Nhà hát chèo Thái Bình: Bước chuyển sau sát nhập

Là một Nhà hát nghệ thuật truyền thống của tỉnh, hàng năm, Nhà hát chèo Thái Bình thực hiện các mục tiêu về đêm diễn, doanh thu. Mặc dù trong điều kiện tổ chức biểu diễn là hết sức khó khăn do dịch bệnh Covid -19, song bên cạnh việc biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, Nhà hát vừa biểu diễn phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật Chèo của nhân dân, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Góp phần giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống

NSND Vũ Ngọc Cải, Giám đốc Nhà hát chèo Thái Bình cho biết, tháng 05 năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình quyết định sáp nhập Đoàn Cải lương, Đoàn Ca Múa Kịch vào Nhà hát Chèo Thái Bình. Như vậy, tính đến nay Nhà hát Chèo Thái Bình đã  62 năm xây dựng và trưởng thành.

Sau khi sáp nhập, các đoàn nghệ thuật cải lương và ca múa kịch về Nhà hát chèo Thái Bình đã tạo nên bức tranh tổng hòa đa sắc màu nghệ thuật sân khấu truyền thống Thái Bình. Sự đa dạng các hình thức hoạt động nghệ thuật trong cùng một nhà hát không chỉ đáp ứng kịp thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng mà còn góp phần giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống.

NSND Vũ Ngọc Cải, Giám đốc Nhà hát chèo Thái Bình

Nhà hát Chèo Thái Bình tọa lạc trên một khu đất rộng hơn 3.200 m2 nằm trên trục phố Đoàn Nguyễn Tuấn, thành phố Thái Bình. Sau sát nhập, Nhà hát tiếp nhận thêm 02 cơ sở mới của Đoàn Cải lương và Đoàn Ca Múa Kịch, như vậy tính đến nay Nhà hát đang quản lý, sử dụng 03 cơ sở với tổng diện tích trên 6.000 m2.

Hàng năm, thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Đảng ủy Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Bình, Nhà hát đã tập trung chỉ đạo đơn vị tập luyện và biểu diễn thành công các chương trình nghệ thuật chào mừng các sự kiện quan trọng của tỉnh, biểu diễn chào mừng các ngày lễ lớn trong năm của dân tộc.

Ngoài ra, Nhà hát đã biểu diễn thành công các chương trình nghệ thuật chào mừng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, chào mừng các Đoàn đại biểu Quốc hội về thăm và làm việc tại Thái Bình, biểu diễn chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XVIII, lần thứ XIX và lần thứ XX vào các năm 2010, 2015, 2020.

Đặc biệt, năm 2020, Nhà hát đã sáng tác kịch bản, dàn dựng và biểu diễn thành công Chương trình nghệ thuật mang tên “Ánh sáng niềm tin” chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Cảnh trích trong vở chèo Bùi Viện do Nhà hát chèo Thái Bình dàn dựng

Bước sang năm 2021, Nhà hát đã sáng tác, dàn dựng và biểu diễn thành công Chương trình nghệ thuật gồm 10 bài hát (chèo, cải lương, hát văn) để biểu diễn tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Năm 2020, Đoàn 3 đã dàn dựng và biểu diễn thành công Chương trình nghệ thuật “Thái Bình đất mẹ yêu thương”, đặc biệt trong đó có một số tác phẩm mới do các nhạc sĩ Trung ương sáng tác về quê hương Thái Bình nhân kỷ niệm 130 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (1890 - 2020), chương trình đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Chăm lo đào tạo bồi dưỡng nguồn tài năng nghệ thuật

Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao về công tác đào tạo, trong nhiều năm qua Nhà hát luôn quan tâm, chú trọng đến việc dào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật để bổ sung cho lực lượng biểu diễn của Nhà hát. Trong thời gian trước mắt và lâu dài, Nhà hát đã chủ động phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thái Bình mở các lớp Cao đẳng diễn viên, nhạc công Chèo. Từ năm 2009 đến nay đã có 03 lớp Cao đẳng diễn viên, nhạc công Chèo ra trường, có 18 em đang công tác tại Nhà hát. NSND Vũ Ngọc Cải cho biết thêm

Bên cạnh đó, Nhà hát đã thường xuyên tuyển chọn và đi gửi đào tạo lớp Trung cấp diễn viên, nhạc công Chèo hệ chính quy tại Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, đến nay các em đã ra trường và về công tác tại Nhà hát.

Hàng năm, Nhà hát đã chỉ đạo Phòng Đào tạo mở lớp tập huấn với sự giảng dạy của các Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú trên Trung ương kết hợp với Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú của Nhà hát đã nghỉ hưu để nâng cao trình độ chuyê môn về hát, múa và kỹ thuật biểu diễn cho các thế hệ nghệ sĩ diễn viên, nhạc công của Nhà hát, đặc biệt là đối với các diễn viên, nhạc công trẻ.

Cũng theo NSND Vũ Ngọc Cải, việc thay đổi này là sự cố gắng rất là lớn của Ban lãnh đạo Nhà hát chèo Thái Bình cũng như là các anh em nghệ sĩ Thái Bình nói chung. Chất lượng các chương trình được đánh giá là tương đối tốt, có sự đổi mới nhất định so với thời gian trước đây của đoàn ca múa cũng như đoàn cải lương.

Với thế mạnh của mỗi đoàn nghệ thuật sau khi sáp nhập đã bổ trợ lẫn nhau, tập hợp được những ý tưởng hay trong nghệ thuật, cũng như tài năng trí tuệ của các nghệ sĩ và người làm quản lý để đưa ra định hướng cho sự phát triển nghệ thuật và thành công của Nhà hát. Hòa nhập trong một môi trường làm việc mới, vừa là cơ hội, hướng đi mới để các nghệ sĩ được khẳng định tài năng, thích nghi với xu thế mới.

Đến nay, việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật thành một đơn vị nghệ thuật đã tạo nên một khối thống nhất trong quản lý, tổ chức hoạt động và từng bước nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng; góp phần giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống Thái Bình.

Thanh Thái