Nhờ nền tảng FTA, xuất khẩu vực dậy sau đại dịch

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 2 tháng đầu năm vẫn gia tăng, điều này cho thấy doanh nghiệp Việt đang tận dụng ngày càng hiệu quả hơn các hiệp định thương mại tự do.

Những con số “biết nói”

Tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2021 ước tính đạt 20 tỷ USD, giảm gần 30% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sụt giảm 4,7%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cán cân thương mại xuất siêu đạt 1,29 tỷ USD giá trị hàng hóa.

Về thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay với kim ngạch đạt 13,78 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, thị trường ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Theo nhận định của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đây là một kết quả rất tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, gây tác động về mặt lâu dài đối với nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam.

“Kết quả này có sự đóng góp rất rõ của tất cả các ngành sản xuất khác nhau, đặc biệt là các khối ngành công nghiệp, các ngành hàng như dệt may, da giầy... bởi, ở năm 2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất khẩu hai ngành hàng này đã bị sụt giảm sản lượng đến 10%”, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhận định.

Nhờ nền tảng FTA, xuất khẩu vực dậy sau đại dịch
 Trong 2 tháng đầu năm 2021, có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu

Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng, nhờ tác động tích cực từ các FTA và doanh nghiệp đã tận dụng tốt hơn những lợi thế về thuế suất ưu đãi nên tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực nêu trên. Thêm vào đó, dư địa cho xuất khẩu cũng mở rộng hơn so với trước.

Điển hình, trong tháng 1/2021, tháng đầu tiên Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) bắt đầu có hiệu lực, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 657,35 triệu USD, tăng 78,57% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 598,07 triệu USD, tăng 84,61%. Riêng mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 252,59 triệu USD, tăng 371,6%; máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng đạt 74,58 triệu USD, tăng 109,9%...

Hay với thị trường EU, dù ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, không chỉ trong nhóm hàng truyền thống mà kể cả những nhóm hàng mới như đồ gỗ.

Thực tế, việc áp thuế suất thấp hoặc bằng 0% đối với hàng Việt Nam như thỏa thuận trong tổng số gần 20 FTA Việt Nam đàm phán, đã ký kết, thực thi, là động lực kích đẩy hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Năm 2020, số lượng bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi đã tăng 9% so với năm trước.

Giám đốc Công ty cổ phần Tuệ Ngọc (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Việt Hưng cho biết, doanh nghiệp đang tìm cách thâm nhập vào thị trường EU, Canada, Mỹ, sau khi các FTA có hiệu lực. “Thật sự, các FTA là thời cơ cho xuất khẩu dù doanh nghiệp đó ở quy mô nào”, ông Nguyễn Việt Hưng chia sẻ.

xuất khẩu
Các FTA là thời cơ cho xuất khẩu dù doanh nghiệp đó ở quy mô nào

Tận dụng hiệu quả FTA

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh, từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng cũng có sự sụt giảm đáng kể. Trong đó điển hình là dệt may, da giày bởi nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như EU, Mỹ....

Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam  (Vitas) từng cho biết, năm nay thị trường dệt may tiếp tục khó khăn do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Song, ngành dệt may Việt Nam cũng đang đứng trước rất nhiều cơ hội phát triển từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết như RCEP, EVFTA... Hiện các doanh nghiệp trong ngành đang nỗ lực để tận dụng hiệu quả.

“Theo đánh giá, 2021-2023 là giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, với nhiều sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng và phương thức vận hành. Dự kiến đến giữa hoặc cuối năm 2023, thị trường dệt may mới quay lại ngưỡng 2019”, ông Cẩm chia sẻ thêm.

xuất khẩu vực dậy sau đại dịch
Các doanh nghiệp ngành da giày, dệt may cũng đã và đang chủ động nắm bắt và khai thác tối đa những lợi thế từ các FTA

Tương tự như ngành dệt may, các doanh nghiệp ngành da giày cũng đã và đang chủ động nắm bắt và khai thác những lợi thế từ các Hiệp định thương mại mang lại nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, da giày là một trong những ngành tận dụng tốt nhất Hiệp định EVFTA. Dự báo xuất khẩu ngành da, giày, túi xách sẽ tăng trưởng 15 - 20% trong năm 2021 trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.

Trước mắt, để ổn định sản xuất, tận dụng được cơ hội từ các FTA, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung kết nối liên kết chuỗi cung ứng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đồng thời, phát triển công nghiệp phụ trợ, đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ và thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị. Song song với đó, chủ động đáp ứng các yêu cầu mới về môi trường và lao động, nhân lực; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu…

Đặc biệt, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, năm 2021 sẽ chứng kiến sự tác động rõ nét của các FTA đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt. Do đó, các doanh nghiệp cần khẩn trương tổ chức sắp xếp lại chiến lược, định hướng về sản xuất kinh doanh, trang bị có mình kiến thức và năng lực để tận dụng được tối đa lợi thế từ các FTA.

Hạ An