Nhật Bản chính thức rơi vào suy thoái, GDP quý 1/2020 giảm mạnh

Dữ liệu mới nhất cho thấy GDP quý 1/2020 của Nhật Bản đã giảm 3,4% dưới các tác động của đại dịch Covid-19, qua đó khiến nước này chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật sau gần 5 năm.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
 Thủ tướng Nhật Bản phát biểu khi công bố gói cứu trợ kinh tế khổng lồ lên tới 1.000 tỷ USD nhằm giải cứu nền kinh tế Nhật trước các tác động của đại dịch Covid-19 (Ảnh: Reuters)

Trong ngày 18/5, Văn phòng Nội các Chính phủ Nhật Bản cho biết GDP của nước này trong quý 1/2020 đã giảm 3,4%; trong quý 4/2019, GDP của nước này đã giảm 1,9%. Với việc GDP hai quý liên tiếp sụt giảm mạnh, Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật sau gần 5 năm. Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế Nhật Bản đã tiềm ẩn nhiều bất ổn với lực tăng trưởng kinh tế yếu; GDP quý 3/2019 của nước này gần như ở mức 0% và GDP quý 2/2019 chỉ đạt 0,5%.

Các số liệu kinh tế khác cũng cho thấy một bức tranh u ám về nền kinh tế Nhật Bản trong quý 1/2020 với xuất khẩu suy giảm mạnh 21,8%, mức đầu tư tư nhân giảm gần 17% và chi tiêu của hộ gia đình giảm 3,1%. Đặc biệt, mức tiêu dùng cá nhân – vốn đóng góp hơn một nửa vào nền kinh tế quy mô 5.000 tỷ USD của Nhật Bản – đã giảm 0,7% trong quý 1/2020. Đây cũng là quý thứ hai liên tiếp, chỉ tiêu này giảm xuống do người tiêu dùng Nhật Bản giảm chi tiêu dưới tác động kép của đại dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm nay và việc thuế tiêu dùng được nâng từ 8% lên 10% kể từ quý 4/2019.  

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Nhật Bản trong quý 1/2020. Giới phân tích nhận định nền kinh tế Nhật Bản sẽ còn ghi nhận các dữ liệu kinh tế tiêu cực hơn trong những tháng tới và đối mặt với thác thức kinh tế lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. Nhật Bản được đánh giá là một trong những nền kinh tế lớn dễ tổn thương nhất khi đại dịch Covid-19 bùng phát do nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào giao thương với Trung Quốc – quốc gia khởi phát dịch bệnh và Hoa Kỳ - vùng dịch lớn nhất thế giới hiện nay.

Các hoạt động thương mại, du lịch giữa Nhật Bản với Trung QuốcHoa Kỳ đã bị ngưng trệ trong những tháng vừa qua khi các biện pháp phong toả và hạn chế di chuyển được áp dụng nhằm giảm sự lây lan của dịch bệnh. Các tập đoàn sản xuất như Toyota vốn được coi là những trụ côt của nền kinh tế Nhật Bản cũng công bố kết quả kinh doanh đáng lo ngại; thậm chí, một số nhà máy tại Nhật Bản đã phải ngưng hoạt động và nhiều doanh nghiệp không dự báo được tình hình tài chính trong năm nay trước các thách thức kinh tế nghiêm trọng.

Chính phủ Nhật Bản đã tung ra gói cứu trợ kinh tế khổng lồ với trị giá lên tới 108 nghìn tỷ Yên Nhật (1.000 tỷ USD) – cao nhất lịch sử nước này, bao gồm các khoản viện trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và phát tiền cho người dân. Trong tuần trước, Nhật Bản đã bãi bỏ tình trạng khấn cấp trên hầu hết quốc gia, trừ các điểm nóng về dịch bệnh như Tokyo nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế quay trở lại bình thường. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo các hoạt động kinh tế và tiêu dùng của người dân sẽ không nhanh chóng phục hồi trở lại như kỳ vọng.

Quang Đặng (Theo CNBC)