Đầu năm nay, Bộ Công Thương đã đề ra 2 chỉ tiêu trong hoạt động ngoại thương năm 2021 là kim ngạch (i) Xuất khẩu tăng khoảng 4-5%; (ii) Tiếp tục duy trì cán cân thương mại xuất siêu; trên cơ sở đó đã đưa ra một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu.

Cụ thể, tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.

Đồng thời, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết;

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách;

Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác cảnh báo sớm cho doanh nghiệp. Nắm bắt thông tin thị trường và cảnh báo sớm các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm:

Sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các hàng rào kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, các hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam;

Khả năng bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; kịp thời thông tin để Chính phủ, các bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.

Xây dựng kênh thông tin cập nhật diễn biến thị trường, dự báo và đánh giá về tình hình cung cầu, giá cả để doanh nghiệp có thông tin định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Một nội dung khác là tăng cường công tác xúc tiến thương mại, trong đó, đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và có nhiều tiềm năng; lựa chọn và tập trung xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các Bộ ngành và các đơn vị liên quan triển khai đa dạng hóa các hình thức XTTM tiếp cận mở rộng thị trường xuất khẩu;

Trước mắt ưu tiên triển khai các đề án XTTM quốc gia, các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường sớm khôi phục sau dịch Covid-19;

Về lâu dài, tập trung đẩy mạnh XTTM các thị  đối với các thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, EU, Hoa Kỳ, các nước CPTPP...

Đặc biệt khai thác các thị trường, khu vực thị trường hiện đang có các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Tăng cường tuyên truyền phổ biến thông tin về cơ hội xúc tiến xuất khẩu vào thị trường các nước EU, CPTPP, ưu tiên các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam nhằm khai thác và tận dụng hiệu quả lợi ích mang lại từ hiệp định CPTPP và EVFTA.

Chủ động trao đổi, phối hợp với hiệp hội ngành hàng, địa phương lựa chọn nhóm hàng, mặt hàng có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu;

Dành ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy mạnh hoạt động XTTM, xây dựng kế hoạch, lộ trình xúc tiến thương mại theo chuỗi, có tính dài hạn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức XTTM Bộ, ngành, hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp.

Tập trung triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo từng thị trường đối với từng ngành hàng theo giai đoạn nhất định..

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong XTTM trên các nền tảng kĩ thuật số nhằm đáp ứng được yêu cầu của hoạt động XTTM trong tình hình mới, mặt khác giúp địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ưu tiên các hoạt động XTTM hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong việc đáp ứng được tiêu chuẩn, quy định của thị trường nhập khẩu;

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng gia tăng giá trị cho sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu (từ khâu nghiên cứu phát triển sản phẩm, đến xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và tiếp cận thị trường thông qua hoạt động giao thương B2B, hội chợ, triển lãm và các nền tảng kĩ thuật số).

Đẩy mạnh tuyên truyền xuất khẩu, quảng bá ngành hàng, sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu của vùng, miền. Tập trung thực hiện quảng bá sâu rộng tối thiểu mỗi năm 3-5 ngành hàng vào các thị trường trọng điểm theo chu kỳ 3 năm liên tiếp.