TÓM TẮT:

Bài viết nhằm tìm hiểu công tác tổ chức, xác định và đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ (HTKSNB) tại các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngành Cao su tỉnh Kon Tum. Từ kết quả đo lường các nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của HTKSNB, tác giả đề xuất các kiến nghị phù hợp, góp phần nâng cao tính hữu hiệu của HTKSNB.

Từ khóa: kiểm soát nội bộ, doanh nghiệp, ngành Cao su, Kon Tum,

1. Đặt vấn đề:

Kiểm soát nội bộ (KSNB) là một thành phần không thể thiếu trong quản trị, là cơ sở đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp an toàn và vững mạnh, giúp doanh nghiệp đạt các mục tiêu dài hạn, duy trì hệ thống báo cáo tài chính và quản trị đáng tin cậy. Với doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh liên quan đến cao su, hệ thống KSNB đang dần được hoàn thiện, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và tình hình cạnh tranh hiện nay.

Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, ngăn ngừa những tổn thất,  rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh, ngoài các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, trước hết, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những biện pháp hữu hiệu. Một trong những biện pháp quan trọng nhất là phải thiết lập được HTKSNB một cách đầy đủ và có hiệu quả. Thông qua HTKSNB hữu hiệu sẽ có các mục tiêu được xây dựng. Một trong những mục tiêu đó là xây dựng và sử dụng các nguồn lực hiệu quả, tuân thủ qui định pháp luật...

Để triển khai thực hiện, tác giả sử dụng phương pháp định tính và phương pháp định lượng. Ở phương pháp định tính, tác giả thông qua tham khảo tài liệu để tìm kiếm mô hình phù hợp, trao đổi ý kiến với các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp để xây dựng bảng khảo sát. Với phương pháp định lượng, tác giả đã thực hiện khảo sát tại 25 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngành Cao su tại tỉnh Kon Tum. Mô hình nghiên cứu gồm 5 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc được thực hiện nghiên cứu thông qua thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy của thang đo thông qua hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, và phân tích hồi quy đa biến.

2. Thực trạng và kết quả hoạt động sản xuất kinh - doanh của các doanh nghiệp ngành Cao su tỉnh Kon Tum

Kon Tum được xem là thủ phủ cao su của các tỉnh Tây Nguyên, với nhiều sản phẩm từ cao su được cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Đây cũng là nơi có lực lượng lao động lành nghề, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng và sản xuất - kinh doanh ngành Cao su. (Bảng  1)

Bảng 1. Kim ngạch xuất khẩu Cao su của tỉnh Kon Tum

Năm

Số lượng

(tấn)

Giá trị

(triệu USD)

2018

171,556

176

2019

150,000

183,9

2020

390,000

257

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Số liệu trên cho thấy, trong những năm gần đây, nhìn chung sản lượng xuất khẩu cao su của tỉnh Kon Tum đã có sự tăng trưởng khá tốt qua các năm. Ngoại trừ năm 2019, do Trung Quốc thay đổi chính sách và tăng cường giám sát chặt chẽ mặt hàng cao su tổng hợp nhập khẩu vào nước này nên đã ảnh hưởng đến lượng xuất khẩu của cao su Việt Nam.Đồng thời, các đợt nắng nóng kéo dài đã khiến sản lượng khai thác bị sụt giảm liên tục. Những nhân tố này đã ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu cao su của tỉnh Kon Tum, tuy nhiên, giá trị xuất khẩu cao su vẫn tăng trưởng so với năm 2018. Sang năm 2020, ngành Cao su Kon Tum tiếp tục tăng trưởng mạnh cả về số lượng và giá trị xuất khẩu. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho ngành Cao su tỉnh KonTum.

Về số lao động của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngành Cao su tỉnh Kon Tum, nhóm doanh nghiệp dưới 10 người chiếm 7,69%. Nhóm doanh nghiệp có số lao động có từ 10 đến 200 người và trên 300 người chiếm tỷ lệ 46,15%. (Bảng 2)

Bảng 2. Số lao động của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh

ngành Cao su tỉnh Kon Tum

STT

Lao động (người)

Số phiếu

Tỷ lệ (%)

