Nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá hạt tiêu trong nước tăng mạnh

Nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá hạt tiêu tại thị trường nội địa ở mức cao. Lượng hàng bán ra rất ít, một phần do nguồn cung trong dân gần như đã hết. Các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng giúp hàng hóa lưu thông tốt, hoạt động xuất khẩu diễn ra bình thường.

Giá hạt tiêu trong nước tăng mạnh

Tuần cuối tháng 10/2021, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa ở mức 88.500 đồng/kg, tăng 8.500 đồng/kg; hạt tiêu trắng ở mức 130.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/ kg so với cuối tháng 9/2021.

Diễn biến giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng tại thị trường trong nước từ tháng 7/2021 đến nay (đồng/kg)

hat tieu

Nguồn: Tintaynguyen.com

Quý III/2021, giá hạt tiêu xuất khẩu tại hầu hết các nước sản xuất lớn trên thế giới tăng do nguồn cung khan hiếm và hoạt động vận chuyển gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu tăng dịp cuối năm cũng tác động tích cực lên giá hạt tiêu. 

Dự báo giá hạt tiêu toàn cầu sẽ tăng trong thời gian tới do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu tăng cao dịp cuối năm. Theo Hiệp hội Hạt tiêu Thế giới, sản lượng hạt tiêu toàn cầu giảm trong năm 2021 phần lớn do sản lượng của Việt Nam giảm 8%, trong khi sản lượng của Bra-xin giữ ổn định, sản lượng của In-đô-nê-xi-a tăng 3%.

Xuất khẩu hạt tiêu quý IIII/2021 tăng mạnh so quý III/2020

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam quý III/2021 giảm mạnh so với quý II/20221 do ảnh hưởng tiêu cực từ làn sóng Covid-19 lần thứ 4, giảm 36,5% về lượng và giảm 30,1% về trị giá, nhưng so với quý III/2020 tăng 10,7% về lượng và tăng 66,9% về trị giá, đạt 59,3 nghìn tấn, trị giá 223,44 triệu USD.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 213 nghìn tấn, trị giá 719,16 triệu USD, giảm 3,2% về lượng, nhưng tăng 47% về trị giá so với 9 tháng đầu năm 2020. Dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ tăng dịp cuối năm nhờ nhu cầu tiêu thụ của thị trường nước ngoài tăng, giá giữ ở mức cao. Về khu vực Quý III/2021, trị giá xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang tất cả các khu vực giảm mạnh so với quý II/2021, còn so với quý III/2020, trị giá xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết các khu vực tăng, ngoại trừ châu Phi. 

Trong bối cảnh xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường châu Âu gặp khó khăn, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng chuyển dịch thị trường xuất khẩu sang khu vực châu Á. Tỷ trọng xuất khẩu hạt tiêu sang khu vực châu Á chiếm 37,96% tổng giá trị xuất khẩu trong quý III/2021, cao hơn so với tỷ trọng 34,52% trong quý III/2020. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu hạt tiêu sang châu Âu, châu Mỹ, châu Phi giảm từ 28,41%, 29,2%, 5,92% trong quý III/2020 xuống 28,39%, 27,45%, 4,07% trong quý III/2021.

Về chủng loại Quý III/2021 so với quý II/2021, trị giá xuất khẩu tất cả các chủng loại hạt tiêu giảm, mức giảm thấp nhất 12,3% đối với hạt tiêu trắng, mức giảm cao nhất 34,6% đối với hạt tiêu đen. Còn so với quý III/2020, trị giá xuất khẩu hầu hết các chủng loại hạt tiêu tăng, ngoại trừ hạt tiêu đen xay.

Cơ cấu chủng loại hạt tiêu xuất khẩu trong quý III

(Tỷ trọng tính theo trị giá)

gia hat tieu

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Dung lượng thị trường nhập khẩu hạt tiêu của 10 thị trường lớn và thị phần của Việt Nam

Những tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hạt tiêu của hầu hết các nước có dung lượng thị trường lớn tăng so với cùng kỳ năm 2020, ngoại trừ Trung Quốc. Đối với ngành hạt tiêu Việt Nam, do ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng Covid-19 khiến hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh và mạnh trong các tháng đầu năm nay khiến cho một số nước có xu hướng chuyển sang nhập khẩu hạt tiêu từ Bra-xin. 

Những tháng đầu năm 2021, các thị trường giảm nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam bao gồm: Hà Lan, Pháp và Nhật Bản. Bên cạnh đó, tốc độ nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung. Bù lại, ngành hạt tiêu Việt Nam cũng đã khai thác tốt các thị trường Đức, Nga, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc. Thị trường Anh Dung lượng nhập khẩu hạt tiêu của Anh ở mức cao và tương đối ổn định. Đây được xem là thị trường tiềm năng lớn đối với các nhà xuất khẩu trên thế giới, mức tiêu thụ bình quân đầu người ở Anh có xu hướng tăng. 

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế, nhập khẩu hạt tiêu của Anh trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 41,65 triệu USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, trị giá nhập khẩu hạt tiêu của Anh từ Việt Nam đạt xấp xỉ 16 triệu USD, tăng 43,9%. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Anh tăng từ 29,1% trong 8 tháng đầu năm 2020 lên 38,36% trong 8 tháng đầu năm 2021. Nhu cầu nhập khẩu tăng cao và lợi thế về Hiệp định Thương mại tự do UKVFTA đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành hạt tiêu nước ta gia tăng giá trị và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Anh. 

Thị trường Trung Quốc Nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm. Điều này sẽ tác động tích cực lên giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam, trong bối cảnh nguồn cung nội địa gần như đã cạn kiệt. Nhiều khả năng lượng hàng đầu cơ từ những năm trước sẽ được bán ra. 

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 41 triệu USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Việt Nam tăng 10,9%, đạt 12,52 triệu USD. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 25,66% trong 9 tháng đầu năm 2020 lên 30,54% trong 9 tháng đầu năm 2021.

Hoàng Hà