Nhìn lại 5 năm triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hầu hết đại biểu đánh giá: Trải qua chặng đường đầu tiên, tuy còn nhiều rào cản, song bước đầu, Luật đã có nhiều tá

85% người dân hiểu về tiết kiệm năng lượng

Nhìn nhận nhu cầu năng lượng của Việt Nam, ông Đỗ Đức Quân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết: Cùng với việc tăng trưởng kinh tế, nhu cầu sử dụng năng lượng của nước ta tăng khoảng 11,5% trong giai đoạn 2001 - 2010, trước khi có sự giảm nhẹ từ năm 2011 - 2015. Nhu cầu tiêu thụ điện năng trong nước cũng tăng trung bình 13,07%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010 và khoảng 11%/năm trong các năm từ 2011 - 2015.

Cũng theo ông Quân: Quá trình sử dụng năng lượng chiếm vai trò chủ đạo trong kịch bản phát thải khí nhà kính của Việt Nam và việc tiết kiệm năng lượng (TKNL) nếu được triển khai tốt sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như bảo tồn nguồn năng lượng của quốc gia, giúp nền kinh tế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Trước tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật SDNL TK&HQ) được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực từ ngày 01/01/2011 đã đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật về SDNL TK & HQ ở nước ta, và cũng là lần đầu tiên ở nước ta có riêng đạo luật thống nhất điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực này, khẳng định những quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc coi SDNL TK & HQ là chính sách được ưu tiên hàng đầu, giữ vai trò cốt lõi trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế với an ninh năng lượng gắn với bảo vệ môi trường, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Đỗ Đức Quân chia sẻ kết quả sau 5 năm thực hiện Luật

Sau chặng đường 5 năm triển khai, Luật đã có nhiều tác động đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế và toàn xã hội. Theo nhiều đại biểu đánh giá, với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân, dù mới trải qua giai đoạn đầu trong quá trình thực thi Luật nhưng hơn 85% người dân Việt Nam đã biết và được tiếp cận các kiến thức về TKNL; nhận thức của cộng đồng về sử dụng hiệu quả tài nguyên, TKNL, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia ngày càng nâng cao. Đáng nói, TKNL đã trở thành nội dung nhận được mọi tầng lớp trong xã hội quan tâm.

Có thể nói, sau 5 năm, Luật SDNL TK & HQ đã để lại nhiều dấu ấn tích cực đối với toàn xã hội trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nói chung và tiết kiệm năng lượng nói riêng. Những kết quả ban đầu đạt được của các chương trình, dự án TKNL thời gian qua đã khẳng định việc ban hành Luật là kịp thời và phù hợp với yêu cầu phát triển KT - XH và chính sách phát triển năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Khẩn trương sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật

Mừng với những kết quả ban đầu của việc thực hiện Luật, nhưng nhiều đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn trong quá trình triển khai. Bà Phan Thị Mỹ Linh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ: Luật vẫn thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể về ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, trang thiết bị, vật liệu TKNL và các công trình được chứng nhận là công trình xanh, công trình áp dụng các giải pháp TKNL; chế tài xử lý các hành vi vi phạm về sử dụng năng lượng tiết kiệm tuy có nhưng không hiệu quả.

Cố vấn cấp cao về tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam chia sẻ thực trạng các doanh nghiệpThứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh phát biểu

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho rằng: Nhiều cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm chưa nghiêm túc thực hiện việc xây dựng mô hình quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng, xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng định kỳ. Nhiều đơn vị trốn tránh trách nhiệm quy định tại Luật, hoặc thực hiện đối phó...

Phân tích nguyên nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ rõ: Còn nhiều hạn chế trong việc quản lý các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, thiếu sự kết hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước tại đại phương. Việc phối hợp giữa sở Công Thương và các sở, ban, ngành tại địa phương trong việc thanh, kiểm tra các cơ sở sử dụng năng lượng còn lúng túng. Cùng với đó, việc TKNL chủ yếu tập trung trong sử dụng nhỏ lẻ, chưa thực sự được các doanh nghiệp sản xuất - những hộ sử dụng năng lượng lớn- chú trọng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp vì tiết giảm chi phí đầu tư ban đầu mà sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, dẫn đến tiêu tốn năng lượng rất lớn.