1

Từ trên dưới 10 người

2

7,69

2

Từ trên 10 người đến 200 người

12

46,15

3

Trên 300 người

12

46,15

Tổng cộng

26

100%

               Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả, trích từ Phụ lục 6

Về loại hình doanh nghiệp, qua thống kê cho thấy, công ty TNHH chiếm tỷ lệ cao nhất là 61,54%, công ty cổ phần chiếm tỷ lệ cao thứ hai với 26,92%, tiếp theo là loại hình doanh nghiệp tư nhân chiếm 7,69%. Sau cùng là các loại hình doanh nghiệp khác, chiếm tỷ lệ thấp nhất với 3,85%. Kết quả thống kê trên cho thấy, trong ngành Cao su tỉnh Kon Tum, hầu hết là các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và Tổng công ty 15. Các tổ chức nhỏ lẻ ở đây chưa nhiều, tương đối tập trung hợp nhất sản xuất để đạt được hiệu quả về năng suất, giá và công suất nhà máy được sử dụng hữu hiệu. (Bảng 3)

Bảng 3: Loại hình của các doanh nghiệp ngành Cao su tỉnh Kon Tum

STT

Loại hình doanh nghiệp

Số phiếu

Tỷ lệ (%)

1

Doanh nghiệp tư nhân

2

7,69%

2

Công ty TNHH

16

61,54%

3

Công ty cổ phần

7

26,92%

4

Khác

1

3,85%

Tổng cộng

26

100%

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Theo số liệu thống kê cho thấy, doanh thu nhóm doanh nghiệp vừa chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngành Cao su tỉnh KonTum, chiếm 44%. Nhóm doanh nghiệp lớn đứng thứ hai, chiếm 36%. Số doanh nghiệp nhỏ chiếm 20% trong cơ cấu doanh thu của ngành Cao su tỉnh Kon Tum. Các doanh nghiệp nhỏ có doanh thu dưới 20 tỷ đồng trong những năm trước đã kinh doanh không hiệu quả, cùng với sự suy giảm chung của ngành Cao su dẫn đến việc phải đóng cửa.

Từ kết quả phân tích cùng quá trình khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến các cấp quản lý, công nhân viên làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngành Cao su tỉnh Kon Tum và chuyên gia Hiệp hội Cao su Việt Nam cho thấy, tính hữu hiệu của HTKSNB tại các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngành Cao su tỉnh Kon Tum được đánh giá ở mức trung bình khá, phù hợp với phần kết quả nghiên cứu ở phần phân tích thống kê mô tả. Một số doanh nghiệp nổi bật, được đánh giá cao về tính hữu hiệu của HTKSNB hầu hết là những doanh nghiệp có quy mô lớn như: Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, Công ty Cổ phần Sa Thầy, Công ty TNHH MTV Chư Mom Ray... Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi HTKSNB tại doanh nghiệp hoạt động trong môi trường phát triển liên tục, rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt sẽ không ngừng thay đổi. Vì vậy, doanh nghiệp đạt tính hữu hiệu là yếu tố thiết yếu, giúp công tác quản lý doanh nghiệp có hiệu quả, đạt được mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp và ngăn chặn được những hoạt động bất hợp lệ, đảm bảo thông tin trên báo cáo tài chính đáng tin cậy, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật và các qui định. Nhằm góp phần nâng cao tính hữu hiệu của HTKSNB tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành cao su tỉnh KonTum, một số bàn luận được đưa ra như sau:

2.1. Đối với nhân tố môi trường kiểm soát

Nhân tố môi trường kiểm soát có hệ số Beta chuẩn hóa trong phương trình hồi qui là 0.393. Đây là nhân tố có tác động mạnh nhất đối với tính hữu hiệu của HTKSNB tại các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh ngành Cao su tỉnh Kon Tum. Con người chính là yếu tố trung tâm, quan trọng nhất trong môi trường kiểm soát, vì vậy, nhân tố này đề cao đến sự trung thực và giá trị đạo đức trong kinh doanh. Cần thường xuyên nâng cao kĩ năng và tay nghề cho công nhân viên;quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận để hoạt động sản xuất – kinh doanh được đồng bộ và chuyên môn hóa. Các văn bản quy định phải được cung cấp và triển khai một cách kịp thời và được toàn thể công nhân viên nghiêm chỉnh chấp hành.

2.2. Đối với nhân tố đánh giá rủi ro

Yếu tố đánh giá rủi ro ít được quan tâm xây dựng ở các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngành Cao su tỉnh Kon Tum,, với hệ số Beta là 0.182. Các doanh nghiệp cần chủ động trong việc nhận diện rủi ro, xây dựng quy trình đánh giá và phân tích các rủi ro,từ đó, đưa ra các chiến lược để giảm thiểu tác hại của rủi ro đến hoạt động kinh doanh. Hoạt động sản xuất - kinh doanh, chế biến và xuất khẩu nông sản luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nói chung và ngành Cao su nói riêng. Vì vậy công tác nhận diện, đánh giá rủi ro cần thực hiện thường xuyên trong suốt chu kỳ hoạt động kinh doanh của đơn vị.

