng cường hợp tác quốc tế

Mô hình phát triển du lịch bền vững đã được các nước trên thế giới triển khai thực hiện, đặc biệt là những quốc gia có nền kinh tế, du lịch phát triển; nguồn tài nguyên đa dạng như Mỹ, Úc, Nhật Bản… Bà Rịa - Vũng Tàu cần đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế về nhiều lĩnh vực nhưng trước mắt cần tăng cường liên kết với các nước về kinh nghiệm quản lý phát triển du lịch bền vững để từ đó xác định hướng đi phù hợp.

3.1.8. Bảo vệ bền vững tài nguyên, môi trường

Để giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến phát triển du lịch bền vững, cần tập trung giải quyết một số nội dung sau:

+ Xây dựng đề án bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực ứng phó với các sự cố môi trường tại các khu du lịch, điểm du lịch; nghiên cứu xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn bền vững về môi trường trong du lịch phù hợp với tình hình phát triển du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu.

+ Thực hiện đánh giá chất lượng các dự án ảnh hưởng tới môi trường du lịch; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về công nghệ, thiết bị, quy trình vận hành, hệ thống xử lý nước thải và khả năng ứng phó sự cố môi trường của các cơ sở kinh doanh du lịch. Song song với những chính sách khuyến khích hoạt động phát triển du lịch bền vững, cần có biện pháp chế tài đối với những tổ chức du lịch thiếu trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

+ Khu vực bờ biển Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư rất nhiều cho hoạt động du lịch. Để phát triển bền vững du lịch vùng biển, cần xây dựng quy chế quản lý và kiểm soát chất thải, chống xói mòn bãi, bảo vệ rạn san hô và các hệ sinh thái nhạy cảm khác.

+ Xây dựng các quy chế sử dụng mặt nước, tàu thuyền du lịch câu cá, bơi lội, khu tắm biển văn minh, khu vực kinh doanh dịch vụ nhà hàng, hạn chế sự phát triển tràn lan các cơ sở kinh doanh ăn uống bình dân như hiện nay.

+ Phát triển du lịch cộng đồng cụ thể là xây dựng làng du lịch, khôi phục các làng nghề, thủ công truyền thống, chọn “điểm đến” để tạo ra các điểm tham quan du lịch mới, tăng trải nghiệm cho du khách.

+ Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, xây dựng các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức đến người dân địa phương về phát triển du lịch bền vững, tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào mọi hoạt động liên quan đến phát triển du lịch.

+ Khó khăn hiện nay trong công tác quản lý và khai thác tài nguyên du lịch là chồng chéo, trách nhiệm không rõ ràng. Do vậy, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc quản lý tài nguyên du lịch; quy định cụ thể các điều kiện, trách nhiệm và các chế tài xử lý vi phạm cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia khai thác tài nguyên du lịch...

3.1.9. Về tính xã hội, nhân văn

- Du lịch là ngành kinh tế mang tính liên ngành, đặt ra yêu cầu cần thiết phải có sự phối hợp, cùng tham gia của các Sở, ban, ngành, các thành phần kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc khai thác, sử dụng các nguồn lực hiệu quả, thúc đẩy cho ngành Du lịch phát triển bền vững. Giải pháp thành lập Quỹ phát triển du lịch thành phố trên cơ sở đóng góp của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch góp phần cho công tác xã hội hóa, chia sẻ kinh phí và cùng với thành phố phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là cần thiết.

- Đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng địa phương tham gia hoạt động du lịch:
            + Nhà nước tạo mọi điều kiện cho người dân tham gia vào việc hình thành sản phẩm du lịch mới gắn liền với cuộc sống người dân, cải thiện thu nhập, hạn chế việc khai thác tài nguyên phục vụ cuộc sống mưu sinh của họ.

            + Khuyến khích các doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tham gia đóng góp, đầu tư các công trình phúc lợi, hoạt động an sinh xã hội, nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, ưu tiên tuyển dụng và đào tạo lao động địa phương vào các hoạt động du lịch, thậm chí ở các vị trí quản lý.

            + Bảo đảm quyền lợi của cộng đồng cư dân tham gia vào việc bảo tồn các giá trị văn hoá, được hưởng lợi ích từ các sản phẩm du lịch.

