Nhận diện sự hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

ThS. BÙI BẢO TUẤN (Thanh tra Chính phủ)

TÓM TẮT:

Hiện nay, trong số trên 600.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, có tới 97,7% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), thậm chí là nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Hỗ trợ DNNVV là một nhiệm vụ quan trọng trong quản lý nhà nước của nền kinh tế thị trường. Nhiệm vụ ấy càng quan trọng hơn khi khối doanh nghiệp này đang rất cần sự có hỗ trợ của Nhà nước về kiến thức, nhận thức cũng như sự tư vấn về pháp luật. Bài viết nghiên cứu các vấn đề lý luận về sự hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV, như: nhận diện, phân loại, vai trò của DNNVV cũng như các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với DNNVV trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách, hỗ trợ, Nhà nước.

1. Sự cần thiết hỗ trợ DNNVV của Nhà nước

Sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường, hay quản lý nhà nước về kinh tế mà trước hết và chủ yếu là các doanh nghiệp, trong đó có DNNVV - hệ thống tế bào sinh sản của nền kinh tế, đã và đang xuất hiện tại tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Sự can thiệp của Nhà nước chỉ chấm dứt khi hình thành một thị trường hoàn hảo đủ khả năng tự điều chỉnh và thực hiện tất cả các chức năng can thiệp của Nhà nước. Nhà nước can thiệp một mặt là để ngăn chặn, hạn chế các tác hại do các hoạt động của doanh nghiệp gây ra, mặt khác can thiệp để giúp đỡ các doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt trong doanh nghiệp của họ, nhờ đó mà quốc gia cũng hùng mạnh theo tinh thần “dân giàu, nước mạnh”[1].

Ở Việt Nam hiện nay, phát triển DNNVV đang là vấn đề được Nhà nước quan tâm đặc biệt. Sự thành đạt của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt như hiện nay, vai trò của Nhà nước đối với doanh nghiệp nói chung và đối với các DNNVV nói riêng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, từ việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi bao gồm xây dựng và ban hành các luật về doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong cấp giấy phép, tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh đến cung cấp thông tin, hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ về tín dụng và đào tạo nguồn nhân lực quản lý cho doanh nghiệp.

Xuất phát từ lý do đó, sự hỗ trợ của Nhà nước là một vấn đề hết sức cần thiết đối với sự phát triển của các DNNVV trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Điều đó thể hiện những phương diện cơ bản sau: 

Thứ nhất, DNNVV là chủ thể, là một trong các nhân vật trung tâm khi gia nhập WTO, bởi lẽ doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng là nơi sản xuất ra sản phẩm, cung ứng cho thị trường các hàng hoá, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của cuộc cạnh tranh toàn cầu. Hội nhập kinh tế quốc tế thắng hay thua chủ yếu dựa vào doanh nghiệp. Vì vậy, Nhà nước phải tập trung nỗ lực tạo đà, tạo thế cho doanh nghiệp, tạo môi trường pháp lý, quyết định thể chế, chính sách khuyến khích, trợ giúp; tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hết lòng phục vụ doanh nghiệp, chăm lo cho doanh nghiệp, bảo đảm mọi thể chế, chính sách đều hướng về doanh nghiệp mà phục vụ, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, không để DNNVV đơn thương độc mã trong “cuộc chiến” cam go này.

Thứ hai,Vốn là điều kiện tiên quyết, có ý nghĩa quyết định tới các bước tiếp theo của quá trình kinh doanh. Phần lớn các DNNVV đều rất hạn chế về vốn tự có, nên nhu cầu về vốn cho sản xuất kinh doanh là rất lớn. Tuy nhiên, việc vay vốn từ các ngân hàng hay các quỹ tín dụng đối với DNNVV còn khó khăn. Ngoài những khó khăn như vốn ít, kinh nghiệm quản lý còn yếu và công nghệ sản xuất lạc hậu, thì trên thực tế các quy định của pháp luật về thủ tục cầm cố, thế chấp, về xử lý tài sản đảm bảo đối với các doanh nghiệp chưa rõ ràng, đồng bộ, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng và doanh nghiệp tìm được điểm chung. Vì vậy, sự hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV là hết sức cần thiết. Nhà nước cần xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch, hiệu quả và đảm bảo những thiết chế pháp luật đó được thi hành một cách hữu hiệu trong việc hỗ trợ DNNVV.

