Nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh Bình Dương

ĐỒNG QUANG CHUNG (Khoa Kế toán, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) - NGUYỄN HỮU THIỆN (Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức) - NGUYỄN THỊ HOÀI THƯƠNG (Công ty TNHH MTV 990 - Công an TP. Hồ Chí Minh).

TÓM TẮT:

Tăng cường chất lượng hệ thống thông tin kế toán (AIS) là xu hướng tất yếu để có được thông tin nhanh chóng, chất lượng cho quá trình ra quyết định. Do đó, nghiên cứu đã xác định và cho thấy có 5 nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng AIS trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Dương, gồm: Sự hỗ trợ của nhà quản lý; Mục tiêu hoạt động; Mục tiêu báo cáo; Mục tiêu tuân thủ; và Hiệu quả phần mềm và các trình ứng dụng kế toán. Trong đó, nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đó là Hiệu quả phần mềm và các trình ứng dụng kế toán.

Từ khóa: Hệ thống thông tin kế toán, chất lượng hệ thống thông tin kế toán, doanh nghiệp FDI, tỉnh Bình Dương.

1. Giới thiệu

Hệ thống thông tin đáp ứng được sự linh hoạt, hiệu quả, có thể truy cập kịp thời được xem như là thành công và có chất lượng (DeLone và các cộng sự, 2003). Do đó, nhiều doanh nghiệp tin rằng, chất lượng AIS là vô cùng quan trọng đối với sự thành công cũng như nhiều nhà nghiên cứu quan tâm vấn đề này (Rapina, 2014). Vì thế, nghiên cứu được thực hiện để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng AIS trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tại Bình Dương, góp phần tăng cường chất lượng cho hệ thống này tại các đơn vị.

2. Lý thuyết nền nghiên cứu

2.1. Hệ thống thông tin kế toán

AIS là một hệ thống thu thập, xử lý, tổng hợp và lưu trữ dữ liệu nhằm cung cấp dữ liệu, thông tin liên quan đến kế toán, tài chính, hữu ích phục vụ cho việc ra quyết định. Và một AIS có chất lượng ảnh hưởng đến chuỗi giá trị trong doanh nghiệp như gia tăng cạnh tranh, hiệu quả chuỗi giá trị, ra quyết định, kiểm soát nội bộ, chất lượng và giảm chi phí sản phẩm hoặc dịch vụ (Romney và các cộng sự, 2012).

AIS có các chức năng chính gồm: (1) Thu thập và lưu trữ thông tin về hoạt động của doanh nghiệp; (2) Chuyển đổi dữ liệu đầu vào thành thông tin hữu ích cho nhà quản lý; (3) Kiểm soát thông tin, tài sản. Để thực hiện chức năng của mình AIS bao gồm các thành phần: (1) Nhân sự (người điều khiển hệ thống); (2) Trình tự, thủ tục sử dụng trong thu thập, xử lý, lưu trữ thông tin (Lưu đồ); (3) Dữ liệu về tổ chức và quá trình xử lý; (4) Phần mềm để xử lý dữ liệu; (5) Trang thiết bị công nghệ; và (6) Kiểm soát nội bộ và an toàn tài liệu (Bodnar và Hopwood, 2001).

2.2. Chất lượng hệ thống thông tin kế toán

Romney và các cộng sự (2012) cho rằng, một AIS có chất lượng khi nó đạt được yêu cầu sau: hệ thống linh hoạt, hữu hiệu, dễ truy cập và kịp thời. Và Rapina (2014) cho thấy những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng của AIS bao gồm: hệ thống kỹ thuật (phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu và các thủ tục) và các hệ thống, quy trình bao gồm con người và sự quan tâm của nhà quản lý đối với AIS. Trong khi đó, Anggadini (2015) cho rằng, chất lượng AIS được đo bằng (1) tính linh hoạt; (2) hiệu quả; (3) khả năng tiếp cận.

Để xây dựng một AIS có chất lượng, quá trình phát triển hệ thống là vô cùng quan trọng để đáp ứng nhu cầu nhà quản lý. Quá trình phát triển AIS bao gồm bốn giai đoạn: (1) phân tích hệ thống; (2) thiết kế hệ thống; (3) thực hiện hệ thống và vận hành hệ thống (Romney và các cộng sự, 2012).

