Nhu cầu các kỹ năng mềm trong hội nhập

Trong quá trình hội nhập, hiện nay và những năm tới, thị trường lao động (về nhu cầu việc làm) tiếp tục phát triển theo chiều hướng đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý; phát triển quy mô sản xuất kinh

Cơ hội lớn...

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào cuối năm 2015, các nước thành viên phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động. Việc này tạo ra cơ hội cho dịch chuyển lao động có chất lượng bởi hai lý do sau đây:

Thứ nhất, về mặt pháp lý, theo cam kết của các nước ASEAN, có 8 ngành nghề lao động được tự do di chuyển trong khối thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, bao gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, các chuyên gia, thợ lành nghề thuộc lực lượng lao động có chất lượng cao, đặc biệt là các nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ nhất là tiếng Anh sẽ được di chuyển tự do hơn.

Đồng thời, ASEAN cũng nhất trí xác định 12 lĩnh vực ưu tiên đẩy nhanh liên kết, đó là: nông sản, ô tô, điện tử, nghề cá, cao su, dệt may, gỗ, vận tải hàng không, thương mại điện tử, y tế, du lịch, logistics.

Thứ hai, trên thực tế, sự phân hóa của khu vực ASEAN thuộc vào loại cao nhất trong các khối hay khu vực kinh tế. GDP bình quân đầu người của Singapore đạt trên 52.000 USD, gấp 55 lần Campuchia, nước đứng cuối bảng ASEAN. Chênh lệch này là nguồn thúc đẩy di chuyển lao động trong khối.

Việt Nam sẽ là một trong những nước được hưởng lợi nhiều hơn từ việc hội nhập kinh tế khu vực so với các nước khác do độ mở ngoại thương khá rộng, tổng kim ngạch ngoại thương/GDP đạt 1,6 lần năm 2014. Theo dự báo của ILO, khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng 14,5% vào năm 2025. Trong đó, các ngành có nhiều cơ hội gia tăng việc làm mạnh mẽ nhất gồm sản xuất lúa gạo, xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến lương thực.

Hàng loạt các FTA khác đã ký với Hàn Quốc, EU, Liên minh Hải quan, và TPP được kỳ vọng sẽ hoàn tất trong năm nay. Theo phân tích của ông William Smith, chuyên gia nghiên cứu về lao động thuộc Viện Phát triển Hải ngoại của Anh: “Nhu cầu lao động tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đó là từ lợi ích tiềm ẩn của các hiệp định song phương đối với các ngành xuất khẩu như chế biến nông sản, thủy sản, da giày, dệt may, điện tử... Các FTA mà Việt Nam tham gia cũng tạo xu hướng nhiều công ty đa quốc gia rút vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc chuyển dịch vào Việt Nam. Thứ nữa là dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sẽ chảy mạnh vào Việt Nam để nắm bắt cơ hội từ FTA của Việt Nam. Với những yếu tố này, chắc chắn thị trường lao động Việt Nam sẽ gia tăng rất nhiều việc làm cho người lao động”.

... nhưng thách thức nhiều

Cơ hội trực tiếp nhất và hiển hiện nhất là từ cuối năm nay, có 8 ngành nghề lao động được tự do di chuyển trong khối ASEAN bao gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.

Tuy nhiên, có nắm bắt được cơ hội lại là chuyện khác. Cụ thể là dòng chảy lao động được tự do, nhưng vấn đề là lao động phải được nhà tuyển dụng chấp nhận.

Một điểm yếu của lao động nước ta là thiếu những kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, giao tiếp và ngoại ngữ. Trong cuộc khảo sát về nhu cầu kỹ năng mới đây do ILO thực hiện với hơn 200 doanh nghiệp du lịch ở miền Trung, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Chúng ta có thể nhận thấy rõ trong quá trình hội nhập, hiện nay và những năm tới, thị trường lao động (về nhu cầu việc làm) tiếp tục phát triển theo chiều hướng đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý; phát triển quy mô sản xuất kinh doanh, quy mô doanh nghiệp tạo nhiều chỗ làm mới thu hút lao động với nhiều ngành nghề đa dạng, do đó, bên cạnh chuyên môn, kỹ năng mềm đặc biệt quan trọng để được nhà tuyển dụng chấp nhận.

Một cuộc khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh đối với những người làm việc hiệu quả và thăng tiến nhanh cho thấy, chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị.

Thu thập thông tin, phân tích thị trường lao động ở 5 thành phố lớn gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ cho thấy, những kỹ năng mềm mà các nhà tuyển dụng thường đề cập bao gồm: khả năng giao tiếp; kỹ năng viết báo cáo; sự trung thực, làm việc theo nhóm, thương thuyết, tính linh hoạt, thích ứng; tư duy sáng tạo; kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin.

Tựu chung lại có 4 vấn đề nhà tuyển dụng cần ở một người lao động là: chuyên môn tốt, thành thạo kỹ năng mềm; giỏi một ngoại ngữ và thái độ làm việc nghiêm túc. Đây cũng là yếu tố tạo cho nhân lực trẻ nâng cao năng suất lao động trong quá trình làm việc. Đủ 4 kỹ năng này, doanh nghiệp trong nước hay tập đoàn đa quốc gia đều chấp nhận.