Nhu cầu tăng cao, xuất khẩu cao su tự nhiên có nắm được cơ hội bứt phá?

Nhu cầu cao su tự nhiên của thế giới vẫn trong xu hướng tăng và sự chênh lệch cung thấp hơn cầu là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chủng loại cao su này.

san luong cao su

Lượng cao su xuất khẩu tăng tháng thứ tư liên tiếp

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 117,08 nghìn tấn, trị giá 158,17 triệu USD, tăng 33,4% về lượng và tăng 29,9% về trị giá so với tháng 4/2023; So với tháng 5/2022 tăng 2,6% về lượng nhưng giảm 18,8% về trị giá. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp lượng cao su xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su đạt 586,36 nghìn tấn, trị giá 810,97 triệu USD, giảm 2,1% về lượng và giảm 22,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Về giá xuất khẩu, tháng 5/2023, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.351 USD/tấn, giảm 2,7% so với tháng 4/2023 và giảm 20,9% so với tháng 5/2022.

Tháng 5/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 74,55% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 87,28 nghìn tấn, trị giá 116,27 triệu USD, tăng 36% về lượng và tăng 32,9% về trị giá so với tháng 4/2023; so với tháng 5/2022 tăng 13,7% về lượng, nhưng giảm 6,7% về trị giá, đây là tháng thứ 4 liên tiếp lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc tăng so với cùng kỳ năm 2022. Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.332 USD/tấn, giảm 2,2% so với tháng 4/2023 và giảm 17,9% so với tháng 5/2022.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 443,68 nghìn tấn cao su, trị giá 600,19 triệu USD, tăng 10,2% về lượng, nhưng giảm 12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

gia xuat khau cao su

Trong tháng 5/2023, lượng cao su xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt tiếp tục tăng so với tháng 5/2022 như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Hà Lan, Tây Ban Nha, Malaysia, Anh… Tuy nhiên, lượng cao su xuất khẩu sang một số thị trường lớn vẫn giảm mạnh như: thị trường Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Đức, Nhật Bản…

Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su sang các thị trường phần lớn đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là các thị trường lớn như: Ấn Độ, Hoa Kỳ, Indonesia, châu Âu. Tuy nhiên, xuất khẩu cao su sang một thị trường chủ chốt vẫn tăng trưởng tốt về lượng so với cùng kỳ năm 2022 như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Hà Lan...

xuất khẩu cao su

Cơ hội gia tăng xuất khẩu cao su tự nhiên

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại nhận định, nhu cầu cao su tự nhiên của thế giới vẫn trong xu hướng tăng và sự chênh lệch cung thấp hơn cầu là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng sản lượng cao su tự nhiên, tăng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành cao su cũng có nhiều thuận lợi khi được Nhà nước công nhận là “cây đa mục tiêu”, vừa góp phần phát triển kinh tế đất nước, vừa cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội cho vùng nông thôn, đồng thời phủ xanh đất trống, rừng nghèo để góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su tự nhiên ngày càng trở nên gay gắt hơn về giá thành, chất lượng sản phẩm, uy tín thương mại và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về bền vững ngày càng khắt khe. Mặt khác, cơ cấu và chủng loại cao su tự nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc.

Khi các hiệp định thương mại tự do ký kết và đi vào thực hiện, cao su tự nhiên nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0%, sẽ khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên chọn nguồn nhập khẩu từ các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Do đó ngành cao su xác định việc đẩy mạnh phát triển theo hướng bền vững và tập trung xây dựng thương hiệu ngành là hai trụ cột chính để đáp ứng xu hướng thị trường và yêu cầu của khách hàng quốc tế cũng như nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), chứng chỉ chuỗi hành trình cho các vườn cây cao su.

Việt Hằng