Diễn đàn trực tuyến Hợp tác thương mại và công nghiệp với đối tác Liên minh châu Âu “EVFTA - Cơ hội hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức  ngày 31/7/2020 tại TP. Hồ Chí Minh
Diễn đàn trực tuyến Hợp tác thương mại và công nghiệp với đối tác Liên minh châu Âu “EVFTA - Cơ hội hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức  ngày 31/7/2020 tại TP. Hồ Chí Minh

 

Ngày 5/6 vừa qua, phát biểu tại “Hội nghị trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA”, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, với FTA này, chúng ta đã có công cụ nền tảng quan trọng cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường EU rộng lớn.

Công cụ nền tảng mà Bộ trưởng nói ở đây là điều kiện ưu đãi thuế quan; là thuận lợi hóa thương mại, là những hàng rào kỹ thuật đã được 2 bên thống nhất về cách hiểu và điều kiện thực thi, được minh bạch hóa trong EVFTA.

Công cụ nền tảng còn là những giải pháp mà các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đưa ra hỗ trợ doanh nghiệp nâng năng lực sản xuất.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp theo cách nào? Sau khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA, trong buổi làm việc sáng ngày 26/2 với lãnh đạo các đơn vị chức năng về Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần phân doanh nghiệp theo nhóm để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp “trúng” và “đúng” hơn.

Công việc đầu tiên hướng đến “trúng” và “đúng” này, là công văn khẩn ngày 15/3/2020 của Bộ Công Thương gửi Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực công nghiệp – thương mại, đề nghị rà soát, báo cáo danh sách doanh nghiệp và kinh doanh thương mại trên địa bàn quản lý, nhằm nắm số lượng, phân nhóm để đưa ra kế hoạch hỗ trợ thiết thực.

Tương tự là hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ mới được khai trương ngày 19/6, được đánh giá là một bước tiến lớn trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả và tính thiết thực trong hỗ trợ cho doanh nghiệp kết nối và nắm bắt cơ hội từ CPTPP, EVFTA.

Tiếp đến là hàng chục cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng các vấn đề liên quan đến tận dụng cơ hội, tham gia vào chuỗi giá trị Việt Nam - EU. Các buổi này được phân theo nhóm doanh nghiệp với sự phân tích sâu hơn theo ngành hàng.

Với đối tượng doanh nghiệp nói chung, có các buổi tập huấn về các cam kết trong EVFTA; tổ chức hội nghị tập huấn, tổ chức họp báo giải đáp các quy định về quy tắc xuất xứ trong EVFTA; soạn thảo bộ tài liệu hỏi đáp về EVFTA.

Với nhóm doanh nghiệp dệt may, da giày có hội thảo hướng dẫn và giải đáp về quy trình chứng nhận CE (sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường tại thị trường EU).

cơ hội của dệt may Việt Nam được phân tích trong so sánh với 4 đối thủ chính tại thị trường EVFTA gồm Trung Quốc, Bangladesh, Campuchia, Pakistan.
Cơ hội của dệt may Việt Nam được phân tích trong so sánh với 4 đối thủ chính tại thị trường EVFTA gồm Trung Quốc, Bangladesh, Campuchia, Pakistan.

 

Với nhóm doanh nghiệp nông thủy sản có Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU giải đáp các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường EU…

Trong các buổi tập huấn, hội nghị nói trên, mỗi ngành hàng cũng được phân tích chi tiết. Với ngành dệt may, cơ hội của dệt may Việt Nam được phân tích trong so sánh với 4 đối thủ chính tại thị trường EVFTA gồm Trung Quốc, Bangladesh, Campuchia, Pakistan.

Theo đó, hàng dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn hàng của Trung Quốc và cạnh tranh ngang bằng về giá với các nước hiện đang được hưởng thuế 0% như Campuchia, Bangladesh,... nhưng có lợi thế hơn các nước này về tay nghề cao, chất lượng bảo đảm.

Với mặt hàng tôm xuất khẩu, cơ hội của Việt Nam được so sánh với đối thủ chính, gồm Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Ecuador. Lợi thế rõ rệt với tôm Việt Nam khi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm.

Trong khi các đối thủ cạnh tranh chủ yếu gồm: Thái Lan không được hưởng GSP, không có FTA nên có mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA, chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia chịu thuế GSP 4,2% và Ecuador chịu mức thuế cơ bản 12%.

Nhiều doanh nghiệp nông sản, thủy sản… chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về tỷ lệ xuất xứ, về nguyên phụ liệu, về tổ chức sản xuất, truy xuất nguồn gốc, sẵn sàng khai thác cơ hội từ  EVFTA.
Nhiều doanh nghiệp nông sản, thủy sản… chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về tỷ lệ xuất xứ, về nguyên phụ liệu, về tổ chức sản xuất, truy xuất nguồn gốc, sẵn sàng khai thác cơ hội từ  EVFTA.

 

Tương tự như vậy, với ngành hàng rau quả là so sánh cơ hội với 2 đối thủ chính Thái Lan và Trung Quốc.

Việc phân theo nhóm doanh nghiệp và ngành hàng giúp cho sự hỗ trợ đến đúng địa chỉ.

Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản, thủy sản… từ nhận nhận thức đã chuyển biến thành hành động, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về tỷ lệ xuất xứ, về nguyên phụ liệu, về tổ chức sản xuất, truy xuất nguồn gốc, sẵn sàng khai thác cơ hội từ  EVFTA.