Nguy cơ ngành vận tải biển toàn cầu tắc nghẽn đến hết năm nay

Việc cảng Yantian, Trung Quốc bị tắc nghẽn khi dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại tại khu vực này đang khiến tình trạng chậm trễ trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng trở nên trầm trọng và giá cước vận chuyển cao kỷ lục. Các nhà quan sát cảnh báo tình trạng này có thể kéo dài đến hết năm nay.

Tình trạng gián đoạn hoạt động vận chuyển tại cảng Yantian (Thâm Quyến, Trung Quốc) trong nhiều tuần gần đây đang gia tăng áp lực lớn hơn lên hoạt động vận tải biển thế giới, khiến tình trạng chậm trễ trong các chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng thêm trầm trọng.

Ngành vận tải biển thế giới vốn rơi vào trạng thái căng thẳng cao trong suốt hơn 1 năm trở lại đây dưới các tác động của đại dịch Covid-19, thiếu hụt container rỗng nghiêm trọng, tắc nghẽn tại nhiều cảng lớn. Sự cố kênh đào Suez bị tắc nghẽn hồi tháng 3 vừa qua càng khiến hoạt động vận tải biển trở nên khó khăn hơn.

Cảng Yantian là cảng hàng hoá lớn thứ 3 thế giới với sản lượng vận chuyển hàng năm đạt trên 13 triệu TEU (1 TEU tương đương 1 container 20 feet) và là cửa ngõ xuất khẩu hàng hoá khu vực phía Nam Trung Quốc. Hồi cuối tháng 5 vừa qua, cảng Yantian từng phải ngưng hoạt động trong gần một tuần sau khi một số nhân viên tại cảng nhiễm Covid-19.

Sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 tại khu vực Thâm Quyến với hơn 12 triệu dân đã buộc chính quyền khu vực áp dụng các biện pháp phong toả cứng rắn. Mặc dù hoạt động bốc dỡ tại cảng Yantian đã được khôi phục nhưng năng lực xử lý hàng hoá tại đây chỉ mới đạt 70% so với thông thường. Tình trạng tắc nghẽn tại cảng Yantian đã gây ra phản ứng dây chuyền sang các cảng lân cận như Nansha và Shekou trong cùng khu vực.

Sự cố tại cảng Yantian làm dấy lên lo ngại đối với ngành vận tải biển toàn cầu đối với các rủi ro tương tự trong tương lai khi đợt tái bùng phát dịch Covid-19 tại khu vực Thâm Quyến chỉ xảy ra ở quy mô tương đối nhỏ. Ông Lars Jensen, Giám đốc điều hành hãng tư vấn vận tải biển Vespucci Maritime (Hà Lan), nhận định nếu dịch Covid-19 tấn công các khu cảng lớn hơn như cảng Thượng Hải (Trung Quốc) thì nguy cơ tắc nghẽn trầm trọng xảy ra là rất lớn.

“Giới chức Trung Quốc đang cố gắng dập tắt dịch bệnh ngay từ những đợt bùng phá nhỏ nhất. Chỉ cần một vài trường hợp nhiễm bệnh là cả một khu vực lớn sẽ bị phong toả và thị trường sẽ chịu tác động rất lớn”, theo ông Vespucci Maritime.

Giá cước vận chuyển container
Giá cước vận chuyển container trên các tuyến từ khu vực Đông Á đi Bắc Âu và khu vực Địa Trung Hải tăng mạnh trong 12 tháng trở lại đây (Ảnh: Financial Times)

Tình trạng tắc nghẽn các cảng biển, đặc biệt là khu vực phía Nam Trung Quốc, đang tạo thêm những nút thắt cổ chai mới cho các chuỗi cung ứng toàn cầu khi nhu cầu mua sắm bùng nổ và các nền kinh tế lớn đang dần tái mở cửa. Điều này đã đẩy mức giá vận chuyển trên tuyến Châu Á – Bắc Mỹ vượt ngưỡng 11.000 USD/1 container 40 feet lần đầu tiên trong lịch sử. Con số này cao hơn nhiều so với mức 8.500 USD hồi giữa tháng 5 vừa qua và so với mức 2.000 USD hồi tháng 10/2020.

Nhằm tránh bị tắc nghẽn tại cảng Yantian, nhiều hãng vận tải biển lớn trên thế giới đã điều hướng hàng trăm chuyến tàu tới các cảng khác, thậm chí bỏ việc ghé vào các cảng phía Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này đang khiến toàn bộ hệ thống logistics có liên quan bị rối loạn. Theo hãng vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk, thời gian đợi trung bình để được vào cảng Yantian hiện đã lên đến 16 ngày.

Các hãng vận chuyển đang tìm kiếm giải pháp thay thế như vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và đường sắt từ Châu Á tới Châu Âu nhưng những lựa chọn này ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Theo ông Klaus Gaeb, Phó chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng tại Châu Âu của hãng sản xuất thiết bị điện Eaton (Ireland) cho biết giá cước vận chuyển hàng hóa xuyên lục địa từ Châu Á – Châu Âu hiện đã tăng hơn 2 lần từ mức trước đại dịch lên 36.000 USD/xe tải.

Tỷ lệ đúng giờ
Dưới các tác động của đại dịch Covid-19, tỷ lệ giao hàng đúng hẹn của ngành vận tải biển toàn cầu rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (Ảnh: Financial Times)

Các dữ liệu cho thấy tình trạng chậm trễ trong các chuỗi cung ứng sẽ kéo dài cho đến hết năm nay trong bối cảnh số lượng tàu chuyên chở hàng hoá có hạn và giá cước vận chuyển vẫn ở mức cao kỷ lục. Việc giá cước tăng cao kỷ lục có thể gia tăng thêm áp lực lạm phát trên toàn cầu do giá xuất khẩu hàng hoá tăng lên.

Ông Otto Schacht, Phó chủ tịch phụ trách mảng vận tải đường biển tại Kuehne+Nagel (Đức), cho biết sự cố tắc nghẽn tại các cảng biển phía Nam Trung Quốc rơi vào đúng thời điểm trước thềm cao điểm vận chuyển, các nhà bán lẻ đang tăng cường tích trữ hàng hoá cho mùa học mới và dịp mua sắm cuối năm. Kuehne+Nagel hiện là một trong những hãng giao nhận hàng hoá lớn nhất thế giới.

Dự báo các chuỗi cung ứng có thể mất từ 6 – 9 tháng để quay trở lại như lúc trước khi đại dịch xảy ra, theo ông Otto Schacht. Ông Lars Jensen cũng cảnh báo hoạt động vận tải biển có thể phải đến năm 2022 mới quay trở lại bình thường do sự cố tắc nghẽn tại các cảng biển phía Nam Trung Quốc gây ra.

Quang Đặng