Nguồn vốn ODA Nhật Bản vào Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 và triển vọng

THS. NGUYỄN THỊ THANH LAM (Khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao)

TÓM TẮT:

Kể từ khi thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, quan hệ giữa hai nước đã trở thành mối quan hệ hữu nghị hợp tác, mang lại lợi ích song phương và đóng góp không nhỏ trong việc thúc đẩy sự hợp tác ổn định và hòa bình của khu vực và thế giới. Nhật Bản đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt với vai trò là quốc gia dẫn đầu về nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA. Nguồn vốn ODA của Nhật Bản đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch kinh tế Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mặc dù trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19, mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam-Nhật Bản vẫn có triển vọng tích cực. Bài viết đề cập đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, thực trạng cấp vốn ODA Nhật Bản vào Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 và đánh giá hiệu quả từ triển khai thực hiện nguồn vốn này.

Từ khóa: ODA, Nhật Bản, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản được thiết lập chính thức vào ngày 21/9/1973 nhưng trên thực tế mối quan hệ giữa hai quốc gia đã có từ trước đó trên cơ sở nền tảng giao lưu văn hóa, thương mại. Dấu ấn hợp tác thương mại, kinh tế của hai nước ghi đậm trong rất nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp đến các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác lao động, giáo dục, du lịch, hợp tác giữa các địa phương và gần đây nhất là hợp tác phòng chống Covid-19. Quan hệ hợp tác phát triển giữa hai quốc gia còn được đánh dấu bằng những dấu mốc ngoại giao kinh tế quan trọng: Năm 1995, Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đến thăm; năm 2009, Nhật Bản thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam; năm 2011, Nhật Bản công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; tháng 5/2016, Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng; tháng 3/2014, hai quốc gia đã chính thức nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” trong chuyến thăm Nhật Bản cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Nhật Bản đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam và ngược lại Việt Nam cũng có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Nhật Bản trong nhiều khía cạnh.

Giai đoạn 2009 – 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Nhật Bản so với các nước chiếm tỷ trọng tương đối cao. Những năm qua, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế lớn thứ ba tại Việt Nam. Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau ASEAN và EU). Việt Nam hiện đang có tiềm năng lớn trong việc xuất khẩu các nông sản sang Nhật Bản như vải thiều, thanh long… vì sự mới lạ trong hương vị.

Về khía cạnh đầu tư, Nhật Bản luôn giữ tốc độ đầu tư cao, ổn định và luôn là một trong số những quốc gia dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Năm 2019, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ hai xét về vốn đầu tư vào Việt Nam với 59.33 tỷ USD (chiếm 16.4% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam). Nguồn vốn FDI từ Nhật Bản tập trung lớn tại Thanh Hóa (với 12.5 tỷ USD đăng ký còn hiệu lực), Hà Nội (10.9 tỷ USD), và Bình Dương (5.1 tỷ USD). Với thế mạnh về khoa học công nghệ tiên tiến và hiện đại, hoạt động đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch kinh tế của Việt Nam sang hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thông qua quá trình chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý.

Trong nỗ lực phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản, Nhật Bản quan tâm tới các hợp tác hỗ trợ phát triển không chỉ đối với hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, mà còn cả nông nghiệp, y tế, cải thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... Nhật Bản tiến hành hỗ trợ ODA bằng các phương thức khác nhau được thay đổi để phù hợp với tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đảm bảo hỗ trợ một cách hiệu quả và ổn định nhất cho Việt Nam. Đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, Nhật Bản đã triển khai các gói hỗ trợ bao gồm:

Thứ nhất, Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển ba trụ cột kinh tế: Thương mại - Đầu tư - ODA. Dựa trên nhận định của Việt Nam trong việc phát triển kinh tế: “Cần tăng trưởng kinh tế để xóa đói giảm nghèo”, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế như đường bộ, đường sắt, nhà máy điện, cảng biển…, và thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó tạo việc làm cho lao động trong nước.

