Người cán bộ khuyến công nhiệt huyết và tận tâm

Anh Đào Hoàng Hát, Trưởng phòng khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng luôn tâm đắc một điều "Vốn khuyến công luôn đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp cơ sở".

6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công Thương phê duyệt 20 đề án với tổng kinh phí thực hiện 6.276,663 triệu đồng. Trong đó, chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ thực hiện 02 đề án với số tiền là 900 triệu đồng. Đạt được kết quả đó, có phần đóng góp không nhỏ của cán bộ khuyến công Đào Hoàng Hát, người vừa vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong công tác.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ khuyến công, anh Đào Hoàng Hát, Trưởng phòng khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng luôn tâm đắc một điều "Vốn khuyến công luôn đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp cơ sở", vì thế bản thân cùng với tập thể phòng luôn cố gắng thực hiện tốt công tác khảo sát, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của cơ sở sản xuất sát với thực tế nhằm để tư vấn, hướng dẫn, trợ giúp cơ sở thực hiện tốt các hạng mục cần thiêt đầu tư để thông qua nguồn vốn khuyến công hỗ trợ phát huy được hiệu quả cao nhất.

Khi đảm nhận công việc Trưởng phòng khuyến công, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ đối với anh Đào Hoàng Hát là đội ngũ viên chức của Phòng thường xuyên biến động, tuổi đời còn trẻ, viên chức mới nhận nhiệm vụ phải tốn nhiều thời gian nghiên cứu để nắm bắt thực hiện tốt nhiệm vụ. Từ đó, anh Đào Hoàng Hát đã chủ động lên kế hoạch, thường xuyên tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm với các phòng Kinh tế/ Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố. Điều đó cũng ít nhiều khắc phục tình trạng cán bộ kiêm nhiệm phụ trách nhiều lĩnh vực, thường xuyên thay đổi, từ đó việc nắm bắt nhu cầu, đề xuất đăng ký thực hiện kế hoạch khuyến công hằng năm được tốt hơn.

Anh Đào Hoàng Hát (thứ 2 từ trái sang) tư vấn công tác khuyến công cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp (tháng 7/2021), tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh, thành khu vực phía Nam áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Với chức năng thực hiện hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp, Đào Hoàng Hát đã luôn nỗ lực, chủ động tham mưu lãnh đạo đơn vị trình Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương phê duyệt, tổ chức thực hiện hoàn thành 13 đề án khuyến công với số tiền 5.361,722 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách hỗ trợ 2.433,722 triệu đồng, đơn vị thụ hưởng đóng góp 2.928 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch. Cụ thể: Chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ thực hiện 1 đề án nhóm với số tiền 900 triệu đồng, đơn vị thụ hưởng đóng góp 950 triệu đồng; chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ thực hiện 12 đề án với số tiền khoảng 1.533,722 triệu đồng, đơn vị thụ hưởng đóng góp 1.978 triệu đồng.

Quá trình thực thi công việc, Trưởng phòng Đào Hoàng Hát đã chủ động, thường xuyên liên hệ, bám sát nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị thụ hưởng, hướng dẫn lập hồ sơ đề án đăng ký hỗ trợ. Qua đó, đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, tham mưu lãnh đạo đơn vị tranh thủ các nguồn kinh phí phê duyệt nhằm thực hiện hoàn thành kế hoạch trong năm.

Bước sang năm 2022, kinh tế xã hội của Sóc Trăng đang từng bước phục hồi và phát triển, vai trò của những cán bộ làm công tác khuyến công là phải nhanh chóng khảo sát, nắm bắt nhu cầu, nội dung hỗ trợ cấp thiết của các cơ sở công nghiệp nông thôn để thực hiện các đề án hỗ trợ giúp các cơ sở phục hồi sản xuất sau dịch. Vì vậy, Đào Hoàng Hát và cộng sự đã chủ động rà soát, tham mưu lãnh đạo đơn vị đề xuất các định hướng ngành nghề hỗ trợ, trọng tâm xây dựng các đề án nhóm, đề án điểm phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, định hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đến năm 2025.

Cụ thể, sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương; các đề án hỗ trợ phát triển các sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; các ngành chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; sản phẩm công nghiệp có giá trị tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0; tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Hạn chế đề xuất các đề án dàn trải, phân tán, quy mô nhỏ, hiệu quả đầu tư thấp.

Nội dung đề xuất hỗ trợ tập trung các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng, đăng ký nhãn hiệu.

Khuyến công Sóc Trăng tập trung ưu tiên hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, phù hợp với tiềm năng của địa phương

Lấy phương châm "sự phát triển của doanh nghiệp là niềm tự hào của đơn vị", thời gian qua những việc làm của Đào Hoàng Hát đã tiếp thêm động lực cho đồng nghiệp thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Kết lại câu chuyện với cán bộ khuyến công Đào Hoàng Hát, anh không quên gửi gắm những mong muốn để hoạt động khuyến công của Sóc Trăng phát huy tốt vai trò, hiệu quả hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.

Thăng Long