2.3. Đối với nhân tố hoạt động kiểm soát:

Nhân tố hoạt động kiểm soát là nhân tố tác động đứng vị trí thứ 4 (kết quả hồi quy đạt 0.211) tác động đến tính hữu hiệu của HTKSNB tại các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngành Cao su tỉnh Kon Tum. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, số lượng các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngành Cao su đã giảm đi nhiều so với những năm về trước. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp này chưa thực sự chú trọng vào thủ tục kiểm soát trong doanh nghiệp.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường các biện pháp ngăn ngừa để đảm bảo nguyên liệu mủ thô đảm bảo chất lượng . Đối với công tác phê duyệt, soát xét cần tăng cường soát xét kết quả công tác sản xuất, chế biến để đáp ứng đúng tiến độ giao hàng các hợp đồng kinh tế trong nước và xuất khẩu.

2.4. Đối với nhân tố thông tin và truyền thông:

Nhân tố hệ thống thông tin và truyền thông có hệ số Beta chuẩn hóa trong phương trình hồi qui là 0.272, đây là nhân tố tác động mạnh thứ ba đối với tính hữu hiệu của HTKSNB tại các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngành Cao su tỉnh Kon Tum.

Yếu tố thông tin truyền thông là vấn đề không thể thiếu để doanh nghiệp thiết lập các mục tiêu và đưa ra các quyết định để thực hiện các hoạt động kiểm soát. Muốn thông tin hữu dụng cho doanh nghiệp trong KSNB cần đạt 2 yêu cầu cơ bản là chất lượng của thông tin và cách thức truyền đạt phù hợp. Yếu tố thông tin và truyền thông trong môi trường kinh doanh hiện nay, quy trình kinh doanh phức tạp và hướng đến sự tự động hóa. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành cao su phải thường xuyên cập nhật tình hình biến động giá cả thị trường, giá xuất khẩu, diễn biến thị trường thế giới, tỷ giá hối đoái thông tin về vụ mùa, tác động của các nguyên liệu thay thế cao su, thông tin về xu hướng nhập khẩu của các thị trường thường xuyên và thị trường mới. Ngoài ra, cần kiểm soát thông tin về chất lượng nguồn nguyên liệu cao su thô một cách chặt chẽ

2.5. Đối với nhân tố giám sát:

Yếu tố giám sát cũng được quan tâm xây dựng ở các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngành Cao su tỉnh Kon Tum. Kết quả thống kê có giá trị Beta là 0.291 có mức ảnh hưởng thứ 2 trong 5 yếu tố. Hầu hết các doanh nghiệp chưa có đầy đủ các bộ phận chức năng để hỗ trợ cho quá trình kiểm soát rủi ro như KSNB hay kiểm toán nội bộ. Đa số các công ty nhỏ việc giám sát được thực hiện chủ yếu bởi nhà quản lý hoặc nhân viên chuyên trách ở bộ phận kế toán. Mặc dù, các doanh nghiệp có nhận diện và đánh giá rủi ro nhưng lại chưa quan tâm cao đến đánh giá hiệu quả của việc nhận diện đánh giá rủi ro hàng kỳ này. Nhưng kết quả này cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngành Cao su tỉnh Kon Tum có hệ thống báo cáo giúp phát hiện các sai lệch so với chỉ tiêu, kế hoạch đã thiết lập và triển khai.

3. Giải pháp nâng cao tính hiệu quả của HTKSNB tại các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngành Cao su tỉnh Kon Tum

3.1. Môi trường kiểm soát

Đầu tiên, cần xây dựng môi trường kiểm soát chú trọng đến tính liêm chính, trung thực - đạo đức trong kinh doanh.

Đối với “Doanh nghiệp có sử dụng “Bảng mô tả công việc” chi tiết cho công nhân viên”các doanh nghiệp hầu hết đều có bảng mô tả công việc. Tuy nhiên, theo như khảo sát trả lời ở mức không quan trọng đến bình thường, việc này dựa trên văn hóa làm việc tại doanh nghiệp, dựa theo ý kiến và ý muốn của chủ doanh nghiệp và trưởng các bộ phận để xem xét công việc của công nhân viên mà không dựa vào bảng mô tả công việc là yếu tố để đánh giá năng lực làm việc của người lao động, công nhân viên trong doanh nghiệp.

Đối với việc “Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu, quy mô và đặc điểm hoạt động kinh doanh của đơn vị”, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngành Cao su tỉnh Kon Tum nên phát triển cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, phát huy năng lực để quản lý doanh nghiệp có hiệu quả hơn.

