TÓM TẮT:

Bài viết đề cập những nội dung về ứng dụng công nghệ số thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, giải phóng sức sản xuất làm tăng năng suất lao động; tăng năng suất dựa trên nền tảng công nghệ cao; làm tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực, gia tăng năng suất lao động và năng lực nội sinh của nền kinh tế. Từ đó, tác giả khuyến nghị 5 giải pháp: Nâng cao nhận thức về nền kinh tế số; Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ; Xây dựng hạ tầng số; Hoàn thiện thể chế về nền kinh tế số theo hướng bình đẳng, minh bạch.

Từ khóa: kinh tế chính trị, kinh tế số, phát triển kinh tế, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Nhìn lại quá trình phát triển, kinh tế số đã được áp dụng ở Việt Nam từ khi có máy tính, đặc biệt là khi máy tính cá nhân được sử dụng vào cuối những năm 1980. Đến cuối những năm 1990, khi Việt Nam sử dụng internet, kinh tế số càng có điều kiện phát triển. Đặc biệt, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư kể từ cuối những năm 2010, việc áp dụng kinh tế số ngày càng rộng rãi và được phổ cập. Trong 10 năm gần đây, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh.

Năm 2017, số người sử dụng internet ở Việt Nam là 64 triệu người, bằng xấp xỉ 67% dân số và tăng gấp 3,6 lần so với 10 năm trước. Thương mại điện tử (TMĐT) là một cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số đã tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô thị trường (năm 2018 doanh thu của ngành TMĐT Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 30% và cao gấp 1,6 lần so với năm 2016). Kinh tế số đã và đang là lĩnh vực hấp dẫn nguồn vốn đầu tư phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp. Lượng vốn đổ vào các startup Việt đã tăng 4,3 lần trong 3 năm qua (từ 205 triệu USD năm 2016 lên 889 triệu USD năm 2018).

Trong sự phát triển của kinh tế số, ngành TMĐT Việt Nam cũng có bước phát triển khởi sắc và ngày càng trở nên phổ biến hơn. Năm 2020. Quy mô của TMĐT cả nước đã lên tới 13 tỷ USD. Sự bứt phá của TMĐT đã đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN[1]. Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đã ngày càng tỏ rõ vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng tính hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, dịch vụ, phân bổ các nguồn lực, thúc đẩy phát triển sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế và tăng thu nhập cho doanh nghiệp và cho người dân.

Để phát triển nền kinh tế số, thời gian qua, Việt Nam đã coi trọng việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để biến khả năng thành hiện thực, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 04/5/2017 về Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019, Phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Nhiều ngành, địa phương đã có những đề án triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để phát triển nền kinh tế số, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức với các áp lực từ nhận thức đến các nguồn lực (nhân lực, vốn và tri thức, công nghệ), áp lực từ kết cấu hạ tầng về thông tin và hệ thống sáng tạo và áp lực từ môi trường pháp lý.

Trên thực tế, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam còn thấp, chính sách còn một số hạn chế, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế, nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Nhìn chung, quy mô kinh tế số còn nhỏ.

Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, ngày 27/9/2019 Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó khẳng định quan điểm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với những giải pháp đột phá và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam phát triển hơn nữa kinh tế - xã hội.

2. Những gợi mở kinh tế chính trị trong phát triển kinh tế số ở Việt Nam

Một là, ứng dụng công nghệ số thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, qua đó giải phóng sức sản xuất làm tăng năng suất lao động

Sự phát triển của công nghệ số và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh đã tạo ra hàng loạt ngành nghề mới có giá trị gia tăng cao, như: công nghệ thông tin (CNTT), logictics, thương mại điện tử, thanh toán trực truyến, nông nghiệp thông minh, công nghiệp thông minh,... Nhờ đó, nền kinh tế được chuyển dịch theo hướng hiện đại, tạo cơ hội chuyển nhanh mô hình tăng trưởng từ dựa trên khai thác tài nguyên, công nghệ thấp, lao động giá rẻ sang tăng trưởng dựa trên công nghệ cao, công nghệ số và đổi mới sáng tạo. Sự chuyển dịch theo hướng này đã làm sức sản xuất được nâng cao, nên năng suất lao động xã hội sẽ tăng lên.