Bên cạnh là quá trình vận hành AIS. Nhằm hạn chế những rủi ro và gian lận cho các hoạt động thu thập dữ liệu đầu vào; xử lý dữ liệu; và lưu trữ dữ liệu cùng cung cấp thông tin, việc áp dụng các thủ tục của kiểm soát nội bộ là vô cùng cần thiết như phân chia trách nhiệm, phê duyệt,… (Romney và các cộng sự, 2012).

Và vấn đề cuối cùng là kiểm soát và đánh giá chất lượng AIS. Các thủ thục kiểm soát của hệ thống kiểm soát nội bộ đảm bảo chất lượng dữ liệu đầu vào; nâng cao tính chính xác của quá trình xử lý dữ liệu; đảm bảo cơ sở hạ tầng/trang thiết bị phù hợp của quá trình phát triển hệ thống, qua đó đảm bảo chất lượng AIS (Saer va¸ Olui, 2013). Qua đó, hệ thống kiểm soát nội bộ được như yếu tố đánh giá chất lượng AIS (Romney và các cộng sự, 2012).

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Giả thuyết nghiên cứu

Sự hỗ trợ của nhà quản lý là vô cùng quan trọng cho quá trình phát triển và vận hành AIS (Ismail, 2009). Chỉ có họ mới xác định được cơ hội kinh doanh trong việc khai thác AIS, vì họ hiểu rõ về doanh nghiệp của mình sẵn sàng đầu tư cho một hệ thống tốn nhiều chi phí (Anggadini, 2015). Do đó, giả thuyết được đề xuất:

H1: Sự hỗ trợ của nhà quản lý có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng AIS.

Theo COSO (2013), hệ thống kiểm soát nội bộ đạt được sự hữu hiệu khi đảm bảo hợp lý trong việc đạt được 3 mục tiêu: hoạt động hữu hiệu và hiệu quả, báo cáo đáng tin cậy, tuân thủ pháp luật và các quy định. Và hệ thống này được như yếu tố đánh giá chất lượng AIS (Romney và các cộng sự, 2012). Chính vì vậy, sự hữu hiệu của hệ thống này sẽ tác động đến chất lượng AIS (Anggadini, 2015).  Vì thế, các tác giả đề xuất 3 giả thuyết sau:

H2: Mục tiêu hoạt động có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng AIS.

H3: Mục tiêu báo cáo có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng AIS

H4: Mục tiêu tuân thủ có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng AIS.

Việc tin học hóa và sử dụng phần mềm trong công tác kế toán là một xu hướng tất yếu (Saer va¸ Olui, 2013). Cac phần mềm và ứng dụng kế toán giúp rút ngắn thời gian xử lý dữ liệu; cải thiện độ chính xác, tin cậy, và kịp thời đối với thông tin đầu ra, từ đó cải thiện được chất lượng của AIS trong các tổ chức (Anggadini, 2015). Chính vì vậy, nhóm tác giả cho rằng:        

H5: Hiệu quả phần mềm và các trình ứng dụng kế toán ảnh hưởng tích cực đến chất lượng AIS. 

3.2. Mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở kế thừa mô hình nghiên cứu của Anggadini (2015) và có sự điều chỉnh thang đo phù hợp theo nghiên cứu của Ismail (2009), mô hình nghiên cứu được các tác giả đề xuất như Hình 1

Hình 1: Mô hình nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

Nguồn: Các tác giả đề xuất

Đồng thời, các tác giả đề xuất phương trình hồi quy chưa chuẩn hóa để kiểm định các giả thuyết nghiên cứu có dạng như sau:

CLAIS = β0 + β1HTQL+ β2HĐ + β3BC + β4TT + β5PMKT + εi

Trong đó: CLAISS là chất lượng AIS; HTQL là sự hỗ trợ của nhà quản lý; HĐ là mục tiêu hoạt động; BC là mục tiêu báo cáo; TT là mục tiêu tuân thủ; PMKT là hiệu quả phần mềm và các trình ứng dụng kế toán; β0 là hằng số; εi là sai số; β1, β2, β3, β4, β5 là hệ số hồi quy của các biến độc lập.

3.3. Thu thập dữ liệu

Dữ liệu được thu thập thông qua bảng khảo sát với các thang đo được xây dựng dựa trên nghiên cứu của Ismail (2009); Rapina (2014); Anggadini (2015) và sử dụng chuyên gia để đảm bảo độ tin cậy kết quả nghiên cứu (Alreck và Settle, 2004). Bảng khảo sát chính thức được gửi trực tiếp đến các đáp viên là người sử dụng; các nhà tư vấn; các nhà quản lý bộ phận ứng dụng AIS trong các doanh nghiệp FDI tại Bình Dương. Đồng thời, số lượng mẫu tối thiểu theo công thức của Hair và các cộng sự là 5*số quan sát, tương ứng với 140. Tuy nhiên, để đảm bảo cỡ mẫu sau thu thập, tác giả tăng cỡ mẫu thêm 50%, tưng ứng với 210 khảo sát.

4. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

Số phiếu khảo sát được phát ra trực tiếp là 210. Số lượng thu thập là 200, tương ứng tỷ lệ 95,24%. Trong đó, 17 phiếu không phù hợp, số phiếu đưa vào phân tích dữ liệu sau làm sạch là 183, tương ứng tỷ lệ thu thập 87,14%, thỏa cỡ mẫu tối thiểu.

Hình 2: Thống kê thông tin đối tượng khảo sát

Thống kê thông tin đối tượng khảo sát

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Kết quả minh họa qua Hình 2 cho thấy, các đáp viên đều là đối tượng có nhiều kinh nghiệm (tỷ lệ làm việc trên 5 năm là 80%) và có thời gian tham gia vào quá trình vận hành AIS khá cao (tỷ lệ tham gia trên 3 năm là 87%), đồng thời trình độ từ đại học trở lên chiếm tỷ lệ 86%. Điều này chứng tỏ đáp viên có đủ trình độ và sự hiểu biết đầy đủ để tham gia khảo sát, từ đó đảm bảo độ tin cậy đối với dữ liệu được thu thập và phân tích.

Bảng 1. Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo bằng Cronbach’s Alpha

Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo bằng Cronbach’s Alpha

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Kiểm định Cronbach’s Alpha cho thấy có 25/28 biến quan sát đạt yêu cầu và 3 quan sát gồm 2 quan sát của biến độc lập và 1 quan sát của biến phụ thuộc bị loại khi phân tích EFA vì có hệ số tương quan biến tổng < 0,3. Như vậy, số quan sát đảm bảo độ tin cậy của biến đo lường được đưa vào thực hiện EFA là 25.

Bảng 2. Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA cho các biến độc lập

Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA cho các biến độc lập

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Kết quả Bảng 2 cho thấy, hệ số KMO = 0,840 và kiểm định Barlett với giá trị Sig. = 0,000. Hơn nữa, giá trị Eigenvalue của 5 nhóm biến độc lập đều > 1 (thấp nhất là 1,462) và tổng giá trị phương sai trích là 66,296 (với tổng số quan sát là 21) chứng tỏ 66,296% sự biến thiên của dữ liệu được giải thích bởi 5 nhân tố, 33,704% được giải thích bởi các nhân tố khác chưa được đề cập trong mô hình nghiên cứu.

Bảng 3. Kết quả kiểm định tương quan

Kết quả kiểm định tương quan

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Kết quả kiểm định tương quan cho thấy, cả 5 biến độc lập đều có tương quan thuận chiều (tích cực) khá cao với biến phụ thuộc CLAIS, với hệ số tương quan từ 0,364 đến 0,536, độ tin cậy 99%. Bên cạnh đó, giữa các biến độc lập cũng có sự tương quan với nhau. Điều này có thể làm xuất hiện hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình nghiên cứu và cần được kiểm định ở bước tiếp theo.

Bảng 4. Kết quả hồi quy

Kết quả hồi quy

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Số liệu Bảng 4 cho thấy, giá trị Sig. của 5 biến độc lập đều nhỏ hơn 0,01, nên Phương trình hồi quy chưa chuẩn hóa về các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng AIS được xác định như sau (có ý nghĩa thống kê với độ tin cậy 99%):

CLAIS = 0,741 + 0,185HTQL + 0,199HĐ + 0,117BC + 0,155TT + 0,176PMKT + εi

Bên cạnh đó, kết quả kiểm định ANOVA với Sig. = 0,000b < 0,05 cho thấy mô hình nghiên cứu là phù hợp có thể suy rộng cho tổng thể; chỉ số R2 hiệu chỉnh = 0,575 chứng tỏ năm biến độc lập giải thích được 57,5% sự biến thiên của biến phụ thuộc, và 42,5% còn lại là do các nhân tố khác chưa được đề cập trong mô hình nghiên cứu. Hơn nữa, hệ số VIF của 5 biến độc lập đều < 2 cho thấy không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra trong mô hình.

