Nhật Bản tiếp tục tung gói kích thích kinh tế khổng lồ hơn 1.000 tỷ USD mới

Nhật Bản đang xem xét tung thêm gói kích thích kinh tế khổng lồ mới với tổng trị giá đạt 1.100 tỷ USD nhằm giúp nền kinh tế nước này vượt qua các tác động của đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại buổi họp báo công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm phòng chống đại dịch Covid-19 (Ảnh: theglobalherald.com)

Hãng tin Reuters cho biết Nhật Bản đang lên kế hoạch tung ra gói kích thích kinh tế khổng lồ mới với tổng trị giá đạt 117.000 tỷ Yên Nhật (tương đương 1.100 tỷ USD), bao gồm một lượng lớn tiền trị giá 33.000 tỷ Yên Nhật dành cho các hoạt động chi tiêu trực tiếp nhằm giúp nền kinh tế nước này vượt qua các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Khoản kích thích kinh tế 1.100 tỷ USD mới này sẽ được tài trợ một phần từ nguồn ngân sách bổ sung lần hai của Nhật Bản.

Giới chức Nhật Bản cho biết gói kích thích kinh tế mới sẽ tập trung chủ yếu vào việc tăng chi tiêu y tế, tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê mặt bằng, hỗ trợ sinh viên bị mất việc làm bán thời gian và các khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp bị sụt giảm doanh số vì đại dịch Covid-19.

Đây là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Nhật Bản trong việc cứu nền kinh tế lớn thứ ba thế giới khỏi nguy cơ suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến II. Trong tháng trước, Nhật Bản cũng đã tung ra gói cứu trợ kinh tế quy mô 1.100 tỷ USD – mức lớn nhất trong lịch sử nước này; gói cứu trợ này tập trung vào việc hỗ trợ các hộ gia đình và các khoản chi để đối phó với các thiệt hại trước mắt của đại dịch. Tính chung cả gói kích thích kinh tế dự kiến lần này thì tổng số tiền Nhật Bản đang chi ra để chống lại các tác động của đại dịch Covid-19 đã lên tới 234.000 tỷ Yên Nhật tương đương 40% tổng GDP hàng năm của nước này.

Để huy động đủ nguồn tài chính cho gói kích thích kinh tế khổng lồ tiếp theo, dự kiến Nhật Bản sẽ phát hành thêm lượng trái phiếu chính phủ trị giá 31.900 tỷ Yên Nhật để bổ sung cho ngân sách của năm tài khoá hiện tại, kết thúc vào tháng 3/2021. Điều này sẽ gia tăng gánh nặng nợ với Nhật Bản trong bối cảnh tỷ lệ nợ công trên GDP của nước này đã vượt mức 200%. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cho biết phải hành động bằng mọi giá và thực hiện bằng tất cả các công cụ sẵn có để bảo vệ nền kinh tế Nhật Bản và sẵn sàng đương đầu với nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 lần hai. Nhật Bản đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở hầu hết các khu vực trên toàn quốc và dự kiến sẽ nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại những điểm nóng còn lại, bao gồm cả Tokyo.

Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật với 2 quý liên tiếp ghi nhận GDP tăng trưởng âm trước các tác động của đại dịch Covid-19 sau khi GDP quý 1/2020 của nước này giảm 3,4%. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 4 năm trở lại đây, Nhật Bản lại rơi vào tình trạng suy thoái. Giới phân tích cảnh báo Nhật Bản sẽ đón nhận các thông tin kinh tế tiêu cực hơn nữa trong quý 2/2020 khi các tác động của đại dịch Covid-19 được phản ánh đầy đủ hơn.

Nhật Bản được đánh giá là một trong những nền kinh tế lớn dễ tổn thương nhất khi đại dịch Covid-19 bùng phát do nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào giao thương với Trung Quốc – quốc gia khởi phát dịch bệnh và Hoa Kỳ - vùng dịch lớn nhất thế giới hiện nay.

Quang Đặng (Tham khảo CNBC)