Nghiên cứu pháp luật về thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập tiền công, tiền lương

Lê Huỳnh Phương Chinh (Bộ môn Luật Thương mại, Phó Giám đốc Trung tâm Luật So sánh, Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ)

Tóm tắt:
Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu các quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công, cụ thể, gồm các loại thu nhập chịu thuế từ tiền công, tiền lương quy định về giảm trừ gia cảnh đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công thể hiện qua trường hợp áp dụng giảm trừ gia cảnh, điều kiện, nguyên tắc giảm trừ, cũng như xác định các đối tượng giảm trừ, mức giảm trừ… Ngoài ra, quy định của pháp luật về phương pháp xác định thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương cũng được người viết tập trung nghiên cứu và phân tích.
Từ khóa: Thuế thu nhập cá nhân; thu nhập từ tiền công, tiền lương; quy định của pháp luật.

1. Đặt vấn đề
Hoạt động quản lý thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công là một trong những mặt công tác quan trọng của quản lý tài chính nhà nước. Hoạt động này bao gồm những mặt công tác cơ bản như: Quản lý các cá nhân thuộc diện khai, nộp thuế, tính thuế và các khoản được khấu trừ theo quy định của pháp luật về thuế; Tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, quy định pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tác dụng của thuế nói chung và thuế thu nhập cá nhân nói riêng đối với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghĩa vụ nộp thuế.
2. Quy định pháp luật về các loại thu nhập chịu thuế từ tiền từ tiền công, tiền lương
Các dạng thuế thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền công tiền lương như sau:
Căn cứ vào khoản 2 Điều 3 của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 được sửa đổi bổ sung năm 2012 và Điều 2 của Thông tư số 05/VNHN-BTC được ban hành vào ngày 14/3/2016 thì thu nhập chịu thuế từ từ tiền lương, tiền công, có thể bao gồm: Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công; Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật; Trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ. Có thể chia làm các nhóm chính như sau:
- Nhóm tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công.
- Nhóm các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: Phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật Lao động; Trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ”.
- Tiền thù lao dưới các hình thức.
- Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức; Các khoản lợi ích khác mà đối tượng nộp thuế nhận được bằng tiền hoặc không bằng tiền.
- Nhóm tiền thưởng, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như thế, ta có thể xác định về các loại thu nhập chịu thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công là các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài thu nhập từ tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức.
Theo quy định tại Điều 2c của Thông tư số 05/VBHN-BTC ngày 14/03/2016 hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân: Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.
3. Quy định pháp luật về giảm trừ gia cảnh đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công
* Quy định pháp luật về trường hợp giảm trừ gia cảnh đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương
Để góp phần giảm bớt gánh nặng về thuế và đảm bảo công bằng xã hội, nhà nước đã quy định giảm trừ gia cảnh trong quá trình thu nộp thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, người nộp thuế sẽ được trừ một khoản tiền vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế trên thu nhập phát sinh từ tiền lương, tiền công. Giảm trừ gia cảnh chỉ được đặt ra đối với các cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam không phân biệt nơi trả và nơi nhận thu nhập theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân1.
Pháp luật chỉ đặt ra việc giảm trừ gia cảnh đối với những khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú. Theo đó, cá nhân cư trú là những người hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam; hoặc có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau: có nơi ở đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú; có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế. Các khoản thu nhập khác như tiền trúng xổ số, nhận thừa kế, được tặng cho, tiền thu được từ hoạt động đầu tư, chứng khoán,… sẽ không được tính để giảm trừ. Giảm trừ gia cảnh được chia thành hai trường hợp:
+ Trường hợp giảm trừ cho bản thân người nộp thuế
Theo quy định của điềm b1 khoản 1 Điều 9 của Thông tư số 05/VBHN-BTC ngày 14/03/2016 Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân thì mức giảm trừ cho bản thân người nộp là 9 triệu đồng/tháng, 108 triệu đồng/năm.
+ Trường hợp giảm trừ cho người phụ thuộc
Theo quy định của điểm b2 khoản 1 Điều 9 của Thông tư 05/VBHN-BTC ngày 14/03/2016 Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân thì giảm trừ cho người phụ thuộc người phát sinh thu nhập chịu thuế, mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Căn cứ vào Khoản 1d, đ, e Điều 9 của Thông tư số 05/VBHN-BTC ngày 14/03/2016 Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân người phụ thuộc bao gồm:
- Con: Con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng, cụ thể gồm: Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng); Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động; Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
- Vợ hoặc chồng của người nộp thuế đáp ứng điều kiện theo pháp luật quy định.
- Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế.
- Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng bao gồm: Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế. Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế. Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột. Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.
Cá nhân được tính là người phụ thuộc phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Bị khuyết tật, không có khả năng lao động; Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
- Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
Người khuyết tật, không có khả năng lao động là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,...).
