Những biến đổi của thế giới và tác động đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Thu Hoài, ThS. Đỗ Hoàng Phương (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội)

Tóm tắt:

Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu khách quan, có liên quan chặt chẽ và tác động qua lại, biện chứng đối với quá trình hội nhập quốc tế của các nước nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh mới hiện nay, toàn cầu hóa đã và đang có những biểu hiện mới. Hơn nữa, vấn đề an ninh phi truyền thống là những vấn đề phi quân sự có ảnh hưởng lớn, không chỉ đe dọa sự tồn tại, phát triển của con người và xã hội trong phạm vi một hoặc một số quốc gia, mà còn đe dọa sự tồn tại, phát triển chung của toàn thể nhân loại. Những thách thức an ninh phi truyền thống đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như đe dọa an ninh toàn cầu, đòi hỏi tất cả các nước phải chung tay giải quyết. Bài viết bàn về những biến đổi của thế giới và tác động đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Từ khóa: Toàn cầu hóa và những biểu hiện mới, an ninh phi truyền thống, hội nhập kinh tế quốc tế.

1. Một số biểu hiện mới của toàn cầu hóa

Thứ nhất, quá trình toàn cầu hóa làm bộc lộ những bất cập, không tương thích, thậm chí phi lý của thể chế kinh tế quốc tế, dẫn đến một điều chỉnh lớn trong xu thế toàn cầu hóa.

Kinh tế thế giới toàn cầu hóa đã đưa tới trình độ xã hội hóa rất cao của lực lượng sản xuất xã hội, vì thế, những thể chế pháp lý quốc tế được lập ra chủ yếu do các nước phát triển nắm giữ đã trở nên lạc hậu. Trong quá trình toàn cầu hóa, quan hệ kinh tế quốc gia và toàn cầu có sự tương tác lẫn nhau. Nhiều thể chế kinh tế quốc tế phải điều chỉnh theo thể chế quốc tế dẫn tới việc các thể chế quốc gia tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các quan hệ kinh tế quốc gia. Một trong những nguyên nhân dẫn đến một điều chỉnh lớn trong xu thế toàn cầu hóa là do lỗ hổng trong các mô hình sản xuất dựa trên chuỗi cung ứng toàn cầu với quy mô lớn và phức tạp. Việc phụ thuộc quá lớn vào các nhà cung ứng trên phạm vi toàn cầu và không có giải pháp thay thế đã khiến nhiều nhà sản xuất gặp khó khăn trong việc duy trì dòng chảy của chuỗi giá trị. Cuộc khủng hoảng Covid-19 cho thấy, chuỗi cung ứng có thể bị đứt gãy bất cứ lúc nào, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Thứ hai, vai trò của các nước mới nổi và chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng chủ động.

Dù còn khiêm tốn, vai trò của các nước mới nổi với sự tồn tại của chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs) ngày càng lớn. Theo BIS, thương mại song phương giữa các nước EME (Emerging Market Economy-các nền kinh tế mới nổi) và các nước khác đang tăng từ dưới 20% GDP toàn cầu lên trên 30% GDP toàn cầu. Trong khi đó, thương mại song phương giữa các nước phát triển với nhau ngày càng giảm, từ 35-40% xuống dưới 30%. Nếu xu thế các chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng phổ biến, có thể thấy, vai trò của các nước mới nổi sẽ ngày càng tăng trong bản đồ thương mại thế giới.

Thứ ba, cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ có thể là một lực lượng định hình toàn cầu hóa trong giai đoạn sắp tới.

Toàn cầu hóa đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi chiến tranh thương mại Trung-Mỹ hiện nay. Cuộc chiến nổ ra trong bối cảnh Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trung Quốc đã xây dựng được một vị thế thương mại vững chắc trên thị trường toàn cầu hóa. Các “tranh chấp” thương mại như thế sẽ có vai trò định hình đối với cục diện thế giới mới có thể trực tiếp hóa và làm sâu sắc các ảnh hưởng đối với các nước liên quan và trên trường quốc tế nói chung.

Thứ tư, liên kết ở các khu vực,liên khu vực phát triển với những nội dung kinh tế đa dạng.

Cùng với quá trình toàn cầu hóa, quá trình liên kết kinh tế ở cấp khu vực và liên khu vực đang được đẩy mạnh hơn. Ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, nổi bật là tiến trình đàm phán và kí kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế ở khu vực Đông Bắc Á. Tại khu vực Mỹ Latinh, nổi lên việc Venexuela gia nhập khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) sau nhiều năm đàm phán, sự hình thành Nhóm CIVETS (Colombia, Indonexia, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Xingapo), Liên minh Thái Bình Dương (Chile, Colombia, Peru, Mehico), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực ( RCEP) và gần đây Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam- EU ( EVIPA) đã đánh dấu một giai đoạn phát triển mới đối với các khối liên kết này. Đặc điểm mới của các liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực là xu hướng mở rộng sang các lĩnh vực mới, gắn liền với việc khắc phục những thách thức toàn cầu với mức độ cam kết cao hơn.

