Người Việt chi bao nhiêu tiền cho hoạt động mua sắm trực tuyến?

Việt Nam đang là quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ người tiêu dùng chấp nhận mua hàng online từ 45 - 60%, vậy, mỗi năm, trung bình người tiêu dùng Việt chi bao nhiêu nhiêu tiền cho hoạt động mua sắm trực tuyến này?

Tiếp nối sự thành công của Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2018 (Vietnam Online Marketing Forum), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tiếp tục tổ chức Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2019 (VOMF) vào sáng 14/8/2019 tại Hà Nội và ngày 16/8/2019 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Đây là năm thứ tư sự kiện được tổ chức tại Việt Nam quy tụ trên 35 diễn giả hàng đầu về marketing đến từ các tổ chức và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh tiếp thị trực tuyến như Nielsen, Google, Facebook, comScore, Amazon, Cốc Cốc...

diễn đàn tiếp thị trực tuyến
Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2019 quy tụ trên 35 diễn giả hàng đầu về marketing 

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Diễn đàn tiếp thị trực tuyến là sự kiện thường niên và chính thống về tiếp thị trực tuyến với quy mô toàn quốc nhằm thúc đẩy thị trường tiếp thị trực tuyến nói riêng cũng như thương mại điện tử Việt Nam ngày một phát triển; đồng thời, giúp các doanh nghiệp tiếp cận những xu thế mới của tiếp thị trực tuyến thế giới.

Ông Hải nhấn mạnh, VOMF 2019 với chủ đề “Cá nhân hóa trải nghiệm” sẽ xuyên suốt của Diễn đàn năm nay. Bởi nhu cầu của khách hàng ngày nay rất đa dạng và liên tục biến chuyển, chủ động lựa chọn thông tin muốn tiếp cận, loại bỏ những gì không cần thiết...

Vì thế, hoạt động cá nhân hoá trải nghiệm, quảng cáo và khuyến mãi là xu hướng tất yếu để thương hiệu bán lẻ thành công trong việc tăng doanh số, ông Hải nói.

Theo đánh giá của VECOM, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ngoạn mục.

Cụ thể, với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM nhấn mạnh, VOMF 2019 không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại điện tử xác định chiến lược tiếp thị trực tuyến phù hợp nâng cao hiệu quả tiếp thị, mà còn góp phần mở rộng thị trường tiếp thị trực tuyến, nâng cao thị phần của các doanh nghiệp trong nước.

diễn đàn tiếp thị trực tuyến
Trung bình, mỗi năm, người tiêu dùng Việt Nam chi 210 USD/năm cho hoạt động mua sắm trực tuyến

Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 của VECOM cho thấy, hiện phần lớn hoạt động thương mại điện tử diễn ra ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ngoài ra còn có ở một số địa phương liền kề như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai và Bình Dương.

Tuy nhiên, các thành phố lớn trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ mặc dù đang đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử nhưng hoạt động kinh doanh trực tuyến tại hầu hết các tỉnh, thành phố này còn yếu và có nguy cơ tụt lại so với 2 thành phố dẫn đầu.

“Ước tính, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm tới 70% giao dịch thương mại điện tử. Quy mô thương mại điện tử ở các địa phương khác nhau, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa rất nhỏ. Trong khi đó, khoảng 70% dân số lại sống ở nông thôn”- VECOM nhận định.

Do đó, VECOM cho rằng, khu vực nông thôn có tiềm năng tiêu thụ lớn, đồng thời cũng là nơi cung cấp sản phẩm đa dạng phù hợp với bán hàng trực tuyến.

Muốn thương mại điện tử phát triển nhanh, bền vững, nhất định phải thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương, đặc biệt phải hỗ trợ khu vực nông thôn bán hàng trực tuyến, VECOM khuyến cáo.

Nói rõ hơn về những chỉ số thương mại điện tử, bà Lại Việt Anh- Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam rất nhanh, khoảng 30% năm.

Dung lượng thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang đứng thứ hai Đông Nam Á sau Indonesia với khoảng 40 triệu người mua sắm trực tuyến.

“Trung bình, người tiêu dùng Việt Nam chi 210 USD/năm cho hoạt động mua sắm trực tuyến. Người tiêu dùng ngày càng nhanh nhạy nắm bắt tiện ích của TMĐT, tìm kiếm thông tin sản phẩm, so sánh giá cả… đồng thời, nhu cầu cũng trở nên tinh tế, khắt khe hơn.

Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ phải tìm các phương thức tiếp thị mới để tiếp cận thị trường”- bà Lại Việt Anh nói.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM chia sẻ, VOMF 2019 là cơ hội để trao đổi thông tin, định hướng các giải pháp và hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến.

VOMF 2019 không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại điện tử xác định chiến lược tiếp thị trực tuyến phù hợp nâng cao hiệu quả tiếp thị mà còn góp phần mở rộng thị trường tiếp thị trực tuyến, nâng cao thị phần của các doanh nghiệp trong nước.

VOMF 2019 bao gồm 4 phiên thảo luận: Thực tiễn và xu hướng; Từ kế hoạch đến thực thi; Tiếp thị thông minh và phiên Thấu hiểu và bùng nổ.

Thu Thủy