Các nhà nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra, do các doanh nghiệp dựa trên công nghệ số có chi phí biên gần bằng 0 (không), nên 1 sản phẩm hàng hóa được tạo ra chỉ cần sử dụng rất ít nhân công so với 10 hay 15 năm trước. Ngoài ra, công nghệ số còn tạo ra sự lan truyền tri thức lớn hơn tất cả các công nghệ khác. Chẳng hạn, công nghệ không dây tạo ra sự lan truyền kiến thức cao hơn 50% các công nghệ khác. Việc lan tỏa kiến thức là cơ sở quan trọng trong đổi mới, sáng tạo và tăng năng suất lao động xã hội.

Hai là, nền kinh tế số làm thay đổi cách thức tạo ra năng suất lao động, tăng năng suất dựa trên nền tảng công nghệ cao.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công nghệ số là nền tảng đã kết hợp giữa hệ thống thực và ảo, IoT và các hệ thống kết nối internet làm thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản phẩm, từ đó tạo nên cách mạng về tổ chức các chuỗi sản xuất - giá trị. Hiện nay, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh, quản lý đã làm xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh hoàn toàn mới trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, như: gọi xe công nghệ, truyền thông toàn cầu, thương mại điện tử, nông nghiệp thông minh, logictics, giao dịch trực tuyến, giáo dục, y tế trực tuyến,… Các mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số đã phá bỏ giới hạn về vật chất của quá trình phát triển, tạo ra quy mô và tốc độ phát tiển nhanh và mạnh chưa từng có trong lịch sử kinh tế thế giới.

Nếu như trước đây, tăng năng suất dựa vào tăng quy mô vốn, tăng lao động thì ngày nay việc phát triển công nghệ số và ứng dụng nó đã làm thay đổi cách thức tăng năng suất - tăng năng suất dựa trên nền tảng công nghệ cao. Công nghệ cao (công nghệ số) đã làm tăng năng suất lao động lên đáng kể. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy, tác động của chuyển đổi số làm tăng 15% năng suất lao động xã hội năm 2017 và dự kiến đến năm 2010 là 21%. Vì vậy, để giảm khoảng cách về năng suất lao động với các nước trong khu vực, Việt Nam cần phải ứng dụng công nghệ số trong các ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh của nền kinh tế.

Thứ ba, nền kinh tế số làm tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực, gia tăng năng suất lao động và năng lực nội sinh của nền kinh tế

Nền kinh tế số có đặc điểm là khi kinh tế số được vận hành sẽ làm gia tăng khối lượng lẫn chủng loại hàng hóa do chi phí tạo ra các sản phẩm lần thứ hai gần như bằng 0 (không), sản xuất không có đối thủ, chi phí vận chuyển cũng gần như bằng 0 (không)... Vì vậy, khi ứng dụng công nghệ số trong nền kinh tế sẽ dẫn đến hoạt động kinh tế diễn ra kịp thời, người sản xuất đưa ra các quyết định sản xuất - kinh doanh đúng lúc, nắm bắt được cơ hội do giảm được thời gian trung gian, nhờ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hiện có. Công nghệ số phát triển và tận dụng được công nghệ số giúp các chủ thể kinh tế ở Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuận tiện với chi phí thấp, nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường và thị phần.

Bên cạnh đó, công nghệ số tạo điều kiện để các ngành kinh tế Việt Nam đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từ đó làm cho hiệu suất kinh tế tăng cao và gia tăng năng lực nội sinh của nền kinh tế. Ở Việt Nam hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số trong ngành Thuế, Hải quan đã tiết kiệm cho Nhà nước, doanh nghiệp rất nhiều chi phí cả chính thức và không chính thức; ứng dụng công nghệ số vào phát triển nông nghiệp đã nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và ứng phó với biến đổi khí hậu… Theo dự báo, nếu Việt Nam không chuyển đổi số, năng suất lao động bình quân trong những năm tới sẽ tăng từ 5 - 6%/năm, còn nếu chuyển đổi số, năng suất lao động sẽ tăng từ 8 - 10%/năm.

3. Một số nút thắt tác động đến hạn chế phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam và khuyến nghị giải pháp

3.1. Một số nút thắt tác động đến hạn chế phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam

Một là, nhận thức, hiểu biết của các doanh nghiệp và người dân về kinh tế số còn thấp. Mặc dù kinh tế số có vai trò quan trọng trong nâng cao năng suất lao động, song hiểu biết của các doanh nghiệp và người dân Việt Nam về kinh tế số còn thấp. Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương cuối năm 2017 cho biết, còn 82% doanh nghiệp Việt Nam ngoài luồng của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chỉ có 21% trong số đó có những bước đi cụ thể ban đầu. Rào cản này đã làm hạn chế việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam, nên chưa tạo ra sự đột phá trong nâng cao năng suất lao động của nước ta.  