Thứ năm, xu thế phân hóa hai cực của nền kinh tế thế giới.

Các nước phát triển chiếm ưu thế tuyệt đối về kết cấu những ngành kinh tế trên thế giới và hệ thống phân công lao động quốc tế. Theo báo cáo của WB, năm 2019, tỷ trọng sản nghiệp của các nước phương Tây chiếm trên 60% toàn thế giới. GDP của những nước này chiếm 75%, mậu dịch đối ngoại chiếm 70%, đầu tư quốc tế chiếm 80%, tín dụng chiếm gần 90%. Các nước phương Tây chi phối các hoạt động kinh tế quốc tế dẫn đến thu nhập bình quân đầu người giữa các nước Bắc và Nam chênh lệch rất cao. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, khi các định chế thương mại toàn cầu có thể trở thành vũ khí để các bên hạn chế nhau (ví dụ: luật chống độc quyền, môi trường,...), các tiếp cận song phương và khu vực sẽ đóng vai trò quan trọng hơn.

Thứ sáu, toàn cầu hóa sẽ tập trung vào dịch vụ và đặc biệt trên nền tảng số; các sản phẩm nói chung cũng sẽ có yêu cầu cao hơn về mặt đổi mới, sáng tạo và hàm lượng công nghệ.

Toàn cầu hóa đang tạo ra khả năng phát triển, phổ cập công nghệ thông tin và các phương tiện viễn thông; thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thương mại và tạo ra khả năng thực thi các luật lệ kinh tế khách quan trong một không gian toàn cầu rộng lớn dựa trên nền tảng số hóa; nó tạo điều kiện cho việc giao lưu văn hóa và tư tưởng rộng rãi, làm cho con người xích lại gần nhau hơn; đem lại khả năng giải quyết một số vấn đề chung đang đối mặt với toàn cầu hóa kinh tế và sự phát triển xã hội. Sự bùng nổ của hội họp qua video cũng đang thúc đẩy các công việc trực tuyến và dịch vụ từ xa, từ đó buộc các quốc gia, dân tộc phải có sự điều chỉnh để thích ứng với những thay đổi có tính chất toàn cầu.

2. Các thách thức mới về an ninh phi truyền thống

Thứ nhất, vấn đề an ninh liên quan đến phát triển bền vững, bao gồm bảo vệ môi trường, phát triển tài nguyên, môi trường sinh thái toàn cầu.

Trong một vài thế kỷ qua, loài người đã chứng kiến và chịu tác động của nhiều thảm hoạ thiên nhiên khủng khiếp, để lại những hậu quả nghiêm trọng. Theo nhiều nhà nghiên cứu, vấn đề biến đổi khí hậu trong thời gian sắp tới còn có diễn biến phức tạp, nước biển dâng cao, nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng lên. Vấn đề suy thoái đất đai, hoang mạc hóa sẽ diễn ra nhanh hơn. Tài nguyên, khoáng sản ngày càng ít đi, nhiều nơi trên thế giới sẽ thiếu nước nghiêm trọng; xung đột, bất ổn trong việc chia sẻ nguồn nước sẽ gia tăng ở nhiều khu vực. Biển, đại dương, chất lượng môi trường tại các sông ngòi bị ô nhiễm; an ninh nguồn nước, an ninh môi trường biển; hiện tượng khói mù xuyên biên giới; việc sử dụng vũ khí sinh thái; sự xâm nhập của các loài sinh vật ngoại lai qua biên giới; vận chuyển chất thải nguy hại xuyên biên giới; nguy cơ từ các nhà máy điện hạt nhân từ các quốc gia lân cận,… Đây là những vấn đề an ninh phi truyền thống có nguồn gốc từ các vấn đề môi trường gây ra, đòi hỏi phải có sự hợp tác trong việc ứng phó của nhiều quốc gia.

Thứ hai, đại dịch COVID-19 và vấn đề kiểm soát phòng, chống dịch bệnh.

Dưới tác động của toàn cầu hóa, đại dịch COVID-19 đã và đang diễn biến rất phức tạp là thách thức an ninh phi truyền thống vô cùng lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn thế giới và không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết được. Đại dịch Covid -19 cũng cho chúng ta thấy sự chuẩn bị của các quốc gia nói riêng, của toàn thế giới nói chung trước các nguy cơ an ninh phi truyền thống là rất yếu. Khó có thể ngờ rằng, những đất nước phát triển, giàu có hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản lại dễ dàng bị vỡ trận trước sự tấn công của virus Corona. Việc các nước nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải, thiếu trầm trọng các thiết bị, vật tư y tế để đối phó dịch bệnh là câu hỏi lớn đặt ra đối với chính phủ các quốc gia đối với các thỏa thuận, cam kết trong quá trình hợp tác.