Từ các kết quả trên, có thể khẳng định cả 5 nhân tố: Sự hỗ trợ của nhà quản lý; Mục tiêu hoạt động; Mục tiêu báo cáo; Mục tiêu tuân thủ; Hiệu quả phần mềm và các trình ứng dụng kế toán đều có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng AIS trong các doanh nghiệp FDI tại Bình Dương. Kết quả này cho thấy có sự tương đồng với các nghiên cứu trước đó của Ismail (2009); Saer va¸ Olui (2013); Rapina (2014); va¸ Anggadini (2015).

5. Kết luận

Nghiên cứu đã cho thấy có sự ảnh hưởng tích cực đến chất lượng AIS trong các doanh nghiệp FDI tại Bình Dương. Trong đó, mức độ ảnh hưởng của các nhân tố theo thứ tự giảm dần như sau: mạnh nhất là Mục tiêu hoạt động (beta = 0,284); kế đến là Hiệu quả phần mềm và các trình ứng dụng kế toán (beta = 0,264); tiếp theo là Sự hỗ trợ của nhà quản lý (beta = 0,257); tiếp đến là Mục tiêu tuân thủ (beta = 0,213); và yếu nhất là Mục tiêu báo cáo (beta = 0,164). 

Qua đó, nhóm tác giả kiến nghị các doanh nghiệp FDI tại Bình Dương cần thực hiện các vấn đề sau để tăng cường hơn nữa chất lượng AIS trong đơn vị của mình. Đó là: (1) Cập nhật/nâng cấp phần mềm và các ứng dụng kế toán để đáp ứng nhu cầu phát triển AIS; (2) Nhà quản lý cam kết tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của AIS trên cơ sở gắn với mục tiêu chiến lược phát triển của đơn vị; (3) và Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ để tăng cường sự hữu hiệu của hệ thống này. 

Nhìn chung, nghiên cứu góp phần mở rộng hiểu biết về chất lượng AIS trong các doanh nghiệp FDI. Các nghiên cứu trong tương lai cần được tiếp tục để khám phá các nhân tố mới, vì mức độ giải thích của mô hình chỉ 57,5%, đồng thời mở rộng phạm vi nghiên cứu, vì đối tượng của nghiên cứu này mới chỉ là các doanh nghiệp FDI tại Bình Dương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Alreck, P. L., & Settle, R. B. (2004), The survey research handbook (3rd ed.), Boston: McGraw-Hill/Irwin.
  2. Anggadini, S. D. (2015). The effect of top management support and internal control of the accounting information systems quality and its implications on the accounting information quality. Information Management and Business Review, 7(3), 93-102.
  3. Bodnar, G. H., & Hopwood, W. S. (2001). Accounting lnformation Systems.
  4. Delone, W. H., & McLean, E. R. (2003). The DeLone and McLean model of information systems success: A ten-year update. Journal of management information systems, 19(4), 9-30.
  5. Ismail, N. A. (2009). Factors influencing AIS effectiveness among manufacturing SMEs: Evidence from Malaysia. The Electronic Journal of Information Systems in Developing Countries, 38(1), 1-19.
  6. Rapina, R. (2014). Factors Influencing The Quality of Accounting Information System And Its Implications on The Quality of Accounting Information. Research Journal of Finance and Accounting, 5(2).
  7. Romney, M., Steinbart, P., Mula, J., McNamara, R., & Tonkin, T. (2012). Accounting Information Systems Australasian Edition. Pearson Higher Education AU.
  8. Mamić Sačer, I., & Oluić , A. (2013). Information technology and accounting information systems’ quality in Croatian middle and large companies. Journal of information and organizational sciences, 37(2), 117-126.

FACTORS AFFECTING THE QUALITY OF

ACCOUNTING INFORMATION SYSTEMS OF

FOREIGN-INVESTED ENTERPRISES IN BINH DUONG PROVINCE

● DONG QUANG CHUNG

Faculty of Accounting, Ton Duc Thang University

● NGUYEN HUU THIEN

Thu Duc College of Technology

● NGUYEN THI HOAI THUONG

990 One-member Company Limited,

Department of Public Security - Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Enhancing quality of accounting information system (AIS) is an indispensable trend to obtain fast and quality information for making decision process. Hence, this research identifies and reveales that there are five factors affecting to quality of the AIS of foreign-invested enterprises in Binh Dương province. These factors are management support, operational objectives, report objectives, compliance objectives, and efficiency of accounting software and applications. In which, the most effecting factor is the efficiency of accounting software and applications factor.

Keywords: Accounting information system, quality of accounting information system, foreign-invested enterprises, Binh Duong province.