- Tiếp tục duy trì và củng cố hoạt động Đội vệ sinh môi trường chuyên làm nhiệm vụ vớt rong rêu, rác thải trên các tuyến sông và biển đảm bảo môi trường luôn sạch đẹp trong và ngoài khu du lịch; Đội quản lý an ninh trật tự nhằm xử lý kiên quyết các tình trạng chèo kéo, tranh giành khách.

 - Thông qua các tổ chức đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên tổ chức tuyên truyền cho người dân địa phương tham gia tích cực vào các hoạt động du lịch, công tác bảo vệ, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch; tham gia vệ sinh môi trường tại các khu du lịch, khu vui chơi giải trí trên địa bàn họ sinh sống.

3.2. Đối với doanh nghiệp du lịch

Doanh nghiệp du lịch là nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho du khách, là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển du lịch. Doanh nghiệp du lịch cần thực hiện những giải pháp sau để góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển theo hướng bền vững:

- Tích cực tham gia vào hoạt động du lịch bền vững theo chủ trương của chính quyền địa phương. Thực hiện kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

- Tăng cường sự đầu tư phát triển hệ thống nhà hàng, khách sạn theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Xây dựng hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng và loại bỏ những hoá chất trong việc chăm sóc cơ sở du lịch. Dần dần sử dụng những nguyên vật liệu phục vụ trong phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng thân thiện môi trường.
- Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tiên tiến trong việc tiết kiệm nguồn năng lượng, hướng tới sử dụng năng lượng từ gió, mặt trời và các nguồn khác, góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

- Thực hiện công tác quảng bá, tiếp thị “xanh” như quảng cáo các sản phẩm du lịch giảm thiểu thiệt hại cho môi trường, cung cấp thông tin trung thực và giáo dục tuyên truyền cho du khách về những tác động đến tài nguyên bởi sự có mặt của họ.

- Cam kết không tăng giá trong mùa du lịch. Cùng với cộng đồng địa phương chia sẻ lợi tức từ hoạt động du lịch mang lại, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập người lao động góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội với chính quyền địa phương.

- Trang bị đầy đủ kiến thức cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, đội ngũ lao động trong ngành du lịch về đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp và đặc biệt là trang bị kiến thức hiểu biết toàn diện về lịch sử, văn hóa, ngoại ngữ, giữ vai trò như một PR về du lịch.

3.3. Đối với cộng đồng dân cư địa phương

Thông qua việc tham gia vào hoạt động du lịch giúp cho người dân không khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu sống, tạo việc làm, tăng thu nhập; trái lại chính họ góp phần vào sự phát triển du lịch bền vững. Để bảo vệ môi trường, góp phần cho phát triển du lịch bền vững, người dân địa phương cần:

- Thực hiện phân loại, thu gom và xử lý rác thải, nước thải trước khi đưa ra môi trường; Tích cực hưởng ứng và tham gia vào các phong trào làm sạch môi trường tại địa phương.

- Hưởng ứng và duy trì cùng với doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai chương trình phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái như cung cấp điểm đến, cơ sở lưu trú, thực phẩm, sản phẩm lưu niệm…

- Chấp hành các quy định, nội quy khi là khách du lịch tham quan. Tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho các thế hệ trong gia đình về ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc, thái độ ứng xử thân thiện với du khách.
- Tích cực tham gia, đóng góp ý kiến vào các giai đoạn xây dựng, triển khai quy hoạch phát triển du lịch của thành phố. Thường xuyên giữ mối liên hệ hai chiều với cơ quan địa phương trong việc cung cấp thông tin liên quan đến sự nguy hại của môi trường do các tổ chức, cá nhân gây ra để cùng với chính quyền địa phương kịp thời giải quyết, khắc phục.
- Tuyệt đối không xả rác thải ra ao hồ, sông suối, khu vực công cộng; không chèo kéo, đeo bám, ép giá khách; không có những hành động chặt cây, đốt lửa, vẽ bậy lên các hang động, di tích xung quanh tại khu du lịch; không săn bắn, khai thác trái phép các loài động vật hoang dã; không xây dựng các công trình gây mất cảnh quan môi trường.

