Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi vẫn tăng

Mặc dù hoạt động chăn nuôi bị tổn thất nhưng theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2017 nhập khẩu thức ăn chăn nuôi vẫn tăng 13,09% so với cùng kỳ năm trước ước đạt 2.048 triệu

Thận trọng tái đàn

Đối với ngành thủy sản, 7 tháng đầu năm 2017, lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.056,6 nghìn tấn, tăng nhẹ 4,1% so với cùng kỳ năm 2016. Nhưng nhiềudoanh nghiệp trong ngành có doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ trong đó đáng chú ý nhất là mức sụt giảm của công ty Hùng Vương, quý kinh doanh thứ 3 trong niên độ tài chính của công ty chỉ đạt 3.514,7 tỷ đồng doanh thu thuần giảm mạnh 47% so với cùng kỳ, doanh thu của các công ty thủy sản An Giang, thủy sản Bến Tre và Imcomfish cũng sụt giảm mạnh gần 30%. Giá cá tra nguyên liệu tăng và áp lực chi phí lãi vay tăng trong khi giá bán không tăng tương ứng là những nguyên nhân chính.

Chăn nuôi lợn những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá thịt lợn giảm sâu do tình trạng cung vượt cầu. Cuộc khủng hoảng giá thịt lợn đã khiến không chỉ có người chăn nuôi mà nhiều doanh nghiệp liên quan đến hoạt động chăn nuôi như đơn vị cung cấp lợn giống và thức ăn chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng lớn do lượng hàng bán ra giảm. Giá thịt lợn giảm cũng kéo theo giá thịt bò, thịt gà giảm. Gần đây giá thịt lợn tăng nhanh, lên mức giá người chăn nuôi bước đầu có lãi. Tuy nhiên, đàn lợn cả nước tháng 7/2017 ước tính giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước; đàn trâu giảm 0,8%. Trong khi đàn bò tăng nhẹ 2,2% và đàn gia cầm tăng 5%.Trên cả nước, hoạt động tái đàn đang diễn ra thận trọng, nhưng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng:

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Các mặt hàng chính được nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2017 gồm: khô dầu đậu tương (trên 45% protein), bột cá (từ 60%-70% protein), bột thịt xương lợn (trên 45% protein).

Tháng 7/2017 cả nước nhập khẩu 47 nghìn tấn đậu tương với giá trị 21 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương 7 tháng đầu năm 2017 lên 972 nghìn tấn và 422 triệu USD, tăng 10,1% về khối lượng và tăng 16,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá nhập khẩu đậu tương giảm tháng thứ 3 liên tiếp, tháng 7/2017 giảm 3,8% so với tháng trước và giảm 4,33% so với tháng 7/2017. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2017, giá nhập khẩu đậu tương lại tăng 7,93% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng nhập khẩu ngô trong tháng 7/2017 ước đạt 490 nghìn tấn với giá trị đạt 94 triệu, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô 7 tháng đầu năm 2017 đạt 4,13 triệu tấn và 825 triệu USD, tăng 9% về khối lượng và tăng 11,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Achentina và Braxin là hai thị trường cung cấp chính cho nước ta trong 6 tháng đầu năm 2017, chiếm lần lượt là 49,5% và 15,1% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này. Trong 6 tháng đầu năm 2017, khối lượng nhập khẩu ngô từ Thái Lan tăng 14,9 lần so với cùng kỳ năm 2016 nhưng giá trị lại chỉ gấp 3,54 lần. Giá nhập khẩu ngô giảm tháng thứ 3 liên tiếp nhưng mức giảm ít hơn 2 tháng trước, tháng 7/2017 giảm thêm 0,89% so với tháng trước nhưng tăng 2,31% so với tháng 7/2016. Tính chung 7 tháng năm 2017, giá tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Các thị trường cung cấp chính thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu cho nước ta trong 6 tháng đầu năm nay gồm có Argentina (chiếm 46,6% thị phần), Hoa Kỳ (9,5%), Ấn Độ(4,6%), Trung Quốc(4,3%). Giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng ở hầu hết các thị trường ngoại trừ Trung Quốc, Áo và Thái Lan với giá trị giảm lần lượt là 29,5%, 19,5% và 1%. Thị trường có tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là Italia (tăng hơn 10 lần) tiếp đến là thị trường Ấn Độ (tăng hơn 2 lần).

Trong khi hoạt động nhập khẩu vẫn diễn ra sôi nổi thì nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước thông báo bị ảnh hưởng nặng nề vì “khủng hoảng” giá lợn. Theo thông tin từ Tập đoàn Masan - Masan Group (MSN), hoạt động kinh doanh của công ty con làCông ty Cổ phần Masan Nutri-Science (MNS)- Công ty mẹ của 2 thương hiệu thức ăn chăn nuôi là Anco và Proconco bị ảnh hưởng nặng nề do giá lợn hơi giảm thấp nhất trong lịch sử. Thị trường thức ăn chăn nuôi cho lợn đã giảm 35-40% do người chăn nuôi có quy mô nhỏ phải treo chuồng, ngưng chăn nuôi và không có đầu tư gì nhiều cho chu kỳ chăn nuôi tiếp theo. Doanh thu thuần của MNS trong sáu tháng đầu năm 2017 giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2016, lợi nhuận thuần từ kinh doanh thức ăn chăn nuôi giảm đến 51,5% so với cùng kỳ năm trước.CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng thông báo doanh thu từ thức ăn chăn nuôi giảm đến 16,5% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu từ bán con giống giảm nhẹ còn doanh thu từ nuôi gia công và chế biến thực phẩm giảm đến hơn 27% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quá trình khôi phục ngành chăn nuôi, vai trò của đầu vào mà thức ăn chăn nuôi chiếm phần chính (60% giá thành) là quan trọng không kém phần vai trò của đầu ra. Sự chung tay của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi là rất cần thiết để tạo bệ đỡ cho người chăn nuôi tái đàn một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, hoàn cảnh sẽ khó khăn hơn khi mức độ phụ thuộc vào nguồn thức ăn và nguyên liệu nhập khẩu vẫn ở mức cao. Hiện nay nước ta mới chỉ đảm bảo được khoảng 40% nguyên liệu chế biến thức ăn công nghiệp, còn 60% là nhập khẩu. Các doanh nghiệp FDI cũng chiếm đến 60 - 65% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước. Các chuyên gia cảnh báo trong bối cảnh có nhiều rủi ro về giá, việc tỷ lệ chiết khấu hoa hồng cao của các doanh nghiệp FDI cho đại lý sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng. Giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 15 - 20% khiến các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam khó cạnh tranh. Hơn nữa, khi thị phần của các doanh nghiệp nước ngoài tăng lên, họ có lợi thế hơn trong việc định giá và tăng giá thức ăn chăn nuôi hơn. Đây là điểm đáng lưu ý và cần phải giải quyết trong quá trình tái đàn, để một mặt đảm bảo nguồn cung cho tiêu thụ, mặt khác đảm bảo người chăn nuôi có lợi ích bền vững.