TÓM TẮT:

Bài viết xác định các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên ngành Kế toán khoa Tài chính - Thương mại (Hutech), từ đó tác giả đề xuất các khuyến nghị nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên trong toàn khoa. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên ngành Kế toán, khoa Tài chính - Thương mại, bao gồm: Bản thân sinh viên; Truyền thống gia đình; Trình độ; Đam mê kinh doanh; Môi trường khởi nghiệp; Nguồn vốn.

Từ khóa: nhân tố ảnh hưởng, ý định khởi nghiệp, sinh viên, kế toán.

1. Đặt vấn đề

Vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp luôn là vấn đề mà bất kỳ cơ sở giáo dục đào tạo nào cũng rất quan tâm. Đặc biệt, trong giai đoạn tình hình dịch Covid-19 diễn ra gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh trong thời gian qua,sinh viên ra trường tìm được việc làm và làm việc đúng chuyên ngành rất khó khăn . Tại khoa Tài chính - Thương mại (Hutech), tỷ lệ sinh viên ngành Kế toán ra trường kiếm được việc làm và làm việc đúng chuyên ngành trong giai đoạn 2015-2020 có sự gia tăng theo hàng năm.Thực tế cho thấy, có nhiều trường đại học đã đưa giáo dục khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, thậm chí tổ chức các cuộc thi liên quan đến Khởi nghiệp trong sinh viên. Tại khoa Tài chính - Thương mại cũng đã có một số đề tài của sinh viên ngành Kế toán tham dự Hutech Startup Wings và rất thành công. Tuy nhiên, con số này còn khiêm tốn so với số lượng sinh viên của ngành và tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp ngành Kế toán khởi nghiệp còn rất thấp. Đây chính là lý do để tác giả thực hiện nghiên cứu này, nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên ngành Kế toán, khoa Tài chính - Thương mại (Hutech).

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Bài viết thực hiện tổng quan tài liệu nghiên cứu trong nước và nước ngoài có liên quan đến chủ đề nghiên cứu. Theo Nguyễn Thị Yến (2011), sự sẵn sàng kinh doanh, tính cách cá nhân, nguồn vốn và sự đam mê kinh doanh là những yếu tố cá nhân tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên. Theo Zahariah Mohd Zain, et al (2010), các yếu tố: khóa học kinh doanh, truyền thống gia đình, đặc điểm cá nhân đều ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên. Ngoài ra, nghiên cứu của Wenjun Wang (2011) đã cho thấy, sự ham muốn kinh doanh, sự sẵn sàng kinh doanh và kinh nghiệm làm việc có tác động trực tiếp đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

Kết quả nghiên cứu của Fatoki (2010) về những động lực và trở ngại đối với ý định khởi nghiệp của sinh viên cho thấy các yếu tố tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên gồm: việc làm, quyền tự chủ, sáng tạo, kinh tế và nguồn vốn. Sau khi tiến hành lược khảo tài liệu trong và ngoài nước, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu xác định các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên ngành kế toán khoa Tài chính - Thương mại thông qua các yếu tố: (1) Bản thân sinh viên, (2) Truyền thống gia đình, (3) Trình độ, (4) Kinh nghiệm, (5) Đam mê kinh doanh, (6) Sẵn sàng kinh doanh (7) Môi trường khởi nghiệp và (8) Nguồn vốn.

3. Phương pháp nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu thống kê mô tả, nghiên cứu nhân quả kết hợp với phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng để có thể vừa khám phá vấn đề vừa có thể kiểm định lại các khám phá đó thông qua việc khảo sát trên số lượng lớn các đối tượng nghiên cứu.

Phương pháp định tính: Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp định tính như sau: Tìm hiểu tài liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu, tìm các công trình nghiên cứu trong nước và nước ngoài để tổng quan tài liệu. Xây dựng bộ câu hỏi nghiên cứu sơ bộ, sử dụng kỹ thuật thảo luận nhóm tập trung với sự tham gia của 20 bạn sinh viên chuyên ngành kế toán (bao gồm 10 bạn sinh viên đã khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp và 10 bạn sinh viên đang học chuyên ngành kế toán tại khoa có ý định khởi nghiệp) để xây dựng những câu hỏi nghiên cứu thông qua việc phỏng vấn trực tiếp dạng câu hỏi mở. Bên cạnh đó, tác giả còn tiến hành thảo luận chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh, giảng viên phụ trách khởi nghiệp nhằm thu thập thông tin góp phần định hướng nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện mô hình và các thang đo của đề tài nghiên cứu.

Phương pháp định lượng: Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp định lượng như sau: Tiến hành khảo sát sinh viên về đề tài nghiên cứu. Phân tích dữ liệu khảo sát thông qua phần mềm SPSS. Kiểm định mô hình, các giả thuyết nghiên cứu và đánh giá mức độ tác động của các yếu tố đến hiệu quả học tập. Kiểm định T-Test và ANOVA để kiểm định sự khác biệt trung bình của từng nhóm đối tượng đánh giá.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Phân tích thống kê mô tả

Tác giả phát ra 550 phiếu khảo sát và thu về 471 phiếu hợp lệ.