3.4. Đối với du khách

Du khách là người sử dụng cuối cùng đến môi trường, là người tác động trực tiếp đến nguồn tài nguyên du lịch. Du khách rất đa dạng, nhiều tầng lớp, trình độ nhận thức và mức chi tiêu khác nhau, tác động của du khách lên môi trường là phức tạp. Giải pháp để đóng góp vào phát triển du lịch bền vững đối với du khách là:

            - Du khách cần được cung cấp đầy đủ thông tin trung thực thông qua các phương tiện truyền thông liên quan về điểm đến, những đặc điểm sinh thái, thời tiết, giao thông, dân số... Thông qua những thông tin này, du khách tự điều chỉnh hành động và chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi.

            - Đầu tư các phương tiện hỗ trợ trong việc thu gom, xử lý rác thải, có những biển báo, chỉ dẫn tại những khu vực thuận tiện cho du khách. Chính sự thiếu cung cấp các phương tiện, công cụ này sẽ là nguyên nhân gián tiếp cho du khách thải rác thải trực tiếp ra môi trường mặc dù họ không muốn hành động như vậy.

            - Chọn những doanh nghiệp nào có uy tín trong kinh doanh du lịch “xanh”, có trách nhiệm với địa phương, môi trường thông qua những sản phẩm du lịch mà họ cung cấp. Sử dụng các phương tiện đi lại ít gây tác động đến môi trường, ủng hộ các hoạt động gây quỹ bảo tồn khu thiên nhiên mà họ tới thăm.

            - Tham gia đóng góp ý kiến sau hành trình tham quan tại điểm du lịch về cách thức phục vụ, cảnh quan thiên nhiên, sản phẩm du lịch, môi trường, con người, ẩm thực,… để các doanh nghiệp và chính quyền địa phương có sự điều chỉnh phù hợp.

Mục tiêu của du lịch bền vững là phát triển, gia tăng sự đóng góp của du lịch vào kinh tế, cải thiện tính công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư, đáp ứng nhu cầu của du khách và duy trì chất lượng môi trường.

Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang tập trung các nguồn lực vào phát triển du lịch, thu hút rất nhiều dự án đầu tư, khai thác tại các khu bảo tồn, khu vực có nguồn tài nguyên. Chất lượng sản phẩm du lịch ngày càng được cải thiện, tạo môi trường du lịch thân thiện và an toàn, thu hút du khách đến với thành phố. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện theo những nguyên tắc về phát triển du lịch bền vững, đòi hỏi phải có nỗ lực, cố gắng và sự đồng tâm nhất trí giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân thành phố và du khách trong việc triển khai các giải pháp. Chắc chắn rằng, trong thời gian tới, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành điểm du lịch nổi tiếng của cả nước, vươn ra tầm khu vực và thế giới.



TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  2. Phạm Trung Lương (2002). Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam/Viện Nghiên cứu phát triển du lịch.
  3. Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển văn hoá, thể thao và du lịch đến năm 2020.
  4. Báo cáo tổng kết và phương hướng phát triển du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu
  5. Niên giám thống kê Bà Rịa - Vũng Tàu 2018, 2019.

 

SOLUTIONS FOR DEVELOPING BA RIA - VUNG TAU PROVINCE’S TOURISM SUSTAINABILITY

Ph.D VU VAN DONG

Vice Rector, Ba Ria - Vung Tau University

ABSTRACT:

This research is based on statistical data, qualitative methods and theoretical bases to propose solutions for sustainable tourism development in Ba Ria - Vung Tau Province. The sustainable development is one of the most important factors determining the tourist attraction of Ba Ria – Vung Tau Province and the efficiency of tourism businesses in the long-term. Based on the research’s findings, 4 solution groups are proposed to develop Ba Ria - Vung Tau Province’s tourism industry sustainability including the solution group for state management agencies, the solution group for tourism businesses, the solution group for local communities, and the solution group for tourists. These solution groups are expected to create long-term effects and long lasting results for not only Ba Ria – Vung Tau Province but also other localities across Vietnam.

Keywords: Research, tourism, sustainability, development, solutions, Ba Ria - Vung Tau Province.