Thứ ba, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia bao gồm cả buôn người và buôn bán ma túy; tổ chức tồn tại ngoài nhà nước thách thức trật tự quốc tế, lớn nhất là sự đe dọa của khủng bố quốc tế.

Tại nhiều quốc gia, núp bóng dưới vỏ bọc dân chủ, nhân quyền, các thế lực thù địch điên cuồng hoạt động phá hoại dưới nhiều danh nghĩa, thủ đoạn khác nhau như lôi kéo một số đối tượng được đào tạo ở nước ngoài nhưng bất mãn, để sử dụng như những con rối trong “ván bài” chính trị, chỉ đạo móc nối xây dựng cơ sở nội địa, cài cắm nội gián, phá hoại nội bộ; kích động, gây rối, xuyên tạc tình hình hay lợi dụng triệt để internet, mạng xã hội, blog cá nhân để thực hiện tham vọng ảo tưởng tại một số quốc gia. Bên cạnh đó, các tổ chức tồn tại ngoài nhà nước thách thức trật tự quốc tế, lớn nhất là sự đe dọa của khủng bố quốc tế dẫn tới các mối đe dọa an ninh đến sự ổn định khu vực và quốc tế, bao gồm an ninh kinh tế, an sinh xã hội, quyền con người; di cư bất hợp pháp và người tị nạn.

Thứ tư, vấn đề an ninh gây ra bởi phát triển công nghệ và toàn cầu hóa, bao gồm cả an ninh mạng, an ninh thông tin và an ninh kỹ thuật di truyền.

Tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng và phương thức thực hiện tinh vi hơn là thách thức an ninh phi truyền thống nổi bật trong bối cảnh bùng nổ công nghệ cao trên toàn thế giới. Hiện nay, tội phạm công nghệ cao rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, với thủ đoạn chính là tấn công máy tính, mạng máy tính; lợi dụng lỗ hổng bảo mật web, tấn công truy cập, lấy cắp, phá hoại dữ liệu, lừa đảo dưới nhiều hình thức; phát tán virus, phần mềm gián điệp; sử dụng trái phép trong các dữ liệu của máy tính không được phép của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền; đưa trái phép, lan truyền các thông tin thất thiệt, thiếu kiểm chứng lên mạng xã hội,... Nguy hiểm hơn, tội phạm công nghệ cao còn thực hiện tấn công hệ thống hạ tầng thông tin, truyền thông quốc gia, gây ảnh hưởng đến an ninh, hòa bình thế giới.

Thứ năm, những nhân tố phi quân sự.

Đó là, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa khủng bố, an ninh tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh khoa học - kỹ thuật, hiệu ứng nhà kính với sự nóng lên của trái đất và mất cân bằng sinh thái (an ninh môi trường sinh thái), buôn lậu ma túy, dịch bệnh truyền nhiễm (đối với con người, gia súc và cây trồng), tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, rửa tiền, tấn công mạng, di dân bất hợp pháp, bùng nổ dân số, cạn kiệt nguồn nước, cướp biển, kinh tế ngầm,... đều là những thách thức mới thuộc lĩnh vực an ninh phi truyền thống.

3. Một số vấn đề đặt ra với Việt Nam

Những thuận lợi cơ bản

Thứ nhất, Hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trên thế giới. Do đó, tuy vẫn tồn tại những khác biệt trong một số lĩnh vực, vấn đề nhưng giữa Việt nam và các nước không có vướng mắc có thể làm đổ vỡ các quân hệ đó.

Thứ hai, châu Á- Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực năng động. Việt Nam có cơ hội mới từ quá trình điều chỉnh chiến lược, chính sách của các nước lớn, các nước láng giềng, có cơ hội tốt để trở thành cửa ngõ quan trọng của một khu vực kinh tế năng động, tiếp cận với các thị trường lớn của thế giới khi thiết lập được một mạng lưới FTA rộng khắp và khai thác chiến lược của các nhà đầu tư quốc tế.

Thứ ba, Việt Nam có lợi thế của nước đi sau khi có thể đi thẳng vào phát triển những lĩnh vực mới của nền kinh tế số; mô hình này đã tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho một bộ phận lớn dân cư.

Thứ tư, trong giai đoạn toàn cầu hóa thu hẹp do dịch bệnh và hiệu quả kinh tế nói chung và hiệu quả của các tập đoàn đa quốc gia nói riêng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và lớn mạnh, có cơ hội tranh thủ thị trường, vốn và công nghệ, tham gia vào mạng lưới sản xuất và phân phối toàn cầu. Hơn nữa, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; địa vị và uy tín của quốc gia được nâng cao. 

