Khai xuân trực tuyến

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết: "Công ty đã tổ chức khai Xuân vào ngày 17/2 (tức mùng 6 tết Tân Sửu). Điều khác biệt là lễ khai Xuân năm nay được diễn ra theo hình thức trực tuyến với 14 đầu cầu nhằm thực hiện yêu cầu phòng chống dịch Covid-19”. Tương tự, nhiều DN khác như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cũng tổ chức khai Xuân đầu năm mới theo hình thức trực tuyến, kết nối với các điểm cầu là các đơn vị thành viên trong tập đoàn.

Là người đứng đầu tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, ông Huỳnh Văn Thòn vẫn bày tỏ niềm tin và hy vọng vững chắc khi bước vào năm mới, dù diễn biến dịch bệnh vẫn còn nhiều phức tạp. Theo đó, việc tái cấu trúc toàn bộ quy trình hoạt động đã được triển khai từ năm 2020 đã mang đến nhiều thuận lợi cho Lộc Trời trong năm mới. Cụ thể, bộ máy của Lộc Trời đã trở nên quen thuộc và thích ứng với cách thức làm việc, vận hành bộ máy theo hình thức trực tuyến. Do đó, công ty hầu như không gặp khó khăn gì khi trở lại sản xuất sau kỳ nghỉ Tết giữa thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát tại một số địa phương.

Bên cạnh đó, doanh thu và lợi nhuận năm 2020 của Lộc Trời đều vượt kế hoạch đề ra cũng là tạo trụ đỡ lớn cho doanh nghiệp trong năm mới. “Kết quả kinh doanh đạt hiệu quả cao giúp công ty đảm bảo nguồn thu nhập tốt cho người lao động. Đối với nông dân, các vụ mùa vừa qua đều trúng mùa, được giá, giúp giá thành giảm nhưng giá xuất khẩu cao nên thu nhập của nông dân rất tốt, bà con ăn Tết rất sung túc” – ông Thòn chia sẻ.

Ông Thòn cũng đánh giá, trình độ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể, cùng với đó là những tiến bộ về giống, trình độ sản xuất… Điều này sẽ hỗ trợ rất lớn giúp xuất khẩu gạo và trái cây của Việt Nam tiếp tục có sự bứt phá mới trong năm 2021.

Nhộn nhịp xuất khẩu

Trong không khí vui tươi, phấn khởi ngày đầu Xuân, nhiều DN cũng vui mừng xuất khẩu những lô hàng đầu tiên trong năm mới tới các thị trường.

Điển hình, trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết (ngày 17/2), Công ty Vina T&T đã được “mở hàng” bằng lô hàng xuất khẩu 40.000 trái dừa tươi, 50 tấn thanh long, 20 tấn xoài và 3 tấn chôm chôm ngay trong ngày 17/2. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, sau gần 10 ngày nghỉ Tết, lượng đơn hàng dồn lại khá nhiều, nên hiện công ty đang phải tập trung để đáp ứng kịp tiến độ, song song với việc đảm bảo phòng chống dịch một cách chặt chẽ.

thuy san sai gon
Chế biến cá diêu hồng xuất khẩu tại Công ty APT

Công ty Cổ phần kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT) cũng đã xuất khẩu lô hàng đầu năm gồm cá bạc má, cá rô phi, cá nục, cá trê, cá ngừ, khoai mỡ chế biến đi thị trường Anh và ngày 19/2 sẽ tiếp tục xuất khẩu đơn hàng đi Hàn Quốc. Ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn cho biết, hàng trăm công nhân của công ty đang tích cực sản xuất các lô hàng cá diêu hồng và cá trê chế biến xuất khẩu đi thị trường Anh và Hàn Quốc. Ngoài ra, công ty cũng chế biến bánh cốm hải sản, chả cá viên và há cảo phục vụ thị trường nội địa. Lượng đơn hàng đạt mức cao là nhờ công ty đã nỗ lực cải tiến và phát triển nhiều sản phẩm chế biến mới, phù hợp với nhu cầu thị trường trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong khi đó, ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty Lâm Việt cho biết, do tình hình dịch diễn biến phức tạp nên công ty đã tập trung hoàn tất các đơn hàng từ trước tết để lùi thời gian nghỉ Tết. Theo đó, công ty sẽ khai Xuân vào ngày mùng 9 và bắt đầu làm việc trở lại từ ngày 11 tháng Giêng. Theo ông Liêm, thông thường các năm trước khoảng 80-90% công nhân, nhân viên của công ty về quê ăn tết, nhưng năm nay, theo vận động của ban lãnh đạo, lượng nhân viên về quê chỉ khoảng 50%. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, công ty đã lên các phương án rà soát đối với các công nhân, nhân viên về quê ăn Tết, phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện cách ly những người trở về từ các địa phương có dịch... Theo đó, dự kiến đến hết tháng Giêng, công ty sẽ có thể vận hành trở lại 100% công suất.

Về tình hình đơn hàng, ông Liêm cho biết, hiện lượng đơn hàng đã đạt mức tương đương so với những năm trước. Công ty cũng dự phòng thêm khoảng 15-20% công suất để đảm bảo đáp ứng tiến độ sản xuất trong trường hợp xảy ra dịch Covid. Hiện những mặt hàng thế mạnh của Lâm Việt gồm có bàn ghế nội thất, tủ bếp, xuất khẩu tập trung tại 3 thị trường chính là Canada (30%), Mỹ (20%) và Anh (40%). Trong năm 2020, tình hình dịch bệnh phức tạp tại các thị trường này đã gây tổn thất không nhỏ cho công ty. Song cuối năm, Lâm Việt vẫn cố gắng thưởng tết cho công nhân, nhân viên khoảng 2 tháng lương để động viên và giữ chân người lao động trở lại làm việc sau Tết.