Thứ ba, Các DNNVV thường gặp nhiều khó khăn từ việc tiếp cận thông tin, lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy, trụ sở, cửa hàng cũng như việc tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng thông qua cơ chế thoả thuận cho đến thực hiện các thủ tục để có mặt bằng sản xuất - kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận với đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh là một việc làm hết sức cần thiết trong công tác quản lý nhà nước. 

Thứ tư, Thực tế cho thấy, chi phí cho đầu vào nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn trong thành phẩm. Các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào yếu tố lao động hoặc điều kiện tự nhiên, nên nguồn nguyên liệu thường không ổn định. Hơn nữa, phần lớn đầu vào cho sản xuất chủ yếu từ nhập khẩu gây tổn phí cho doanh nghiệp về tiền bạc cũng như thời gian. Sự chậm trễ trong việc giao nhận các đầu vào nhập khẩu cũng ảnh hưởng tới khả năng hoàn thành giao nộp sản phẩm do các nhà nhập khẩu hầu như không thể kiểm soát được thời gian đầu vào. Ngoài ra, các doanh nhân DNNVV chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế để tìm kiếm nguồn nguyên liệu, do đó sẽ không xác định được chính xác và duy trì các thị trường cho sản phẩm của mình hay phát triển những sản phẩm mới theo thị hiếu thời trang luôn thay đổi.

Thứ năm, Thông tin về thị trường sản phẩm là vấn đề cốt yếu mà doanh nghiệp cần phải quan tâm nhiều nhất, bởi nó trực tiếp ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Phần lớn các DNNVV còn hiểu biết thị trường quá ít và chưa đánh giá đầy đủ vai trò và thị phần của mình trên thị trường. Do đó, cần phải có các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai cụ thể từ phía Chính phủ, mà đặc biệt là hệ thống cung cấp thông tin cần tích cực hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nắm bắt thông tin một cách đầy đủ kịp thời giúp cho doanh nghiệp đưa ra được những chiến lược tối ưu.

Xuất phát từ những khó khăn mang tính chủ quan hay khách quan, khó khăn từ bên ngoài hoặc khó khăn từ chính doanh nghiệp, thì việc hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV từ các chính sách hỗ trợ đến việc đảm bảo các chính sách đó được thực hiện minh bạch, hiệu quả là một yêu cầu và nhu cầu mang tính tất yếu của nền kinh tế thị trường. 

2. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV

2.1. Chính sách hỗ trợ chung của Nhà nước đối với DNNVV

Hỗ trợ DNNVV của Nhà nước thực hiện trên cơ sở các đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu hỗ trợ và hiệu quả phát triển của các doanh nghiệp. Đề án hỗ trợ DNNVV là một tập hợp các hoạt động có liên quan đến nhau, sử dụng các nguồn lực nhằm đạt được mục tiêu hỗ trợ các DNNVV có tiềm năng phát triển trong một hoặc nhiều ngành, lĩnh vực, địa bàn trong một hoặc nhiều giai đoạn[2]. Những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV bao gồm các chính sách hỗ trợ chung và chính sách hỗ trợ cụ thể đối với loại DNNVV.