Thứ hai, Nhật Bản coi trọng phối hợp với các nhà tài trợ khác trên tinh thần tôn trọng sự tự lực của Việt Nam. Tính từ năm 1992 đến năm 2011, tổng vốn viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam lên đến hơn 2 nghìn tỷ Yên, chiếm 30% trong tổng vốn viện trợ mà các nhà tài trợ quốc tế dành cho Việt Nam, trong đó có 78% số vốn được cung cấp dưới hình thức vốn vay ưu đãi ODA. Đến nay, Nhật Bản đã cùng các nhà tài trợ khác triển khai phân ngành để tiến hành hỗ trợ một cách hiệu quả.

Thứ ba, Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển toàn diện cả phần cứng và phần mềm, hỗ trợ cải thiện môi trường xung quanh các khu công nghiệp cùng với phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế có quy mô lớn, mang lại hiệu quả to lớn trong thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Nhật Bản còn giúp Việt Nam tạo một môi trường khuyến khích đầu tư nước ngoài với dự án về hoạch định chiến lược phát triển kinh tế thị trường, hoàn thiện cơ chế chính sách. Trong lĩnh vực an sinh xã hội, Nhật Bản cũng chú trọng hỗ trợ trên cả hai phương diện xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực với các dự án ở 3 bệnh viện tuyến Trung ương: BV Chợ Rẫy, BV Bạch Mai, BV Trung ương Huế; nâng cao năng lực phòng chống các bệnh truyền nhiễm như sởi, cúm gia cầm; bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, v.v…

Thứ tư, Nhật Bản chia sẻ với Việt Nam định hướng phát triển trên quy mô toàn quốc. Để đáp ứng nhu cầu của chính phủ Việt Nam trong việc kết nối giao thông hai miền Bắc-Nam, Nhật Bản đã hỗ trợ khôi phục tuyến đường sắt Bắc-Nam. Việc phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế cho miền Bắc được thực hiện trước tiên; sau đó, từ cuối những năm 1990, Nhật Bản đã tăng cường hỗ trợ phát triển cho TP. Hồ Chí Minh ở miền Nam, TP. Đà Nẵng, TP. Huế, v.v… Dựa trên định hướng “Phát triển kinh tế xã hội trên phạm vi toàn quốc” của chính phủ Việt Nam, Nhật Bản đã và đang hỗ trợ xây dựng mạng lưới kết nối các khu vực trọng điểm.

Nguồn vốn ODA từ Nhật Bản đã góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam. Những đóng góp đáng kể của ODA Nhật Bản đều xuất phát từ những chính sách ODA phù hợp, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và hợp tác trên các lĩnh vực khác. Đối với định hướng trong thời gian tới, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ chú trọng đến dự án hỗ trợ các chiến lược dài hạn với Việt Nam như các dự án hợp tác kinh tế gắn với hệ thống cảng biển, đường, hạ tầng điện (chú ý tới năng lượng tái tạo)...;dự án hợp tác xã hội gắn với những vấn đề liên quan tới cuộc sống người dân (bệnh viện, bảo hiểm, xử lý nước, các giải pháp phòng chống ô nhiễm...).

2. Thực trạng cấp vốn ODA giữa Nhật Bản - Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020

Kể từ khi nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam (1992), Nhật Bản luôn là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam. Tính từ năm 1992 đến nay, ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đạt 1.542 tỷ Yên (gần 17 tỷ USD), chiếm khoảng 30% tổng ODA của cộng đồng quốc tế cam kết với Việt Nam. Tính lũy kế đến năm 2015, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 2.600 tỷ Yên, chiếm trên 40% tổng nguồn vốn ODA của Việt Nam. Các chương trình viện trợ của Nhật Bản nhằm vào 5 lĩnh vực chính: phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thể chế; xây dựng và cải tạo các công trình giao thông và điện lực; phát triển nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển giáo dục đào tạo và y tế; bảo vệ môi trường.

Một số nhóm dự án từ nguồn vốn ODA Nhật Bản có thể kể đến như sau:

(1) Dự án phát triển hạ tầng điện lực và sử dụng hiệu quả năng lượng: Nhật Bản luôn dành sự ưu tiên đặc biệt cho phát triển năng lượng điện Việt Nam, góp phần làm ổn định đời sống sinh hoạt của người dân và còn góp phần phát triển nền công nghiệp trong nước, thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Những nhà máy điện được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản có thể kể đến như Nhà máy Thủy điện Đa Nhím (1961-1964), Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ (1994-2002), Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (1995-2003), Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi (1995-2001), Nhà máy Thủy điện Đại Ninh (1999-2008), Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn (2001-2009), Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình (2009-2017) và Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn (2006-2016).

(2) Dự án tăng cường mạng lưới giao thông vận tải. Nhật Bản đã hỗ trợ Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam lập kế hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải, có thể kể đến một số dự án nổi bật được kể đến như cầu đường sắt trên tuyến đường sắt Thống nhất Bắc-Nam, dự án xây dựng đường vành đai 3 (Hà Nội), Đại lộ Đông-Tây (TP. Hồ Chí Minh), nhà ga hành khách quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, đường sắt nội đô tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hầm qua đèo Hải Vân, dự án cầu Nhật Tân-cây cầu hữu nghị Việt-Nhật… Ngoài ra, các dự án phát triển nguồn nhân lực cũng được triển khai để cải thiện an toàn và chất lượng dịch vụ giao thông đô thị.

(3) Dự án hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường năng lực cho cơ quan hành chính, tài chính tại Việt Nam: Với cách tiếp cận không áp đặt việc cải thiện cơ chế chính sách mà hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tự cải cách hành chính, Nhật Bản đã bắt đầu triển khai dự án hợp tác kỹ thuật “Hỗ trợ hình thành các chính sách quan trọng của chính phủ về hệ thống luật” từ năm 1996. Với sự hỗ trợ của Nhật Bản, Bộ luật Dân sự Việt Nam đã được sửa đổi và chính thức ban hành vào năm 2005. Trong nhiều năm qua, Nhật Bản đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong việc hình thành và thực thi các bộ luật khác như Luật Tố tụng dân sự…

(4) Dự án phát triển nền kinh tế thị trường và mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài: Nhật Bản đã tiến hành dự án “Nghiên cứu chính sách phát triển kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế theo định hướng thị trường ở Việt Nam” cùng với những hỗ trợ về phần cứng như xây dựng đường xá, cảng, cầu…

(5) Dự án cải thiện đời sống và sức khỏe của người dân: Hỗ trợ nâng cấp 3 bệnh viện trọng điểm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Huế, đồng thời mở rộng hỗ trợ cho các bệnh viện địa phương. Dự án “Chăm sóc Sức khỏe sinh sản” được triển khai ở miền Trung từ năm 1997 và dự án “Phổ biến Sổ theo dõi sức khỏe Bà mẹ và trẻ em” theo kinh nghiệm Nhật Bản được triển khai trên toàn quốc từ năm 2011.

(6) Dự án thu hẹp khoảng cách giàu nghèo thông qua phát triển nông nghiệp và địa phương: “Dự án Thủy lợi Phan Rang”, “Dự án phát triển cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ cho người nghèo” và “Dự án phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện điều kiện sống ở nông thôn”… đã góp phần giúp Việt Nam xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền.

Từ năm 2009, Việt Nam chính thức vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế, song, cũng đặt ra bài toán khi nguồn vốn ODA được cung cấp bởi các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ không còn dồi dào. Từ năm 2010 đến năm 2016, tổng số vốn đầu tư ODA dao động mạnh nhưng với chiều hướng tăng trong khi đó khoản viện trợ không hoàn lại tăng mạnh trong năm 2011-2012. (Bảng 1)

Bảng 1. ODA Nhật Bản cho Việt Nam (2010-2020)

Đơn vị: triệu USD

Năm ký kết

Tổng ODA và vốn vay ưu đãi

Viện trợ

Vay ưu đãi

Vốn vay ODA

2010

3607,18

172,06

210

3225,12

2011

6910,42

194,85

 

6715,57

2012

5938,27

437,17

100

5401,1

2013

6853,83

390,88

410

6042,95

2014

4450,78

224,99

 

4225,79

2015

3972,15

58,07

536,31

4978,89

2016

5555,574

40,374

536,31

4978,89

2017

3640,09

0,09

 

3640

2018

2001,1

 

 

2001,1

2019

463

 

 

463

20/03/2020

105

 

 

105

Nguồn: Tạp chí Tài chính

Trong một vài năm gần đây thì vốn ODA mà Nhật Bản hỗ trợ cho Việt Nam đang có chiều hướng giảm. Do Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình nên nguồn vốn hỗ trợ phát triển hiện đã dần dần giảm xuống, điều kiện vay ưu đãi ngày càng trở nên khắt khe hơn. Cụ thể thì từ sau năm 2013, nguồn vốn ODA từ Nhật Bản đã giảm mạnh từ 6,8 tỷ USD xuống còn 3,9 tỷ USD năm 2015 và xuống mức 2 tỷ USD năm 2018.