Hai là, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là chất lượng nhân lực phục vụ số hóa nền kinh tế còn thấp. Nguồn nhân lực là một trong các điều kiện tiên quyết giúp Việt Nam ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, qua đó nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay còn thấp. Đến năm 2018, cả nước vẫn còn 77,9% lao động không có chuyên môn kỹ thuật. Lao động CNTT - lĩnh vực liên quan trực tiếp đến chuyển đổi số cũng rất thiếu. Thống kê từ TopDev, trang tuyển dụng về công nghệ phần mềm cho thấy, nhu cầu nhân lực CNTT tăng, nhưng thị trường lao động lĩnh vực này tại Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng. Năm 2021, số lượng nhân lực CNTT cần là 500.000 người và thiếu hụt 190.000 người. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai. Trong đó, chỉ số nhân lực Việt Nam xếp thứ 70/100, chỉ số lao động có chuyên môn cao xếp thứ 81/100, chất lượng đại học xếp thứ 75/100, xếp thứ 90/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các chỉ số này thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực ASEAN, như: Malaysia (23/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo; 21/100 về nguồn nhân lực); Thái Lan tương tự (41/100 và 53/100); Philippines (59/100 và 66/100). Như vậy, Việt Nam đang thiếu đội ngũ lao động có trình độ tay nghề cũng như lao động chất lượng cao, nhất là nhân lực liên quan đến lĩnh vực số hóa nền kinh tế. Điều này đã làm hạn chế việc đưa nhanh số hóa, cũng như ứng dụng tiến bộ công nghệ vào nền kinh tế, nên năng suất lao động Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực. 

Ba là, vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ nói chung và lĩnh vực công nghệ số nói riêng thấp. Việc đầu tư vào các ngành sử dụng số hóa (ICT, thương mại điện tử, viễn thông, điện toán đám mây, CNTT,…) đòi hỏi vốn lớn, trong khi nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế thấp, khả năng hấp thụ vốn kém. Đối với đầu tư cho khoa học và công nghệ nói chung còn ở mức hạn chế, nên kinh tế Việt Nam vẫn cơ bản là nền kinh tế gia công với trình độ công nghệ thấp. Đối với lĩnh vực liên quan đến ứng dụng số hóa, giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã phê duyệt kinh phí 2.960 tỷ đồng từ ngân sách, tuy nhiên theo thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến kinh phí cấp chỉ khoảng 884 tỷ đồng, bằng 35% nhu cầu[2]. Vốn đầu tư ít khiến cho nền kinh tế khó tiếp cận được những cơ hội mang lại từ công nghệ số để thay đổi cách thức sản xuất dựa trên nền tảng tiến bộ khoa học công nghệ nên năng suất lao động của nước ta vẫn thấp.

Bốn là, hạ tầng CNTT - nền tảng của công nghệ số còn nhiều bất cập. Trước hết, hạ tầng CNTT chưa được đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ ở các địa phương. Việc phân bổ băng tần viễn thông phục vụ phát triển, hoàn thiện chất lượng dịch vụ 4G, tiến tới 5G chưa được phổ biến; Hạ tầng viễn thông, CNTT chưa đảm bảo bảo mật thiết yếu làm tăng nguy cơ bị tấn công mạng. Việt Nam vẫn là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử còn triển khai chậm. Ngày 22/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 714 về Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai, gồm: dân cư, đăng ký doanh nghiệp, đất đai, tài chính, bảo hiểm. Đến quý II/2021, các cơ quan chức năng đã cập nhật được hơn 1 triệu doanh nghiệp trên cả nước nhưng chưa có cơ chế chia sẻ, sử dụng cho nhiều hệ thống. Các cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý dân cư, đất đai, tài chính, bảo hiểm, y tế mới đang trong giai đoạn triển khai, sự tích hợp chung theo hệ thống còn hạn chế.