Thống kê mô tả sinh viên các ngành, chuyên ngành. Vì khảo sát sinh viên ngành Kế toán nên các phiếu ngành khác được loại ra. Trong tổng số 471 phiếu khảo sát không có sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng, Kinh doanh thương mại, Thương mại điện tử của khoa, tất cả đều là sinh viên ngành Kế toán, cụ thể có 113 bạn sinh viên chuyên ngành Kế toán - Ngân hàng chiếm 24,0%, 223 bạn sinh viên chuyên ngành Kế toán - Tài chính chiếm 47,3% và 135 bạn sinh viên chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán chiếm 28,7%. Bên cạnh đó, tỷ lệ phiếu khảo sát phân bổ đều cho các khóa, điều này đảm bảo chất lượng cuộc khảo sát.

Thống kê mô tả theo giới tính. Về giới tính, sinh viên nam có 107 bạn (chiếm 22,7%), còn lại là 364 bạn sinh viên nữ (chiếm 77,3%). Sự chênh lệch nam nữ trong mẫu khảo sát vì đặc thù ngành học Kế toán của khoa Tài chính - Thương mại là tỷ lệ sinh viên nữ nhiều hơn sinh viên nam.

4.2. Phân tích Cronbach Alpha và phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Sau khi phân tích thống kê mô tả, tác giả thực hiện phương pháp làm sạch dữ liệu bằng phương pháp phân tích Cronbach Alpha cho tất cả các biến độc lập và biến phụ thuộc. Kết quả phân tích đối với 8 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc “Ý định khởi nghiệp” cho thấy từ những biến quan sát ban đầu, sau khi phân tích bằng hệ số tin cậy Cronbach Alpha đã loại ra một số biến, còn lại 26 biến sẽ được đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA kế tiếp.

Bảng 1. KMO and Bartlett's Test

kmo_and_bartletts_test

Bảng 2. Rotated Component Matrixa

rotated_component_matrix

Sau khi phân tích EFA, tác giả xây dựng được mô hình nghiên cứu hiệu chỉnh gồm 6 nhân tố ảnh hưởng đến Ý định Khởi nghiệp của sinh viên ngành Kế toán khoa Tài chính - Thương mại, gồm: (1) Bản thân sinh viên, (2) Truyền thống gia đình, (3) Trình độ, (4) Đam mê kinh doanh, (5) Môi trường khởi nghiệp và (6) Nguồn vốn.

   Các giả thuyết của mô hình:

      H1: Bản thân sinh viên có ảnh hưởng cùng chiều đến Ý định Khởi nghiệp.

      H2: Truyền thống gia đình có ảnh hưởng cùng chiều đến Ý định Khởi nghiệp.

      H3: Trình độ sinh viên có ảnh hưởng cùng chiều đến Ý định Khởi nghiệp.

      H4: Đam mê kinh doanh có ảnh hưởng cùng chiều đến Ý định Khởi nghiệp.

      H5: Môi trường khởi nghiệp có ảnh hưởng cùng chiều đến Ý định Khởi nghiệp.

      H6: Nguồn vốn có ảnh hưởng cùng chiều đến Ý định Khởi nghiệp.

4.3. Phân tích hồi quy

Từ bảng kết quả hồi quy, tác giả đưa ra phương trình hồi quy có hệ số đã chuẩn hóa:

Y = 0,003 + 0,184*BTSV + 0,029*TTGD + 0,331*TD + 0,134*DMKD + 0,237*MTKN + 0,365*NV + ε  

Trong đó:

Y:  Ý định Khởi nghiệp

BTSV (X1): Bản thân sinh viên, TTGD (X2): Truyền thống gia đình, TD (X3): Trình độ, DMKD (X4): Đam mê kinh doanh, MTKN (X5): Môi trường khởi nghiệp, NV(X6): Nguồn vốn, ε: Sai số ngẫu nhiên.

Kết quả hồi quy cho giá trị cột Sig của 6 nhân tố đều < 0,05, cho thấy cả 6 nhân tố đều ảnh hưởng đến Ý định Khởi nghiệp của sinh viên. Để xác định tầm quan trọng của từng yếu tố ảnh hưởng đến “Ý định Khởi nghiệp”, tác giả căn cứ vào hệ số Beta. Nếu hệ số Beta của 1 yếu tố nào càng lớn thì nhân tố đó sẽ có ảnh hưởng đến biến phụ thuộc càng nhiều. Qua phương trình hồi quy ở trên ta thấy yếu tố “Nguồn vốn” có ảnh hưởng mạnh nhất đến biến phụ thuộc với Beta = 0,365; kế đến lần lượt là “Trình độ” (Beta=0,331); “Môi trường khởi nghiệp” (Beta=0,237); “Bản thân sinh viên” với Beta=0,184; “Đam mê kinh doanh” (Beta=0,134) và ảnh hưởng nhỏ nhất là yếu tố “Truyền thống gia đình” với Beta= 0,029.           