Đối với vấn đề “Có chính sách tuyển dụng nhân sự hợp lý” đây là điều kiện cần để chất lượng HTKSNB đạt được kết quả hữu hiệu. Đặc biệt, bộ phận quan trọng nhất là lực lượng lớn công nhân lao động sản xuất. Đây là bộ phận - trực tiếp tạo ra sản phẩmnên cần có kỹ thuật nghề cao để đảm bảo bớt hao hụt sản phẩm, đảm bảo nồng độ đồng nhất của chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, bộ phận kinh doanh, phát triển thị trường cũng cần được cải thiện và nâng cao.

Đối với việc “Thành lập ban giám sát”, doanh nghiệp cần thành lập ban Giám sát khi có đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Nhằm đảm bảo việc ra quyết định và thực thi các quyết định trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của Ban giám đốc đều được theo dõi chặt chẽ và hoạt động độc lập.

Ngoài ra, cần hoàn thiện về “Mô hình hoạt động của doanh nghiệp”, phân biệt rõ chức năng của từng phòng ban, bộ phận để HTKSNB hoạt động hiệu quả .

3.2. Đánh giá rủi ro:

Thứ nhất, xây dựng mục tiêu hoạt động sản xuất - kinh doanh phù hợp với quy mô của doanh nghiệp cao su. Các doanh nghiệp cần thiết lập quy trình việc thu hoạch và thu mua nguyên liệu cao su thô để đáp ứng cho mục tiêu sản xuất, xuất khẩu trong năm. Xây dựng chính sách thu mua rõ ràng nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và nhà cung cấp để cùng nhau phát triển. Xây dựng các chỉ tiêu để lường trước được rủi ro về thiếu hụt nguyên vật liệu và ổn định về chính sách giá để không ảnh hưởng đến mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp. Hạn chế tối đa tình trạng đầu tư máy móc thiết bị công nghệ hiện đại tràn lan nhưng không có đủ nguyên liệu đáp ứng sản xuất, dẫn đến chậm tiến độ hoặc phải mua nguyên liệu với giá cao để đảm bảo cho việc sản xuất.

Thứ hai, tăng cường hoạt động nhận dạng, đánh giá rủi ro liên tục

Sản xuất - kinh doanh Cao su là lĩnh vực hết sức nhạy cảm với những biến động của thị trường, đối mặt với nhiều rủi ro như: thiếu nguyên liệu đầu vào, thay đổi tỷ giá, các quy định pháp luật về nhập khẩu cao su của các nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc và các rủi ro bất thường khác. Điều này đòi hỏi các sản xuất - kinh doanh ngành Cao su tỉnh Kon Tum cần tăng cường hoạt động nhận diện, đánh giá và phân tích rủi ro thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh để đưa ra các biện pháp cải thiện và khắc phục.

3.3. Hoạt động kiểm soát

Để hoạt động kiểm soát đạt hiệu quả, nhận thức của nhà quản lý doanh nghiệp rất quan trọng.

Cần “Thực hiện phân công, phân nhiệm ủy quyền và phê duyệt” phân quyền trách nhiệm theo từng bộ phận, khu vực đảm bảo tính chuyên môn hóa trong công việc và trách những sai sót.

Đối với “Doanh nghiệp có áp dụng các thủ tục kiểm soát phát hiện sai sót, gian lận” để thực hiện cần phải hiểu mục tiêu của doanh nghiệp và các quy trình này cần được thực hiện một cách hợp lý trong doanh nghiệp để tránh lãng phí mà không đem lại hiệu quả. Xây dựng hệ thống cấp quản lý để kiểm tra chéo, kiểm định chất lượng thành phẩm từng mảng độc lập và đặt trách nhiệm của từng cá nhân và bộ phận gắn liền với vị trí công việc cụ thể để hoạt động kiểm soát được chặt chẽ và hiệu quả.

Về việc “Nhà quản lý cấp cao trong doanh nghiệp thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch được đề ra” cần thực hiện một cách sát sao gắn với tình hình thực tế. Đề xuất kế hoạch để hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn nên lập theo từng tháng, quý, năm.

3.4. Thông tin và truyền thông

Ngày nay, nền kinh tế đang trong thời kỳ hiện đại hóa và công nghệ hóa nên nhân tố thông tin và truyền thông rất quan trọng đối với các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp ngành Cao su nói riêng. Dựa trên những thông tin thu thập được, các doanh nghiệp ngành sẽ xây dựng, phân tích và nghiên cứu thị trường.

“Doanh nghiệp có hệ thống sao lưu dữ liệu riêng và an toàn”:  Dữ liệu làm việc cần lưu bằng phương pháp lưu dữ liệu mềm và cần sử sụng thêm phương pháp để sao lưu dữ liệu, bảo toàn dữ liệu xuyên suốt nếu xảy ra rủi ro như là sao lưu tại một bên thứ ba (server) hay dữ liệu đám mây...

Doanh nghiệp cần “Ứng dụng mạnh mẽ tin học vào trong công tác quản lý, đặc biệt công tác tài chính và bán hàng”. Nâng cao hiệu quả và chất lượng thông tin tài chính, tăng độ tin cậy, giám sát hoạt động bán hàng, kinh doanh, biến động thị trường, tình hình nguyên liệu hiện tại, đồng thời đưa ra các chính sách cụ thể và kịp thời.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần “Thiết lập quy trình kiểm soát trên xuống và ngang dọc” để hoạt động kiểm tra đan xen giữa các bộ phận, phòng ban về các vấn đề như: chính sách hay công văn ban hành có đảm bảo được thực hiện? Qui trình sản xuất, phân phối có đúng thủ tục? An toàn vườn cây, kho hàng, kho quỹ...

“Doanh nghiệp có thiết lập các kênh thông tin nóng nhằm thu thập các ý kiến từ nhân viên, khách hàng… về các báo cáo vi phạm pháp luật hay quy định của doanh nghiệp”.  

3.5. Giám sát

Thứ nhất, quy trình giám sát phải được thực hiện liên tục, thường xuyên và đúng quy trình thực hiện bởi thanh kiểm tra, kế toán và được hoạt động độc lập.

Thứ hai, cần xây dựng bộ phận thanh kiểm tra riêng biệt và tăng cường hoạt động giám sát thích hợp và hiệu quả của hệ thống kế toán và KSNB. Đặc biệt với các doanh nghiệp lớn, mạng lưới cơ sở, chi nhánh rộng thì cần các bộ phận KSNB độc lập, kiểm toán độc lập để giám sát quá trình thực hiện để giải quyết vướng mắc và đưa ra biện pháp khắc phục trong tương lai.

Kết quả nghiên cứu đã cho một cái nhìn tổng quan về HTKSNB tại các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngành Cao su tỉnh Kon Tum có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tế. Từ đó, đề xuất các ý kiến để nâng cao tính hữu hiệu của HTKSNB tại các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngành Cao su tỉnh Kon Tum. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhìn nhận lại HTKSNB đơn vị, tầm quan trọng của HTKSNB trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, làm cơ ngành Cao su Kon Tum và khu vực Tây Nguyên phát triển hơn nữa.

4. Kết luận

Doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện tăng cường tính hữu hiệu của HTSKNB góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh ngành Cao su tỉnh KonTum.

Với việc sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Qua quá trình phân tích nguồn dữ liệu thu thập được và xử lý xây dựng được mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của HTKSNB, đo lường mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến HTKSNB.

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy cái nhìn tổng quan về HTKSNB tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành cao su tỉnh Kon Tum nó có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tế. Từ đó,  đề xuất các ý kiến thúc đẩy để nâng cao tính hữu hiệu của HTKSNB tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành cao su tỉnh KonTum.Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhìn nhận lại HTKSNB đơn vị, tầm quan trọng của HTKSNB trong hoạt động sản xuất kinh doanh, làm cở sở đưa ra cho hơn nữa nền nông nghiệp ngành cao su tỉnh nhà và khu vực Tây Nguyên phát triển hơn nữa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hồ Tuấn Vũ (2016), “Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng thương mại Việt Nam”.[18]
  2. Nguyễn Thị Quỳnh Tâm (2013), “Hoàn thiện công tác kiểm soát nội bộ hoạt động tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam”.
  3. Nguyễn Tố Tâm (2014), “Hoàn thiện tổ chức kiểm soát đối với tăng cường chất lượng thông tin kế toán tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”.

Factors affecting the effectiveness of internal control system of

rubber enterprises in Kon Tum Province

Assoc.Prof. Ph.D Van Thi Thai Thu 1

Dang Hieu Nghia 2

1 Saigon University

2 Quy Nhon University

ABSTRACT:

This paper examines the organization of internal control system, identify and evaluate the factors affecting the effectiveness of the internal control system in rubber manufacturing and trading enterprises located in Kon Tum Province. Based on the paper’s findings, some recommendations are proposed to improve the effectiveness of internal control system of rubber enterprises in Kon Tum Province.

Keywords: internal control, enterprise, rubber industry, Kon Tum Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2021]