2.2. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với một số DNNVV cụ thể

Thứ nhất, hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp công ty TNHH hoặc công ty cổ phần được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ chưa thanh toán của hộ kinh doanh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật. Hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động kể từ thời điểm DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh được hỗ trợ khi đáp ứng các điều kiện sau đây: (i) trước khi thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật; (ii) Hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 1 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ những nội dung như: tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu[3],…

Thực hiện việc hỗ trợ DNNVV, ngày 17/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 601/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ phát triển DNNVV. Quỹ có tổng vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động từ các khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài. Quỹ tập trung hỗ trợ cho các DNNVV có dự án, phương án sản xuất-kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, phù hợp với mục đích của Quỹ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần tăng thu nhập, việc làm cho người lao động. Ngày 31/12/2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quyết định số 2008/QĐ-BKHĐT về việc thành lập Hội đồng quản lý Quỹ. Trên cơ sở đó, từ tháng 9/2014, Quỹ đã hình thành bộ máy tổ chức và đi vào hoạt động ổn định. Khung pháp lý cho hoạt động của Quỹ đang dần được hoàn thiện với việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 119/2015/TT-BTC ngày 12/8/2015 về quy chế quản lý tài chính của Quỹ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 13/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 quy định Danh mục lĩnh vực ưu tiên và đối tượng ưu tiên hỗ trợ của Quỹ. Hiện nay, Quy chế ủy thác cho vay và Thông tư công bố lãi suất cho vay của Quỹ đang được hoàn thiện và dự kiến ban hành trong tháng 12/2015. Về vốn điều lệ của Quỹ: Theo quy định tại Quyết định 601 nêu trên, vốn điều lệ của Quỹ là 2.000 tỷ đồng và được cấp trong vòng 3 năm kể từ ngày Quỹ được thành lập. Đến nay, Quỹ đã nhận được 500 tỷ đồng vốn điều lệ của năm 2015 và đã được Chính phủ đồng ý cấp tiếp 500 tỷ vốn điều lệ năm 2016 từ nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Nhà nước.

Thứ hai, hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.

DNNVV khởi nghiệp sáng tạo là DNNVV được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.

DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ nếu đáp ứng các điều kiện gồm: (i) có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; (ii) chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần.

Việc hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo gồm các nội dung như: hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư; tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng,…

Nhà đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo bao gồm quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ ba, hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được hỗ trợ nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: (i) tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành; (ii) có đổi mới sáng tạo về quy trình công nghệ, vật liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị.

Nội dung hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị như: đào tạo chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật sản xuất; tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, chiến lược phát triển sản phẩm theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; cung cấp thông tin về nhu cầu kết nối, sản xuất, kinh doanh của các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường sản phẩm của cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị[4],….

Hiện nay, trên toàn quốc có 299 khu công nghiệp được thành lập theo quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt[5] và 639 cụm công nghiệp[6] với tổng diện tích trên 80.000 ha. Đồng thời, theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến hết năm 2014 cả nước có khoảng 1.600 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 51.000ha. Trong đó, có khoảng 626 cụm công nghiệp đã thu hút được các dự án đầu tư sản xuất vào cụm công nghiệp và thu hút được gần 11.000 dự án, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trong đó. Tuy nhiên, theo đánh giá, cả nước hiện chưa có một khu, cụm công nghiệp nào dành riêng cho các DNNVV. Hầu hết các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động được dành cho cả các DNNVV, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, trong quá trình phát triển các khu, cụm công nghiệp trên cả nước cũng đã phát sinh một số vấn đề bất cập, chậm được khắc phục: Chất lượng quy hoạch chưa tốt; phát triển quá nhanh về số lượng; đầu tư phát triển còn dàn trải; cơ cấu đầu tư vào khu, cụm công nghiệp còn bất hợp lý; tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp chưa cao; chưa khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường. Do đó, ngày 02/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương cần tập trung các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kiên quyết không thu hồi thêm diện tích đất cho các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

3. Kết luận và một số khuyến nghị

Ở Việt Nam hiện nay, phát triển DNNVV đang là vấn đề được Nhà nước quan tâm đặc biệt. Vì sự  phát triển của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của các doanh nghiệp, mà trong giai đoạn đầu phát triển kinh tế thị trường thì doanh nhiệp quy mô vừa và nhỏ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh đảm bảo sự hỗ trợ cho DNNVV ngày càng phát triển bên cạnh các doanh nghiệp có quy mô lớn, ngay từ năm 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2001/NĐ-CP, sau đó là Nghị định 56/2009/NĐ-CP trợ giúp phát triển DNNVV, Nghị quyết 22/NQ-CP năm 2009, Quyết định 601/QĐ-TTg năm 2013 về việc thành lập Quỹ Phát triển DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 13/2015/TT-BKHĐT về ban hành Danh mục lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ và tiêu chí lựa chọn đối tượng ưu tiên hỗ trợ của Quỹ Phát triển DNNVV…

Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên các chính sách hỗ trợ DNNVV chưa đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV trong thời gian qua cho thấy, chính sách trợ giúp cho DNNVV còn ở mức thấp, tỷ lệ DNNVV tham gia và thụ hưởng các chương trình hỗ trợ chính sách của Nhà nước còn ở mức khiêm tốn. Tác động hoạt động trợ giúp đối với DNNVV chưa thể hiện rõ, chưa có trọng tâm, chưa ưu tiên cho ngành trọng điểm, chưa hỗ trợ phát triển cho các cụm liên kết ngành. Bên cạnh đó, nguồn lực dành cho trợ giúp phát triển DNNVV còn phân tán, trình tự thủ tục để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho DNNVV… 

Cụ thể, khó khăn lớn nhất của DNNVV là chi phí đầu vào sản xuất quá lớn, việc kinh doanh phần lớn dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng có lãi suất rất cao và khả năng tiếp cận khó khăn. Nguồn lao động bị cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong nước và cả doanh nghiệp nước ngoài, hơn nữa, các DNNVV cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao. Ngoài ra, do năng lực về vốn chưa đủ mạnh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về việc tiếp cận công nghệ mới cũng như những chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ. Việc hỗ trợ đầu ra từ các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia của Chính phủ cũng chỉ dừng lại ở khâu quảng bá, hỗ trợ kết nối, thông tin tổng quan… còn lại kinh phí cho từng hoạt động kinh doanh là rất lớn, đòi hỏi phải thực hiện trong dài hạn.

Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu các vấn đề lý luận về sự hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV như: nhận diện, phân loại, vai trò của DNNVV cũng như các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với DNNVV trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Kết quả nghiên cứu những quy định của pháp luật về hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV góp phần đưa luật đi vào cuộc sống, đáp ứng mong muốn của doanh nghiệp, nhà đầu tư và toàn xã hội.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] https://stc.bacgiang.gov.vn/node/4115

[2] Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP.

[3] Điều 16 Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017.

[4] Điều 19 Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017.

[5] Nghị định 29/2008/NĐ-CP, Nghị định 104/2013/NĐ-CP.

[6] Báo cáo Bộ Công Thương (7/2014).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2017). Báo cáo thuyết minh chi tiết về Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV”.
  2. Bộ Tư pháp (2013): “Cẩm nang chuyên đề về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”.
  3. Bùi Bảo Tuấn “Yêu cầu hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ nhà nước đối với DNNVV ở Việt Nam”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử ngày 09/3/2015.
  4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 78.
  5. UBTVQH, Viện Nghiên cứu lập pháp, TTTTTVKHPL (2017): “Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho DNNVV của một số quốc gia - Kinh nghiệm cho Việt Nam” (Tài liệu phục vụ kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV), tr 11.
  6. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Viện NCLP, TT thông tin khoa học lập pháp (2017), Thông tin chuyên đề: “Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho DNNVV của một số quốc gia - Kinh nghiệm cho Việt Nam” (Tài liệu phục vụ kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV).

IDENTIFYING STATE SUPPORT FOR SMALL AND MEDIUM ENTERPRISES

BUI BAO TUAN

Government Inspectorate

ABSTRACT:

Currently, among more than 600,000 registered businesses, 97.7% of which are small and medium-sized enterprises (SMEs), even micro enterprises. Supporting SMEs is an important task in the state management of a market economy. This task is even more important when this business sector is in urgent need of the State's support for knowledge, awareness as well as legal advice. The paper examines the theoretical issues of the state's support for SMEs such as: identification, classification, the role of SMEs as well as supporting policies from the State for SMEs in the current period.

Keywords: Small and medium enterprises, policy, support, government.