Năm là, thể chế cho nền kinh tế số chưa phù hợp. Hệ thống chính sách và khung khổ pháp lý còn nhiều điểm gây khó khăn cho doanh nghiệp mở rộng, phát triển kinh doanh. Chính sách thuế doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cung cấp dịch vụ đang còn nhiều bất cập, một số quy định liên quan đến CNTT, nhân lực để thực hiện chuyển đổi số, khuyến khích hơn nữa doanh nghiệp khởi nghiệp,… còn chưa theo kịp với thực tiễn. Chẳng hạn, internet là hạ tầng để triển khai rất nhiều dịch vụ trong nền kinh tế số, song hiện nay, chi phí vẫn còn cao, do phải chịu tới 3 loại chi phí (phí cung cấp dịch vụ viễn thông; quỹ dịch vụ viễn thông công ích; phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền). Bên cạnh đó là các vấn đề về sở hữu trí tuệ trên mạng, về đảm bảo an toàn an ninh thông tin mạng, về cơ chế phối hợp khi xảy ra sự cố công nghệ,... Những nút thắt này đang là rào cản làm cho nền kinh tế chưa tận dụng được thành quả của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (trong đó có ứng dụng công nghệ số vào sản xuất - kinh doanh), nên năng suất lao động chưa cao.

3.2. Một số khuyến nghị giải pháp

Kinh tế số có vai trò to lớn trong nâng cao năng suất lao động, song đến nay vẫn còn nhiều nút thắt làm hạn chế sự phát triển của kinh tế số, qua đó, chưa tạo ra sự đột phá trong nâng cao năng suất ở Việt Nam. Để tận dụng được vai trò to lớn của kinh tế số trong nâng cao năng suất lao động, Nhà nước cùng các cấp, các ngành cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp sau:

Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp về nền kinh tế số, vai trò và tầm quan trọng của nền kinh tế số, chỉ khi nhận thức được các cấp, các ngành, doanh nghiệp mới chú trọng biện pháp ứng dụng công nghệ số vào quản lý cũng như sản xuất - kinh doanh. Cần có sự đổi mới tư duy và sáng tạo, có cam kết mạnh mẽ và chỉ đạo quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ phải quyết liệt trong thực hiện Chính phủ điện tử; công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Có chế tài buộc chính quyền địa phương các cấp, các ngành phải xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ cơ sở dữ liệu; không ngừng khuyến khích thành lập doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh về lĩnh vực CNTT, hoặc dựa trên nền tảng số hóa.

Thứ hai, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế nói chung và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo nền kinh tế số. Trước hết, phải kiện toàn và nâng cao trình độ đội ngũ chuyên gia, giáo viên của các cơ sở đào tạo CNTT. Đổi mới nội dung chương trình đào tạo theo hướng cập nhật và ứng dụng thực tiễn nhằm kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn ứng dụng. Các cơ sở đào tạo phải đầu tư trang thiết bị, máy móc hoặc kết nối với doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực để phục vụ giảng dạy.

Công nghệ kỹ thuật số và giải pháp phục vụ chuyển đổi số nền kinh tế trên thị trường hiện đã sẵn sàng với rất nhiều lựa chọn, được cung cấp từ các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Vấn đề là kết nối được giữa sự hiểu biết về công nghệ kỹ thuật số và chuyển hóa thành ứng dụng, phát triển nền kinh tế số trong thực tiễn. Điều đó đòi hỏi phải đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực công nghệ kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu không chỉ ứng dụng, mà còn đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ số made by Vietnam, thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ nói chung và khoa học CNTT nói riêng. Ngân sách nhà nước phải đảm bảo chi đủ 2% cho khoa học công nghệ nói chung và nguồn chi cho CNTT đã được Thủ tướng phê duyệt. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích cũng như chế tài để doanh nghiệp, các chủ thể sản xuất - kinh doanh đầu tư vào nghiên cứu và triển khai, nâng mức từ 42% hiện nay lên 50% vào năm 2020 và 70% vào năm 2030. Bên cạnh đó, có cơ chế thu hút nguồn vốn đầu tư từ trong và ngoài nước vào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Công nghệ số và các mô hình kinh doanh mới ngày càng phát triển, đòi hỏi doanh nghiệp và Chính phủ phải nắm bắt và đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số để thích nghi, phát triển doanh nghiệp số, hình thành và phát triển nền kinh tế số trên tất cả các ngành, các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và phát triển Chính phủ số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và xây dựng quốc gia số.