3. Đánh giá hiệu quả dự án ODA tại Việt Nam

ODA của Nhật Bản đã cung cấp nguồn tài chính quan trọng cho sự phát triển kinh tế; góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng và các chương trình phát triển kinh tế xã hội; góp phần phát triển nguồn nhân lực, xây dựng thể chế và chuyển giao công nghệ, quản lý. Các chương trình ODA cho Việt Nam mang đến những kết quả tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam. Nguồn vốn vay ODA được cung cấp bởi từng nhà tài trợ Nhật Bản không ngừng tăng lên từ năm 2011 và luôn đứng ở vị trí cao nhất. Lí do được cho là vì chi phí dành cho việc phát triển đường giao thông, cảng biển, các công trình năng lượng điện và các loại hình cơ sở hạ tầng quy mô lớn khác cần thiết cho mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế tăng cao. Bên cạnh đó, Nhật Bản vẫn duy trì là một trong những nhà viện trợ không hoàn lại lớn nhất và nhà hỗ trợ kỹ thuật lớn nhất với Việt Nam.

Ngoài những kết quả tích cực mà ODA mang lại, vẫn còn tồn tại những hạn chế, làm cho việc sử dụng nguồn vốn ODA không phát huy được hết lợi ích. Một trong những nguyên nhân chính của việc sử dụng ODA chưa có hiệu quả là nhận thức và hiểu về bản chất của ODA chưa được chính xác và đầy đủ trong quá trình huy động và sử dụng. Nhận thức cho rằng ODA là cho không và trách nhiệm trả nợ nguồn vốn vay ODA thuộc về Chính phủ đã dẫn đến tình trạng kém hiệu quả trong việc thực hiện một số chương trình và dự án ODA. Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân các dự án còn chậm. Ngoài ra, năng lực quản lý nguồn vốn còn hạn chế, tình trạng thất thoát diễn ra mạnh. Cơ cấu tổ chức và năng lực cán bộ trong công tác quản lý và thực hiện ODA còn yếu và chưa đáp ứng những yêu cầu của việc nâng cao hiệu quả ODA. Thách thức về đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm trong quản lý ODA từ phía Việt Nam đang là một vấn đề hết sức cấp thiết.

Với quan điểm, Nhật Bản không chỉ là đối tác chiến lược sâu rộng mà thực sự là người bạn, đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế giữa hai quốc gia, triển vong tương lai mới cho dự hai nước được kỳ vọng cụ thể như sau: Thứ nhất, nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam có xu hướng gia tăng mạnh mẽ; Thứ hai, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam tăng mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2025. Kim ngạch thương mại hai bên vượt mức 40 tỷ USD trong năm 2021; Thứ ba, hợp tác an ninh - quốc phòng giữa hai quốc gia đạt được nhiều bước tiến rõ nét. Đặc biệt, Việt Nam và Nhật Bản cùng chia sẻ mối quan tâm chung về an ninh trên biển và tự do hàng hải trên các tuyến hải phận quốc tế. Hợp tác giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu; Thứ tư, số người Việt Nam sang học tập, làm việc và sinh sống tại Nhật Bản tiếp tục tăng lên vượt mức 440 nghìn người năm 2020; Thứ năm, mở ra triển vọng hợp tác quốc phòng - an ninh, đối phó với biến đổi khí hậu. Cùng với sự phát triển trong hợp tác kinh tế, chính trị, giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản cũng đứng trước cơ hội mới thúc đẩy giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân giữa hai nước.