Đại diện một số doanh nghiệp cũng cho rằng: Trong quá trình triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp cần vốn đầu tư ban đầu cao vì phải áp dụng công nghệ mới. Ngoài ra, năng lực các nhà sản xuất, cung cấp giải pháp công nghệ về TKNL còn hạn chế...

Để khắc phục những nhược điểm đó, theo ông Đỗ Đức Quân - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương): Việc quan trọng trước tiên phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật theo hướng tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức các biện pháp thực hiện, chế độ giám sát, báo cáo, đánh giá việc thực thi Luật. Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quy định trách nhiệm giám sát, đánh giá và báo cáo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đối với việc thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

Ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Vụ Trưởng Vụ Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải): Sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan


Ngành Giao thông vận tải là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, nhất là nhiên liệu hóa thạch nên quá trình triển khai, thực hiện Luật được Bộ đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, để các quy định, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực phù hợp với tình hình mới hơn nữa, tôi cho rằng cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Trong đó, sửa đổi Điều 8 Nghị định 21/2011/NĐ - CP theo hướng quy định doanh nghiệp kinh doanh vận tải chỉ phải xây dựng kế hoạch quản lý năng lượng và báo cáo tình hình quản lý năng lượng ở cơ sở, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, không yêu cầu kiểm toán năng lượng, bởi đối với các doanh nghiệp vận tải, chi phí nhiên liệu đa chiếm khoảng 35 - 45% giá thành, nên tự doanh nghiệp đã phải có kế hoạch tiết kiệm nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành dịch vụ...

Ông Đỗ Đức Quân - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Năng lượng: Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp

Những kết quả bước đầu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng TKNL tại Việt Nam. Nếu được tuyên truyền tích cực, phổ biến đầy đủ hơn nữa thì các doanh nghiệp có thể hoàn toàn yên tầm đầu tư vào các dự án TKNL với thời gian hoàn vốn chỉ khoảng 2 - 3 năm.

Về các giải pháp để việc khai thác hiệu quả hơn trong thời gian tới, tôi cho rằng bên cạnh nâng cao nhận thức của doanh nghiệp thì cũng cần đẩy mạnh công tác kiểm toán năng lượng, nhất là đối với các doanh nghiệp - nên tự kiểm toán năng lượng.

Về mô hình Công ty Dịch vụ năng lượng ESCO đang triển khai hiện nay vẫn chưa được phát triển nhiều vì vướng cơ chế trong cách hạch toán của các doanh nghiệp nhà nước. Thời điểm này, chúng tôi đang sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện những điểm yếu về cơ chế.

Đối với Thông tư 07 của Bộ Công Thương buộc các doanh nghiệp dán nhãn năng lượng vẫn còn những vướng mắc trong các cơ sở thử nghiệm về hiệu suất năng lượng, chúng tôi đang phối hợp sửa đổi và giải quyết dứt điểm, dự kiến hoàn thành ngay trong tháng 12/2016.

Ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó TGĐ EVN: Xây dựng nhiều chương trình hưởng ứng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Với mục tiêu tiếp tục là đơn vị đi đầu trong các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xã hội, EVN đã xây dựng nhiều chương trình và giải pháp để triển khai sâu rộng trên cả nước như: Giờ Trái đất, Gia đình tiết kiệm điện, Tiết kiệm điện trong trường học...

Song để việc thực hiện Luật được hiệu quả hơn, cần bổ sung quy định về hành lang pháp lý đối với hoạt động của Công ty Dịch vụ năng lượng ESCO, bởi đây là mô hình được nhiều nước trên thế giới áp dụng rất hiệu quả. Hơn nữa, Việt Nam lại là nước rất có tiềm năng cho loại hình dịch vụ này, trong khi đó mới chỉ có một số đơn vị triển khai do thiếu hành lang và cơ chế thực hiện.