Thứ tư, tích cực xây dựng hạ tầng số phục vụ nền kinh tế, hạ tầng số gồm có thiết bị, kết nối, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng, hạ tầng pháp lý và hạ tầng nhân lực. Trong đó, hạ tầng thiết bị là máy móc điện tử; hạ tầng dữ liệu là cơ sở dữ liệu, công nghệ, quy trình, cách vận hành cơ sở dữ liệu; hạ tầng ứng dụng là công cụ để khai thác dữ liệu đã có, một phần của công nghệ trí tuệ nhân tạo, của Big Data,… Xây dựng hạ tầng số cần phải đầu tư phát triển đồng bộ các yếu tố trên. Tiếp đó, xây dựng hạ tầng CNTT theo hướng đồng bộ và hoàn chỉnh ở tất cả các địa phương, tạo điều kiện cho việc kết nối thuận tiện, nhanh chóng và từng bước chuyển sang cung cấp, sử dụng dịch vụ 4G và 5G. Trong điều kiện mọi thiết bị đều được số hóa, kết nối internet, nên xây dựng hạ tầng số phải chú trọng tăng cường an ninh mạng, các đơn vị sử dụng cần thành lập trung tâm điều hành an ninh mạng để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý sớm sự cố xảy ra.

Thứ năm, xây dựng và hoàn thiện thể chế về nền kinh tế số theo hướng bình đẳng, minh bạch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho mọi chủ thể tham gia. Sửa đổi những quy định đang tạo ra sự phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa doanh nghiệp công nghệ số trong nước và ngoài nước. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất - kinh doanh hình thành nên các mô hình kinh doanh mới; tiếp tục chủ động rà soát và loại bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp (chi phí tiếp cận và sử dụng internet, bảo mật và an ninh mạng, sở hữu trí tuệ,…); xây dựng khung khổ pháp lý về chia sẻ cơ sở dữ liệu.

Nhận diện đúng những vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế chính trị học trong phát triển kinh tế số, nhằm gợi mở cả về lý luận và thực tiễn để sớm rút ngắn mục tiêu của con đường phát triển nền kinh tế số, xã hội số và xây dựng quốc gia số ở Việt Nam.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Thế Hải (2019). Thương mại điện tử Việt Nam tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Truy cập tại: https://baodautu.vn/thuong-mai-dien-tu-viet-nam-tiem-nang-nhat-khu-vuc-asean-d113704.html.

[2] Tác giả tổng hợp từ số liệu của Bộ Khoa học - Công nghệ các năm.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị - Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2019). Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
  2. Bộ Công Thương (2018). Chuyển đổi số nhằm phát triển Kinh tế số. Truy cập tại: http://moit.gov.vn/.
  3. Bộ Công Thương, Vụ Chính sách thương mại đa biên (2018). Chuyển đổi số nhằm phát triển Kinh tế số. Truy cập tại: http://moit.gov.vn/.
  4. Bạch Dương (2017). Doanh nghiệp du lịch, nông nghiệp, kinh tế số chưa hết “khổ” vì rào cản chính sách. Truy cập tại: http://vneconomy.vn.
  5. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB - VNU) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam tổ chức ngày 29/5/2019, Hà Nội. Hội thảo:“Công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019”.
  6. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Trung tâm Thông tin - Tư liệu (3/2018). Chuyên đề số 3: Mức độ sẵn sàng tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam: So sánh với trường hợp của Trung Quốc, Hà Nội.
  7. Thế Hải (2019). Thương mại điện tử Việt Nam tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Truy cập tại: https://baodautu.vn/thuong-mai-dien-tu-viet-nam-tiem-nang-nhat-khu-vuc-asean-d113704.html .

8.     Thu Hằng (2021), Ngành công nghệ thông tin tiếp tục 'khát' nhân lực, Báo Thanh niên điện tử, Truy cập tại https://thanhnien.vn/nganh-cong-nghe-thong-tin-tiep-tuc-khat-nhan-luc-post1039453.html

 

 

SOME ECONOMIC POLITICAL SUGGESTIONS ABOUT THE DIGITAL ECONOMIC DEVELOPMENT IN VIETNAM

Ph.D TRUONG NAM TRUNG

Institute of Political Economy, Ho Chi Minh National Academy of Politics

ABSTRACT:

This paper presents the application of digital technology to promote economic restructuring in order to increase labor productivity based on high technologies, optimze the use of resources, and strengthen endogenous capacities of the economy. Based on the paper’s findings, five solutions are proposed, including: Raising awareness about the digital economy; Improving the quality of human resources; Increasing investment in science and technology; Building digital infrastructure; Perfecting the institution of the digital economy towards equality and transparency.

Keywords: political economy, digital economy, economic development, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 24, tháng 10 năm 2021]