5. Kết luận và khuyến nghị

Thông qua kết quả hồi quy bên trên, tác giả đã xác định được các nhân tố tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên ngành Kế toán, Khoa Tài chính - Thương mại (Hutech). Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 yếu tố tác động đến ý định Khởi nghiệp của sinh viên, bao gồm: Bản thân sinh viên, Truyền thống gia đình, Trình độ sinh viên, Đam mê kinh doanh, Môi trường khởi nghiệp và Nguồn vốn.

Từ kết quả này, tác giả đã đề xuất một số khuyến nghị để nâng cao nhận thức và phát triển ý định Khởi nghiệp trong sinh viên khoa Tài chính - Thương mại (HUTECH) như sau:

Thứ nhất, đơn vị đào tạo cần thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm kinh doanh, tạo ra các sân chơi để phát triển ý tưởng khởi nghiệp. Việc đẩy mạnh tổ chức các hoạt động này sẽ tạo động lực cho sinh viên trong Khoa chủ động tham gia và góp phần làm gia tăng mong muốn khởi nghiệp của sinh viên. Không những thế, các hoạt động hỗ trợ nâng cao tinh thần khởi nghiệp còn tạo ra động lực, kích thích sinh viên sáng tạo ý tưởng và hành động với tinh thần tự tin “tự thân lập nghiệp”.

Thứ hai, đơn vị đào tạo cần cải tiến chương trình đào tạo, phát triển phương pháp giảng dạy và đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa. Các đơn vị đào tạo nên phát triển chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận, tương tác thực tiễn hoạt động kinh doanh, quan tâm đến việc giáo dục tinh thần và ý chí kinh doanh thông qua việc bổ sung đào tạo thêm các học phần về Khởi nghiệp vào khung chương trình đào tạo theo “hướng mở”. Ngoài chương trình đào tạo chính thức, các đơn vị đào tạo có thể lồng ghép và đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, hoạt động thực tế hay giao lưu với doanh nghiệp trong quá trình học, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội nhận thức và thực hành kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng liên quan đến nghệ thuật lãnh đạo, điều hành, quản lý nhóm.

Thứ ba, các đơn vị đào tạo có thể nghiên cứu thành lập các trung tâm hỗ trợ, tư vấn về khởi nghiệp. Trung tâm này ngoài việc giúp cho sinh viên hình thành, phát triển ý định khởi nghiệp còn hỗ trợ cho sinh viên những thông tin chính xác, đầy đủ và cần thiết về các chủ trương, chính sách, pháp luật vềdoanh nghiệp, cũng như thông tin về thị trường, đầu tư và các lĩnh vực khác mà sinh viên quan tâm.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Yến (2011). Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên ĐHQG TP.HCM, Đề tài nghiên cứu Khoa học Euréka.
  2. Fatoki, Olawale Olufunso (2010). Graduate Entrepreneurial Intention in South Africa: Motivations and Obstacles. South Africa: Department of Business Managemen, University of Fort Hare.
  3. Hair, J. F., Black, W. C., Babin, B. J., Anderson, R. E. & Tatham, R. L. (2006). Multivariate data analysis. 6th ed. New Jersey: Pearson Prentice Hall.
  4. Hair, Black, Babin, Anderson, Tatham. (2009). Multivariate Data Analysis. 7th ed. New Jersey: Pearson Prentice Hall.
  5. Wenjun Wang, Wei Lu, John Kent Millington. (2011). Determinants of Entrepreneurial Intention among College Students in China and USA. Journal of Global Entrepreneurship Research, Winter & Spring, 1(1), 35-44.
  6. Zahariah Mohd Zain, Amalina Mohd Akram, Erlane K Ghani. (2010). Entrepreneurship Intention Among Malaysian Business Students. Canadian Social Science, 6(3), 34-44.

 FACTORS AFFECTING THE START-UP INTENTIONS

OF ACCOUNTING STUDENTS OF THE FACULTY OF FINANCE AND

COMMERCE, HO CHI MINH CITY UNIVERSITY OF TECHNOLOGY

Ph.D student, Master. TRAN NAM TRUNG

Faculty of Finance - Commerce

Ho Chi Minh City University of Technology

 

ABSTRACT:

This study identifies the factors affecting the start-up intentions of accounting students of the Faculty of Finance and Commerce, Ho Chi Minh City University of Technology (HUTECH). Based on the study’s findings, some recommendations are proposed to inspire the start-up intentions of the accounting students. This study finds out that there are 6 factors affecting the start-up intentions of accounting students, including the characteristics of student, the family traditions, the education and competency level, the passion for business, start-up environment, the financial source. 

Keywords: influencing factors, start-up intentions, student, accountant.

 

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 7, tháng 3 năm 2021]