Nhãn CE - "Hộ chiếu" cho sản phẩm vào thị trường EU

70% sản phẩm tiêu thụ tại thị trường EU bắt buộc phải có dấu CE - dấu chứng nhận về độ an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, CE chỉ mới bắt đầu được doanh nghiệp Việt Nam chú ý.

CE (European Conformity) là nhãn hiệu bắt buộc đối với hàng hoá (theo quy định) và được coi như hộ chiếu thương mại vào thị trường EU. Trước hết, CE chú trọng đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ thiên nhiên hơn là đến chất lượng của sản phẩm. CE là bắt buộc đối với các sản phẩm, được quy định tại 25 nước EU, thậm chí tại cả các nước Ailen và Na Uy.
Tháng 5/1985, Hội đồng Châu Âu đã thông qua cái gọi là “cách tiếp cận mới” về việc hài hoà các tiêu chuẩn kỹ thuật. Cách tiếp cận mới được áp dụng cho việc chuẩn hóa và quản lý chất lượng, nhằm đảm bảo chỉ những sản phẩm an toàn và đáp ứng được yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng mới được lưu thông trong khu vực Cộng đồng Châu Âu. Theo cách tiếp cận mới này, hàng loạt các sản phẩm công nghiệp chế tạo buộc phải mang nhãn hiệu CE.
Chỉ thị về An toàn sản phẩm chung 92/59/EC (Thường được gọi là Chỉ thị an toàn sản phẩm) được thông qua Hội đồng Châu Âu ngày 29/06/1992. Tháng 6/1994, Chỉ thị bắt đầu có hiệu lực và áp dụng cho an toàn của sản phẩm kể từ lần đầu tiên, sản phẩm đó xuất hiện trên thị trường EU và kéo dài đến khi sản phẩm đó hết tác dụng. Với Chỉ thị này, các nhà sản xuất và phân phối chỉ được phép kinh doanh các sản phẩm an toàn. Một sản phẩm an toàn được định nghĩa là “một sản phẩm không cho thấy - nếu xét cụ thể về thiết kế, yếu tố cấu thành, điều hành chức năng, bao bì, điều kiện lắp ráp, bảo dưỡng hay phế bỏ, hướng dẫn điều khiển và sử dụng hay bất cứ một đặc tính nào khác của nó - một sự rủi ro không chấp nhận được đối với an toàn và sức khỏe con người một cách trực tiếp hay gián tiếp, đặc biệt qua tác động của nó lên các sản phẩm khác hay sự kết hợp của chúng”.
Mục tiêu của nhãn hiệu CE là áp đặt một qui định chung với nhà sản xuất, nhằm mục đích chỉ cho phép các sản phẩm an toàn mới vào được thị trường EU. Nhãn CE chỉ ra rằng, một sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu pháp luật và thị trường của Châu Âu về an toàn sức khỏe môi trường và bảo vệ người tiêu dùng. Nhãn hiệu CE có thể được coi như một loại hộ chiếu, cho phép các nhà sản xuất tự do lưu thông một số các sản phẩm công nghiệp như: máy móc, thiếp bị điện áp thấp, đồ chơi, thiết bị an toàn cá nhân, dụng cụ y tế trên thị trường Châu Âu. Nhãn hiệu CE không phải là có hiệu lực đối với tất cả các sản phẩm công nghiệp, mà chỉ bắt buộc đối với những sản phẩm có tên trong danh sách của quy định “Hướng dẫn cách tiếp cận mới”. Nếu một sản phẩm rơi vào bất kỳ nhóm sản phẩm nào trong danh sách “Chỉ thị nhãn hiệu CE”, thì nó buộc phải tuân theo luật pháp quốc gia liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị cụ thể đó. Các Chỉ thị được xây dựng cho từng nhóm sản phẩm. Mỗi Chỉ thị mô tả các yếu tố căn bản đối với các sản phẩm và nguy cơ được quan tâm đến.
Thủ tục dán nhãn CE có thể khác nhau đối với mỗi Chỉ thị và mỗi sản phẩm, nói chung liên quan đến các rủi ro an toàn nội tại có liên quan đến sử dụng sản phẩm. Đối với nhiều sản phẩm, bản thân nhà sản xuất có thể quyết định sản phẩm của mình có tuân thủ Chỉ thị hay không. Đây là trường hợp đối với những sản phẩm có rủi ro an toàn nội tại tương đối thấp, hay sản phẩm Modul A. ủy ban Châu Âu đã đưa ra một hệ thống Modul với 8 chủng loại khác nhau từ A đến H. Modul A bao gồm những sản phẩm có độ rủi ro an toàn nội tại thấp nhất, trong khi những sản phẩm trong Modul H là rủi ro an toàn cao nhất. Nếu sản phẩm được xếp loại thuộc Modul A và nhà sản xuất tin rằng, sản phẩm của mình phù hợp với các tiêu chuẩn của Chỉ thị, thì có thể hoàn tất hồ sơ, tài liệu kỹ thuật và viết một bản tường thuật, trong đó, công bố rằng, sản phẩm được sản xuất ra theo đúng Chỉ thị. Đó gọi là “công bố về sự phù hợp với các qui định căn bản”. Sau khi ký vào bản tuyên bố, nhà sản xuất có thể sử dụng nhãn mác CE cho sản phẩm của mình. Khi một sản phẩm rơi vào nhóm cao hơn Modul A, cần có một tổ chức kiểm tra chuyên nghiệp, gọi là Tổ chức kiểm định, để kiểm tra xem sản phẩm có tuân thủ với các qui định căn bản hay không và có thể dán nhãn CE vào sản phẩm hay không.
Có thể đăng ký nhãn hiệu CE theo các cách khác nhau, thông thường có 2 cách. Thứ nhất, là nhà sản xuất Việt Nam cử một đại diện có thẩm quyền ở các nước thành viên EU, chịu trách nhiệm xin dấu CE cho doanh nghiệp. Thứ hai, là uỷ quyền cho một cơ quan, công ty nước ngoài (có thể là nhà nhập khẩu) trực tiếp đứng ra xin dấu CE cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp quan tâm đến CE không chỉ thuận lợi khi xuất khẩu vào EU, mà còn thuận lợi khi Việt Nam áp dụng dấu chứng nhận về an toàn sản phẩm vào năm 2005.

  • Tags: