Nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây

Tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tính theo giá trị đồng USD trong tháng 5 vừa qua đã lên mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nước này có dấu hiệu suy giảm khi dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại, đồng Nhân dân tệ tăng giá mạnh và thiếu hụt nguồn cung nhiều nguyên liệu đầu vào.

Dữ liệu mới nhất của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tính theo giá trị của đồng USD trong tháng 5 vừa qua đã tăng tới 51,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xác lập mức tăng trưởng nhập khẩu cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đây cũng là tháng thứ 8 liên tiếp Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhập khẩu dương.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của nước này tính theo giá trị của đồng USD trong tháng 5/2021 chỉ tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 32,5% hồi tháng 4/2021 và thấp hơn mức dự báo tăng 32,1% được giới phân tích đưa ra trước đó. Tuy nhiên, tháng 5/2021 cũng đánh dấu tháng thứ 11 liên tiếp, Trung Quốc có tăng trưởng xuất khẩu dương.

Tăng trưởng xuất nhập khẩu
 Tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu của Trung Quốc tính theo giá trị của đồng USD kể từ năm 2016 đến nay (Ảnh: SCMP)

Đà tăng trưởng nhập khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc chủ yếu do nhu cầu sử dụng nguyên liệu thô của nước này bùng nổ khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, việc giá các nguyên liệu thô, đặc biệt là giá quặng sắt, thép, đồng và than đá, tăng cao trong giai đoạn vừa qua cũng đẩy giá trị hàng hoá được Trung Quốc nhập khẩu tăng mạnh.

Ông Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế học cấp cao về thị trường Trung Quốc tại hãng tư vấn kinh tế Capital Economics (Anh) cho biết mặc dù kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng mạnh nhưng khối lượng hàng hoá được nhập khẩu trong tháng 5 vừa qua đã giảm xuống.

Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung nhiều loại hàng hoá như thiết bị bán dẫn, các loại kim loại trên thị trường quốc tế tiếp tục trong trạng thái căng thẳng, ông Julian Evans-Pritchard cho biết.

Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đã bị chững lại, chịu ảnh hưởng tiêu cực khi xuất hiện nhiều ca nhiễm mới Covid-19 tại các khu vực cảng biển miền Nam nước này.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại quỹ Pinpoint Asset Management, ông Zhiwei Zhang, cho biết “Xuất khẩu của Trung Quốc đang suy giảm một cách đáng ngạc nhiên, nguyên nhân chính có thể do số lượng các ca nhiễm Covid-19 mới tăng chóng mặt tại tỉnh Quảng Đông và đặc khu kinh tế Thâm Quyến”.

Xuất khẩu của Trung Quốc từ các cảng thuộc tỉnh Quảng Đông được dự báo sẽ chững lại đáng kể trong tháng 6/2021. Đặc khu kinh tế Thâm Quyến nói riêng và tỉnh Quảng Đông nói trung là địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc và có nhiều cảng biển quan trọng.

Các hãng tàu biển lớn trên thế giới đã lên tiếng cảnh báo tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại khu cảng container quốc tế Diêm Điềm (Yantian Port, Thâm Quyến) khi xuất hiện một số lao động tại khu cảng nhiễm Covid-19. Các nhà máy tại tỉnh Quảng Đông cho biết đang phải giảm đáng kể năng lực sản xuất do lo ngại tình trạng lây nhiễm Covid-19 gia tăng; trong khi đó, nhu cầu hàng hoá trên toàn cầu vẫn đang tiếp tục tăng cao.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian tới do đồng Nhân dân tệ đang tăng mạnh và tiệm cận mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây so với đồng USD. Điều này khiến giá hàng hoá của Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua đạt 45,53 tỷ USD, cao hơn mức 42,86 tỷ USD hồi tháng 4/2021 nhưng thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 50,5 tỷ USD của giới phân tích.

Chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hiện đang đánh giá lại toàn bộ các chính sách thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc trước khi thoả thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước hết hạn vào cuối năm nay. Thoả thuận thương mại giai đoạn 1 được cựu Tổng thống Donald Trump ký kết với phía Trung Quốc hồi đầu năm 2020 đặt ra yêu cầu Trung Quốc phải tăng mua đang kể các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm công nghiệp từ Hoa Kỳ.  

Giới phân tích nhận định Trung Quốc khó có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra trong thoả thuận thương mại giai đoạn 1 và chính quyền của ông Joe Biden hiện vẫn giữ các tiếp cận cứng rắn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Quang Đặng