Nhật Bản ứng phó với giá dầu tăng cao: Nhiều giải pháp chưa từng có tiền lệ

Do giá dầu thô thế giới liên tục tăng cao từ năm 2021 đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã phải thực hiện các giải pháp chưa từng có tiền lệ nhằm ngăn chặn đà tăng giá xăng dầu trong nước.
Một trạm xăng ở thành phố Nagasaki. Ảnh: Kyodo News

Xả bán dầu từ kho dự trữ nhà nước

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ Mỹ đề nghị các nước tiêu thụ dầu hàng đầu gồm: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Anh chung tay ngăn chặn đà “phi mã” của giá dầu thô, ngày 24/11/2021, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida công bố mở bán lượng dầu dư thừa từ kho dự trữ dầu quốc gia thông qua hình thức đấu thầu và đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Luật Dự trữ dầu.

Nhật Bản có kho dự trữ dầu thuộc sở hữu Nhà nước và dự trữ dầu của khu vực tư nhân mà các công ty dầu mỏ bắt buộc phải dự trữ theo quy định của Luật Dự trữ dầu.

Trong lịch sử, kho dự trữ dầu của khu vực tư nhân đã được giải phóng trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và sau trận động đất, sóng thần ở phía Đông Nhật Bản năm 2011, nhưng việc giải phóng lượng dầu dự trữ của Nhà nước là một động thái chưa từng có.

Tính đến cuối tháng 9/2021, kho dự trữ dầu của Nhật Bản đảm bảo đáp ứng 240 ngày nhu cầu trong nước. Trong đó, dầu thuộc sở hữu Nhà nước bảo đảm nhu cầu 145 ngày (cao hơn mức yêu cầu đảm bảo đủ 90 ngày), dầu dự trữ của khu vực tư nhân đảm bảo nhu cầu 95 ngày.

Theo Luật Dự trữ dầu của nước này, việc giải phóng lượng dầu dự trữ được xem xét trong những thời điểm thiếu hụt nguồn cung do xung đột hoặc thiên tai.

Sau khi đánh giá kỹ lưỡng, Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên quyết định giải phóng lượng dầu dự trữ dư thừa thuộc sở hữu Nhà nước bởi “ổn định giá dầu thô là một nhiệm vụ rất quan trọng để đạt được sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản sau đại dịch COVID-19”, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh. Đồng thời ông cũng kêu gọi các quốc gia sản xuất dầu mở rộng sản xuất, thực hiện các biện pháp đối phó cho từng ngành sử dụng nhiều dầu, ví dụ như nông nghiệp và thủy sản, để giảm bớt mức tăng mạnh của giá xăng dầu ở mức tối đa.

Trợ cấp cho doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối xăng dầu

Ngày 24/01/2022, giá xăng bán lẻ trung bình tại Nhật Bản đạt 170,2 Yên (1,50 USD)/lít. Đây là lần đầu tiên ngưỡng 170 Yên/lít bị phá vỡ kể từ tháng 9/2008. Giá dầu sưởi cũng đang ở mức cao nhất trong 13 năm qua.

Trước tình hình đó, ngày 27/1/2022, Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên áp dụng Chương trình trợ giá đặc biệt đối với 29 nhà nhập khẩu và phân phối xăng dầu của nước này ở mức 3,4 Yên/1 lít trong đối với tất các các mặt hàng xăng, dầu nhẹ, dầu hỏa và dầu nặng. Khoản tiền hỗ trợ được trừ trực tiếp vào giá bán buôn cho các doanh nghiệp mà không cần tiến hành bất kỳ thủ tục nào và thời hạn áp dụng chính sách đến tháng 3/2022, để đảm bảo giá bán lẻ xăng thông thường trung bình không vượt quá 170 Yên/lít.

Khoản ngân sách trị giá 80 tỷ Yên dành cho Chương trình trợ giá cho các doanh nghiệp nằm trong ngân sách bổ sung của tài khóa 2021, bao gồm cả khoản thu từ việc đấu thầu lượng dầu dự trữ dư thừa thuộc sở hữu Nhà nước.

Trong bối cảnh giá dầu thế giới tiếp tục leo thang, mức trợ cấp này nhanh chóng được nâng 5 Yên/lít, chỉ hai tuần sau khi Chương trình được kích hoạt. Tuy nhiên việc các nhà nhập khẩu và phân phối được hưởng hỗ trợ không có nghĩa là giá bán lẻ xăng dầu tại Nhật sẽ giảm.

Lâu nay, giá bán lẻ xăng, dầu tại Nhật Bản không phải do Chính phủ kiểm soát mà được quyết định bởi các cửa hàng bán lẻ hoặc các trạm xăng trên toàn quốc. Các quyết định này có tính đến chi phí vận chuyển, tỷ suất lợi nhuận và các yếu tố khác.

Trong thực tế, giá bán lẻ xăng, dầu có sự khác nhau giữa các địa phương, các cửa hàng trên khắp nước Nhật. Đặc biệt những địa phương có nhiều đảo xa, giá xăng thường trung bình luôn ở mức rất cao so với các khu vực khác của đất nước.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã tiến hành khảo sát giá bán tại 29.000 trạm xăng trên toàn quốc nhưng khoảng 8.000 trạm vẫn chưa có phản hồi. Do đó Chính phủ sẽ tiến hành kiểm tra trực tiếp các trạm xăng này.

Trước diễn biến căng thẳng tại Ukraine và những quan ngại về nguồn cung dầu thế giới, nhiều dự đoán cho rằng giá dầu WTI có thể sớm vượt qua mức 100 USD/thùng. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết, các quan chức cấp cao của nước này đang xem xét các biện pháp bổ sung nhằm đối phó với các đợt tăng giá dầu thô mới.

Tuy nhiên, theo ông Hagiuda, hiện nay Nhật Bản vẫn chưa xem xét việc nâng mức trần đối với các khoản trợ cấp hoặc khôi phục một hệ thống cho phép cắt giảm tạm thời thuế xăng dầu. Trên thực tế, các chính sách sử dụng thuế để duy trì giá là điều không bình thường ở các nước lớn, tính hiệu quả và công bằng của chúng vẫn luôn bị hoài nghi.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tất cả nhiên liệu và dịch vụ năng lượng tại Nhật Bản đều phải chịu thuế tiêu thụ chung (tương tự như thuế giá trị gia tăng) ở mức sàn là 5% (4% trên toàn quốc và 1% của địa phương), cũng như thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại thuế khác theo các mức khác nhau.

Thuế xăng dầu được đánh vào việc bán các sản phẩm dầu, khí đốt tự nhiên. Xăng, nhiên liệu diesel và LPG phải chịu các loại thuế tiêu thụ đặc biệt bổ sung; thuế đường của các địa phương cũng được đánh vào xăng, nguồn thu từ đó được sử dụng để tài trợ cho việc xây dựng và bảo trì đường bộ. Trong trường hợp nhiên liệu diesel, thuế tiêu thụ được áp dụng cho giá trước khi cộng thêm thuế giao hàng. Nhiên liệu hàng không nội địa cũng bị đánh thuế để tài trợ cho việc xây dựng sân bay.

Hoàng Phương