* Quy định pháp luật về hồ sơ chứng minh người phụ thuộc đối với thu nhập từ tiền công tiền lương.
4. Quy định pháp luật về nguyên tắc giảm trừ đối với thu nhập phát sinh từ tiền công tiền lương
Căn cứ vào Điều 9 của Thông tư số 05/VBHN-BTC ngày 14/03/2016 Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân thì nguyên tắc giảm trừ gia cảnh được tính như sau:
- Đối với việc giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế: Người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì tại một thời điểm (tính đủ theo tháng)người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi. Đối với người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 hoặc từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam trong năm tính thuế (được tính đủ theo tháng). Trường hợp trong năm tính thuế cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế theo quy định.
- Đối với giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc: Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế. Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký. Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
- Đối với người phụ thuộc khác là các cá nhân không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng, bao gồm: Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế. Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế. Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột. Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp này thì thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31/12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.
5. Quy định pháp luật về căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương
5.1. Đối với cá nhân cư trú
Căn cứ vào Điều 7 của Thông tư số 05/VBHN-BTC ngày 14/03/2016 Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân thì căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế sau khi được trừ đi các khoản giảm trừ gia cảnh, người phụ thuộc và thuế suất theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
5.2. Đối với cá nhân không cư trú
Căn cứ theo Điều 18 Thông tư số 05/VBHN-BTC ngày 14/03/2016 Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân không cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công như sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập chịu thuế x thuế suất 20%
Trong đó, thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định như đối với thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú.
- Việc xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công tại Việt Nam trong trường hợp cá nhân không cư trú làm việc đồng thời ở Việt Nam và nước ngoài nhưng không tách riêng được phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam thực hiện theo công thức sau:
+ Đối với trường hợp cá nhân người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam: Trong đó: Tổng số ngày làm việc trong năm được tính theo chế độ quy định tại Bộ Luật Lao động của Việt Nam.
+ Đối với các trường hợp cá nhân người nước ngoài hiện diện tại Việt Nam: - Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam nêu trên là các khoản lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền mà người lao động được hưởng ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả hoặc trả hộ cho người lao động2.
Tóm lại, cùng với sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, hoạt động quản lý thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của các cơ quan quản lý thuế cũng từng bước được đổi mới, cải thiện phù hợp với tình hình phát triển đất nước; góp phần giúp Chính phủ điều hành nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát được thu nhập của từng bộ phận nhân dân để hoạch định chính sách phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, an sinh xã hội… cho phù hợp, đồng thời góp phần ổn định nguồn thu ngân sách, quản lý hiệu quả nguồn thu thuế thu nhập cá nhân, đảm bảo công bằng xã hội trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Hiện nay, thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu ngân sách nhà nước. Do đó, để pháp luật thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi, bổ sung) nhanh chóng phát huy vai trò trong cuộc sống, đảm bảo công bằng giữa những người nộp thuế, tránh thất thu, ngành Thuế cần tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với lĩnh vực này.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Điểm a khoản 1 Điều 9 của Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15-8-2013 Hướng dẫn thực hiện thuế thu nhập cá nhân, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
2 Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân không cư trú, http://ketoanthienung.org/tin-tuc/cach-tinh-thue-tncn-doi-voi-ca-nhan-khong-cu-tru.htm [truy cập ngày 6.12.2016]
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Luật Quản lí thuế năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2014, 2016).
2. Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).
3. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008.
4. Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.
5. Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
6. Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế.
7. Nghị định số 14/VBHN-BTC ngày 26/5/2015 của Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
8. Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
9. Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế.
10. Thông tư số 05/VBHN-BTC ngày 14/03/2016 hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

STUDYING THE LAW ON PERSONAL INCOME TAX ON WAGE INCOME

LE HUYNH PHUONG CHINH

Department of Commercial Law, Deputy Director of Center for Comparative Law, School of Law, Can Tho University

ABSTRACT:

In this article, the author focuses on studying the provisions of the law on personal income tax from salaries, taxable income from wages, wages deduction according to family circumstances, conditions and deduction principles, as well as determining deductible subjects and deduction levels. In addition, the provisions of the law on methods of determining personal income tax on income from wages and salaries are also analyzed by the writer.

Keywords: Personal income tax; income from wages, salary; provisions of law.