4. Giải pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản

Trong bối cảnh mới đầy năng động của quốc tế và khu vực đã và đang tác động đến quan hệ của Việt Nam - Nhật Bản cả về triển vọng cùng những thách thức mới. Theo đó, để tiếp tục phát triển hơn nữa về chiều sâu quan hệ giữa hai nước, hai quốc gia cần tăng cường hợp tác, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, định hình mối quan hệ đối tác chiến lược trên cơ sở củng cố lòng tin, cùng gánh vác trách nhiệm chung với các vấn đề khu vực và toàn cầu. Do đó, để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Nhật Bản, các biện pháp tăng cường quan hệ thời gian tới cần được tiếp tục thực hiện.

Một là, củng cố liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, điều này không chỉ có lợi cho năng lực sản xuất của Việt Nam mà còn mang lại lợi ích kinh tế và xây dựng hình ảnh cho các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam;

Hai là, hợp tác theo cơ chế đa phương để thúc đẩy và tạo thuận lợi cho thương mại đầu tư bằng cách tham gia tích cực vào WTO và các Hiệp định thương mại tự do nhiều bên như CPTPP, RCEP…, các diễn đàn như APEC, ASEM… cũng như các sáng kiến tiểu vùng, khu vực như GMS. Riêng đối với lĩnh vực hải quan, cần tiếp tục tạo thuận lợi thương mại, đơn giản và hài hòa hóa các thủ tục hành chính để xúc tiến thương mại hai bên;

Ba là, thường xuyên duy trì đối thoại và thực chất về các vấn đề liên quan đến đầu tư như cải cách môi trường kinh doanh; nhu cầu nâng cao năng lực của Việt Nam cũng như phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và khả năng Việt Nam tham gia vào mô hình hợp tác phát triển ba bên do Nhật Bản dẫn dắt. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thương mại trong việc nghiên cứu thị trường đầu tư thế giới và khu vực, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính… Phối hợp trao đổi thông tin, tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại từ bên ngoài thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại nước ngoài của Việt Nam ở các nước và địa bàn trọng điểm để nâng cao hiệu quả và đảm bảo tiết kiệm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO;

