Cúng lễ sau buổi trưa ngày 23 tháng Chạp
 
Theo tín ngưỡng dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, việc cúng lễ cần tiến hành trước giờ này.
 
Thông thường, bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời.
 

Đặt mâm cỗ cúng ở bếp

Nhiều người quan niệm, ông Công là thần thổ công, vị thần cai quản đất đai trong nhà, cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà, còn ông Táo trông coi việc bếp núc nên cần cúng ở dưới bếp.

Tuy nhiên theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Mạnh Linh - Viện Quy hoạch & Kiến trúc Đô thị, lễ cúng ông công ông Táo được thực hiện ngay ở ban thờ thần linh gia tiên, chứ không nên đặt đồ lễ ở ban thờ Phật hoặc lập riêng ban thờ Táo quân.

Theo chuyên gia, ở một số nơi, nhất là miền Nam có xu hướng lập ban thờ Táo quân riêng ở bếp, là điều không cần thiết và không nên.

Theo chuyên gia, trong một nhà thờ nhiều thần linh sẽ hay xảy ra tranh cãi, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình. Con cái trong gia đình sẽ khó bảo hoặc có những trục trặc khác về tình cảm, tình duyên.

Khấn xin tài lộc, sung túc

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Mạnh Linh, lễ cúng 23 tháng Chạp mang ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo việc lớn việc nhỏ trong năm của gia chủ với thiên đình. Vì thế việc cầu xin phú quý, sung túc là không nên.

Gia chủ chỉ xin Táo quân bẩm báo điều tốt, bớt nói điều không hay.

Cúng tiền âm phủ

Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cho rằng, khi cúng ông công ông Táo, gia chủ tuyệt đối không đốt tiền âm phủ. Vì ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm.

Ngoài ra, trong dịp này, nhiều gia đình cũng sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt. Họ tin rằng dâng mâm cao cỗ đầy sẽ được Táo quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm.

Tuy nhiên, điều này không chỉ gây tốn kém tiền của, không có lợi ích mà còn ảnh hưởng đến môi trường.

Rán cá chép

Nhiều gia đình thường chủ quan và nghĩ rằng việc phóng sinh cá là không cần thiết nên bắt cá chép rán lên để cúng Táo quân mà không biết rằng, đây chính là một trong những điều đại kị khi cúng ông Công ông Táo mà các gia đình không nên làm.

Dâng cúng Táo quân những món như: Thịt chó, thịt vịt, thịt chim

Việc cúng lễ quý ở thành tâm, đồ cúng lễ 23 tháng Chạp không quá cầu kì nhưng cần sự chu đáo, tỉ mỉ để không bỏ sót điều gì. Mâm lễ cúng ông Công ông Táo có thể là lễ chay, cũng có thể là lễ mặn, tùy theo điều kiện gia đình. Tuyệt đối không dâng cúng Táo quân các món như thịt chó, thịt vịt, thịt chim.

Ném cá chép từ trên cao xuống

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện -  Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, phóng sinh cá đúng cách mang ý nghĩa công đức rất lớn.

Tuy nhiên, thả cá chép thế nào cho đúng ý nghĩa tâm linh và đúng mục đích bảo vệ môi trường thì không phải ai cũng hiểu biết đầy đủ.

Theo chỉ dẫn của Thượng tọa, khi thả cá nên dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nilon hoặc đồ đựng cá xuống nước, để cá tự bơi ra. Nếu không ta đặt cá vào lòng bàn tay, thả nhẹ nhàng xuống nước. Thao tác nhẹ nhàng nhưng nhanh gọn.

Tuyệt đối không đứng ở thành cầu hay các điểm trên cao ném cá xuống. Hành động đó rất xấu xí và cá thả xuống có thể không sống được.

Người dân cũng không nên phóng sinh cá ở những nơi môi trường bị ô nhiễm vì cá sẽ ít cơ hội sống sót.