Những cây "xóa nghèo" của Mường Chà

Nhờ áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ngành nông nghiệp Mường Chà bước đầu đã hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đã có hiệu quả rõ rệt... Kinh tế của huyện ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng cải thiện.

Mường Chà là một huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây bắc của tỉnh Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 54 km. Mường Chà có trên 176.000ha đất tự nhiên, tuy nhiên diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp với trên 7.500ha. Địa hình chia cắt, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, dân cư sống phân tán…ảnh hưởng lớn tới việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp. 

Dựa vào điều kiện khí hậu và đất đai, UBND huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện nghiện cứu các mô hình nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với các điều kiện của Mường Chà để áp dụng.

Mường Chà
Ông Trang A Lử, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà

Trên cơ sở đó, thời gian qua, huyện đã quy hoạch từng vùng phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của từng loại cây trồng vật nuôi đồng thời thử nghiệm các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế. Đến nay, dù mới bước đầu thử nghiệm các mô hình theo hướng bền vững, song nhiều loại cây trồng ngắn ngày, cây dược liệu khá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. 

Các vùng chuyên canh trồng dứa, bí đao, dong giềng, dứa đang dần hình thành. Trong đó, đối với cây dứa, là loại cây cho năng suất và giá trị kinh tế cao, huyện đã quy hoạch và mở rộng diện tích...để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Từ kết quả trên, Mường Chà đã chuyển đổi những vùng trồng ngô, sắn không hiệu quả sang trồng cây dứa theo hướng hàng hóa nhằm mang lại hiệu quả cao hơn. 

Từ những diện tích canh tác manh mún ban đầu, đến nay, tổng diện tích dứa trên toàn huyện đã được mở rộng hơn 200ha, tập trung chủ yếu ở xã Na Sang, Mường Mươn, Sa Lông... Đồng thời, để có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập, huyện còn hướng người dân sản xuất dứa theo hướng VietGAP, liên kết và nhận được sự trợ lực hiệu quả từ các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn.

Mường Chà
Tổng diện tích dứa trên toàn huyện Mường Chà đã được mở rộng hơn 200ha.

Ngoài dứa, Mường Chà cũng thành công với mô hình trồng bí đao. Đây là loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Mường Chà. Mỗi đợt xuống giống, bí đao có thể cho tới 10 lứa. Trung bình diện tích 6.000m2 sẽ cho năng suất ước đạt 30 tấn, giá bán khoảng 8.000 đồng/kg cho doanh thu khoảng 240 triệu đồng. Lợi nhuận ước đạt 100 triệu đồng.

Mường Chà cũng đã thử nghiệm trồng khoai tây trái vụ với tổng diện tích 4ha tại bản Hồ Chim 2. Vụ đông xuân năm 2023 vừa qua, 17 hộ dân được hỗ trợ cây giống, phân vi sinh và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Cây bí đao phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất khá. Sau khi thu hoạch, sản phẩm thu hoạch sẽ được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện kết nối doanh nghiệp thu mua.

Sau khi mô hình khoai tây trái vụ, bí đao cho kết quả tốt, Mường Trà đang tích cực hỗ trợ người dân mở rộng thêm mô hình trồng cây quế tại xã Huổi Lèng; mô hình hoa hồng Pháp tại thị trấn Mường Chà; trồng cây dược liệu tại xã Sa Lông... Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ người dân chuyển đổi phương thức sản xuất, thâm canh tăng vụ để tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo.

Mường Chà
Bí xanh là loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Mường Chà.

Bên cạnh việc thử nghiệm các mô hình sản xuất theo hướng tập trung bền vững, huyện Mường Chà đang vận động người dân một số xã như: Mường Tùng, Sá Tổng, Ma Thì Hồ, Na Sang, Huổi Lèng... căn cứ điều kiện thực tiễn, thổ nhưỡng từng vùng, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng; lựa chọn các loại cây phù hợp để mời gọi liên kết với các hợp tác xã để tăng năng suất, giá trị sản phẩm.

Kết quả đáng ghi nhận là, sản xuất nông nghiệp của Mường Chà bước đầu đã hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của doanh nghiệp. Người dân địa phương đã có kiến thức về sản xuất theo nhu cầu của thị trường.

Đánh giá về hiệu quả của chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện trong thời gian qua, ông Trang A Lử, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết “Đối với một huyện còn nhiều khó khăn như Mường Chà, chúng tôi xác định phải thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao trên địa bàn. Nhìn chung, các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp... đã giúp bà con xóa đói, giảm được nghèo, đời sống được cải thiện, thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế."

Lê Hoa