Những thách thức chủ yếu

Thứ nhất, cạnh tranh giữa các nước lớn; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền trên Biển Đông tiếp tục là thách thức lớn đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Sự gia tăng chủ nghĩa đơn phương và quan hệ “bất thường” của các nước lớn đặt Việt Nam trước những rủi ro về đối ngoại. Đứng ở một vị trí địa chiến lược quan trọng, việc lựa chọn phương cách ứng xử, tìm ra cách tiếp cận hợp lý, xác lập lòng tin, chia sẻ lợi ích và đảm bảo chủ quyền luôn là thách thức đối với Việt Nam trong nỗ lực duy trì quan hệ cân bằng và tốt đẹp với các nước lớn và đối tác.

Thứ hai, các vấn đề toàn cầu và mất an ninh phi truyền thống sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam ngày một sâu sắc hơn. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước bị tổn thương nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng. Các áp lực về chuyển đổi phương thức phát triển trong bối cảnh thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng,… rất có thể sẽ đặt nền kinh tế Việt Nam trước nhiều khó khăn.

Thứ ba, tiến trình hội nhập cũng đang gây ra sức ép điều chỉnh chính sách theo nhiều kênh, nhiều tuyến, tạo ra tác động nhiều chiều, khó kiểm soát. Bản thân các FTA không bảo đảm cho nền kinh tế Việt Nam vượt lên khỏi phân khúc thấp của chuỗi giá trị toàn cầu hay đem lại nhiều việc làm có năng suất cao hơn bởi những điều này lại chủ yếu phụ thuộc vào tiến độ hoàn thiện thể chế phát triển trong nước.

Thứ tư, quá trình toàn cầu hóa, cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật và công nghệ, nền kinh tế số phát triển cũng tạo ra những thách thức mới đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, quốc phòng. Việc phát triển theo kinh tế số giai đoạn vừa qua đã tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho một bộ phận lớn dân cư, nhưng nếu tiếp tục duy trì thì càng hội nhập sâu hơn, nền kinh tế Việt Nam sẽ càng lệ thuộc vào bên ngoài, càng có nguy cơ lún sâu vào “bẫy gia công, lắp ráp” và vướng vào những nấc thang thấp của chuỗi giá trị toàn cầu.

Giải pháp với Việt Nam

Thứ nhất, nhận thức rõ, xác định đúng cơ hội và thời cơ, thách thức và nguy cơ để kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định sự lãnh đạo của Đảng; kiên định đường lối đổi mới của Đảng. Kiên trì chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tiếp tục đổi mới tư duy, xây dựng thể chế phát triển đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo nền tảng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ hai, truyền thông kịp thời, cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và phối hợp chặt chẽ với các quốc gia trong việc chủ động, đồng bộ, quyết liệt phòng chống, ứng phó với diễn biến của dịch và tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe và đời sống của nhân dân.

Thứ ba, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, kỷ cương, bảo đảm an ninh kinh tế, xã hội, an ninh mạng, an ninh con người. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ xa, từ sớm; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi, nhất là những nhân tố bên trong có thể gây đột biến. Cân bằng chiến lược giữa các nước lớn, nhất là với Trung Quốc và Mỹ trong quan hệ với Việt Nam. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Văn phòng Trung ương Đảng (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, , Hà Nội, tr. 19.
  2. 2. Vũ Văn Hiền (2017), Bức tranh thế giới đương đại, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  3. Phùng Hữu Phú, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông (2016), Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  4. Vũ Văn Hiền (2018), Đổi mới tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế, Hội đồng Lý luận Trung ương.
  5. IMF Dữ liệu (Data), [Online], https://data.imf.org.
  6. The Economist The Global List [Journal]. 2019.
  7. World Bank (WB) Dữ liệu (Data), [Online]. https://data.worldbank.org.   

GLOBAL CHANGES AND THEIR IMPACTS ON VIETNAM’S INTERNATIONAL ECONMIC INTEGRATION PROCESS

Ph.D Nguyen Thi Thu Hoai

University of Economics and Business, Vietnam National University - Hanoi

Abstract:

Globalization is an objective indispensable trend, closely related and interrelated to the international integration process of Vietnam in particular and other countries in general. In the new current context, globalization has new manifestations. Furthermore, non-traditional security issues which are highly influential non-military issues do not only threaten the existence and development of one or several regional countries but also the general existence and development of the entire humanity. Non-traditional security challenges that affect people's lives and threaten global security require all countries to work together. This article discusses the global changes and their impacts on Vietnam's international economic integration process.

Keywords: Globalization, new manifestations, non-traditional security, international economic integration.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]