  1. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Quan hệ đối tác Việt Nam - Nhật Bản từ quá khứ đến tương lai: Tăng cường sự gắn kết giữa con người với con người, quốc gia với quốc gia, vì hòa bình và ổn định trong khu vực, truy cập ngày 26/05/2021. https://www.jica.go.jp/vietnam/office/others/pamphlet/ku57pq0000221kma-att/Japan_Vietnam_Partnership_To_Date_and_From_Now_On_vie.pdf
  2. Cục Đầu tư nước ngoài, Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2020, truy cập ngày 21/05/2021. https://fia.mpi.gov.vn/Detail/CatID/457641e2-2605-4632-bbd8-39ee65454a06/NewsID/a590e4ad-2ba7-48d7-af1e-7b613542fea3/MenuID/07edbbe1-67a3-484b-a4e2-b5faef1b9de5
  3. Cục Đầu tư nước ngoài, Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2021. Trang thông tin điện tử nước ngoài. Truy cập ngày 31/05/2021. https://fia.mpi.gov.vn/Detail/CatID/5102536e-ffed-4c97-83c9-24788f5e7d0c/NewsID/46d3dc92-c10f-418c-96ea-c90b93a07cb0
  4. Dương Phú Hiệp - Vũ Văn Hà (2014), Quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh quốc tế mới, Nxb Khoa học xã hội.
  5. Dương Phú Hiệp, Ngô Xuân Bình, Trần Anh Phương (2009), 25 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, Nxb KHXH,
  6. Đại học Quốc gia Hà Nội (2014), Lịch sử, văn hóa và ngoại giao văn hóa: Sức sống của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh mới của quốc tế và khu vực, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  7. Đại sứ quán nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Nhật Bản, Tài liệu cơ bản về Nhật Bản và tình hình quan hệ Việt-Nhật, ngày 27/05/2021. https://vnembassy-jp.org/vi/quan-h%E1%BB%87-vn-nb
  8. Đinh Thị Hiền Lương (2019), Quan hệ Việt - Nhật trong quá trình xây dựng cộng đồng Đông Á, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế số 2.
  9. Đinh Thị Hiền Lương (2019), Quan hệ Việt - Nhật trong quá trình xây dựng cộng đồng Đông Á, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế số 2.
  10. Hoàng Nguyễn, Số lao động người Việt tại Nhật Bản đứng số 1, vượt Trung Quốc, VOV, Truy cập ngày 25/05/2021. https://vov.vn/nguoi-viet/so-lao-dong-nguoi-viet-tai-nhat-ban-dung-so-1-vuot-trung-quoc-835757.vov
  11. Hoàng Thị Minh Hoa (2013), Những nguyên nhân tạo sự thần kỳ kinh tế Nhật Bản, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 1 https://vinanet.vn/kinhte-taichinh/cuoc-choi-tien-te-cua-nguoi-nhat-647537.html
  1. Huy Thắng (2020). Giải ngân vốn ODA chậm, nhiều nguyên nhân nhưng ít nơi tự nhận trách nhiệm. Báo điện tử chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Truy cập ngày 20/05/2021. http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Giai-ngan-von-ODA-cham-nhieu-nguyen-nhan-nhung-it-noi-tu-nhan-trach-nhiem/412278.vgp
  2. Khánh Lan (2018), Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Đảng Cộng Sản, ngày 28/05/2021. https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/ky-niem-45-nam-thiet-lap-quan-he-ngoai-giao-viet-nam--nhat-ban-498190.html
  3. Ngô Xuân Bình (2013), Những tác động của việc điều chỉnh chính sách đối ngoại với quan hệ Việt - Nhật, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 4.
  4. Nguyễn Thanh Hiến (2013), Dấu ấn trong quan hệ Việt - Nhật, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á số 4.
  5. Nguyễn Văn Tuấn, Một số giải pháp tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA ở Việt Nam. Tạp chí Tài chính online: https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/mot-so-giai-phap-tang-cuong-hieu-qua-su-dung-nguon-von-oda-o-viet-nam-329618.html
  6. Nguyệt Nguyễn, Cuộc chơi tiền tệ của người Nhật, vn, truy cập ngày 21/05/2021.
  7. Phùng Thị Vân Kiều (2012), Phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản tương xứng với tầm quan hệ đối tác chiến lược, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 1(131) 1-2012, tr.21-32
  8. Thảo Miên (2019). JICA sẽ tăng cường hợp tác với các địa phương của Việt Nam. Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2019-10-17/jica-se-tang-cuong-hop-tac-voi-cac-dia-phuong-cua-viet-nam-77777.aspx
  9. Thu Hiền, Viện trợ ODA của Nhật Bản vào Việt Nam từ năm 1992 đến nay, Vietnhatnews, truy cập ngày 30/05/2021. https://vietnhatnews.wordpress.com/2015/10/02/vien-tro-oda-cua-nhat-ban-vao-viet-nam-tu-1992-toi-nay/
  10. Trần Quang Minh (2015), Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản: Thành tựu, vấn đề và giải pháp, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 5.
  11. Trần Quang Minh (2018), Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản: Thành tựu và triển vọng, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 11.
  12. Vũ Văn Hà (2016), Quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản trong những năm 1990 và triển vọng, Nxb Khoa học xã hội.

 The ODA of Japan in Vietnam over the period of 2010 – 2020 and outlook

 Master. Nguyen Thi Thanh Lam

Faculty of International Economics - Diplomatic Academy of Vietnam

ABSTRACT:

Since the establishment of Vietnam-Japan diplomatic relations, the partnership between two countries has been growing strongly and effectively, bringing mutual benefits and making significant contributions to promoting cooperation, stability and peace of the region in particular and the world in general. As a leading donor of Official Development Assistance (ODA), Japan has made important contributions to Vietnam's economic development. Japan’s ODA has contributed to promoting Vietnam's industrialization and modernization processes. Although the world is experiencing unprecedented challenges from Covid-19 pandemic, the comprehensive strategic cooperation relationship between Vietnam and Japan still flourish. This paper presents the diplomatic relationship between Vietnam and Japan, the ODA of Japan in Vietnam over the period of 2010 – 2020, and evaluates the effectiveness of using ODA from Japan.

Keywords: ODA, Japan, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]